Mô hình câu lạc bộ: Mạch nguồn trong giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên
Là một trong những tập thể xuất sắc được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định 1501/QĐ-TT, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã cho thấy hiệu quả rõ nét từ mô hình hoạt động CLB.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân tham gia chương trình khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.
Nuôi dưỡng nhiệt huyết, bản lĩnh sinh viên
Ông Nguyễn Hoàng Hà- Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định: Cùng với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường luôn xác định nhiệm vụ củng cố, xây dựng tổ chức là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng một môi trường lành mạnh, thân thiện cho đoàn viên – sinh viên sinh hoạt; góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, vun đắp những ước mơ, hoài bão cao đẹp, từ đó giúp sinh viên xác định được động cơ, thái độ và phương pháp đúng đắn trong học tập, rèn luyện.
Để bắt nhịp cùng với sự phát triển của xã hội, cũng như bám sát mục tiêu giáo dục toàn diện cho sinh viên, hiện nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã thành lập rất nhiều Câu lạc bộ (CLB) để sinh viên tham gia sinh hoạt. Trong đó có 15 CLB, tổ, đội trực thuộc Đoàn thanh niên, 25 CLB, tổ, đội trực thuộc Hội Sinh viên và 20 CLB trực thuộc các Khoa, Liên chi đoàn được chia thành 3 mảng hoạt động chính: Tình nguyện, học thuật và sở thích, chuyên môn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao Bằng khen cho Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, các CLB, tổ, đội mảng tình nguyện là môi trường để sinh viên thể hiện sức trẻ, lòng nhiệt huyết muốn giúp đỡ mọi người và làm việc có ích cho xã hội.
Trong nhiều năm, các CLB, tổ, đội mảng tình nguyện trực thuộc Đoàn thanh niên và Hội Sinh viên trường đã để lại nhiều hình ảnh đẹp trong mắt người dân địa phương như hoạt động hỗ trợ tại các điểm bệnh viện, nhà chùa trên địa bàn TP Hà Nội hay hoạt động tình nguyện tại các địa phương khác vào mỗi dịp hàng năm như: Đông ấm, Tết yêu thương, chiến dịch thanh niên tình nguyện, mô hình lớp học tình nguyện…
Các CLB, tổ, đội mảng học thuật là những đơn vị đi đầu trong công tác tổ chức những hoạt động đào tạo, rèn luyện kiến thức, kỹ năng mềm tạo môi trường tốt cho các bạn sinh viên có thể phát huy được khả năng của mình.
Trong đó, CLB Dynamic NEU hàng năm tổ chức thành công nhiều hội thảo lớn nhỏ về khởi nghiệp cho sinh viên hay Liên chi hội Đầu tư luôn được nhắc tới khi tổ chức rất thành công “ Cuộc thi khởi nghiệp I-startup” hàng năm, thu hút được đông đảo sinh viên trẻ có bản lĩnh, sáng tạo và mong muốn khởi nghiệp.
Trao thưởng cho sinh viên tích cực nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được đẩy mạnh thông qua CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học YES, tạo nên một cộng đồng lớn mạnh cho các bạn trẻ có đam mê nghiên cứu khoa học cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Video đang HOT
Các CLB, tổ, đội mảng sở thích, chuyên môn như: MC Thuyết trình, Phong cách Sinh viên, Đội truyền thông Youth NEU Media, Ban Đối ngoại HSSV, Ban Chương trình & Hỗ trợ Sự kiện, CLB Âm nhạc MEC… là cơ hội để sinh viên thể hiện sở thích cũng như trau dồi những kỹ năng để phát triển điểm mạnh của bản thân.
Nhân lên sức mạnh đoàn viên- sinh viên
Là mạch nguồn cho các phong trào, hoạt động lành mạnh, bổ ích, các CLB tiếp tục là “kênh” giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống, đạo đức cho đoàn viên- sinh viên được Trường ĐH Kinh tế quốc dân đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Hà chia sẻ: Phong trào “Sinh viên 5 tốt” sẽ tiếp tục được nhân rộng với nhiều hình thức như: diễn đàn trên mạng xã hội, trang tin điện tử, ngày hội “Sinh viên 5 tốt”; thiết kế poster tuyên truyền, các sản phẩm bút, vở, lịch, sổ tay; tuyên truyền thông qua tuần sinh hoạt công dân, chuyên san của nhà trường.
Các CLB, tổ, đội vào cuộc đổi mới, hình thành nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh của sinh viên qua triển khai các hoạt động tìm hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, hướng về biển đảo…
Những hoạt động định hướng giá trị, đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức công dân, chấp hành pháp luật cho sinh viên được tổ chức thường xuyên, rộng khắp. Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” triển khai theo từng CLB, góp phần định hướng sử dụng mạng xã hội tích cực cho sinh viên.
Cùng với đó, việc phát triển các CLB, tổ, đội, nhóm, tập thể sinh viên tự học, nghiên cứu khoa học được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn thanh niên và Hội Sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhằm tập hợp sinh viên, thúc đẩy tinh thần thi đua học tập và nghiên cứu, tạo không gian để sinh viên trao đổi kiến thức, giáo trình, tài liệu học tập.
Để ghi nhận thành tích của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020″, Bộ GD&ĐT đã đã ban hành Quyết định số 1284 tặng Bằng khen cho 48 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án.
"Toàn ngành giáo dục cần gạt bỏ những gì hình thức, không thực chất"
"Toàn ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục đổi mới, gạt bỏ những gì hình thức, không thực chất", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Đề xuất đề án về khơi dậy lý tưởng sống, khát vọng cống hiến của giới trẻ
Ngày 11/5, Bộ GD&ĐT và T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015- 2020".
Quyết định số 1501/QĐ-TTg được ban hành nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giúp thế hệ trẻ Việt Nam bồi đắp tình yêu gia đình, đất nước, kiên định với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ có ý thức tuân thủ pháp luật, năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động; trở thành những người công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tại hội nghị, TS. Ngô Thị Minh- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết sau 5 năm, với sự quan tâm Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, gia đình, nhà trường và toàn xã hội, sự phối hợp triển khai của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, công tác này đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội.
Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục được triển khai ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo và trong các hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên. Nhiều tấm gương thanh thiếu nhi, học sinh sinh viên (HSSV) sống đẹp, vượt khó học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đã bổ sung, thay thế nội dung giáo dục đạo đức trong chương trình giáo dục hiện hành.
Công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cán bộ làm công tác Đoàn, Hội, Đội được tăng cường; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, HSSV đạt kết quả bước đầu.
Cảnh quan, môi trường giáo dục từng bước được cải thiện theo định hướng an toàn, thân thiện, dân chủ, kỷ cương, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng văn hóa học đường.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án còn một số hạn chế cần khắc phục, như về mức độ quan tâm, đầu tư, triển khai của một số bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT về giáo dục đạo đức, lối sống; hoạt động giáo dục, vận động, thi đua, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ... ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn mang tính áp đặt, hình thức; tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho HSSV trên môi trường mạng chưa được triển khai, gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính...
Trong khi đó, những xu hướng, trào lưu mới có dấu hiệu lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm nảy sinh và gia tăng những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
Giai đoạn 2021- 2025 mở ra nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức. Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án giai đoạn tiếp theo với quan điểm tiếp tục tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và khơi dậy trong thanh niên, HSSV khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, luôn nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; có tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh báo cáo tổng kết triển khai Đề án 1501
Tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã thống nhất cao với dự thảo báo cáo. Anh Bùi Quang Huy đánh giá trong 5 năm qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với T.Ư Đoàn và các bộ, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện Quyết định 1501 và đạt kết quả đáng trân trọng. Trong đó, Đoàn thanh niên và các tổ chức thanh niên do Đoàn làm nòng cốt đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Một trong những kết quả nổi bật của Đoàn thanh niên là đổi mới phương pháp giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua công cụ hiện đại bắt nhịp tâm tư nguyện vọng, trào lưu, xu hướng mới của thanh thiếu nhi. Đặc biệt, giáo dục thông qua phong trào hành động cách mạng là phương thức giáo dục trung tâm, đạt hiệu quả cao.
"Có thể nói, các phong trào, chương trình đã đáp ứng sát nhu cầu của thanh niên và yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, được thanh niên đón nhận, tham gia tích cực, góp phần phát triển thanh niên toàn diện", anh Bùi Quang Huy nói. Đồng thời, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn thống nhất cao giải pháp Bộ GD&ĐT nêu ra, trong đó tiếp tục xây dựng đề án mới, với việc bổ sung nội dung nêu cao hoài bão, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ, theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Ông Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Toàn ngành giáo dục gạt bỏ hành động không thực chất, hình thức
Trong phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý, cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên nhi đồng trong thời gian tới, bởi đây là một việc hệ trọng, lâu dài, cho hiện tại và cả cho tương lai, là một phần của công việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cũng là một phần quan trọng cần đổi mới và thực hiện tốt trong định hướng nâng cao chất lượng GD&ĐT mà toàn ngành đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới. Sự đổi mới trong công tác này, theo Bộ trưởng, cần bao hàm cả về nhận thức và hành động, về phương pháp và nội dung, quan điểm và cách thức, quy mô và chiều sâu, số lượng và chất lượng.
Ghi nhận những ý kiến đề xuất, giải pháp đưa ra tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý thêm một số nội dung cơ bản, trong đó, cần tăng cường giáo dục ý thức chấp pháp.
Việc giáo dục ý thức pháp luật, tinh thần thực thi pháp luật phải được coi là một khâu mang tính nền tảng, là xuất phát và chỗ dựa cho triển khai giáo dục khác. Trong các quy phạm pháp luật đã hàm chứa yếu tố của đạo đức, giá trị, văn hóa, ở mức nền tảng, trên cơ sở đó bồi đắp các giá trị khác.
Trong thời đại ngày nay, giáo dục không chỉ thích ứng với đào tạo nhân lực cho Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà cần phải nhận diện, vun đắp, kiến tạo cả các giá trị mới và những giá trị cũ đang được làm mới.
Theo đó, những giá trị Chân - Thiện - Mĩ trong thời kỳ chuyển đổi số không hoàn toàn giống Chân - Thiện - Mĩ của thời kỳ truyền thống. Đạo đức số, đạo đức mạng xã hội, lối sống số, đạo đức của kết nối và chia sẻ cần nhận diện, tác động cho trúng và đúng. Đặc biệt, các giá trị đạo đức cần phải ở dạng để đưa ra trong hành vi, thấm nhuần trong hành động chứ không chỉ là các quy định.
"Đối với giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, làm thế nào để thầy thích dạy, trò thích học, trò mong muốn làm theo, mong muốn các giá trị đó trở thành niềm tự hào của chính con người mình", Bộ trưởng nói.
Đồng thời, tư lệnh ngành giáo dục cũng lưu ý, sự cần thiết của việc sử dụng các phương tiện hiện đại trong công tác này và đổi mới học tập và giảng dạy các môn lý luận chính trị.
Bộ trưởng cho biết, trong các năng lực, phẩm chất của học sinh phổ thông đến đại học, Bộ GD&ĐT sẽ đặc biệt quan tâm đến yêu cầu phát triển một lớp người sống chí hướng, có ý chí, khát vọng, có trách nhiệm. Đây là tiền đề để thực hiện một yêu cầu rất quan trọng của Đại hội Đảng thứ XIII, là khơi dậy khát vọng dân tộc, trách nhiệm đối với đất nước, với nhân loại.
Điều này gắn bó chặt chẽ với phương pháp triển khai đi từ nhỏ đến lớn, từ con người cụ thể cho đến cộng đồng. Bởi nếu mỗi cá nhân thiếu ý chí, chí hướng, khát vọng lành mạnh thì không thể có một thế hệ giàu khát vọng phát triển đất nước.
"Ngành GD&ĐT sẽ đưa nội dung này vào chương trình hành động của ngành. Toàn ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục đổi mới, gạt bỏ những gì hình thức, không thực chất, để làm công việc này tốt hơn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Khẳng định giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống là một quá trình liên tục, đồng thời không phải là câu chuyện của riêng ngành GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn nhận được sự phối hợp hỗ trợ của các bộ ban ngành trung ương.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các đồng chí lãnh đạo địa phương, Sở GD&ĐT, các thầy cô - những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, nhằm vừa nhận thức đủ, vừa có phương pháp thích hợp để từng người góp sức vào sự nghiệp lớn này.
"Bởi vì tạo dựng ra một con người là công việc của tất cả chúng ta, không một ai đứng ngoài cả", Bộ trưởng nói.
Ảnh : Bộ GD-ĐT
Khởi động Social Innovation Launch 2021 - Sân chơi sáng tạo dành cho sinh viên Ngày 5/5, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo phát động cuộc thi Social Innovation Launch 2021. Cuộc thi do Youth kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp và Chuyển giao Tri thức Đại học Quốc gia Hà Nội (CSK - VNU) tổ chức với tổng giá trị giải thưởng lên tới 200 triệu đồng. Ông Đỗ Thành Đạt,...