Mô hình bán trú, đòn bẩy phát triển giáo dục vùng khó Mường Tè
Nhờ chính sách ưu việt của chế độ bán trú, con em đồng bào các dân tộc có được nơi ăn học ổn định, được trang bị kỹ năng sống
Là huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, điều kiện kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu luôn xác định đầu tư cho giáo dục là hướng ưu tiên hàng đầu. Nhờ chính sách ưu việt của chế độ bán trú, con em đồng bào các dân tộc có được nơi ăn học ổn định, được trang bị kỹ năng sống, giúp các em yên tâm học tập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Từ chính sách ưu việt của mô hình bán trú, con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện biên giới Mường Tè có thêm điều kiện, động lực đến trường, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Vàng San – xã khó khăn của huyện đặc biệt khó khăn Mường Tè là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Mảng, Thái và La Hủ, người dân thường thiếu đói vào mùa giáp hạt. Lo ăn từng bữa, khiến đường đến trường của con em các hộ gia đình nơi đây những năm trước cũng gặp nhiều trắc trở.
Từ khi mô hình bán trú được áp dụng rộng rãi trên địa bàn, con em đồng bào địa phương đã có nơi ăn nghỉ để học tập, chia sẻ bớt một phần gánh nặng kinh tế cho gia đình. Học sinh không phải theo cha mẹ đi nương như trước nên tỷ lệ chuyên cần cũng tăng theo từng năm học.
Thầy giáo Nguyễn Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Vàng San cho biết: Năm học này nhà trường có gần 260 học sinh, trong đó có hơn 100 em được hưởng chế độ bán trú. Cùng với chế độ chính sách, nhà trường còn tổ chức tăng gia như nuôi gà, vịt và trồng rau xanh nên đã góp phần cải thiện thêm bữa ăn cho học sinh.
“Đưa các em từ nhà về các thầy, các cô phải lên lịch kế hoạch hoạt động, phân công lịch trực đối với các thầy giáo, cô giáo và đối với nhân viên trong đơn vị trường, để đảm bảo các em được chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo chế độ các em được thụ hưởng. Và tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ, các hoạt động rèn kỹ năng sống cho các em học sinh, coi các em như là con em của mình. Vì các em ăn ở, sinh hoạt tại trường thì buổi tối các thầy, cô giáo cũng lên quản các em học buổi tối, dạy thêm cho các em”.
Năm học 2019 – 2020, huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 18 trường tổ chức mô hình bán trú, với trên 3.700 em học sinh, ở 3 cấp học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng mỗi khi có chương trình, dự án mới, chính quyền địa phương đều ưu tiên cho công tác bán trú. Nhờ đó nhà bán trú, nhà ăn và các trang thiết bị khác luôn được bổ sung.
Video đang HOT
Nhờ mô hình bán trú, tỷ lệ chuyên cần của học sinh các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn Mường Tè tăng cao hàng năm, chất lượng giáo dục phát triển bền vững hơn.
Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Quy mô trường, lớp và số lượng học sinh, nhất là học sinh bán trú ngày càng tăng. Để đảm bảo cuộc sống cho học sinh bán trú, ngành đã chỉ đạo các trường phân công cho các giáo viên xây dựng lịch sinh hoạt, học tập hàng ngày cho từng học sinh. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, giáo viên thường xuyên gần gũi, thân thiện, giúp đỡ các em trong sinh hoạt, qua đó nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của học sinh để giúp các em yên tâm học tập.
“Thời gian tới chúng tôi tập trung vừa nuôi dưỡng, chăm sóc và nâng cao việc rèn kỹ năng sống cho các em. Đầu tiên là chúng tôi bồi dưỡng cho các thầy cô có tinh thần trách nhiệm và có năng lực để hướng dẫn cho các em những nội dung, hoạt động nâng cao kỹ năng sống. Đối với công tác bán trú, nội trú thì phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh để cùng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, nâng cao chất lượng tổng thể cho các em”.
Với việc ưu tiên cho cơ sở vật chất bán trú, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, ngành giáo dục huyện Mường Tè luôn đứng tốp đầu về tỷ lệ học sinh chuyên cần của tỉnh Lai Châu. Không chỉ được học tập về kiến thức chương trình học, qua mô hình bán trú, học sinh trên địa bàn còn được rèn luyện kỹ năng sống, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương./.
Hình ảnh xúc động về tấm lòng người thầy ở Thu Lũm
Các thầy cô Trường THCS Thu Lũm (huyện Mường Tè, Lai Châu) không để học trò vì đường xa, khó khăn mà phải bỏ học.
Một góc Thu Lũm. Ảnh: Duy Nguyễn.
Trường THCS Thu Lũm nằm ở trung tâm xã Thu Lũm thuộc huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Xã này không chỉ nằm trong danh sách những xã khó khăn nhất mà còn là xã xa trung tâm huyện nhất.
Từ trung tâm thị trấn huyện Mường Tè lên đến trung tâm xã Thu Lũm phải đi mất nửa ngày đường với gần 100km.
Các thầy giáo khiêng xe qua suối. Ảnh: Duy Nguyễn.
Khó khăn là vậy nhưng thầy cô giáo Trường THCS Thu Lũm (hầu hết từ dưới xuôi lên) vẫn kiên trì bám trường, bám bản dậy chữ cho các em. Trường THCS Thu Lũm có 227 học sinh, trong đó hầu hết là con em của đồng bào thiểu số.
Các thầy giáo sửa xe sau khi qua suối để tiếp tục hành trình đón học sinh. Ảnh: Duy Nguyễn.
Việc tới trường của các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là học sinh ở bản Là Si và Á Chè. Từ trường đến những thôn bản này khoảng 17-18km. Cả hai bản đã có đường vào nhưng khi mưa xuống đất cầy lên, lầy lội.
Thời điểm nước to, các thầy giáo dùng gậy tre qua suối, tránh bị nước cuốn trôi. Ảnh: Duy Nguyễn.
Cuối tuần, các em học sinh được nghỉ để về nhà, tới đầu tuần thì lại tới lớp. Tuy nhiên, có những đợt mưa lũ, các em tới trường phải lội qua suối rất nguy hiểm nên thầy cô Trường THCS Thu Lũm phải tới từng nhà đón học sinh cho an toàn.
Nếu không làm vậy, nguy cơ các em bỏ học là rất cao bởi, đây hầu hết là con em của bà con người dân tộc La Hủ nên nhận thức còn hạn chế. Ở trường các em không chỉ được học mà còn được chăm sóc với điều kiện tốt khi ở bán trú.
Cầu treo vào bản Là Si bị hỏng từ năm 2018 nên con đường duy nhất là lội qua suối. Ảnh: Duy Nguyễn.
Đưa được các em đến trường là niềm vui của các thầy cô trường THCS Thu Lũm. Ảnh: Duy Nguyễn.
Mùa mưa ở Thu Lũm đi lại rất khó khăn. Ảnh: Duy Nguyễn.
Học sinh Mường Tè (Lai Châu) ngày trở lại trường: chân trần đi bộ đến lớp, ngoan ngoãn nghe lời cô giáo Trước ngày trở lại trường, giáo viên huyện Mường Tè đã phải đến từng nhà thuyết phục các em học sinh đi học trở lại. Công tác chuẩn bị phòng chống dịch cũng gặp nhiều khó khăn. Ngày 4/5, đã có gần 107 nghìn em học sinh từ bậc tiểu học đến giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện Mường Tè (Lai...