Minh bạch sách giáo khoa
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), bắt đầu từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện Chương trình GDPT 2018 với SGK mới.
Hiện các địa phương trên cả nước đang khẩn trương lựa chọn SGK bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch, chất lượng, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong lựa chọn SGK, vai trò của giáo viên rất quan trọng.
Khẩn trương lựa chọn sách
Tại Hà Nội, trong những tuần vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo tới các phòng giáo dục và đào tạo về danh mục SGK; xây dựng kế hoạch lựa chọn sách; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu SGK lớp 2 theo hình thức trực tuyến.
Bà Vũ Thúy Hiền- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội cho biết: Ngay từ tháng 2, nhà trường đã yêu cầu 100% giáo viên trong trường phải tự tìm hiểu, nghiên cứu, và có những ý kiến đóng góp về SGK.
“Về ưu điểm, tôi thấy hầu hết các bộ SGK đều mang tính kế thừa SGK hiện hành, hấp dẫn với các kênh hình kênh chữ đẹp, tạo hứng thú cho học sinh, đồng thời phân hoá theo chủ đề giúp giáo viên linh hoạt trong dạy học. Đặc biệt, với nội dung các đầu sách Tiếng Việt lớp 2, các tác giả viết các bài đọc rất gần gũi, dễ hiểu, có tính giáo dục cao. Về hạn chế, một số đầu sách có kênh hình hơi nhiều, gây rối, nội dung yêu cầu của một số môn hơi cao so với học sinh lớp 2. Tôi mong những ý kiến đóng góp trên được đến tay những tác giả, để các tác giả tham khảo và chỉnh sửa kịp thời trước khi bộ SGK đến tay học sinh trong năm học tới”.
Theo bà Hiền, trong việc chọn SGK, vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng. Bởi giáo viên là người trực tiếp đứng lớp, chịu trách nhiệm về chất lượng chuyên môn giảng dạy của mình. Giáo viên cũng là người hiểu về nội dung dạy và học nhất, nắm bắt được tâm sinh lý, lứa tuổi của học sinh – phù hợp với mức độ nào. Do vậy, những ý kiến của giáo viên là ý kiến gần nhất, xác đáng nhất.
“Khi đánh giá, lựa chọn bộ SGK, với cương vị là lãnh đạo nhà trường, tôi yêu cầu giáo viên của mình phải nghiêm túc, đọc thật kỹ và thẳng thắn trao đổi, thấy danh mục nào chưa phù hợp thì phản biện ngay, không lựa chọn theo cảm tính. Chính vì vậy, vai trò của giáo viên là nghiên cứu kỹ SGK, khi lựa chọn phải khách quan, công bằng, đúng pháp luật, chịu trách nhiệm khi đặt bút, bỏ phiếu cho đầu SGK mà mình đã chọn. Nhà trường giao cho tổ chuyên môn tập hợp những ý kiến, lựa chọn của giáo viên, yêu cầu giáo viên phải đọc lại, xem lại, phải nghiên cứu kỹ, sau đó, có những buổi họp đánh giá, bỏ phiếu kín, lựa chọn đầu SGK. Theo tôi, giáo viên chính là những người chọn công tâm nhất, giúp cho những nhà lãnh đạo có cái nhìn chính xác nhất về các bộ SGK mới”- bà Hiền khẳng định.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo kế hoạch, việc lựa chọn SGK năm học 2021-2022 sẽ được công bố kết quả vào cuối tháng 3. Quy trình lựa chọn cũng được thực hiện cẩn trọng: Từ giữa tháng 2 đến tháng 3, các cơ sở giáo dục tự nghiên cứu, thảo luận và đề xuất lựa chọn SGK. Các trường tiểu học, THCS gửi kết quả về phòng giáo dục để phòng tổng hợp gửi về Sở…
Để học sinh được học sách tốt nhất
Video đang HOT
Dù trách nhiệm trong việc lựa chọn SGK thuộc về lãnh đạo trường hay lãnh đạo địa phương, thì điều phụ huynh quan tâm nhất là con em họ phải được học bộ SGK tốt nhất. Khi thực hiện một chương trình nhiều SGK thì cạnh tranh bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có một thị trường SGK lành mạnh.
Nói về điều này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: Nghị quyết 88 đã quy định giáo viên là người lựa chọn, theo Luật Giáo dục là giao cho chính quyền địa phương là người lựa chọn. Nghe qua thì có vẻ khác nhau nhưng theo tôi thực chất là một. Bởi cơ bản nhất, giáo viên là người dạy, nghiên cứu sâu sắc thì việc lựa chọn là phù hợp. Còn về chính quyền địa phương, năm trước không giao trách nhiệm cuối cùng vẫn tập hợp ý kiến giáo viên để “đặt hàng” sách. Vì vậy, năm nay giao trực tiếp thì địa phương sẽ có trách nhiệm hơn. Cụ thể là thành lập hội đồng để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng về việc lựa chọn bộ sách phù hợp.
Theo ông Nhĩ, với sách lớp 2 và lớp 6, giáo viên đã được đi tập huấn giới thiệu và các tác giả trong quá trình biên soạn sách cũng đã dạy thử ở các địa phương, số tiết dạy chiếm tới 10% số tiết quy định của Bộ GDĐT. Trong quá trình giới thiệu sách, có cả bản cứng để các giáo viên địa phương xem xét lựa chọn. “Vì vậy, theo tôi, trước hết muốn làm bộ sách tốt thì tác giả rất là quan trọng. Giáo viên và chính quyền địa phương sẽ xem xét và đưa ra ý kiến. Từ đó, các nhà biên soạn sẽ xem xét sửa chữa, bổ sung và chính quyền địa phương sẽ quyết định bộ sách phù hợp”- ông Nhĩ nói.
Đây cũng là quan điểm của bà Nguyễn Thị Mai Hoa- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Chúng ta đưa ra cơ chế xã hội hoá SGK cũng bởi mục tiêu phấn đấu để có bộ SGK tốt nhất. Việc làm sao để chúng ta có bộ SGK tốt nhất đến với học sinh mà tránh được tiêu cực trong khâu chọn sách là vấn đề chúng ta phải đặt ra.
Theo bà Hoa, để tránh được những tiêu cực này, chúng ta phải nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết là khâu biên soạn, sau một năm triển khai SGK lớp 1 cho thấy, chính giáo viên học sinh qua thực tế, giảng dạy là kênh khẳng định rõ nhất cuốn sách nào có thể đưa vào thực tiễn. Vì vậy các tác giả phải rất quan tâm đến điều này. Không thể có kênh nào ủng hộ nếu không qua được sự lựa chọn của học sinh và giáo viên. Thứ hai là khâu thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia. Rõ ràng với trách nhiệm cao nhất, với tinh thần làm việc của mình thì những bộ sách đã qua được sự thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia thì chúng ta nên tin tưởng. Chắc chắn những cuốn sách này phải đảm bảo chất lượng.
Nhưng vấn đề đặt ra tiếp nữa là sách hay, sách có chất lượng chưa chắc đã được giáo viên lựa chọn. Bởi ngoài hay, chất lượng thì cũng phải dễ hiểu để giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học… Những yếu tố này sẽ đảm bảo sự công khai, minh bạch để đưa bộ SGK tốt nhất đến với học sinh.
*Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, làm căn cứ để các địa phương triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với học sinh lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022. Điểm mới so với chương trình hiện hành chỉ có một bộ SGK, Chương trình GDPT 2018 có nhiều bộ SGK. Bộ đã phê duyệt danh mục 32 SGK lớp 2 và 40 SGK lớp 6 sử dụng trong các cơ sở GDPT.
*Theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội, việc lựa chọn SGK là thẩm quyền của mỗi nhà trường. Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực vào tháng 7/2020 quy định: Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn. Hiện các giáo viên, các nhà trường đang tiến hành lựa chọn SGK, làm căn cứ để địa phương đưa ra quyết định.
Lựa chọn SGK bảo đảm minh bạch, công khai, để có được bộ sách tốt nhất
Chiều 10/3, tọa đàm trực tuyến do Báo Lao động tổ chức có chia sẻ về hoạt động lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 cho năm học 2021-2022.
Ảnh minh họa/ INT
Không bị động
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết: Dù có sự thay đổi trong thẩm quyền lựa chọn (Thông tư 01 theo Nghị quyết 88 giao quyền chọn sách cho cơ sở giáo dục; Thông tư 25 theo Luật Giáo dục 2019 thầm quyền chọn sách là UBND tỉnh), nhưng ngành Giáo dục đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Theo đó, Thông tư 01 được xây dựng cùng lúc với việc dự thảo Thông tư 25. Do đó, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, ngay lập tức có Thông tư 25 ra đời, thay thế Thông tư 01. Quá trình triển khai, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng rất bài bản.
Nhận định của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, hiện các địa phương đang thực hiện đúng theo quy trình do Bộ GD&ĐT quy định. Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chuyên môn, giáo viên, phụ huynh để có đề xuất lựa chọn SGK phù hợp nhất.
Để đưa được bộ SGK tốt nhất, phù hợp nhất đến với học sinh, tránh tiêu cực trong chọn SGK cũng phải đặt ra. Nhấn mạnh điều này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ những "bộ lọc" bảo đảm có SGK chất lượng.
Theo đó, thực tế gần 1 năm triển khai chương trình mới với lớp 1 là kênh khẳng định rõ nhất bộ SGK nào có thể đi vào thực tiễn - khâu biên soạn các tác giải sẽ phải rất quan tâm việc này.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định quốc gia với trách nhiệm, tinh thần làm việc cao nhất, qua sự lựa chọn của Hội đồng thì đương nhiên chúng ta phải có niềm tin sách đã bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, sách hay, chất lượng chưa hẳn đã là sách giáo viên chọn, vì SGK phải phục vụ việc dạy học, giúp giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học...
Tất cả những yếu tố này sẽ giúp việc lựa chọn SGK bảo đảm minh bạch, công khai, để có được bộ sách tốt nhất đến với học sinh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.
Là Phó Hiệu trưởng, Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội), bà Vũ Thúy Hiền thông tin: 100% giáo viên trong trường, không chỉ giáo viên dạy lớp 2, đều phải nghiên cứu các bộ SGK mới được phê duyệt. Trong tháng 2, khi học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, thầy cô vừa dạy trực tuyến, vừa tự nghiên cứu SGK trên bản mềm.
Là người trực tiếp đứng lớp, những ý kiến của giáo viên là gần nhất, xác đáng nhất, giúp lãnh đạo có được sự nhìn nhận chính xác về SGK mới. Khi triển khai trong trường, giáo viên được yêu cầu phải nghiêm túc, đọc thật kỹ và đưa ý kiến mạnh dạn, thẳng thắn, khách quan. Đồng thời, chịu trách nhiệm khi đặt bút bỏ phiếu cho đầu sách mà mình lựa chọn.
Lãnh đạo nhà trường cũng luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến giáo viên để có quyết định phù hợp nhất trước khi gửi lựa chọn của trường lên cấp cao hơn.
"Khi tiếp cận SGK mới, tôi thấy ưu điểm chung là hầu hết các bộ SGK đều có kế thừa từ SGK hiện hành; đồng thời thay đổi cấu trúc bài học nhằm hình thành, phát triển năng lực học sinh. Các bộ sách cũng rất hấp dẫn với kênh chữ, kênh hình đẹp, rõ ràng. Nội dung sách phân theo chủ đề nên giáo viên có thể linh hoạt trong dạy học.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ lớp 1, SGK tiếng Việt lớp 2 sử dụng các bài đọc rất gần gũi, dễ hiểu, có tính giáo dục cao, nên chắc chắn học sinh sẽ rất thích thú. Tuy vậy, có sách kênh hình hơi nhiều dẫn đến học sinh có thể tập trung nhiều vào hình ảnh mà lơ đãng bài giảng..." - bà Vũ Thúy Hiền chia sẻ.
Bà Vũ Thúy Hiền, Phó Hiệu trưởng, Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm.
Phản hồi tích cực sau học kỳ sử dụng sách giáo khoa lớp 1
Nhận định về việc chương trình, sách giáo khoa mới sau gần 1 năm chính thức triển khai ở lớp 1, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 88 trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả; dù tiến độ hơi trễ nhưng chúng ta ưu tiên chất lượng.
"Cái được lớn nhất là lần đầu tiên chúng ta đã xây dựng được chương trình trước khi xây dựng các bộ SGK - điều này có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, cách tiếp cận cũng thay đổi khi chương trình là pháp lệnh và SGK chỉ là ngữ liệu, từ đó triển khai theo hướng có một số SGK cho 1 môn học.
Quan điểm này thay đổi cách nhìn của chúng ta và kết quả là đã thực hiện được xã hội hóa trong biên soạn SGK. Tất nhiên, quá trình triển khai thực hiện, vì có nhiều cái mới nên có lúng túng là không tránh khỏi..." - bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ.
Từ thực tế triển khai tại nhà trường sau 3/4 quãng đường, bà Vũ Thúy Hiền cũng có những đánh giá tích cực. Theo đó, khi quay trở lại trường sau một thời gian tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, các học sinh đều tiếp cận kiến thức mới rất tốt. Bên cạnh hiện đã đọc, viết khá thông thạo, học sinh lớp 1 còn rất tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn, rèn luyện tốt các phẩm chất nhân ái, chăm chỉ, trách nhiệm... "Đó là điều hơn hẳn so với những năm trước." - cô Hiền cho hay.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục phát biểu tại tọa đàm.
Theo dõi sự thay đổi chương trình, SGK theo Nghị quyết 88, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, qua một học kỳ có thể thấy học sinh vui học, giáo viên cũng vui dạy. Dù chưa xong lớp 1, nhưng nhiều học sinh đã đọc sách rất tự tin.
Thạc sĩ Từ Thúy Quỳnh - Phó trưởng Phòng Thông tin dư luận Xã hội, Viện dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương - cũng cảm thấy an tâm với tư cách là phụ huynh sau một thời gian thực tiễn đổi mới.
Bà Quỳnh kỳ vọng SGK mới sẽ tinh gọn, không ôm đồm quá nhiều kiến thức, theo hướng để học sinh có hứng thú trong học tập, đặt học sinh là trung tâm, có phương pháp giáo dục đa chiều, tạo cho học sinh sự chủ động tích cực tham gia. Từ đó, học sinh không chỉ được cung cấp kiến thức, mà còn hình thành một phẩm chất, năng lực của một công dân toàn cầu.
Lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6: Mong rằng hết sạn Tuần qua, một sự kiện được đông đảo người dân quan tâm, đó là việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2021 - 2022 đã được khởi động. Ảnh minh họa Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên...