Minh bạch chất lượng giáo dục đại học
Sau mỗi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, cùng với công tác tuyển sinh, chất lượng của giáo dục đại học luôn là mối quan tâm đặc biệt của các phụ huynh. Không ít người băn khoăn, lo ngại về vấn đề minh bạch trong xếp hạng chất lượng đào tạo đại học. Và trong bối cảnh kinh tế tri thức đang giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển cuộc sống, thì mối quan tâm đó cần được coi trọng.
Ảnh minh họa
Không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, tỷ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng và hiện tượng thất nghiệp sau khi ra trường hoặc phải làm trái ngành, trái chuyên môn được đào tạo có xu hướng ngày càng tăng cũng như vấn đề chất lượng đào tạo, bằng cấp còn khoảng cách so với chuẩn quốc tế,… đang thật sự là những thách thức mà giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam phải đối mặt từ nhiều năm nay. Nguyên nhân chính của vấn đề là chất lượng đào tạo đại học (ĐH) hiện chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước. Một dấu hiệu cho thấy chất lượng GDĐH chưa được như mong muốn là qua vị trí khiêm tốn của các trường ĐH Việt Nam trên các bảng đánh giá uy tín trong khu vực và thế giới, qua số lượng ít ỏi các công trình khoa học, bài báo được công bố trên các ấn phẩm khoa học hay tờ báo, tạp chí quốc tế có uy tín, cho đến nạn “ chảy máu chất xám”. Thật vậy, những mỹ từ như “Havard của Việt Nam”, “trường đại học có quy mô đào tạo lớn nhất Việt Nam” không che giấu nổi bức tranh còn không ít gam trầm của GDĐH. Con số lao động thất nghiệp có trình độ cử nhân ở mức 4% được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) công bố mới đây dường như vẫn chưa phản ánh hết tình hình thực tế, nhất là khi hiện tượng sinh viên thôi học ngày càng phổ biến. Như thống kê thì hằng năm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phải buộc thôi học khoảng 700 sinh viên; năm học 2016 – 2017, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội phải đình chỉ học tập gần 200 sinh viên. Hiện tượng trên không chỉ diễn ra tại các trường ĐH khu vực phía bắc, mà là tình trạng chung của nhiều cơ sở giáo dục hệ ĐH, cao đẳng (CĐ) trên cả nước. Trong đó, có cả những “kỷ lục” không khỏi khiến người quan tâm phải rầu lòng như: đầu năm 2018, Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cảnh cáo học vụ với hơn 2.100 sinh viên, trong đó 257 sinh viên bị đuổi học. Trước đó, năm 2016, Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh đã quyết định thôi học với 946 trường hợp. Đáng lưu ý, các khảo sát, công bố trên mới chỉ dừng lại ở những trường ĐH danh tiếng, hàng đầu ở Việt Nam. Vì lẽ đó, nhiều người có quyền nghi ngờ về chất lượng sinh viên tốt nghiệp khi “đầu vào” tại một số trường ĐH, CĐ tư thục luôn ở mức thấp nhất có thể nhằm thu hút đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Trước hiện trạng không mấy khả quan như vậy, việc nâng cao và minh bạch chất lượng giáo dục ĐH là một vấn đề cấp thiết. Bởi lẽ, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, “công nhân trí thức” – những lao động có trình độ cao sẽ là nguồn lực chính làm ra của cải, vật chất cho xã hội. Do đó, nếu chất lượng GDĐH không đạt chuẩn thì đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trình độ cao, kéo theo hệ quả lâu dài là sự tụt hậu của nền kinh tế đất nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng GDĐH Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong đó, không thể phủ nhận một lý do muôn thuở là thiếu kinh phí đào tạo. Số lượng trường ĐH công lập có khả năng tự chủ tài chính chỉ dừng lại ở con số 23, trong đó nguồn thu chủ yếu đến từ học phí. Đây cũng là lý do khiến nhiều trường ĐH có xu hướng “vượt rào” tuyển sinh với số lượng vượt quá mức quy định, hoặc ồ ạt tăng học phí. Kết quả là không ít ngành học, hình thức đào tạo, sinh viên ĐH có số lượng gia tăng một cách đáng kể nhưng tỷ lệ nghịch với chất lượng đào tạo. Thậm chí không quá lời khi cho rằng tình trạng mở trường, lớp, ngành đào tạo, mô hình liên thông, liên kết ĐH đang diễn ra một cách tràn lan, mất kiểm soát. Thực tế, số lượng 223 trường ĐH tại một quốc gia đông dân và có nguồn nhân lực trẻ như Việt Nam là khá khiêm tốn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực như Xin-ga-po, Thái-lan. Tuy nhiên, nếu không bảo đảm chất lượng đào tạo, đáp ứng tiêu chí đào tạo bậc đại học thì xét cho cùng việc bùng nổ hàng loạt cơ sở gắn mác ĐH, rất dễ thực chất chỉ là một loại hình phổ thông trung học kéo dài.
Video đang HOT
Trong nhiều năm, công tác kiểm định chất lượng ĐH còn lỏng lẻo đã tạo kẽ hở cho một số đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực này trục lợi. Một cuộc đua ngầm đã diễn ra giữa nhiều cơ sở, tổ chức giáo dục trong vấn đề mở trường ĐH, giới thiệu các ngành mới, xây dựng các hình thức đào tạo liên kết, liên thông. Trong đó, ở nhiều trường ĐH, ngành mới tập trung vào các lĩnh vực đang “hot” trên thị trường lao động, bất chấp tình trạng các cơ sở đào tạo này không có chuyên môn, thiếu kinh nghiệm, thiếu hụt đội ngũ giảng viên. Kể từ năm 2010 đến nay, sau sai phạm của Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) và Trường ĐH Công nghệ Đông Á, hàng loạt “điểm đen” trong lĩnh vực GDĐH đã bị Bộ GD & ĐT “tuýt còi”. Nhưng so với thực tế, đó dường như mới chỉ là phần nổi từ “tảng băng chìm” của các sai phạm trong đào tạo ĐH. Không thể phủ nhận trước khi thanh tra sai phạm được tiến hành, đã có hàng nghìn cử nhân kịp tốt nghiệp với tấm bằng kém giá trị. Với các hình thức đào tạo “chui” như vậy, nhiều trường ĐH, CĐ tạm thời giải quyết được nỗi lo kinh phí trước mắt. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tình trạng này lại khiến một bộ phận phụ huynh và sĩ tử ngoảnh mặt với các cơ sở đào tạo trong nước.
Hiện nay, có thể nói xu hướng mở trường, ngành đào tạo mới tại Việt Nam đã bão hòa. Thông tin hằng năm người Việt Nam đang chi trả từ 3 đến 4 tỷ USD cho du học đang thật sự đặt ra những băn khoăn, lo lắng đối với GDĐH trong nước. Mặc dù du học không phải là “chiếc đũa thần”, chất lượng của nhiều cơ sở đại học quốc tế, nhất là các trường đào tạo từ xa và cấp bằng ĐH trực tuyến vẫn là một dấu hỏi lớn, nhưng “cái mác nước ngoài” vẫn có sức hấp dẫn với nhiều phụ huynh và học sinh. Không chỉ vậy, sau thành công bước đầu của một số trường đại học quốc tế ở nước ta như ĐH Quốc tế ở Việt Nam, ngày càng nhiều tổ chức, cơ sở giáo dục ngoài nước quan tâm, có ý định mở cơ sở, chi nhánh tại Việt Nam. Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2018 được nhiều chuyên gia uy tín nhận định là tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các cơ sở giáo dục quốc tế. Và có thể xem đây là tiền đề quan trọng cho một cuộc cạnh tranh gay gắt có thể diễn ra trong GDĐH ở Việt Nam trong thời gian tới.
Rõ ràng, xây dựng các bảng xếp hạng ĐH trong nước là cần thiết để nâng cao tính minh bạch, tăng cường sự cạnh tranh giữa các trường ĐH. Thực tế vấn đề công khai xếp hạng, phân tầng các trường ĐH, CĐ không phải là chủ trương mới, nhất là khi Chính phủ đã ban hành các văn bản, nghị định chung quanh vấn đề này. Đáng chú ý là Nghị định 73/2015/NĐ-CP (8-9-2015) về Quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở GDĐH. Theo đó, Nghị định quy định khá đầy đủ và chặt chẽ về việc các cơ sở ĐH theo mỗi tầng tùy vào chất lượng sẽ được sắp xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: hạng 1, hạng 2, hạng 3; tiêu chuẩn xếp hạng của ba tầng: cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu, cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng, cơ sở GDĐH định hướng thực hành, đều dựa trên ba tiêu chí chính: vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục ĐH; quy mô, ngành nghề và trình độ đào tạo; cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học – công nghệ. Song có thể thấy, khung xếp hạng cơ sở GDĐH của Nghị định 73/2015/NĐ-CP còn khá chung chung, chưa tạo ra động lực cạnh tranh giữa các trường ĐH. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành đào tạo sau 12 tháng chỉ được xếp trong tiêu chí chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhưng chưa phải là một tiêu chuẩn chính. Điều này vô tình trở thành kẽ hở trong bảng xếp hạng phân loại ĐH. Thêm vào đó, do công tác giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những tiêu chuẩn này của các cơ quan chức năng chưa sát sao, chưa chặt chẽ dẫn đến hệ quả là một số trường ĐH cố tình mập mờ, che đậy thành tích yếu kém của mình. Đồng thời, cũng tạo ra khó khăn, thách thức cho các bảng xếp loại độc lập từ các tổ chức, tạp chí giáo dục, đại học cho đến nhóm chuyên gia của trong và ngoài nước. Dù chỉ là kết quả được đưa ra do một nhóm chuyên gia độc lập thực hiện bảng xếp hạng 49 trường ĐH tại Việt Nam tổ chức vào năm 2017, nhưng cũng phần nào cho thấy một số vấn đề, tồn tại của GDĐH Việt Nam hiện nay. Thay vì coi việc làm của sinh viên sau khi ra trường là thành quả đào tạo hàng đầu, không ít trường ĐH Việt Nam đang chạy theo các thành tích phù phiếm như số lượng nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ giảng viên cơ hữu có học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Về hình thức, số lượng công bố, báo cáo quốc tế cũng như tỷ lệ giảng viên có học vị thạc sĩ, tiến sĩ tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong một vài năm trở lại đây. Nhưng đây chưa hẳn là con số đáng mừng nếu nhìn vào kết quả giảng dạy, số lượng sinh viên thôi học và nhiều thống kê khác. Điều này càng khiến dư luận thêm hoài nghi về các cơ sở đào tạo sau ĐH tại Việt Nam.
Mới đây, Việt Nam đã có hai đại diện là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh có tên trong danh sách của QS World University Rankings (Bảng xếp hạng đại học thế giới của QS – tập đoàn chuyên về giáo dục Quacquarelli Symonds). Dù sao đây là các tín hiệu đáng mừng cho GDĐH trong nước và là xu hướng mà nhiều trường ĐH Việt Nam phải nỗ lực đạt được. Bên cạnh nhiệm vụ bắt buộc là đào tạo nguồn nhân lực trong nước, vươn mình trở thành một quốc gia có công nghệ giáo dục nói chung, GDĐH nói riêng hàng đầu khu vực là mục tiêu mà Việt Nam cần hướng đến. Bởi lẽ, nền tảng của kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là lực lượng “công nhân trí thức” có trình độ và hiểu biết. Lực lượng ấy không hình thành một cách ngẫu nhiên mà chỉ có thể là sản phẩm của một nền giáo dục ĐH phát triển và tiến bộ.
QUANG MINH
Theo nhandan
Đề xuất cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục đại học
Các chuyên gia cho rằng chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED-2011 do UNESCO ghi rõ, giáo dục đại học bao gồm Hệ cao đẳng, Cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương và tiến sĩ hoặc tương đương.
Ngày 24/8, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tại buổi họp, các đại biểu nhận định, hơn 30 năm nay, ngành giáo dục định hình những chương trình đào tạo theo định hướng thực hành, gắn với nghề nghiệp, chuẩn bị cho sinh viên bước vào thị trường lao động và có thể tiếp cận các chương trình giáo dục đại học khác.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định rõ đặc điểm của 6 loại cao đẳng (Cao đẳng Y tế, cao đẳng Nghiệp vụ, cao đẳng Nông nghiệp, cao đẳng Kỹ thuật, cao đẳng Cơ bản). Một số trường Đại học gọi đó là "đại học ngắn hạn", khi ra trường cử nhân sẽ có tấm bằng của hệ đào tạo trên là "cử nhân cao đẳng".
Điều 38 quy định "văn bằng Giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ". Các đại biểu cho rằng, quy định này không phù hợp với thực tế Việt Nam.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Hiện ở nước ta, ngoài các chương trình 4 năm lấy bằng cử nhân, còn có các ngành theo hướng chuyên sâu lấy danh hiệu rất đáng duy trì như bác sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư...
Theo chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED-2011 do UNESCO ban hành ghi rõ: "Giáo dục đại học bao gồm các cấp độ 5,6,7,8 trong bảng phân loại ISCED và lần lượt có tên gọi là Hệ cao đẳng, Cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương và tiến sĩ hoặc tương đương " (trang 49 ISCED 2011).
Vì vậy các đại biểu kiến nghị sửa: "Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng cao đẳng, bằng cử nhân, bằng chuyên gia (bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, chuyên khoa...), bằng thạc sĩ hoặc tương đương (bác sĩ nội trú, chuyên khoa II) và bằng tiến sĩ".
Theo vtc.vn
"Các trường đại học không thể tự nhận trường tốt, trường lớn được" Việc hội nhập quốc tế của giáo dục đại học là cả một quá trình dài để ta xác định đâu là chuẩn, đâu là điều kiện mà chúng ta phải phấn đấu, không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Các trường không thể tự nhận là trường tốt, mà phải dựa vào đánh giá của các tổ chức kiểm định...