Meta trong “vòng xoáy tử thần” (Kỳ 1): Điều gì đang xảy ra?
Meta, công ty mẹ của Facebook, đang cố gắng thoát khỏi những khó khăn mang tính chất sống còn khi người dùng quay lưng, doanh số sụt giảm và sự tháo chạy của các nhà đầu tư.
>>>Ván bài đắt giá của Mark Zuckerberg vào Meta
Một năm trước, trước khi Facebook đổi tên thành Meta, công ty truyền thông xã hội này đã có mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD, đưa họ vào câu lạc bộ “nghìn tỷ”, sánh ngang với những Apple, Microsoft, Saudi Aramco, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon.
Năm 2021, Facebook là công ty trẻ nhất gia nhập CLB nghìn tỷ đô.
Nhưng, sự đời thay đổi, Facebook của ngày hôm qua khác với Meta của thời hiện tại, công ty đã mất khoảng 2/3 giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 9 năm 2021. Cổ phiếu cũng đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2019 và sắp kết thúc quý thứ ba liên tiếp với mức lỗ hai con số.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh chính của Facebook được xây dựng dựa trên hiệu ứng mạng xã hội, tức là người dùng đưa bạn bè, đồng nghiệp và các thành viên gia đình của họ đến với vòng tay của Facebook, tạo thành một mạng xã hội lớn nhất thế giới. Và các nhà quảng cáo đã vung tiền để quảng bá hình ảnh của họ trên mạng xã hội này, lợi nhuận sau đó của công ty rất dồi dào, cung cấp vốn để tuyển dụng các kỹ sư giỏi nhất và sáng giá nhất để duy trì chu kỳ.
Nhưng vào năm 2022, mọi thứ đã đảo ngược, các nhà quảng cáo đang giảm chi tiêu của họ, các doanh nghiệp đang dần rời xa Facebook, khiến cho doanh thu hàng quý của Meta giảm lần thứ hai liên tiếp. Đồng thời, tuyển dụng cũng đang là một thách thức mới, đặc biệt là khi người sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg đang quá chú tâm vào phát triển metaverse, vốn có thể là tương lai nhưng lợi nhuận không đến trong ngắn hạn và tiêu tốn hàng tỷ đô la mỗi năm để xây dựng.
Mặc dù Zuckerberg cho biết rằng ông hy vọng trong vòng một thập kỷ tới, metaverse “sẽ tiếp cận một tỷ người, lưu trữ hàng trăm tỷ đô la thương mại kỹ thuật số và tạo ra một nền kinh tế lớn xung quanh hàng hóa kỹ thuật số”. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà đầu tư không hào hứng với điều đó và cái cách mà họ bán phá giá cổ phiếu khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi rằng, liệu “gã khổng lồ” công nghệ có thể phục hồi được hay không?
Nhà phân tích Laura Martin của Needham, cho biết: ” Tôi không chắc có mảng kinh doanh cốt lõi nào còn hoạt động tốt tại Facebook hay không“.
Video đang HOT
metaverse đang khiến Mark Zuckerberg tiêu tốn hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Không một ai cho rằng Facebook có nguy cơ ngừng kinh doanh. Công ty vẫn có vị trí thống trị trong lĩnh vực quảng cáo trên điện thoại di động và là một trong những mô hình kinh doanh có lợi nhuận cao nhất hành tinh. Ngay cả khi thu nhập ròng giảm 36% trong quý gần nhất so với năm trước, Meta vẫn tạo ra lợi nhuận 6,7 tỷ USD.
Nhưng, vấn đề của Phố Wall đối với Facebook không phải là câu chuyện tăng trưởng, mà là vấn đề về chiến lược của công ty. Số lượng người dùng hoạt động hàng ngày ở Mỹ và Canada đã liên tục giảm trong hai năm qua, từ 198 triệu người vào giữa năm 2020 và 197 triệu người chỉ trong quý hai năm nay. Đáng chú ý hơn, thế hệ người dùng tiếp theo lại đang bị thu hút bởi TikTok, nơi người dùng có thể tạo và xem các video ngắn, có tính lan truyền hơn là mất thời gian vào những câu chuyện và tin tức khô khan trên Facebook.
Mặc dù Meta đã và đang cố gắng bắt chước thành công của TikTok với việc cung cấp video ngắn có tên Reels, vốn đã trở thành tâm điểm chính trên Facebook và Instagram. Tuy nhiên, Facebook cũng phải thừa nhận rằng còn rất sớm để kiếm tiền từ Reels và vẫn chưa rõ định dạng này hoạt động tốt như thế nào đối với các nhà quảng cáo.
Bên cạnh đó, Facebook còn có ít nhất một lý do chính để lo ngại ngoài việc tăng trưởng người dùng bị đình trệ và nền kinh tế đang chậm lại: Apple. Bản cập nhật bảo mật iOS năm 2021, được gọi là “Tính minh bạch theo dõi ứng dụng”, đã làm suy yếu khả năng nhắm mục tiêu người dùng bằng quảng cáo của Facebook, khiến công ty mất khoảng 10 tỷ USD doanh thu trong năm nay. Meta đang dựa vào quảng cáo dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để bù đắp cho những thay đổi của Apple.
Tuy nhiên, Chris Curtis, một chuyên gia tiếp thị trực tuyến và nhà tư vấn, đã cho rằng, vấn đề đó không thể giải quyết được với AI, và khi nhìn vào số lượng người dùng của Meta, có vẻ như công ty đang không ở một vị trí đủ tốt.
Bữa tiệc tàn của Thung lũng Silicon: Không còn là 'miền đất hứa', dòng tiền nguội lạnh, nhà đầu tư đứng ngồi không yên
Nhiều người đang đặt ra câu hỏi liệu kỷ nguyên vàng của Thung lũng Silicon sắp kết thúc?
Làn sóng sa thải nhân sự lớn tại Snapchat, màn lao dốc trong định giá Meta, Apple, cùng xu hướng đóng băng tuyển dụng tại một loạt các Big Tech đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, rằng liệu kỷ nguyên vàng của Thung lũng Silicon sắp kết thúc?
Theo các chuyên gia, câu trả lời sẽ khá phức tạp. Lĩnh vực công nghệ đã có thời điểm ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 buộc thế giới phải trực tuyến hóa. Tuy nhiên, sự bùng nổ đó, đi kèm với mức lương và đặc quyền thu hút người lao động, dường như đang chậm lại.
" Bữa tiệc này không thể kéo dài mãi. Chúng tôi đang cố trở lại bình thường sau cuộc chạy đua mà ở đó, mọi thứ đã thay đổi", Margaret O'Mara, giáo sư tại Đại học Washington nhận định.
Tình hình đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn trong một cuộc suy thoái toàn cầu lớn, thứ mà giới công nghệ không thể tránh khỏi, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tiếp tục tăng lãi suất và dự kiến duy trì chính sách này lâu hơn.
Lần IPO thất bại của WeWork là một trong những lý do khiến tốc độ tăng trưởng của các Big Tech chậm lại.
Trước đây, lãi suất thấp đã thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ cùng làn sóng của các "kỳ lân" mới - những công ty được định giá trên 1 tỷ USD.Ví dụ điển hình có thể kể đến như Airbnb và Uber, với mức định giá lần lượt là 47 tỷ USD và 82 tỷ USD trong lần IPO đầu tiên. Tuy nhiên, lãi suất thay đổi đã khiến các nhà đầu tư trở nên "thận trọng hơn nhiều".
" Một số nhà đầu tư vẫn có tiền mặt, nhưng trong giai đoạn phá sản như thế này, dòng tiền giao dịch sẽ nguội dần", bà Margaret O'Mara nói.
Lần IPO thất bại của WeWork khi mức định giá lao dốc từ 47 tỷ USD xuống chỉ còn vài tỷ USD cũng khiến tốc độ tăng trưởng của các Big Tech chậm lại. Theranos, công ty xét nghiệm máu của "siêu lừa" Elizabeth Holmes cũng góp phần tạo nên sự sụp đổ này, sau khi giới đầu tư nhận ra mình bị lừa về công nghệ và quy trình xét nghiệm.
Họ sau đó đứng ngồi không yên vì chứng kiến hàng loạt startup công nghệ đình đám rớt giá thảm. Những công ty đầu tư mạo hiểm lớn như SoftBank cũng phải cắt giảm một nửa số tiền đầu tư vào các công ty khởi nghiệp do lo ngại tình hình suy thoái.
Lĩnh vực công nghệ đã có thời điểm ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 buộc thế giới phải trực tuyến hóa.
Một loạt tin xấu, quy định siết chặt giới công nghệ và lời tố cáo Facebook gây chấn động của Frances Haugen trước Quốc hội Mỹ càng khiến hình ảnh các gã khổng lồ trong Thung lũng Silicon bị lung lay, theo The Guardian.
Ngay cả những người từng ủng hộ giới Big Tech như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thay đổi quan điểm. Ông lên tiếng chỉ trích Facebook vì lan truyền thông tin sai lệch về cuộc bầu cử, dù trước đó đã được hưởng lợi không ít nhờ mạng xã hội này.
Các nhà lập pháp và cơ quan liên bang Mỹ hiện đã vào cuộc. Sự siết chặt giám sát của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Quốc hội theo đó có thể khiến các Big Tech đối mặt với những trở ngại lớn chưa từng có tiền lệ.
Nhận thức của công chúng về công nghệ nói chung cũng thay đổi, với 68% người Mỹ cho rằng các công ty công nghệ đang sở hữu quá nhiều quyền lực, tăng từ mức 51% hồi năm 2018. Như vậy, theo Business Insider, cái giá phải trả cho sự tụt dốc của Silicon Valley không chỉ dừng lại ở mặt tài chính mà còn ở những giá trị chung của xã hội.
Nhiều ông lớn công nghệ đã phải giữ chân nhân viên bằng cách trả lương bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt để giữ chân nhân viên.
Theo Business Insider, mô hình kinh doanh của Thung lũng Silicon giờ đây không còn là miền đất hứa cho những nhân tài công nghệ mà chỉ biết chạy theo xu hướng. Quy mô hoạt động của nó cũng đang thay đổi và dần mở rộng ra ngoài phía nam San Francisco. Đại dịch COVID-19 khiến Vùng Vịnh trở thành điểm đến mới và thu hút một số gã khổng lồ, trong đó có công ty sản xuất ô tô điện Tesla.
Theo chuyên gia Brent Williams của công ty tuyển dụng Michael Page, các tập đoàn đang phải đối mặt với "mùa đông của các khoản vốn đầu tư".
" COVID-19 đã thay đổi toàn bộ thị trường. Các công ty giờ đây, để chiêu mộ nhân tài sẽ phải cạnh tranh với cả trung tâm công nghệ ở Vùng Vịnh lẫn toàn nước Mỹ", Brent Williams nói. Thật vậy, các ông lớn công nghệ đã phải giữ chân nhân viên bằng cách trả lương bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Họ hứa hẹn số tiền này sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của công ty.
Nhiều chuyên gia vẫn lạc quan về sự hút bền bỉ của Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn mà Thung lũng Silicon đang gặp phải, giáo sư kinh tế Nicholas A Bloom của Stanford vẫn lạc quan rằng khu vực này vẫn sẽ "vững chãi". " Nó đã trải qua nhiều chu kỳ, bao gồm cuộc suy thoái hồi năm 2001 và 2008, nhưng vẫn phục hồi mạnh mẽ", ông nói thêm.
Đồng quan điểm, giáo sư Margaret O'Mara cũng cho rằng sẽ không nhiều công ty rời khỏi Thung lũng vì nơi đây có những đặc điểm riêng biệt không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.
" Vùng Vịnh và San Francisco có sức hút bền bỉ. Có lý do để mọi người đến đó. Họ muốn ở đó. Điều này vẫn đúng, ngay cả khi California đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở và nhiều nhân viên đổ xô đến các bang rẻ hơn", bà nói. " Một kỷ nguyên của Thung lũng Silicon có thể đã kết thúc, song chưa phải dấu chấm hết hoàn toàn".
Apple vs Meta: Cuộc đại chiến vì 'khuôn mặt' người dùng Triết lý của Apple là không cần trở thành người đi trước, nhưng luôn nổi tiếng là kẻ làm tốt nhất. Theo tạp chí Forbes, một cuộc đại chiến gay cấn giữa Apple và Meta (Facebook) sẽ diễn ra trong thế kỷ tới và mục tiêu là những chiếc kính thực tế ảo (VR) soi được chuyển động của khuôn mặt người dùng....