Méo mặt vì lãi suất vay giảm… nhỏ giọt
Các doanh nghiệp than phiền rằng không chỉ lãi suất cho vay cao mà thủ tục cũng phức tạp, dẫn đến việc họ không mấy mặn mà vay vốn.
Mặc dù lãi suất đầu vào (lãi suất tiền gửi tiết kiệm) liên tục điều chỉnh giảm sâu nhưng lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay) vẫn cao ngất ngưởng, nhất là cho vay trung và dài hạn. Khách hàng có nhu cầu vay vốn than trời vì cả lãi suất cho vay mới cũng như các khoản dư nợ hiện hữu không hạ nhiệt như kỳ vọng.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ngân hàng (NH) dư tiền, trong khi doanh nghiệp (DN) và người dân lại thiếu vốn giá rẻ để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Giảm không đáng kể
Giới kinh doanh khẳng định từ đầu năm, lãi suất huy động đã giảm 0,5-2,5 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn nhưng lãi suất cho vay thực tế trên thị trường vẫn chưa có được mức giảm tương đương. Điều này khiến các DN, người dân đã khó khăn vì COVID-19 lại càng méo mặt do chi phí lãi vay quá cao.
Chị Huyền Thanh (chủ một cơ sở sản xuất ở quận 2, TP.HCM) đánh giá gần đây lãi suất cho vay tại một số NH có giảm nhưng không đáng kể. “Hiện nay, mức lãi suất cho vay dài hạn sau ưu đãi tại VietinBank khoảng 11%/năm” – chị Thanh dẫn chứng.
Thấy lãi suất huy động tại NH Techcombank đang ở mức siêu thấp nên chị Thanh nghĩ rằng lãi suất cho vay cũng giảm mạnh theo. Thế nhưng khi tìm hiểu mới té ngửa lãi suất cho vay tại đây vẫn ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay cố định trong năm đầu là 8,79%/năm, sau ưu đãi sẽ là 11,5%/năm. “Nhân viên tư vấn khẳng định đấy là mức lãi suất cho những khách hàng được chấm điểm tín dụng cao, còn không thì mức lãi suất cho vay sẽ phải cao hơn như vậy” – chị Thanh kể.
Chị Minh Hiền (một nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM) kể chị đang vay vốn tại một NH thương mại cổ phần với lãi suất lên đến gần 12,5%/năm. Như vậy, đối với khoản vay gần 1 tỉ đồng, mỗi tháng chị phải trả gần 15 triệu đồng gồm tiền lãi và gốc. Dịch COVID-19 khiến thu nhập của hai vợ chồng giảm thê thảm song lãi suất cho khoản vay cũ vẫn giữ nguyên, không thay đổi đã làm cuộc sống của gia đình chị thực sự khó khăn.
Mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn còn cao, hiện phổ biến ở mức 9%-11%/năm. Ảnh: TL
“Tôi nhiều lần than phiền lãi suất cao với nhân viên tư vấn của NH nhưng đến giờ vẫn không nhận được phản hồi nào. Tôi cho rằng đáng lẽ với lãi suất huy động dài hạn chỉ dao động quanh mức 6%-6,5%/năm thì lãi suất cho vay ở mức 8%-8,5%/năm là hợp lý chứ không nên cao như vậy. NH tuyên bố chia sẻ với người dân, DN thì hãy hành động thực sự” – chị Thanh nói.
Tương tự, anh Hoàng Trọng (chủ một công ty kinh doanh đồ nội thất ở quận Tân Bình, TP.HCM) cũng nêu thực tế: Lãi suất cho vay mua nhà tại các NH như Vietcombank, BIDV, VietinBank… chỉ giảm 0,2%-1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau. Nhưng khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay dao động 10,5%-11%/năm.
Video đang HOT
Trong khi đó, tại các NH có vốn nước ngoài như Standard Chartered, UOB, HongleongBank, HSBC, Shinhanbank… lại thấp hơn khá nhiều. Đơn cử tại Standard Chartered, khách hàng có thể chọn mức lãi suất cố định cho năm đầu tiên là 6,49%/năm hoặc 7,69%/năm cố định hai năm đầu tiên. Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi nhưng không quá 10%/năm.
“Sau khi khảo sát, tôi thấy lãi suất của các NH trong nước vẫn cao hơn nên quyết định làm hồ sơ vay vốn NH nước ngoài. Trong điều kiện kinh tế khó khăn thì khi ký hợp đồng vay vốn, bất cứ ai cũng phải so đo từng đồng lãi” – anh Trọng cho hay.
Lãi suất thực tế cao, thủ tục khó
Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước) cho biết đến ngày 16-9, các NH đã giảm lãi suất cho vay mới phổ biến 0,5%-2,5% so với trước dịch. Phần dư nợ được hưởng lãi suất thấp này lên tới 1,6 triệu tỉ đồng với 310.000 khách hàng.
Tuy vậy, nhiều DN cho rằng số giảm lãi suất thực tế không có nhiều khác biệt so với thời điểm trước dịch, chủ yếu giảm ở lĩnh vực ưu tiên. Ước tính lãi suất cho vay chỉ giảm 0,1%-0,2%/năm so với trước dịch và chỉ một số ít DN được áp dụng mức thấp hơn 0,5%/năm.
Các DN cho rằng vấn đề không chỉ là lãi suất cho vay còn cao mà thủ tục cũng phức tạp, dẫn đến DN không mấy mặn mà vay vốn. Thêm vào đó, tỉ lệ vốn được NH xét duyệt cho vay cũng giảm xuống và phải có tài sản bảo đảm. Ví dụ NH chỉ cho vay bằng khoảng 40% giá trị tài sản thế chấp, thay vì trước đây khoảng 50%-60%.
Ngân hàng lý giải
Các NH lý giải có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lãi suất cho vay giảm không theo kịp lãi suất huy động. Ví dụ, lãi suất huy động giảm nhưng số dư huy động lãi suất cao từ năm trước vẫn còn. Mặt khác, dù thừa vốn nhưng NH chỉ có thể giảm lãi suất đối với các khách hàng tốt, có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn… bất chấp tình hình dịch bệnh khiến DN lao đao.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH OCB, cho biết các sản phẩm cho vay khác nhau thì mức lãi suất sẽ khác nhau nhưng mặt bằng chung thì hiện khách hàng vay mua bất động sản được giảm lãi suất 0,1%-1,5%/năm đối với các khoản vay mới.
Lãnh đạo OCB cũng nhìn nhận toàn ngành NH đang tập trung để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Khách hàng với NH như “ngồi chung một con thuyền, khách hàng sống thì NH sống. Ngược lại, khách hàng gặp khó khăn thì NH cũng chịu chung số phận”.
Để tìm cách sống chung với điều kiện khó khăn của khách hàng như hiện tại, NH vẫn duy trì các phương án như giãn thời gian trả nợ, tiếp tục bơm vốn để khách hàng duy trì dự án kinh doanh.
Tuy nhiên, lãnh đạo NH OCB thừa nhận dù muốn hay không thì NH cũng phải chọn lựa khách hàng để hỗ trợ. Bởi không thể miễn, giảm lãi, bơm vốn cho khách hàng mà NH nhìn thấy rõ nguy cơ mất an toàn vốn. “Nói chung là NH hỗ trợ theo kiểu kê đơn bắt bệnh, tùy vào từng đối tượng, mức độ thiệt hại của DN mà có hướng hỗ trợ phù hợp. Hơn nữa, muốn giãn nợ, gia hạn nợ thì cũng phải phù hợp với quy định của luật pháp, tuân thủ các quy định của pháp luật” – ông Tùng cho hay.
Tổng giám đốc một NH thương mại có trụ sở tại TP.HCM lý giải thêm: Mặc dù tình hình dịch COVID-19 trong nước đang được kiểm soát chặt chẽ song trong sức khỏe tài chính của nhiều đơn vị kinh doanh bị ảnh hưởng, trong đó thị trường bất động sản bị tác động không hề nhỏ. Chính vì vậy, việc thẩm định các hồ sơ vay bất động sản càng được các NH thận trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng nợ xấu.
“Hiện có nhiều khách hàng hỏi vay mua bất động sản. Nhưng cứ nói đến vay mua đất trồng cây lâu năm, đất ruộng thì cho dù khách hàng có thu nhập ổn định, sử dụng thêm tài sản bất động sản khác để thế chấp thì chúng tôi cũng từ chối cho vay. Nói cách khác, kể cả trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, các NH cũng không dám hạ chuẩn cho vay” – vị lãnh đạo NH nói.
Các NH cũng cho rằng với biên lãi thuần như hiện nay, nếu giảm mạnh lãi cho vay sẽ bị thua lỗ. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của NH như cắt giảm các chi phí không cần thiết thì cơ quan quản lý có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành để các NH có thể giảm chi phí đầu vào. Khi đó, lãi suất cho vay thực tế mới có thể giảm xuống.
Ngân hàng dư tiền, khách vay ít
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước), thông tin: Ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ NH đúng hạn, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỉ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn giá rẻ để sản xuất, kinh doanh. Ảnh: QH
Ngay từ đầu năm, NH Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng do tác động của đại dịch COVID-19 nên nhu cầu vốn rất thấp. Với các NH, tác động lớn nhất là cầu tín dụng rất thấp.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NH Nhà nước), cũng khẳng định: Nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch COVID-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16-9 tăng trưởng tín dụng đạt 4,81%.
Lùi siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: Đảm bảo lợi ích lâu dài
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định lùi việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 1 năm mặc dù còn có những ý kiến trái chiều. Nhưng việc này lợi sẽ nhiều hơn, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Việc lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn sẽ hỗ trợ nhiều cho hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng. Ảnh: S.T
Phù hợp bối cảnh
Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của NHNN, lộ trình giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của các ngân hàng được lùi thêm 1 năm. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%. Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/9/2023 là 30%.
Trong dự thảo trước đó đưa ra lấy ý kiến, NHNN đề xuất 2 phương án lùi tỷ lệ này, phương án 1 là lùi 6 tháng và phương án 2 là lùi 1 năm so với quy định tại Thông tư 22.
Theo lý giải của NHNN, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, làm các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Do đó, việc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết, để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch. Rõ ràng, việc lùi lộ trình này sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí vốn và triển khai chính sách lãi suất ưu đãi cho khách hàng.
Theo NHNN, nếu theo lộ trình cũ, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn từ mức 40% về 37% kể từ ngày 1/10/2020 có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm.
Theo các chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng MSB, lộ trình mới này là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế, việc cơ cấu lại nợ có thể khiến dư nợ chuyển từ ngắn hạn sang trung, dài hạn, tác động đến cơ cấu nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào, chứng tỏ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không phải là vướng mắc, nhưng việc lùi lộ trình sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho các tổ chức tín dụng, nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.
Hiện tại, dù các ngân hàng vẫn đang từng bước chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu tại Thông tư 22, nhưng nhiều ngân hàng vẫn cho rằng, trước khó khăn của thị trường do tác động của Covid-19, để đáp ứng lộ trình mà Thông tư 22 đưa ra là điều không dễ. Vì thế, việc lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn tại Thông tư này sẽ hỗ trợ nhiều cho hoạt động của toàn hệ thống.
Lo ngại dòng vốn chảy vào lĩnh vực rủi ro
Thực tế cho thấy, đây không phải là quy định đầu tiên được NHNN trì hoãn hoặc lỡ hẹn so với quyết định ban đầu. Như với việc cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước, NHNN cũng đã vài lần trì hoãn quyết định, vài lần nới lỏng sau khi tiếp thu kiến nghị từ phía DN, chỉ đến cuối tháng 9/2019 mới chính thức dừng hẳn.
Do đó, khi quyết định lùi việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 1 năm dù được đánh giá là phù hợp, nhưng nhiều chuyên gia vẫn không đồng tình và cho rằng, việc này có thể gây hiệu ứng không tốt về việc ban hành và thực thi quy định pháp luật. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng, NHNN nên hạn chế việc lùi thời gian thực hiện các quy định pháp luật để tránh tình trạng "nhờn" luật, chỉ khi nào trong trường hợp thật khẩn cấp, bức thiết.
Vì xét một cách khách quan, nhiều ngân hàng không hẳn đang thiếu vốn, thậm chí ngược lại. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng "ì ạch" đang tạo ra thế khó với các ngân hàng khi nợ xấu có xu hướng gia tăng. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức rất thấp, riêng lãi vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm so với cuối năm ngoái. Theo tính toán sơ bộ của NHNN, tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng chịu tác động của dịch bệnh lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% tổng dư nợ hiện hữu, tiềm ẩn rủi ro với với hoạt động ngân hàng. Vì thế, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng MSB đưa ra lo ngại, nếu không siết tỷ lệ cho vay trong bối cảnh lãi suất đang giảm và các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, có thể dòng vốn trung và dài hạn sẽ chảy vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán và bất động sản.
Từ những vấn đề nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, kể cả trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 còn tiếp tục tác động đến nền kinh tế trong thời gian tới, cơ quan quản lý vẫn cần tiếp tục kiểm soát và hạn chế dòng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn để bảo đảm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và mang lại lợi ích lâu dài.
Lãi suất giảm, tín dụng không dễ tăng Nguồn vốn đang thừa, tín dụng khó tăng, nhưng ngân hàng rất thận trọng với việc giải ngân mới và chỉ áp lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 5%/năm. Trong ảnh: Giao dịch tại Sacombank. Ảnh: Lê...