Mẹo học Sử nhớ lâu cho học sinh lớp 12
Lâu nay, các sĩ tử dự thi khối C thường ngại học môn sử vì cho rằng đó là môn học khó với những sự kiện tiếp nối sự kiện. Song nếu tìm được cho mình một phương pháp học Sử có hiệu quả nó thật sự không đáng sợ như các bạn nghĩ.
Tập nhớ ngày sinh của bạn bè
Mình có thằng bạn sinh ngày 9 tháng 2, hình như ngày này mình đã thấy đâu đó khi đọc sách sử. Đúng rồi, đó là ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 do Nguyễn Thái Học đứng đầu mà.
Còn nhỏ Lan lớp mình sinh ngày 7 tháng 5. Cố nhớ xem có trùng vào sự kiện nào không nhỉ? À, ngày đó chẳng phải là ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 sao!
Tháng 8 là tháng lớp mình có nhiều người sinh nhất. Nhỏ Út sinh 16 tháng 8, nhỏ Nga sinh 17 tháng 8, Nam Béo sinh 19 tháng 8, Hải Sêkô sinh 25 tháng 8. Trong những ngày đó, có ngày nào trùng với sự kiện lịch sử không nhỉ?
Xem nào, ngày 17 không trùng sự kiện nào. Ngày 16 thì sao? Đó là ngày khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi ở Thái Nguyên. Ngày 19 khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội và ngày 25 khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn.
Với cách nhớ trên, các bạn vừa có thể nhớ lâu ngày sinh nhật của bạn bè mình, lại vừa có thể nhớ các mốc sự kiện một cách lâu nhất.
Mở rộng hơn, bạn có thể lựa chọn những ngày đáng nhớ khác như ngày mình và nhỏ H quen nhau; ngày mình vào học lớp 10; ngày mình đi thi học sinh giỏi; ngày lớp mình liên hoan…Để rồi, với mỗi mốc đáng nhớ ấy, bạn sẽ gắng tìm để gán cho nó một sự kiện lịch sử rồi ghi nhớ chúng.
Nhớ 1 được 2
Video đang HOT
Với nhiều sự kiện chỉ cần nhớ 1, ta sẽ nhớ sự kiện kia. Chỉ cần các bạn tìm ra cách thức liên kết 2 sự kiện ấy.
Ví như ngày 27 tháng 1 (1973) là ngày kí Hiệp định Pari, đảo lại, ngày 21 tháng 7 (1954) là ngày kí Hiệp định Giơnevơ; Ngày 2 tháng 9 (1945) Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, đảo lại ngày 9 tháng 2 (1930) là ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái…
Với cách này, bạn cần tìm chính xác từng cặp đôi sự kiện rồi xem xét để xâu chuỗi chúng lại với nhau theo một sợi dây chung dễ nhớ nhất.
Xem phim tài liệu
Hãy xem những cuốn phim tài liệu về Chiến tranh ở Việt Nam, về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…và nhiều cuốn phim tài liệu lịch sử khác. Đó cũng là một cách ghi nhớ lịch sử trực quan, sinh động.
Những thước phim sống động sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng hơn, với ấn tượng mạnh hơn mà không hề cảm thấy khô khan như tiếp thu trên trang sách.
Tương tự với “giáo trình” hấp dẫn ấy, bạn có thể học Sử qua tranh ảnh…, nếu có điều kiện bạn hãy tới thăm quan Bảo tàng quân sự Việt Nam để khắc sâu hơn các kiến thức mình đã học trên lớp.
Cuối cùng: Hệ thống kiến thức trước khi đi ngủ
Bạn hãy dành ít nhất 10 phút trước khi đi ngủ để hệ thống lại khối kiến thức đã thu lượm được trong ngày.
Cố gắng nhớ lại trong đầu những sự kiện, như hôm nay mình học về chiến dịch Biên giới thu đông 1950, chiến dịch ấy bắt đầu ngày 16 tháng 9; mở đầu ta tấn công cứ điểm Đông Khê…
Kết thúc chiến dịch ta tiêu diệt và bắt sống trên 11.500 tên, thu trên 3000 tấn vũ khí, giải phóng thêm 4000km2 đất đai và 35 vạn dân…
Chỉ với ít phút đó bạn có thể khắc sâu kiến thức thêm một lần nữa. Hôm sau, nếu có thời gian, sau khi hệ thống kiến thức của ngày đó, bạn có thể hệ thống kiến thức đã học của ngày hôm kia, rồi ngày hôm kìa…
Học Sử có khó như bạn nghĩ? Hãy tìm tòi và trải nghiệm với những phương pháp mới, bạn sẽ thấy say mê hơn với môn Sử.
Mực Tím
Để thành thạo kỹ năng nghe tiếng Anh
Không chỉ với những người còn đang học tiếng Anh, mà cả với những người đã học và đang sử dụng ngôn ngữ này thường xuyên thì kỹ năng nghe vẫn là một kỹ năng khó. Rất hiếm khi có ai học tiếng Anh như tiếng thứ 2 mà có thể hiểu 100% tất cả từng câu từng từ người nước ngoài nói. Tuy nhiên, nếu rèn luyện đúng phương pháp và đều đặn, việc thành thạo trong kỹ năng nghe tiếng Anh, ngay cả với những học sinh còn đang đi học, là hoàn toàn có thể.
Phát âm tiếng Anh thật tốt
Nghe có vẻ buồn cười vì khi đang bàn tới nghĩ năng nghe tiếng Anh mà lại nhắc tới việc phát âm. Thế nhưng, thực tế thì việc nắm chắc và phát âm đúng trong tiếng Anh sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc nghe tốt tiếng Anh. 90% học sinh phổ thông phát âm tiếng Anh sai, và hầu hết học sinh đều dùng tiếng Anh không có trọng âm, không có vần điệu lên xuống. Điều này đồng nghĩa với việc gì?
Nắm không tốt kỹ năng phát âm tiếng Anh, nhịp điệu cần thiết trong tiếng Anh cũng giống như bạn sống ở Hà Nội mà vào Huế nghe nói chuyện vậy. Rõ ràng người Huế nói tiếng Việt, nhưng tại sao lại khó nghe đến vậy. Vì cách họ phát âm từ khác với người Hà Nội. Người Hà Nội không quen cách phát âm và nhấn nhá âm điệu kiểu Huế nên phải gồng mình lên nghe mà không hiểu. Tương tự với tiếng Anh, việc bạn cẩu thả trong phát âm có thể ngăn cản việc bạn nghe tiếng Anh tốt. Trong khuôn khổ bài này, chúng ta không tiện đề cập tới các quy tắc phát âm và phương pháp phát âm tiếng Anh. Tuy nhiên, một lời khuyên cho những bạn giờ này vẫn chưa thật chắc chắn về phát âm tiếng Anh là hãy rà soát lại toàn bộ những kiến thức này của mình và sửa ngay nếu thấy hổng.
Biết được cách phát âm chuẩn của người nước ngoài sẽ giúp bạn nghe tiếng Anh tốt lên rất nhiều.
Phương pháp ngược
Một phương pháp truyền thống khi luyện nghe tiếng Anh của học sinh là nghe trước, chữa sau. Nghĩa là các bạn học sinh có xu hướng bật file mp3 nghe bài trước, nghe đi nghe lại, đến khi nào không nghe được hoặc mệt quá thì mới lôi phần file đánh chữ ra so sánh đối chiếu.
Thực tế cho thấy nếu bạn làm ngược lại, hiệu quả sẽ tốt hơn. Đầu tiên, hãy cầm file văn bản của bài nghe, đọc và dịch. Bạn không cần phải vội, cứ đọc từ từ, phân tích ý, dịch cẩn thận, cày bài thế nào tùy ý. Miễn là bạn phải hiểu bài thật tốt. Nếu cảm thấy cần thiết cứ lấy từ điển ra tra từ mới. Sau khi đọc xong bài, hãy dành ra vài giây hình dung lại tổng thể cả bài nói về cái gì và chuyển sang nghe. Bật đúng file bài đó lên và nghe. Tất nhiên, chả cần nghe bạn cũng thừa biết nó nói về cái gì. nhưng hãy cứ nghe một cách chăm chú. Nếu trình độ nghe của bạn đang ở tầm trung, bạn sẽ nhận thấy mình thường chỉ nghe được lõm bõm vài ba từ. Nhưng do đã đọc văn bản nên bạn nghe được nhiều từ hơn. Số từ còn lại bạn không nghe được nhưng vì đã đọc rồi. Bạn hãy cứ nghe tiếp như vậy vài lần. Sau khi đã khá ngấm, bây giờ là lúc cày bài nghe. Tốt nhất là dùng Media player để dễ dàng điều chỉnh ngắt nhịp của file khi cần. Bây giờ hãy cầm văn bản lên kết hợp với nghe. Hãy để ý những từ mình đọc trong văn bản nhưng trong file nghe lại chưa nghe tốt được, hãy bật đi bật lại những đoạn xung quanh các từ đó. Bây giờ vấn đề không phải là hiểu bài nói gì, mà bạn phải cày để tai của mình quen với tất cả các từ trong bài và phát hiện ra chúng.
Đừng sợ rằng cách làm ngược này sẽ không phát huy hiệu quả. Hãy làm thử trong một thời gian đều đặn, bạn sẽ nhận thấy hiệu quả.
Tập trung
Đừng để tâm hồn treo ngược cành cây khi nghe. Nghe ai nói mà không tập trung, kể cả tiếng Việt cũng đã khó chứ đừng nói là tiếng Anh. Khi đang nghe tiếng Anh, hãy chắc rằng đầu bạn đang làm việc. Khi tai nghe được gì thì đầu cũng tiếp nhận và dịch ra từng đấy. Sợ nhất trong nghe tiếng Anh là để tiếng đi qua "rửa tai" cái đầu không hoạt động,. Không tập trung, cho dù có ngồi nghe 10 tiếng một ngày cũng không nên cơm cháo gì.
Tâm lý thoải mái và khả năng dự đoán
Một trong những sai lầm của nhiều người luyện nghe tiếng Anh là họ quá hồi hộp. Khi giao tiếp với ai đó sử dụng tiếng Anh, biết là khả năng nghe của mình không tốt, họ cứ lo lắng và dành nhiều thời gian để sợ hơn là để tập trung nghe. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh nếu bạn phải đối thoại với người bản ngữ cho dù trình độ nghe của bạn chưa tốt. Phải từ từ tập trung thì bạn mới có thể nghe được. Một điều nên nhớ nữa là hãy cố gắng đoán nghĩa. Đừng bao giờ cho rằng bạn phải nghe được từng câu từng chữ mới là đạt. Bạn chỉ cần nghe được những từ khóa quan trọng, cộng thêm nhịp điệu, thái độ người nói và văn cảnh là có thể nhận ra ý người người nói muốn truyền đạt. Muốn đạt đến khả năng nghe đâu thủng đấy, bạn phải tiếp tục luyện tập.
Theo kênh 14
Teen và hội chứng "học tài tử" Học tài tử? Một số teen thường có thói quen học với "áp lực", và áp lực ở đây là những bài tập về nhà nhưng lên lớp mới làm, những bài kiểm tra sáng hôm sau phải nộp thì đêm hôm trước mới cuống cuồng hoàn thiện... Nói cho đúng, đó là kiểu học nước đến chân mới nhảy mà một số...