Mê trận sách tham khảo
Để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều phụ huynh đến các hiệu sách để chọn mua sách giáo khoa (SGK) cho con em mình. Song, ngoài bộ sách chính, không ít người đau đầu trước vô số loại sách tham khảo (STK), sách nâng cao mà không biết loại sách nào là phù hợp cho con mình…
Đãi cát tìm vàng
Loay hoay gần hai tiếng đồng hồ trong hiệu sách để tìm mua SGK, STK cho cậu con trai đang học lớp 4, chị Cao Quỳnh Loan, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên hoa mắt vì không biết chọn bộ sách nào. “Chọn SGK thì khá dễ, cứ trọn bộ mà mua, còn sách tham khảo thì mỗi môn có đến năm, bảy quyển. STK nào cũng có những cái tên rất hay, nội dung hầu như đều na ná như nhau nên rất khó đánh giá. Chỉ riêng môn Tiếng Việt đã có một hàng dài sách tham khảo, nâng cao như: Cảm thụ văn tiểu học 4, Bồi dưỡng Văn – Tiếng Việt, Tiếng Việt nâng cao, Để học tốt Tiếng Việt, 150 bài văn mẫu, Tuyển tập 150 bài văn hay… Chỉ trên kệ sách dành cho học sinh lớp 4, tôi đếm sơ qua cũng có khoảng hơn chục cuốn STK cùng loại…”, chị Loan cho biết.
Ghé vào một cửa hàng sách trên phố Nguyễn Xí, quận Hoàn Kiếm, trên kệ sách dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, tôi cũng bị choáng ngợp trước một “biển” STK. Đơn cử, như STK môn Toán dành cho học sinh lớp 4 cũng có đến hàng chục cuốn của các tác giả khác nhau như: Bài tập cơ bản và nâng cao Toán tiểu học 4, Ôn tập và kiểm tra Toán 4, Các bài toán chọn lọc Tiểu học 4… Anh Nguyễn Thanh Tùng, ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy băn khoăn: “Có lẽ tôi nên tham khảo ý kiến của giáo viên để cân nhắc mua loại STK nào cho phù hợp. Tôi muốn mua một bộ STK “chuẩn” để khi học con tôi sẽ được bổ sung kiến thức một cách đúng nhất, đủ nhất. Tôi sẽ phải tìm hiểu thật kỹ trước khi mua…”.
Phụ huynh và các em học sinh choáng ngợp bởi các loại sách tham khảo. Ảnh minh hoạ
Theo ghi nhận của phóng viên, số lượng STK quá nhiều, cùng với nội dung đa phần giống nhau khiến các bậc phụ huynh lúng túng khi lựa chọn. Ngoài những cửa hàng sách của Nhà nước còn có vô số những cửa hàng sách tư nhân, bày bán tràn lan các loại STK. Nếu như trước đây, STK chủ yếu dùng cho học sinh các năm cuối cấp để ôn luyện, nâng cao kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp thì hiện nay, STK có đủ ở mọi bậc học, thậm chí đối với học sinh mới bước chân vào lớp 1 cũng có bạt ngàn STK. Ngay như, môn Toán lớp 1 đã có hàng chục đầu STK như Toán nâng cao lớp 1, Toán chọn lọc 1, hay Tuyển tập các bài toán hay và khó, Bài tập toán nâng cao, Toán phát triển trí thông minh,… Sách rèn chữ viết thì có đến gần 20 cuốn thuộc các NXB khác nhau, với cùng nội dung chỉ là tô chữ hoặc luyện viết theo mẫu chữ có sẵn. Và thực tế làm thế nào để chọn được một bộ STK chất lượng đang là vấn đề khiến nhiều phụ huynh quan tâm, nhất là khi STK có giá thành cao hơn gấp 3- 4 lần so với SGK thông thường.
Không nên quá phụ thuộc vào sách tham khảo
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thu Phương, giáo viên trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm cho biết, không ít cuốn STK có những lỗi sai căn bản, gây ra những hậu quả tai hại. Tình trạng sách tham khảo tràn lan, khiến phụ huynh và học sinh gặp phải nhiều khó khi lựa chọn, thậm chí phải bỏ ra số tiền lớn mà không biết có tác dụng với con em mình đến đâu. Vì vậy, chọn STK đối với bậc tiểu học và phổ thông thường dựa trên những tiêu chí như NXB, nhóm tác giả, chất lượng sách… Đơn cử, với STK môn Toán, các sai sót thường là không giải quyết đầy đủ các trường hợp của một bài toán, hoặc mắc phải những sai lầm mà trong Toán dễ gặp. Ngoài ra, dễ gặp nhất trong môn Toán là hiện tượng nhiều sách chọn những bài không phù hợp về mặt tâm lý, giáo dục cho học sinh. Chẳng hạn, những sách cho học sinh lớp dưới lại chọn các bài quá khó. Điều đó không có tác dụng rèn luyện tư duy cho học sinh, mà còn khiến cho học sinh sợ học bộ môn, thậm chí có tác dụng ngược.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết từng cho rằng, sự lộn xộn của thị trường STK bắt nguồn từ việc chạy theo lợi nhuận của một số NXB và một số tác giả, trong khi đó, quy trình quản lý đối với loại sách này lại thiếu chặt chẽ. Điều này mang lại hậu quả tai hại cho người tiêu dùng, mà trực tiếp là các em học sinh. STK chất lượng phải đảm bảo được sự cung cấp và gợi mở cho học sinh những kiến thức, cũng như cách tiếp cận vấn đề, khiến học sinh hiểu sâu hơn, chứ không phải để học sinh học thuộc lòng. Vì vậy, không thể tồn tại những loại sách mẫu, bài mẫu mà chỉ có những sách gợi mở tư duy sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, khi chọn mua STK các phụ huynh cũng nên biết năng lực con mình tới đâu để mua loại sách nào cho đúng. Ngoài ra, nên tham khảo ý kiến của thầy cô giáo, bởi STK luôn được xem như một loại sách bổ trợ, giúp học sinh có thêm kiến thức mở rộng hơn so với kiến thức ở SGK. Và nếu sử dụng không đúng cách, sẽ là con dao hai lưỡi, không chỉ làm cho các em bị lệ thuộc, hạn chế tính tư duy, sáng tạo mà còn dẫn đến “hổng”, thậm chí sai lệch kiến thức.
Theo ANTĐ
Cô thủ khoa với ước mơ táo bạo
Cô bạn muốn phát triển ngành Thời trang theo cách của riêng mình. "Mình cũng chưa dám chắc trong tương lai có làm được hay không, nhưng mình sẽ luôn cố gắng hết sức" - cô thủ khoa chia sẻ.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua, cô bạn Đặng Thị Bảo Uyên đã đạt thủ khoa khối D1, dự thi ngành Ngoại thương của ĐH Kinh tế, Đà Nẵng với tổng điểm làm tròn là 25.5đ. Trong đó, điểm từng môn là Văn 8.5, Toán 8.5, Tiếng Anh 8.25.
Họ và tên: Đặng Thị Bảo Uyên SN: 23/06/1994 Cựu học sinh lớp 12CBD14, trường THPT Phan Châu Trinh, TP.Đà Nẵng Thành tích: Cấp 1: Giải Nhì cuộc thi Khéo tay kĩ thuật cấp thành phố Giải 3 thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn cấp trường năm lớp 8 Giải khuyến khích thi học sinh giỏi môn Anh văn cấp TP năm lớp 9 Liên tục là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền Thủ khoa khối D1 của ĐH Kinh tế, Đà Nẵng với 25.5đ
Cô Võ Thị Kim Vui (mẹ Uyên) trong tiệm may nhỏ tại nhà mình trong những ngày qua nhận được rất nhiều lời hỏi thăm, chúc mừng từ mọi người vì thành tích đầy tự hào của cô con gái nhỏ. Ai cũng khâm phục khi biết tin Uyên thi đạt thủ khoa, vì bạn ấy đã vượt qua được một áp lực không hề nhỏ chút nào.
Thủ khoa khối D1, của ĐH Kinh tế, Đà Nẵng - Đặng Thị Bảo Uyên
Người cha kính yêu của bạn đã mãi ra đi vì tai nạn trong lúc làm việc tại công trình xây dựng. Để lại mẹ bạn với gánh nặng trên vai, một mình nuôi hai anh em ăn học (anh trai của Uyên hiện đang là sinh viên năm ba với học lực khá giỏi).
Uyên như bế tắc, lực học đã giảm đi đáng kể trong một thời gian. Nhưng chính sự động viên tận tình của người thân, thầy cô và bạn bè kịp thời đã giúp Uyên vượt qua. Bây giờ, với thành tích đáng khâm phục này, Uyên đã làm nức lòng tất cả mọi người.
Chia sẻ thành tích đáng tự hào của con gái, cô Võ Thị Kim Vui cho hay: "Lúc biết tin Uyên đậu thủ khoa, cô chỉ biết đứng trước bàn thờ ba nó mà khóc. Hai vợ chồng cô cùng nhau 20 năm vất vả nuôi con cái ăn học, chỉ mong một ngày con nó nên người. Vậy mà chỉ còn một năm nữa, ba nó cũng không được nhìn giây phút Uyên nó cầm tấm bằng tốt nghiệp 12 và giấy báo đậu ĐH, thế nên, cô xúc động quá nên cô khóc...". Cô nghẹn ngào, xúc động.
Trò chuyện với Uyên, cô bạn khiêm tốn chia sẻ niềm vui này: "Lúc anh trai báo tin thì mình chỉ nghĩ là anh đùa, vì anh em mình hay đùa với nhau lắm. Nhưng phải tới người thứ hai gọi điện chúc mừng thì mình mới dám tin".
Chia sẻ bí quyết để có được thành tích này, Uyên cho hay: "Mình chỉ học vào khoảng thời gian cảm thấy đầu óc thoải mái, tập trung, minh mẫn nhất. Đó là khoảng thời gian đêm khuya từ 22h30, mình học khoảng vài tiếng, rồi nghỉ chợp mắt xíu, sau đó lại học tiếp.
Đối với môn Toán thì mình mua sách nâng cao hướng dẫn giải nhiều loại đề khác nhau. Mình tự giải, rồi đối chiếu kết quả, sai thì học theo cách giải của họ.
Văn chỉ là nắm vững kiến thức sách giáo khoa và viết theo cảm xúc. Còn môn Anh thì mỗi ngày mình học một ít, những từ vựng mới và cú pháp khó mình ghi vào tờ giấy nhỏ rồi tập hợp lại như một cuốn sổ tay, lúc quên sẽ đưa ra ôn lại".
Uyên còn chia sẻ, mỗi lúc mệt mỏi, chán nản thì bạn ấy lại nhớ tới lời khuyên của mẹ và nó đã giúp bạn ấy luôn biết phấn đấu: "Đừng sợ cuộc sống, bạn hãy tin rằng đời là đáng sống và bản thân niềm tin này sẽ giúp bạn biến điều đó thành hiện thực".
Uyên dự thi vào nghành Ngoại thương và bạn ấy đã chia sẻ ước mơ trong tương lai của mình táo bạo như sau: "Mẹ mình làm nghề may và mình mong muốn học xong sẽ góp phần phát triển ngành này theo một hướng mới. Mình cũng rất đam mê nghệ thuật, mình muốn sáng tạo cho những bộ đồ may ra có thêm một điểm nhấn gì đó thật khác lạ.
Hiện mình đang theo học một khóa học Photoshop miễn phí của Softech Arena. Rồi kết hợp với những kiến thức về Kinh tế mà mình học được để có thể bán được và tạo ra thương hiệu những sản phẩm đó. Nghe thì rất mơ hồ, mình cũng chưa dám chắc trong tương lai có làm được hay không, nhưng mình sẽ luôn cố gắng (cười)."
Nhân đây, bạn ấy cũng muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới anh trai và nhắn gửi tới mẹ rằng: "Mẹ đã luôn ở bên chăm sóc, con biết mẹ đã thức cùng con và lo lắng cho con như thế nào trong những ngày tháng con ôn thi, con cảm ơn mẹ nhiều lắm".
Và lời nhắn gửi tới người thầy đã dạy ở lớp học thêm của bạn, đó là thầy Khế, hiện thầy đang dạy ở trường THPT Thái Phiên rằng: "Em cảm ơn thầy rất nhiều, vì trong lúc em khó khăn nhất, thầy đã luôn động viên, cho em những lời khuyên giá trị, tạo điều kiện cho em đi học lại.
Mình cũng xin nhắn gửi tới các bạn lớp 12CBD14, được ở bên các bạn suốt ba năm qua là những tháng ngày không thể nào quên trong cuộc đời mình, mãi nhớ về nhau nhé các bạn".
Theo TTVN
Sách tham khảo: Vừa loạn, vừa... buồn cười Ví dụ, phần trả lời cho một câu hỏi trong sách tham khảo có ghi: "Đồng bằng sông Hồng không có các nhà máy thủy điện vì... thiếu lao động". Quả là hết sức vô lý và buồn cười. Đầu năm học mới, thị trường sách tham khảo (STK) khá nhộn nhịp, với hàng trăm đầu sách nhưng sách có chất lượng không...