Mẹ stress vì chọn trường cho con vào lớp 1
Nhiều đồng nghiệp của tôi khuyên, chương trình lớp 1 hiện nay học khó, nếu không tích lũy kiến thức nền cho con trước thì vào lớp 1, không chỉ con khổ mà cả cha mẹ cũng khổ. Vợ chồng tôi đều cảm thấy stress khi phải chọn trường cho con.
Ảnh minh họa
Chị Thanh Tâm thân mến!
Cả tuần nay tôi bị stress nặng vì chuyện xin học cho con. Tuy mới cuối tháng 3, tôi cứ ngỡ rục rịch tìm trường dần cho con là phù hợp nhưng không phải vậy chị Thanh Tâm ạ. Những suất trái tuyến ở một số trường mà tôi định xin cho con vào học đều đã có chủ. Hiệu trưởng các trường đó đều trả lời tôi: “Khó lắm chị ạ, lớp giờ đã đông quá rồi!”.
Với quan điểm “không dạy trước, học trước” như đứa đầu nên tôi cũng chưa tìm lớp tiền lớp 1 cho cháu thứ hai. Trong trí nhớ của tôi, việc xin học và học lớp 1 của con đầu khá nhẹ nhàng. Tuy con chỉ thuộc vài chữ cái nhưng vào lớp 1 con vẫn tự tin bắt nhịp cùng các bạn. Có lẽ bởi vậy mà vợ chồng tôi khá đủng đỉnh trong việc xin học cho đứa con thứ hai.
Từ khi thấy đồng nghiệp cùng phòng lo sốt vó tìm lớp tiền lớp 1 cho con, tôi mới bắt đầu có ý định đi xin học cho con mình. Tôi tham gia nhóm phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1. Thấy nhiều mẹ kêu ca việc dạy các con học lớp 1, tôi bắt đầu thấy lo lắng.
Con tôi đến nay bảng chữ cái còn chưa thuộc, cộng trừ trong phạm vi 5 còn nhẩm đi nhẩm lại, thành thử tôi cũng bị chột dạ. Hôm trước, cô giáo của con gọi cho tôi để trao đổi, tình hình tuần trước trường có tổ chức cho khối mẫu giáo lớn kiểm tra thử đầu vào lớp 1 nhưng con tôi không hợp tác. Con không làm bài. Vì vậy, cô trao đổi để tôi chú ý tới con hơn. Đến lúc này, tôi mới ngã ngửa, vì không biết gì nên con tôi thiếu tự tin và sợ hãi.
Trong công ty của tôi, những người có con sinh năm 2015 có 4 người. Tôi hỏi ra, trong 4 cháu sắp vào lớp 1 có 1 cháu đã học tiền lớp 1 được 1 năm, 2 cháu khác đã được học chữ từ trước Tết. Còn con tôi vẫn hồn nhiên chơi, chưa biết bảng chữ cái là gì.
Nhiều đồng nghiệp của tôi khuyên, chương trình lớp 1 hiện nay học khó, nếu không chuẩn bị tinh thần và tích lũy một chút kiến thức nền trước cho con thì vào lớp 1, không chỉ con khổ mà cả cha mẹ cũng khổ. Tôi thấy mới mẫu giáo, các bạn trong lớp con tôi đã thuộc hết mặt chữ cái, cộng trừ trong phạm vi 10.
Thanh Tâm thân, tôi thấy chương trình giáo dục của mình rất là kỳ, luôn chủ trương không dạy trước, học trước nhưng thực tế nếu vào lớp 1 mà chưa biết cơ bản về viết, về đọc sẽ khó theo được các bạn.
Video đang HOT
Trong khi, các chương trình của nước ngoài, mẫu giáo là chơi, việc chơi của con chính là một cách học. Nhưng tôi tham khảo, nếu cho con học trong các ngôi trường có chương trình học quốc tế như vậy, thông thường khó thi được vào đại học của Việt Nam, mặc dù chương trình học của nước ngoài rất đầy đủ và khoa học.
Vợ chồng tôi đang rất băn khoăn việc chọn trường công hay trường tư cho con, nếu học trường công thì nên học “trường làng” hay trường trái tuyến? Trường trái tuyến thì tôi có hỏi nhưng thời điểm này các suất trái tuyến đã gần hết. Còn cho con học trường tư thì chúng tôi lại lo việc học ít áp lực, cho chơi nhiều, sau muốn cho con vào trường công cũng không theo được…
Chị Thanh Tâm ạ, tôi cứ ngỡ mình là người có kinh nghiệm nhưng tới giờ, vợ chồng tôi phải tham khảo mọi thứ lại từ đầu. Mong chị cho tôi lời khuyên nhé!
Thạch Thảo (Hà Nội)
Con vào lớp 1: Tin rằng chọn hệ công là "không thương con", tôi quyết tâm tìm trường ra tấm ra món
Một buổi sáng thức dậy đến công ty, tôi thấy mấy chị em mắt mũi thâm quầng. Hỏi là chạy việc căng lắm hay sao thì lắc đầu không phải, đêm qua cả nhà thức để 4 giờ sáng đến trường mua hồ sơ cho con vào lớp 1. Nghe đến đây, bao nhiêu kí ức của tôi lại dội về.
Bằng giờ năm ngoái tôi cũng là người mẹ có con 6 tuổi, như tấm chiếu mới chưa trải sự đời, ăn xong cái Tết là nỗi lo ập đến. Nhìn đứa con thi thoảng vẫn khóc lóc xin ở nhà, không tháng nào không "đóng họ" cho bác sỹ tai mũi họng, tiếng Anh chữ nọ xọ chữ kia mà hoang mang ngao ngán chẳng biết bắt đầu từ đâu. Vào trong các group chọn trường cho con vào lớp 1 thì càng bấn loạn bởi mê cung thông tin, kinh nghiệm thật thì ít mà bài "cài cắm" PR cho các trường thì nhiều.
Nhiều đồng nghiệp, bạn bè lúc đó cũng bảo tôi " Thì cho con học đúng tuyến, nhà ở đâu trường ở đó. Ngày xưa mình cứ đến tuổi là đi có gì mà phải đau đầu. Rách việc! ". Nhưng ơ kìa ngày xưa chúng ta chẳng có sự lựa chọn nào ngoài hệ thống giáo dục công lập, đường xá cũng không tắc nghẽn hỗn độn như bây giờ. Bố mẹ chúng ta cũng 4 rưỡi, 5 giờ là về đón con cơm nước chẳng phải đến "mùa" chạy deadline tối mắt tối mũi...
Tôi tâm tâm niệm niệm mình phải dành những gì tốt nhất cho con để sau này không hối hận. Nghĩ là làm, tôi ấp ủ một kế hoạch...
Giai đoạn một: Trường công hay trường tư
Ban đầu tôi cũng thích trường công, vì chi phí rẻ. Thời buổi biến động như bây giờ khó có thể nói trước điều gì. Tháng này kiếm được dăm ba chục triệu, tháng sau về mo là chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ. Thế nên con học trường công bố mẹ không phải đau ví, hạnh phúc lắm thay.
"Tôi tâm tâm niệm niệm mình phải dành những gì tốt nhất cho con để sau này không hối hận".
Thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ví không đau nhưng đầu lại khá đau. Là bởi con tôi là 1 đứa ăn ngủ kém, bữa nào cũng phải hò như hò đò, thiếu điều mang roi ra dọa. Lúc ăn thì buồn ngủ, nhưng lúc ngủ thì cựa như sâu kể hết chuyện nọ đến chuyện kia. Nếu học bán trú trường công e rằng khó có thể theo được nhịp sinh hoạt của các bạn, rất tội cho con.
Nhà tôi hai vợ chồng đều đi làm về muộn, mà trường công thì không có dịch vụ xe đưa đón. Bố trí đón con lúc 16h30 mỗi chiều thật sự là bất khả thi. Hơn nữa bản thân tôi tay lái kém, không tự tin đèo con tham gia giao thông trên tuyến đường tan tầm phức tạp.
Ngoài ra, tôi muốn con được học tập trong một môi trường tốt. Tôi tin là ở trường tư, bản thân phụ huynh cũng đã được chọn lọc và có cách sống cơ bản là văn minh. Nói thế không có nghĩa là trường công thì phụ huynh không văn minh. Tôi cũng là học sinh trường công suốt 12 năm, hàng xóm nhiều nhà khá giả vẫn lựa chọn trường công. Nhưng tôi nghĩ rằng những phụ huynh có lựa chọn giống nhau thì có tư duy tương đồng và sẽ dễ hơn trong việc kết nối và xử lý khi có vấn đề phát sinh.
Nghĩ vậy, tôi nghiêng hẳn sang phương án cho con học trường tư.
"Chuyện học là chuyện cả đời, bọn trẻ nên được đến trường bằng sự háo hức và trưởng thành bằng niềm vui mới phải".
Giai đoạn hai: Trường tư là trường tư nào?
Quyết xong, tôi lập tức sa vào "thử thách" tiếp theo. Trường tư cũng chia ra là trường chất lượng cao, hệ song ngữ, hệ quốc tế, trường tiêu chuẩn quốc tế... Sau khi ngắm nghía cơ sở vật chất các trường quốc tế cũng như đồng phục đẹp như phim Hàn Quốc thì tôi ngậm ngùi... dẹp sang 1 bên.
Tôi có 2 đứa con, tháng tháng nộp gần 2 chục triệu cho mỗi đứa thì... run quá. Học phí của con đẹp nhất chỉ nên chiếm tối đa 30% thu nhập của bố mẹ, cao hơn nữa là đe dọa hạnh phúc gia đình vì học phí của con sẽ trở thành gánh nặng và áp lực.
Bởi thế, tôi tập trung tìm hiểu hệ song ngữ tại các trường dân lập chất lượng cao với chi phí
Đợt đó tôi liệt kê ra các trường quanh khu vực là: MIS, Vinschool, Đoàn Thị Điểm, Ngôi Sao Hà Nội, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Siêu, Lê Qúy Đôn, Jean Piaget... Tôi vừa tìm hiểu cho đứa lớn vào lớp 1, vừa chăm đứa nhỏ, vừa quay cuồng với công việc... Thật sự ba đầu sáu tay không hết việc.
Trường nào trên mạng cũng nói hay, muốn biết thực hư thế nào phải đến tận nơi soi tận mắt. Tôi te tắt đi muộn về sớm cố gắng đưa con đến tham quan và trải nghiệm các trường trong danh sách đã liệt kê. Có trường mới mở và cơ sở vật chất cũng như chương trình học tiên tiến, con cũng thích mà mẹ cũng ưng nhưng lại không có xe đưa đón. Có trường phong thái nhẹ nhàng tâm lý nhưng 3 cấp 1, 2, 3 lại sinh hoạt chung 1 sân. Tôi e ngại con nhìn thấy các hình ảnh hơi lớn hơn tuổi nên cũng loại.
Thời gian đó, trưa nào tôi cũng vào cày nát các group phụ huynh, tìm contact và inbox/gọi điện cho phụ huynh các trường để hỏi han. Suy đi tính lại, tôi quyết định chọn những trường có bề dày giáo dục, cơ sở vật chất không quá cao nhưng có tiếng là chất lượng giáo viên đồng đều, tôn trọng học sinh để con phỏng vấn. Không thể có lựa chọn nào thỏa mãn tất cả các tiêu chí, một phần trong tôi tin rằng trường học thì phải lâu đời mới tốt, kinh nghiệm giáo dục con người cần quá trình dài để đúc kết mà.
Giai đoạn cuối: Phỏng vấn
Chọn xong trường thì đến màn phỏng vấn. Nhiều người cứ bảo sao lớp 1 đã phải phỏng vấn này nọ lắm chuyện, tôi thì lại cho là tốt, để con có trải nghiệm đứng trước đám đông thể hiện mình - vốn là 1 kỹ năng không thể thiếu trong suốt đường đời sau này.
Trước ngày phỏng vấn trường đầu tiên cũng là trường tôi ưng nhất, cả nhà động viên con, ông bà gọi điện dặn dò như thi đại học, thì kết quả là... "toạch". Vì cô hỏi gì con cũng đứng "lườm" cô trân trân, sợ không nói nên lời. Các trường sau đó thì kinh nghiệm dày lên nên linh hoạt hơn hẳn. Đấy, con đi thi tuyển cũng như các bố mẹ đi phỏng vấn xin việc ấy, quần áo đẹp đẽ phẳng phiu tóc tai gọn gàng nụ cười thường trực trên môi, trả lời to rõ thì cơ may được chọn là 70%. Nhớ chưa, nói to rõ tự tin. Quan trọng là thần thái!
Sau thần thái là đến nếp ăn nếp ngủ. Một số trường sẽ cho các con trải nghiệm 1 ngày làm học sinh lớp 1 có ăn ngủ tại trường. Ăn tốt hết suất, đến giờ ngủ là nhắm mắt hít thở sâu thả lỏng người nghĩ về những điều hạnh phúc ngáy pho pho là các cô ưng lắm.
Dạo đó tôi cũng mua 1 bộ sách 6 quyển nổi tiếng cùng con học mỗi tối 15 - 20 phút. Ban đầu bài nào con cũng kêu khó, cũng bảo không học đâu. Nản quá cho sách vào góc thì tự nhiên mấy hôm sau lại thấy mon men tìm sách để tô tô nối nối. Hóa ra bọn trẻ con cũng giống mình, vừa sợ vừa hiếu kì với những thứ mới mẻ.
Cuối cùng, con tôi cũng đã được nhận vào một trường vừa sức và phù hợp. Nhớ những ngày đã qua đó, tôi vẫn còn "rùng mình". Đồng hành cùng con trên con đường học hành chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng nếu quay lại, chắc tôi sẽ đối diện với hành trình đầu tiên của con bằng tâm thế nhẹ nhõm hơn, tránh để chính mình áp lực hơn cả các con cái. Chuyện học là chuyện cả đời, bọn trẻ nên được đến trường bằng sự háo hức và trưởng thành bằng niềm vui mới phải.
Chọn trường cấp 3 cho con đừng chỉ nghe theo lời đồn đại Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, khi con lên lớp 10, cha mẹ cần phải tùy thuộc vào năng lực, sức khỏe của con ở mức nào để chọn trường gần hay xa. Chọn trường, lớp cho con luôn là bài toán khó đối với rất nhiều phụ huynh. Mỗi khi các em chuyển cấp bài toán khó ấy lại càng trở nên...