Mẹ lo lắng con bị thần kinh ở tuổi dậy thì
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ, rất nhiều đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì không vượt qua được khủng hoảng đã mắc bệnh thần kinh.
“Trẻ con khổ quá!”
Trong buổi giao lưu Chat với con tuổi dậy thì, một người mẹ rất lo lắng khi chia sẻ về câu chuyện căng thẳng trong mối quan hệ cha mẹ – con cái, thu hút sự chú ý của nhiều phụ huynh.
Chị kể, con mình từng thi trượt trường chuyên tại Hà Nội, nên phải chuyển sang trường khác. Đây là cú sốc tâm lý đầu đời vì trường chuyên là ước mơ của cậu bé.
Trong lớp, con thích một bạn gái nhưng bị từ chối nên bắt mẹ phải chuyển trường, nếu không sẽ bỏ học. Gần khai giảng, việc chuyển trường làm khó phụ huynh, nhưng chị vẫn chiều con. Sau đó, cậu bé lại muốn chuyển trường vì không hợp thầy cô giáo.
Phụ huynh này từng đưa con vào viện tâm thần vì mỗi lần nóng nảy, con đều cầm cốc chén đập phá, không thể điều khiển hành vi. Đỉnh điểm trong cơn nóng, cậu đánh em ruột và hiện không chấp nhận ngồi ăn cơm cùng bố mẹ.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa – giảng viên bộ môn Tâm lý Giáo dục, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, rất nhiều con là nạn nhân của sự kỳ vọng của cha mẹ, dễ mắc bệnh thần kinh. Bà khuyên cha mẹ nên đưa con con đến bác sĩ tâm lý.
Bản thân bà Hoa đã gặp trường hợp con bị tâm thần sau khi trượt đội tuyển thi quốc tế. Bà Hoa cho rằng, phương pháp đơn giản nhất là hạn chế việc học, cho con chơi đùa thỏa thích. “Đôi khi tôi thấy trẻ con khổ quá, các con chịu rất nhiều áp lực từ học hành đến gia đình”, nữ tiến sĩ nói.
Bà Hoa nhắn nhủ phụ huynh: “Tôi quan niệm con làm gì cũng được, có thể là lái xe chở rác, làm thợ, miễn sao phải sống cho đàng hoàng. Tôi rất sợ con gặp vấn đề về tâm lý nên luôn giữ cân bằng cho con bằng những tình huống hài hước nhất”.
PGS.TS Phương Hoa chia sẻ về cách dạy con tuổi dậy thì. Ảnh: Quyên Quyên.
Về trường hợp khó xử khi người con không chấp nhận ăn cơm cùng bố mẹ, nữ phó giáo sư cho rằng, hãy tạm kệ suy nghĩ của con, vì trong lúc đang chống đối, trẻ sẽ không bao giờ nói thật. Nếu con không muốn ngồi ăn cùng, ba mẹ có thể mang cơm lên phòng. Điều tốt nhất đừng bắt con theo suy nghĩ của mình, nếu không mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn.
Video đang HOT
Theo bà Hoa, trẻ con đôi khi như quả bóng, nếu người lớn châm kim, ngay lập tức sẽ nổ, còn “mặc kệ”, quả bóng tự xì hơi. Là người mẹ, hãy luôn nói ở cạnh con, hướng về con, nói lời yêu thương con mỗi ngày. Lúc ấy, con sẽ hiểu được tình cảm của cha mẹ. Phụ huynh có thể để mỗi mẩu giấy lên bàn, viết “chúc con ăn ngon”, “mẹ cảm ơn”, “mẹ yêu con”…
Nếu không muốn con yêu sớm, nhớ đừng phá
Phụ huynh có thể chia sẻ kinh nghiệm dạy con tuổi dậy thì, những câu chuyện về giáo dục giới tính cho học sinh hay các tình huống cần chuyên gia tư vấn liên quan chủ đề này… qua địa chỉ email: toasoan@zing.vn.
Trong số rất nhiều câu hỏi đau đầu của phụ huynh, chủ đề tình yêu trong tuổi dậy thì được quan tâm. Một bà mẹ cho biết: “Nếu con thích một bạn gái mà tôi không ưng, sẽ phải làm thế nào?”.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy hai con của mình, bà Nguyễn Phương Hoa cho rằng, trong mọi trường hợp, cha mẹ không nên phá tình yêu của con cái. Bởi càng phá, con sẽ càng thể hiện tình yêu, yêu sâu đậm hơn. Cách tốt nhất là giả vờ đồng tình hoặc coi như không hay biết, sau đó định hướng và “châm chích” dần về sự không phù hợp giữa hai người. Như vậy, mối tình sẽ tự… tan vỡ.
“Có con ở tuổi dậy thì thật mệt, người lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng như nghệ sĩ đang tập đi trên dây, nơm nớp lo âu, thần kinh căng như dây đàn. Có con tuổi dậy thì đôi khi thấy cuộc đời chao đảo, như vừa bị nhốt vào hầm băng bỗng bị lôi phắt ra quảng vào nồi nước sôi sung sục”, bà Nguyễn Phương Hoa tâm sự.
Nữ tiến sĩ cho rằng, khi tuổi dậy thì đến, tâm tính đứa con bỗng dưng thay đổi, điên điên, khùng khùng như một dòng lũ xiết nhiều khi chỉ chờ cuốn phăng cả con lẫn mình. Nếu sốt ruột muốn đắp ngay một con đập để ngăn chặn cơn lũ, dám chắc con đập sẽ bị lũ đập tan hoặc chí ít cũng bị đánh cho tơi tả. Cách tốt nhất thoát khỏi cơn lũ là chấp nhận bơi cùng lũ. Kiên nhẫn chịu đựng đến khi lũ yếu dần, yếu dần thì khéo léo vừa bơi vừa dồn lũ vào bờ.
Rất nhiều bà mẹ trong xã hội hiện đại lo lắng: Làm thế nào để chăm con tốt khi không có thời gian ở bên con. Chị Phan Hồ Điệp (mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam) cho biết: Thời gian bên con không chỉ là thời gian vật chất, nó còn là thời gian về tinh thần khi người mẹ luôn hướng về con.
Điều lưu ý khi bên con tuổi dậy thì là bố mẹ hãy làm người bạn đồng hành cùng con. Trong trường hợp con không đồng ý, bố mẹ nên có những đồng minh là bạn bè, thầy cô, gia sư của con để có thể chuyển thông điệp đến cho con một cách dễ dàng.
Theo Zing
Những câu chuyện dở khóc cười khi con ở tuổi dậy thì
Chỉ vì mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con tuổi dậy thì, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa cho biết, vợ chồng bà từng suýt ly hôn. Cậu con trai tên Cống đã "nổi loạn" trong suốt 8 năm.
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa - giảng viên bộ môn Tâm lý Giáo dục, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội kể lại câu chuyện chiến đấu cùng tuổi dậy thì của con trai tên Cống khiến nhiều người "cười ra nước mắt".
Bắt đầu từ năm lớp 3, Cống đã nổi loạn. Người mẹ tự nhận con mình có tính cách khác người từ bé và càng "nổi khùng" khi bước vào tuổi dậy thì.
Câu chuyện thứ nhất, năm lớp 3 Cống đã đấm thẳng vào mũi một bạn gái trong lớp. Sau vụ gây gổ đó, Cống viết bản kiểm điểm như sau:
"Con đã nghĩ: Thôi, đây chỉ là hù dọa mà thôi. Nhưng không hiểu sao tay con lại không nghe theo ý nghĩ của mình, đấm thẳng vào mũi bạn Hà Mi. Thế là bạn ấy khóc. Ngay từ lúc đó, con đã muốn xin lỗi bạn ấy và biết mình có lỗi. Buổi chiều, con đã xin lỗi bạn ấy và cho bạn ấy tát lại. Qua sự việc trên con thấy mình đã sai. Và là sai lầm rất lớn khi đánh bạn gái.
Con thật đáng ghét. Mãi mãi con sẽ không làm chuyện tày đình đáng ghét này nữa".
Câu chuyện thứ hai xảy ra khi lớn thêm chút nữa, năm học lớp 10, Cống đã bỏ nhà ra đi sau khi nói những lời không hay với mẹ. Chị Hoa kể, Cống lên phòng dọn đồ đạc, mang theo cặp sách, túi đồ chơi và đầy truyện.
Khi mẹ hỏi: Đã bỏ nhà đi còn mang theo sách truyện làm gì, Cống tức nói cộc lốc: Mang đi để mà đọc, chứ không đọc để mà ngu đi à.
Biết tính con anh hùng hảo hán nhưng cực nhát, chị Hoa để mặc cho con đi và biết con sẽ chỉ đến vài nhà người bạn thân từ ngày cấp 1.
Đúng như người mẹ dự đoán, cậu chỉ đến nhà bạn rồi mò về. Sau lần bỏ nhà đi "không thành" Cống rút ra bài học "Thà để cho ba mẹ mắng, phạt còn hơn bỏ nhà ra đi".
Chị Hoa tâm sự: "Ở một thời điểm nào đó, người mẹ có thể để con tự bỏ nhà ra đi vì đã thuộc tâm tính của con. Tôi chờ đợi ở con một cuộc trải nghiệm đầu đời".
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ về giai đoạn nuôi con tuổi dậy thì. Ảnh: Quyên Quyên.
Câu chuyện thứ ba, nhân dịp mẹ đi vắng một tháng rưỡi, Cống ở nhà với người bố hiền lành và có thời điểm dùng Internet đến 20 tiếng/ngày. Cũng vì bất đồng quan điểm trong việc nuôi dạy con của hai vợ chồng mà có lúc hôn nhân tưởng chừng sát mé bờ vực" - PGS.TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ.
Những lần tiếp theo, Cống đánh cả gia sư, thường xuyên cãi giáo viên, mắng bố mẹ, đấm vỡ cửa kính lớp...
Người mẹ chiến đấu với con như cảnh sát 113
Trong suốt 8 năm đứa con trai tên nổi loạn, chị Hoa có thời điểm định đầu hàng. "Lớn lên, cái tính cứng đầu cố chấp, bảo thủ, cực đoan, ít chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác của con trai tôi càng tệ hại. Tranh luận với ai, Cống cũng phải tìm ra cách áp đảo, cố ôm phần thắng về mình. Người thân còn không chịu nổi nữa là người ngoài - chị Hoa chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa diễn tả lại hành động thường xuyên nổi nóng của con trai tên Cống. Ảnh: Quyên Quyên.
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa - giảng viên bộ môn Tâm lý Giáo dục, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội là tác giả cuốn sách Cuộc chiến tuổi dậy thì - NXB Phụ nữ.
Là người mẹ yêu thương con vô bờ bến, luôn kiên nhẫn và có tính hài hước, TS Nguyễn Phương Hoa đã cùng con đi qua tuổi dậy thì.
Chị chia sẻ bí quyết, dù con có đang "căng" nhất mình vẫn luôn phải hài hước hóa mọi chuyện để "dập tắt" sự nổi loạn của con.
Hiếm có người mẹ nào muốn làm bạn với con không được đã kết bạn với bạn của con, bố mẹ của bạn con, cô giáo của con... Chị lập cả tài khoản Facebook giả, kết bạn để xem con nghĩ gì. Chị xin cho con từng lời khen của giáo viên, những lần giơ tay phát biểu, xin cả hình phạt để tự "trừng trị" Cống.
Thậm chí, có lần con trai bị các anh khối 12 đánh, người mẹ coi đó là những va vấp, trải nghiệm cuộc đời của cậu bé.
"Nếu con cứ giữ tính cách cục cằn, lỗ mãng thì ngoài đời sẽ có những người hơn thế" - chị Hoa kể.
Chị Hoa cho biết: "Tôi đã học ở con nhiều điều, học làm mẹ, làm thầy, học khiến cuộc sống phong phú hơn...".
Hiện tại Cống vừa sang Đức du học, là chàng trai trưởng thành, tính cách điềm đạm. Đúc kết lại trong suốt quá trình nuôi dạy con, chị Hoa nói: "Nhiều khi giáo dục con ở tuổi dậy thì người mẹ phải có phản ứng nhanh như 113, đôi lúc lại cần tĩnh tâm. Sự nhạy cảm và mách bảo từ trái tim, khối óc của người mẹ sẽ là cuốn sách dạy con tuyệt vời nhất".
Theo Zing
Chuyện lạ: Nữ "biến" thành nam khi bước vào tuổi dậy thì Có ba giới tính ở Salinas, nơi mà một hiện tượng kỳ lạ nữ "biến" thành nam khi bước vào tuổi dậy thì đã trở thành điều không còn lạ lẫm đối với những người dân trong làng. Ngôi làng Salinas, thuộc tỉnh Barahona phía tây nam nước Cộng hòa Dominican cũng êm đềm và bình dị như bao ngôi làng khác. Ở...