“Mẹ Hòa” với gần 70 đứa con hiếu học
Dạy các con bình thường đã khó, giờ là các con có tính cách đặc biệt thì còn khó hơn nhiều, các con không ý thức được hành vi của mình, luôn cáu giận vô cớ.
Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy cũng là từng ấy năm cô giáo Lê Thị Hòa – giáo viên trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, luôn tâm niệm một niềm mong mỏi được giúp đỡ những số phận học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống.
Trong gần 15 năm cô đã quyết tâm dạy học miễn phí cho nhiều em học sinh bị mắc các bệnh và không có cơ hội được đến trường, giúp các em hòa nhập với cộng đồng.
Những câu nói “Mẹ Hòa” được gọi từ những đứa trẻ có gương mặt ngô nghê nhưng lại thân thương biết bao.
Cô Lê Thị Hòa – giáo viên trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, luôn tâm niệm một niềm mong mỏi được giúp đỡ những số phận học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống. Ảnh: Tùng Dương.
Các con sau một thời gian học đã có nhiều tiến bộ. Ảnh: Tùng Dương.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Hòa (sinh năm 1973), giáo viên, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo và cả 2 bố mẹ tôi đều là trẻ mồ côi và không biết chữ, tôi là con đầu và dưới tôi có 5 em trong đó có 3 người theo ngành sư phạm.
Bố mẹ tôi thường dặn là bố mẹ đã vất vả rồi, bây giờ các con đã là giáo viên, nếu làm được việc gì tốt có ích cho đời thì hãy cố gắng làm.
Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm năm 1992, tôi lên dạy ở Hòa Bình được 9 tháng rồi chuyển về dạy tại trường Tiểu học Trường Yên, huyện Chương Mỹ.
Năm 1997, tôi về làm Tổng phụ trách Đội kiêm giáo viên tại trường Tiểu học Đông Sơn cho đến nay. Cùng năm đó, tôi xây dựng gia đình.
Khi về nhà chồng, thấy nhiều trẻ nhỏ trong xóm không đi học, hỏi ra mới biết các em đều bị khuyết tật trí tuệ. Nhìn thấy thương, tôi rủ các em sang nhà chơi, ban đầu tôi hướng dẫn các em tập hát, viết chữ, vẽ tranh trong căn bếp rộng chừng 10 mét vuông.
Thời gian đầu có 23 cháu theo học, cứ lúc nào rảnh là các cháu lại đến nhà để tôi dạy và các cháu này cũng chưa được đi học bao giờ.
Lớp học cứ như vậy kéo dài được hơn 2 năm thì các gia đình trong xã có con chậm phát triển biết tin cũng đem con đến gửi vào lớp học của tôi.
Đến năm 2007 thì lớp học của tôi khá đông học sinh và căn bếp của gia đình không còn thích hợp cho số lượng học sinh như vậy.
Trong một buổi lên chùa Hương Lan thì tôi thấy nhà khách của chùa khá rộng rãi, thoáng mát nên tôi đánh bạo nói với sư trụ trì rằng: ” Con đang dạy một lớp ở nhà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, chậm phát triển nhưng nhà con chật quá.
Nay thấy nhà khách ở chùa sạch đẹp thì thầy có thể cho con mượn chỗ này để mở lớp học có được không?
Video đang HOT
Nghe tôi nói vậy, sư thầy Thích Đàm Tiền đồng ý và hứa sẽ đồng hành cùng với tôi, thiếu gì thầy sẽ cho. Vậy là một lớp học mới khang trang được ra đời ngay tại chùa Hương Lan từ lúc đó.
Bàn ghế cũ thì tôi và sư thầy đi xin ở trường tiểu học mang về kê vào lớp, sau đó các đồng chí lãnh đạo ở xã ủng hộ cho lớp được 10 bộ bàn ghế mới”.
Có con học ở lớp này đã 13 năm dưới dự kèm cặp của cô giáo Hòa. Ảnh: Tùng Dương.
Lớp học tình thương của cô giáo Hòa tại chùa Hương Lan – thôn ông Cựu, xã ông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Các con phấn khởi khoe vở với những nét viết rất đẹp. Ảnh: Tùng Dương.
Lớp học trong chùa Hương lan
Lớp học tại chùa Hương lan mở cửa 1 tuần 2 buổi sáng vào ngày cuối tuần với gần 70 em học sinh từ 6 tuổi trở lên, thậm chí có em 27 tuổi, các con thuộc đối tượng thiểu năng chí tuệ, tự kỷ, bị chất độc da cam…
“Dạy các con bình thường đã khó, giờ lại là các con có tính cách đặc biệt thì còn khó hơn nhiều, các con không ý thức được hành vi của mình, thời tiết thay đổi cũng làm các con khó chịu.
Đang học nhưng có con lao vào đánh, cắn tôi đến chảy cả máu tay, những lúc như vậy tôi lại phải nhẹ nhàng, nói chuyện để các con bình tĩnh trở lại rồi sau đó ổn định lớp để tiếp tục dạy học.
Vất vả lắm anh ạ, có nhiều con không biết đi vệ sinh nên đã đi ngay tại lớp, có con thì ngồi khóc cả buổi, có con lại chạy quanh lớp phá phách không cho các bạn học.
Có những ngày trái gió trở trời nhiều con bị đau đầu, gào thét, cào cấu liên tục, xé quần áo. Nhìn các con tôi chỉ biết ôm chúng vào lòng, chịu đau cho chúng cắn vào tay mình còn hơn là để các con tự gây thương tích.
Nhưng đến bây giờ sau nhiều năm các con được tôi hướng dẫn, cảm nhận được tình cảm yêu thương của tôi nên các con cũng bớt tính hung hăng, nhiều con biết đọc, biết viết rất giỏi.
Các con đã biết nghe lời tôi trong những tiết học, nhiều con muốn được học máy tính, có con ước muốn sau này làm cô giáo để dạy các bạn nhỏ giống như tôi bây giờ.
Hiện tại tôi chia các con thành 2 lớp với 2 trình độ khác nhau, một lớp là các cháu chưa biết đọc biết viết và lớp thứ 2 là các cháu đã đọc thông viết thạo.
Đặc biệt có con học ở đây 13 năm rồi đến bây giờ mới viết được nhưng vẫn chưa đọc được, nhưng cháu viết đẹp lắm, có cháu học hôm trước nhưng đến hôm sau lại quên luôn, tôi lại phải dạy lại từ đầu”, cô Hòa nói.
Vất vả như vậy nhưng cũng có nhiều phụ huynh thắc mắc rằng không biết tôi nghĩ gì mà lại đi mở lớp miễn phí như vậy, họ nói rằng ở nhà có một cháu thôi mà họ còn mệt, nữa là ở đây cô có gần 70 cháu, vậy đầu óc cô có vấn đề không?
“Nghe vậy cũng buồn lắm nhưng biết làm sao được, cứ nhìn thấy các con như vậy là tôi lại không cầm lòng được và tự nhủ mình cần phải cố gắng hơn nữa.
Họ nói vậy nhưng họ đâu có hiểu được sâu xa trong lòng các con, chúng là những đứa trẻ mắc bệnh, chúng cần được chia sẻ, cần được người đồng cảm.
Tôi cũng cố gắng để các con cảm nhận, hiểu được xung quanh mình có nhiều bạn cùng cảnh ngộ, còn có nhiều người tốt thương yêu các con và khuyến khích các con cùng cố gắng.
Cho đến tận bây giờ vẫn có vài phụ huynh đưa con đến cổng chùa rồi về luôn, họ phó mặc tất cả cho tôi trong giờ học, hết giờ có khi mãi họ mới đến đón về, tôi lại phải ngồi lại để trông nhỡ các con làm sao thì mình lại ân hận.
Nhưng cũng có phụ huynh vào ngồi kèm con học nên tôi cũng đỡ vất vả phần nào, nhiều gia đình cũng nói lời cảm ơn tôi vì đã dành thời gian dạy các em, nhiều hôm họ mang đến biếu tôi rau bắp cải, có hôm thì cái súp lơ của nhà trồng, họ cũng nghèo nhưng mà vui lắm anh ạ.
Những hôm nhà có việc nên tôi phải nhờ giáo viên khác dạy thay 1 buổi nhưng các con không chịu, cứ phải có tôi thì các con mới nghe lời, những hôm như vậy tôi phải đến lớp từ tối hôm trước và viết bài toán hoặc bài tập đọc lên bảng thì hôm sau các con mới chịu học.
Ngay như đợt tôi sinh cháu út mới được 1 tháng là tôi đã phải lên dạy các cháu vì nếu nghỉ lâu quá lớp học sẽ tan mất, các con không chịu để giáo viên khác dạy thay.
Nhiều người hỏi tôi lấy đâu ra sức lực và thời gian để vừa hoàn thành công việc ở trường, vừa dạy các con vào 2 ngày cuối tuần, lại còn chăm sóc gia đình của mình. Nhiều người còn cho rằng tôi không bình thường. Rồi ngay cả trong gia đình tôi cũng lời ra tiếng vào.
Những lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rằng mình cần cố gắng hơn nữa, ai đó nghi ngại thì thời gian sẽ cho họ câu trả lời, và suốt 15 năm qua tôi đã gắn bó với các con, có những con bệnh rất nặng về trí tuệ, cũng có con bị khuyết tật vận động, không thể hòa nhập ở trường, nhưng có một điều đáng mừng là các con đều tiến bộ”, cô Hòa cho biết.
Với mỗi con thì cô giáo Hòa đều có cách tiếp cận riêng để dạy học. Ảnh: Tùng Dương.
Cô giáo Hòa chuẩn bị áo mưa cho các con sau giờ học. Ảnh: Tùng Dương.
Cô Hòa đã kiên trì mở lớp dạy các con có tính cách đặc biệt gần 15 năm nay. Ảnh: Tùng Dương.
Vở viết của các con tại lớp học tình thương do cô Hòa dạy. Ảnh: Tùng Dương.
Cô giáo Lê Thị Hòa cũng rất tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Từ năm 2015 đến nay, cô đã tổ chức quyên góp 400 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng hành cùng nhiều hoàn cảnh kém may mắn.
Với những đóng góp ấy, cô giáo Lê Thị Hòa đã đã được nhận bằng khen của Trung ương đoàn, danh hiệu Tổng phụ trách giỏi, Tổng phụ trách tiêu biểu của thành phố, giáo viên giỏi việc nước đảm việc nhà 5 năm liên tiếp (2008 – 2012) và đặc biệt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô năm 2017.
Mới đây, cô Hòa vinh dự được Thành phố Hà Nội vinh danh là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Đó là sự ghi nhận thật xứng đáng cho một tấm gương nhà giáo gương mẫu, trách nhiệm và sống có ý nghĩa với cộng đồng, xã hội.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
Nghị lực mùa thi: Những tưởng em đã phải nghỉ học...
Con đường đến trường trắc trở và lầy lội chưa ngăn được quyết tâm học tập của Nghi. Duy nhất chỉ có khó khăn về kinh tế đã từng khiến cô học trò hiếu học này những tưởng phải nghỉ học...
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Nghi (trái) vẫn quyết tâm theo đuổi việc học - Ảnh: NữVương
Tại điểm thi Trường THPT Bình Khánh (H.Cần giờ), Phạm Thị Quỳnh Nghi (Trường THCS - THPT Thạnh An) lặng lẽ rời phòng thi về nơi cư trú tạm, mà không có ba mẹ đón ngoài cổng như nhiều thí sinh khác.
Nghi sinh ra và lớn lên tại ấp đảo Thiềng Liềng xa xôi của xã đảo Thạnh An, từ nhà của Nghi ra đến đầu ấp đảo phải mất 1 tiếng đồng hồ đi bộ, rồi thêm 45 phút đi đò để qua xã đảo Thạnh An học. Căn nhà hẻo lánh đó theo như cách kể của Nghi là "nhà em ở tít trong ruộng, không có đường bê tông đi vào mà chỉ có cách đi bộ thôi ạ".
Cũng không lạ lẫm gì khi nghe Nghi kể, bởi người viết đã từng lội bộ hàng giờ đồng hồ để vào được nhà của học sinh ở ấp đảo này, không những thế còn phải lội bùn lún đến ngang bụng. Vì đã từng được trải nghiệm nên chúng tôi cảm nhận được những trắc trở mà Nghi vượt qua để theo đuổi sự học đến ngày hôm nay.
Thế nhưng, con đường đến trường trắc trở và lầy lội kia, chưa ngăn được quyết tâm học tập của Nghi. Duy nhất chỉ có khó khăn về kinh tế đã từng khiến cô học trò hiếu học này những tưởng phải nghỉ học.
"Năm em học lớp 9, nhà khó khăn quá, ba mẹ đều làm muối, tiền còn không đủ ăn hằng ngày nhưng lại thiếu nợ người ta từ trước, họ đến nhà đòi mà ba mẹ không có trả. Lúc đó mẹ bảo hay là thôi con nghỉ học, em chỉ biết khóc. Thế nhưng rồi, em vẫn quyết tâm và theo học đến ngày hôm nay", Nghi nghẹn ngào nhớ lại.
Chính vì thế, để duy trì việc học, ngoài những ngày đi học, Nghi vẫn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên các ruộng muối cùng ba mẹ. Và ngày hôm nay, em tươi cười khoe với tôi: "Hôm qua em làm bài thi rất tốt, hy vọng hôm nay cũng vậy. Em sẽ cố gắng để học và giúp đỡ gia đình".
Thế nhưng ánh mắt nhìn xa xăm của em mỗi lần nghĩ đến chặng đường phía trước, khiến chúng tôi cũng phải đặt câu hỏi: "Liệu có lúc nào hoàn cảnh gia đình khó khăn quá và em lại nghe mẹ nói "hay là con nghỉ học"?".
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước.
Nội dung ghi: giúp đỡ em Phạm Thị Quỳnh Nghi.
Chúng tôi sẽ chuyển đến em Nghi trong thời gian sớm nhất.
Theo Thanh niên
Quảng Nam tìm cách ngăn học sinh bỏ học dịp nghỉ Tết nguyên đán Thời điểm trước và sau Tết nguyên đán dễ xảy ra trường hợp học sinh bỏ học nên ngành giáo dục Quảng Nam lưu ý các trường làm tốt công tác kiểm soát. Ngày 7/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, vừa có văn bản gửi các trường về việc cho học sinh nghỉ Tết nguyên đán Canh tý...