Mẹ đảm có cách trữ đông rau gia vị tươi ngon cả tháng, mở tủ lạnh là có, nấu ăn nhanh – gọn – lẹ
Cách trữ đông các loại rau gia vị của chị Thu Phương không chỉ giúp thực phẩm tươi lâu, mà khi nấu ăn cũng rất nhanh, không phải lích kích dao thớt.
Rau gia vị như hành lá, rau mùi, gừng, tỏi… tuy không phải cho nhiều vào món ăn nhưng hễ thiếu chúng thì đồ ăn bạn nấu sẽ kém phần thơm ngon, hấp dẫn.
Trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, nhiều người hạn chế ra ngoài hoặc đến những chỗ công cộng. Cũng vì thế mà việc mua thực phẩm, đặc biệt là các loại rau gia vị càng khó khăn hơn. Không những thế, nếu mua chúng để sử dụng trong 1 thời gian dài mà không biết cách bảo quản đúng thì các loại rau này cũng rất dễ hỏng, ủng thối.
Mẹ đảm chia sẻ cách bảo quản rau gia vị đặc biệt của gia đình mình.
Mới đây, mẹ đảm Thu Phương đã chia sẻ cách bảo quản các loại rau gia vị của gia đình chị. Chị cho biết: ” Mình là đứa thích vào bếp, thích nấu ăn và đặc biệt món ăn ngon thì không thể thiếu được gia vị cũng như các loại rau thơm. Vào bếp mà thiếu rau gia vị là không muốn nấu luôn.
Các loại gia vị tươi chỉ cần chút xíu nhưng mà mỗi lần nấu lại lọ mọ bóc hành, tỏi xong dao thớt lỉnh kỉnh là ngại vô cùng nên tranh thủ rảnh là mình sơ chế với số lượng lớn và đem trữ đông.
Thật ra thì từ trước đến nay mình đã có thói quen trữ đông thực phẩm chứ không chỉ riêng trong mùa dịch này. Nhưng trước đây thì mình chỉ dự trữ từ 3 – 5 ngày. Giờ có khi cả tuần, hoặc dài hơn. Cách này của mình phù hợp với những chị em nào bận rộn chăm con như mình, hoặc muốn tích trữ rau gia vị được lâu mà vẫn đảm bảo độ tươi ngon”.
Dưới đây là kinh nghiệm bảo quản rau gia vị của mẹ đảm Thu Phương, các chị em cùng tham khảo nhé!
1. Gia vị xào nấu, ướp thịt cá (hành khô, tỏi, gừng)
Chị Thu Phương thường xay nhỏ, đổ ngập dầu ăn rồi cất trong ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp cho tỏi, hành khô hoặc gừng giữ được độ tươi và hương thơm cả tuần. Đồ ăn ướp cũng rất tiện, không lích kích dao thớt mỗi lần cần nấu ăn.
2. Gia vị pha nước chấm như hành khô, tỏi, gừng, ớt
Bóc vỏ hoặc xay nhuyễn (chị Thương thường làm 200gr/lần), sau đó chia nhỏ bằng cách cho vào từng ô của khay đá có nắp kín hoặc dàn mỏng trong hộp rồi chia từng ô. Khi cần bẻ ra rất dễ dàng.
Chị Thu Phương dùng khay làm đá có nắp kín để tránh mùi của tỏi, gừng bay ra khắp tủ lạnh.
Những loại hộp như thế này có nắp đậy kín, nên chị em yên tâm rằng các thực phẩm khác không bị ám mùi.
Xay tỏi, hành bằng máy xay tay vừa nhanh vừa sạch, tay không tí mùi nào luôn lại đỡ được việc rửa dọn dao thớt.
3. Với hành lá và các loại rau thơm
Video đang HOT
Rửa sạch, để thật ráo nước, thái nhỏ rồi trữ trong hộp bảo quản ngăn đông. Khi nấu xong không cần rã đông, cứ lấy trực tiếp cho vào món ăn vẫn thơm ngon.
4. Bảo quản chanh, quất
Vắt lấy nước cốt, cấp đông, khi cần pha nước chấm hay pha nước uống thì chỉ cần bỏ ra, rất tiện lợi.
Ngoài ra, chị Thu Phương cũng chia sẻ thêm cách bảo quản thực phẩm khác trong đợt dịch của gia đình mình!
5. Hạt sen, sấu, bơ
- Hạt sen đem rửa sạch, hấp sơ qua rồi cất trong hộp kín dùng quanh năm để nấu cháo, chè, cho bé ăn dặm. Hương vị và chất lượng của hạt sen vẫn ngon y như khi mua tươi về làm, không sợ hạt sen bị thâm, sượng.
- Quả sấu cạo vỏ, rửa sạch để ráo và cất trong ngăn đông.
- Bơ gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn. Sau đó vắt thêm ít cốt chanh rồi chia vào từng hộp nhỏ. Khi cần dùng thì bỏ ra, không cần rã đông, hoàn toàn có thể đem xay nhuyễn luôn mà vẫn đảm bảo chất lượng bơ ngon, không bị chảy nước.
6. Với thịt và hải sản
- Rửa sạch, để ráo, chia nhỏ vừa bữa ăn sau đó đặt vào hộp bảo quản thực phẩm. Bên ngoài, chị Thu Phương có dán ghi nhớ ngày tháng, loại thịt để không bị nhầm lẫn. Đặc biệt chị có lót thêm lớp lá chuối tươi để thịt, cá… giữ được hương vị thơm ngon tốt nhất.
7. Nem rán
Sau khi gói xong, chị Thu Phương sẽ đem rán sơ qua. Sau đó để nguội và trữ đông trên ngăn đá. Khi chế biến, chị chỉ cần đem ra rán giòn lên như bình thường là xong. Cách này giúp cho chị tiết kiệm thời gian khi nấu ăn.
8. Các loại rau củ khác
Rau củ sau khi mua về sơ chế, loại bỏ phần lá úa, dập ủng. Sau đó đem rửa sạch, để ráo, bỏ vào hộp nhựa và trữ ở ngăn mát.
Một vài lưu ý khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh:
- Nên bảo quản thực phẩm trong hộp kín để hạn chế việc nhiễm khuẩn chéo. Đặc biệt, trong hộp kín khí tuyệt đối sẽ tránh cho thịt, cá không bị đông cứng quá mức dẫn đến tình trạng mất nước hay thay đổi màu sắc, mùi vị. Thời gian bảo quản cũng lâu hơn.
- Những loại rau gia vị sẽ không tránh được mùi, để trong hộp kín cũng là cách hạn chế tủ lạnh bị nhiễm mùi gia vị.
- Một trong những lý do khiến rau dễ dập, úng khi trữ trong tủ lạnh đó là do nhiệt độ. Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm rau dễ đông đá và đen, nhiệt độ không đủ lạnh cũng sẽ khiến rau bị úa đi. Do đó, hãy duy trì ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ 0-6 độ C.
- Có thể khử mùi tủ lạnh bằng cách đặt vào 1 ít vỏ cam, quýt.
- Khi mua hộp dự trữ, nên chọn cả set đông và set mát thay vì dùng chung. Chọn size phù hợp với lượng thực phẩm để không gian trữ đông được nhiều nhất.
Với những gợi ý của chị Thu Phương trên đây, hy vọng chị em sẽ có bảo quản thực phẩm thành công trong mùa dịch nhé!
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách: Cứ tưởng đợi thức ăn nguội rồi cho vào tủ lạnh mới đúng, không ngờ lại là sai lầm gây hại cho sức khỏe!
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách mới có thể ngăn chặn hoặc làm chậm việc thức ăn bị hư hỏng, giảm chất lượng và giá trị dinh dưỡng.
Tuy nhiên, không ít người vẫn còn mắc sai lầm khiến khi sử dụng tủ lạnh để lưu trữ thức ăn.
Có nên để nguội thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh?
Rất nhiều người nội trợ vẫn thường có thói quen để nguội thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Thế nhưng, đây thực sự vẫn luôn là một vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng nhiệt độ trong tủ lạnh thấp hơn hẳn so với nhiệt độ phòng. Do vậy, nếu để thực phẩm nóng đặt trực tiếp vào tủ lạnh sẽ dễ khiến các chất dinh dưỡng bên trong thực phẩm bị biến đổi, biến chất.
Một số khác lại nghĩ rằng, thực phẩm kể cả đang nóng cũng nên được đặt trực tiếp vào tủ lạnh sớm. Bởi nếu chờ cho thức ăn nguội rồi mới cho vào tủ lạnh cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tạo điều kiện về thời gian và môi trường để vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ gây độc cho thực phẩm.
Bảo quản thức ăn chín trong tủ lạnh đúng cách để đảm bảo an toàn thực phẩm, không bị mất dinh dưỡng. Ảnh: Internet
Trên thực tế, quan điểm thức ăn nóng nên được đặt trực tiếp vào tủ lạnh cũng không phải là hoàn toàn sai. Sau khi được nấu chín, nhiệt độ của món ăn sẽ giảm dần, khi xuống đến 60 độ C, vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển và xâm nhập ngược lại vào thực phẩm. Các nghiên cứu quốc tế cũng đã chỉ ra rằng ở nhiệt độ phòng, các loại vi khuẩn có thể gây bệnh trong thực phẩm như salmonella, E. coli và botulinum cứ sau 20 phút sẽ nhân lên gấp bội. Do đó, nếu đợi thức ăn nguội rồi mới mang đi bảo quản trong tủ lạnh thì cũng chẳng còn tác dụng gì nữa bởi lúc này vi khuẩn đã kịp phát triển hàng loạt rồi.
Vậy nên, cách bảo quản tốt nhất đó là khi nhiệt độ thức ăn xuống ở mức 70-80 độ C, chúng ta nên nhanh chóng cho vào ngăn mát tủ lạnh, như vậy sẽ giúp thực phẩm giữ lại được các chất dinh dưỡng và hạn chế tối đa sự phát triển của vi khuẩn.
Cách sắp xếp và bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh hợp lý
Nhiều người thường việc sắp xếp thức ăn vào tủ lạnh một cách tùy ý. Trên thực tế, mỗi ngăn của tủ lạnh đều có mức nhiệt độ khác nhau. Việc bảo quản thực phẩm đúng ngăn phù hợp không chỉ giữ được độ tươi ngon của thực phẩm, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn mà còn giúp tiết kiệm điện. Dưới đây sẽ là một số gợi ý nên làm để việc sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh trở nên khoa học hơn, giúp giữ thực phẩm luôn tươi ngon, tròn vị trong một thời gian lâu nhất:
1. Ngăn mát tủ lạnh
Ngăn trên cùng
Vì hơi lạnh có xu hướng tỏa theo chiều đi xuống nên nhiệt độ ngăn trên cùng của tủ lạnh thường sẽ ở mức vừa phải từ 5 đến 8 độ C, thích hợp để đặt một số thực phẩm như thức ăn thừa, thực phẩm ăn liền, đồ muối chua, pho mát và các loại đồ uống khác nhau.
Những ngăn giữa tủ lạnh
Khu vực ngăn giữa có nhiệt độ từ 2 đến 5 độ C, là nơi lý tưởng để bảo quản trứng, sữa, các loại thịt, hải sản hay thực phẩm muốn dùng ngay mà không cần phải rã đông. Tuy nhiên, đối với thịt và hải sản chúng ta nên bọc kỹ hoặc cho vào hộp đậy kín để tránh bị rỉ nước và bốc mùi, làm bẩn tủ và các loại thực phẩm khác.
Ngoài ra, bạn nên đặt thực phẩm một cách vừa phải, không nên chất quá nhiều thức ăn trong những ngăn này để tránh không khí trong tủ không được lưu thông đều.
Ngăn hộc tủ dưới cùng
Bảo quản rau củ trong tủ lạnh đúng cách. Ảnh: Internet
Ngăn kéo được đặt ở phía dưới cũng có nhiệt độ thấp từ 2 đến 5 độ C. Đây là vị trí phù hợp nhất để bảo quản rau, củ, quả luôn được tươi ngon vì hộc tủ có thiết kế giúp duy trì độ ẩm thích hợp cho các loại thực phẩm này. Tuy nhiên, bạn nên phân loại rau, củ và trái cây thành từng phần riêng vì ở một số loại trái cây như táo, chuối, đu đủ... có thể sinh ra khí ethylene làm gây hư hỏng các loại rau củ khác.
Ngăn cửa tủ lạnh
Tại vị trí cửa của tủ mát, nhiệt độ thường duy trì ở khoảng từ 5 đến 10 độ C. Do diện tích ngăn chứa hẹp nên sẽ phù hợp với các loại thực phẩm khô, các loại đóng chai, rượu hay tương, sốt...
2. Ngăn đông tủ lạnh
Khu vực này có nhiệt độ thấp nhất trong tủ lạnh khoảng từ -16 đến -18 độ C nên ngoài khay làm đá và các hộp kem, ngăn này nên dùng để các thực phẩm tươi sống muốn bảo quản trong thời gian dài như thịt, cá, hải sản. Ngoài ra, nên chia thực phẩm thành từng phần, đủ cho một lần ăn của gia đình và đóng bao gói kín hoặc để trong hộp đậy nắp kín.
Cần lưu ý rằng sau khi thực phẩm trong ngăn đá đã được lấy ra và rã đông thì nên chế biến hết, không nên cho vào tủ lạnh để cấp đông trở lại vì như vậy sẽ dễ sinh vi khuẩn và khiến thực phẩm nhanh hỏng.
Ba loại thực phẩm không cần cho vào tủ lạnh để bảo quản
1. Sữa bột trẻ em và một số món ăn vặt
Sữa bột thường có công thức được thiết kế đặc biệt, nếu để trong môi trường quá nóng hay quá lạnh đều sẽ có thể làm giảm thành phần dinh dưỡng của nó. Chính vì vậy, sữa bột chỉ nên để ở những nơi khô ráo, tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh dù bao bì là hộp thiếc hay hộp giấy.
Đối với một số món ăn vặt như bánh quy, mứt, và thực phẩm sấy khô thường có hoạt độ nước và độ pH rất thấp nên dù để ở môi trường bên ngoài thì vi khuẩn cũng sẽ không có đủ độ ẩm sinh sôi phát triển. Việc bảo quản những loại thực phẩm này trong tủ lạnh ngược lại còn khiến chúng trở nên khô và cứng hơn. Chính vì vậy, chúng ta chỉ cần đóng gói cẩn thận, bảo quản ở nhiệt độ phòng và cố gắng ăn hết trong thời hạn sử dụng.
2. Một số loại rau củ và trái cây
Các loại rau củ như khoai tây, tỏi, hành tây, ớt xanh, dưa chuột rất dễ bị mốc, mọc mầm hay bị thay đổi kết cấu, mùi vị khi để ở môi trường nhiệt độ cao, vì vậy tốt nhất chỉ nên bảo quản ở những nơi thoáng mát trong phòng.
Một số loại trái cây nhiệt đới như thanh long, chuối, xoài, vải, ... không thể bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 0C bởi nếu để ở nhiệt độ thấp, vỏ của chúng sẽ rất dễ bị thâm đen và nhanh hỏng, do đó với những loại trái cây này chúng ta nên ăn tươi càng sớm càng tốt.
3. Mật ong
Mật ong là nguyên liệu rất dễ bị thay đổi hương vị khi ở nhiệt độ cao, đồng thời cũng dễ bị kết tinh và đông đặc ở nhiệt độ thấp. Do vậy, việc bảo quản mật ong trong tủ lạnh chỉ làm tăng tốc độ kết tinh khiến chúng ta khó lấy ra để sử dụng. Bảo quản ở trong lọ thủy tinh đậy kín, ở nơi tối, nhiệt độ phòng là cách tốt nhất để giữ mật ong luôn được như mới và mang hương vị tự nhiên.
Mật ong không cần bảo quản trong tủ lạnh/ Ảnh: Internet
Tủ lạnh nhà nào cũng có, nhưng bạn đã biết cách tận dụng tối đa để trữ được nhiều đồ nhất? Dưới đây là những ưu tiên hàng đầu cho việc sắp xếp tủ lạnh để đạt hiệu quả tối đa về thời gian sử dụng thực phẩm, an toàn thực phẩm và dễ dàng lấy được những thứ bạn muốn nhất. Về cơ bản tủ lạnh chỉ là một chiếc hộp lớn, lạnh với các ngăn đựng trong đó. Nhưng nơi bạn bảo...