Marianne (Netflix) – Câu chuyện kinh dị rợn gáy và hấp dẫn đến từ nước Pháp
Cách dàn dựng mà đạo diễn Samuel Bodin dành cho phim đã làm nên nét thu hút cuốn người xem vào thế giới ma mị của Marianne.
Marianne xoay quanh nhà văn kinh dị nổi tiếng Emma Larsimon ( Victoire Du Bois), người vừa mới hoàn thành bộ truyện kéo dài 10 năm của mình. Sau nhiều năm xa nhà, cuộc gặp gỡ kinh hoàng với người bạn thời thơ ấu khiến cô quay về thị trấn Elden nằm lọt thỏm giữa biển cả và rừng rậm. Tại đây, Emma sẽ phải đối đầu với thế lực ma quỷ xảo quyệt vốn đã hiện diện từ trăm năm về trước.
Bộ phim là tập hợp nhiều yếu tố kinh điển của dòng phim kinh dị, gồm những pha jumps-scare bất chợt, sử dụng ảnh phản chiếu, ánh sáng tương phản, âm thanh ồn đột ngột, những khoảng lặng bất thường, bài đồng dao ghê rợn, và những phân cảnh cắt xẻo rợn người. Người xem cũng được chứng kiến các nghi lễ cầu hồn và trừ tà không thể quen thuộc hơn trong Ouija hay The Exorcist. Tương tự như The Haunting Of Hill House, câu chuyện lắm quanh co và lắt léo của Marianne khắc họa cách một người đối mặt với quá khứ của bản thân và đem những gì còn dang dở đến hồi kết thông qua việc đánh bại bóng ma của quá khứ.
Nguồn: Daily Express
Ngay từ tập đầu tiên, đạo diễn Samuel Bodin đã để người xem cảm nhận được bầu không khí kinh dị và khó chịu của bộ phim qua phân cảnh một người đàn bà đang tự nhổ răng mình trong căn bếp tối mù. Xuyên suốt bộ phim, cảm giác này không hề giảm đi mà ngày càng dồn dập hơn cho đến tận đoạn cao trào cuối cùng của phim. Nhưng ông không lạm dụng phân cảnh kinh dị quá nhiều mà dàn đều chúng ra sao cho 8 tập phim đều xuất hiện yếu tố ma quỷ và làm chúng không lấn át cả câu chuyện.
Đối với Marianne, rùng rợn chỉ là một trong nhiều yếu tố hay của bộ phim, nhưng là yếu tố được đầu tư rất chỉn chu. Để tận dụng những cái có sẵn mà không làm người xem nhàm chán hoặc đoán trước những gì sẽ xảy ra, Bodin đã xây dựng chúng với những pha chuyển cảnh vô cùng mượt nhưng cũng có lúc lại đột ngột khiến người ta phải giật mình. Đặc biệt là ở những giấc mộng của Emma, một điều diễn ra thường xuyên trong phim, các đoạn chuyển cảnh khiến người xem không thể phân biệt được đâu là mơ đâu là thực.
Nguồn: Overblog
Bên cạnh những phân cảnh kinh dị, Marianne vẫn có những chỗ trống để phát triển những khía cạnh trầm hơn của bộ phim. Không chỉ khắc họa trận chiến giữa người và thế lực quỷ dữ, bộ phim còn truyền tải những cung bậc cảm xúc và thông điệp về tình bạn, tình yêu, và các cảm xúc tích cực như ý chí đương đầu với quá khứ, sự thứ tha và lòng dũng cảm để cầu xin nó. Đây không phải là tuyến truyện được thêm thắt vào chỉ để kéo dài thời lượng phim. Theo lý thuyết, ma quỷ thường bị thu hút bởi những ai mang cảm xúc tiêu cực, như Emma chẳng hạn, và chỉ những cảm xúc tích cực mới có thể xua tan sự ảnh hưởng của chúng. Đây là những chi tiết được cài cắm để bộ phim có thể mang ý nghĩa đến cho chiến thắng của nhân vật chính.
Marianne có đủ tính ghê rợn có thể ít nhất 1 lần dọa được cả fan cứng của dòng phim kinh dị. Thế nhưng, nỗi sợ chỉ làm nên một nửa sự tuyệt vời của bộ phim. Phần còn lại phụ thuộc rất lớn vào dàn nhân vật chính. May thay, 8 tập phim đã cho thấy Mariane cũng sở hữu dàn nhân vật cuốn hút, điển hình như Emma và ấn tượng nhất là phù thủy Marianne.
Nguồn: Daily Express
Với Emma, chất Âu châu khiến cô trở nên vô cùng lạ lẫm với người xem vốn quen với các nhân vật người Mỹ. Emma có tính cách bất cần, bợm nhậu, nổi loạn và có xu hướng tự hủy hoại bản thân. Là nhân vật trung tâm, Emma dĩ nhiên nhận trọng trách lèo lái mạch cảm xúc của bộ phim. Nên ngay từ đầu, người xem không thể có cảm tình với cô nàng này được. Phải đến tập phim thứ 5, người xem mới nhận thức được sự thay đổi chóng mặt của cô xuất phát từ bi kịch không ai muốn. Điều này đánh dấu sự biến chuyển tâm lý của nữ nhà văn và phần nào lấy được sự cảm thông từ khán giả.
Tương phản một trời một vực với nữ chính, phản diện Marianne thì vẫn giữ nguyên độ khủng khiếp của mụ ta. Vốn đã bị hành hình vì tội phù thủy ở thế kỷ 17, Marianne vẫn cố níu kéo sự sống. Mụ nằm dưới lòng đất lạnh lẽo, chờ đợi con mồi xấu số mình có thể lợi dụng. Trong bộ phim mang tên mụ, Marianne hiển nhiên là thực thể quyền năng và đáng sợ. Không có thể xác, mụ tìm kiếm những con người yếu ớt để cướp lấy cơ thể và xui khiến họ làm nên những điều ghê rợn. Người xem sẽ căm ghét Marianne. Đó là điều chắc chắn. Nhưng đồng thời, khán giả cũng thấy thích thú với nhân vật này. Vì một lẽ, đây có thể là phù thủy đáng sợ và chân thật nhất họ từng chứng kiến trong những năm gần đây.
Nguồn: Cinemaholic
Có một nghịch lý trong làng nghệ thuật, nhất là văn học và nền điện ảnh mà nó truyền cảm hứng, là các hình tượng thường được thay đổi đến mức chóng mặt. Điều này đặc biệt thể hiện rất rõ ở dòng phim kinh dị. Ví như Hollywood đã biến chú hề vui nhộn thành biểu tượng của sự kinh hoàng trong It và thổi tính “người” vào những phản diện cổ điển như ma cà rồng và để hắn làm một học sinh trung học điển trai như Twilight. Hình tượng phù thủy không nằm ngoài trí tưởng tượng phong phú của điện ảnh.
Người xem đã quá quen thuộc với những cô nàng và anh chàng mặc áo choàng, cưỡi chổi, ve vẩy đũa thần và niệm những câu thần chú nhiệm màu. Với Charmed, loạt phim Sabrina, Witches at East End, Harry Potter…những kẻ thực thi ma thuật bỗng trở nên “người” hơn hẳn. Ít ai nhớ đến sự kinh hoàng bủa vây hình tượng phù thủy cho đến khi The Witch ra mắt, và giờ là đến lượt Marianne.
Nguồn: PopSugar
Samuel Bodin không tuân theo trào lưu nhân hóa một trong những hình tượng phản diện kinh điển này, ngược lại, ông vẽ nên Marianne và lý do người châu Âu đã ám ảnh với phù thủy trong suốt 300 năm. Với tạo hình đậm chất Gothic, ma thuật xuất phát từ ma quỷ, bản tính tàn bạo, phản Chúa, Marianne là hình ảnh phù thủy trung thành với nguyên tác thần thoại đen tối sau khi lột bỏ vẻ hào nhoáng. Dù không thể phủ nhận chính Emma và diễn xuất của Victoire Du Bois đã làm nên cái hay của phim, nhưng phản diện Marianne mới là điều ấn tượng nhất mà bộ phim để lại cho người xem.
Không ai có thể ngờ được xứ sở của vang và ẩm thực tinh tế của châu Âu có thể sản xuất một câu chuyện ma kinh hoàng đến vậy. Chất kinh dị và thông điệp trong Marianne không mới. Thậm chí, nhiều người sẽ thấy những chi tiết không thể quen thuộc hơn giữa phim những bộ phim cùng thể loại khác. Nhưng chính cách dàn dựng mà đạo diễn Samuel Bodin dành cho phim đã làm nên nét thu hút cuốn người xem vào thế giới ma mị của Marianne.
Trailer Marianne
Theo moveek
The Spy (Netflix) - Cái nhìn đa chiều về giới tình báo nhưng chưa đủ hiện thực
The Spy - miniseries tham vọng của Netflix khi cố tóm gọn chiến dịch nằm vùng dài gần 5 năm của điệp viên Mossad vào 6 tập phim.
The Spy hẳn là một miniseries tham vọng của Netflix khi cố tóm gọn chiến dịch nằm vùng dài gần 5 năm của một điệp viên tình báo Mossad (cơ quan tình báo Israel), vào 6 tập phim. Dù mỗi tập có thời lượng lên tới hơn 50 phút, mạch phim vẫn bộc lộ tính vội vã khiến bộ phim mất đi phần nào tính hiện thực, một yếu tố rất quan trọng khi làm phim về nhân vật lịch sử có thật.
Trung tâm của bộ phimlà đặc vụ Eli Cohen (Sasha Baron Cohen) và kế hoạch do thám của ông tại Damascus, Syria nhằm thu thập tin tức quý giá cho Israel trong bối cảnh căng thẳng biên giới Syria-Israel ngày một tăng cao. Eli đã làm được điều không thể khi thâm nhập sâu vào bộ máy chính quyền của Syria, thậm chí trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Syria với bí danh Kamel Amin Thaabet, và mớm những tin tức tối trọng yếu cho Tổ quốc bên kia biên giới. Những tin tức này đã góp phần giúp đất nước của người Do Thái chiến thắng cuộc tấn công của liên minh các nước gồm Syria, Egypt, Jordan, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Algeria, và Sudan khi liên minh này tổng tiến công về Israel.
Nguồn: The Tab
Phương diện nổi bật đầu tiên của The Spy là khâu dựng cảnh và bầu không khí luôn ngầm chứa tính căng thẳng. Đạo diễn Gideon Raff đã chú trọng đến chi tiết nhỏ nhất để lột tả tính thực tế cần thiết cho bộ phim. Những con phố bụi bặm, những chiếc xe bọ rùa kinh điển đến những tòa nhà xỉn màu, máy chạy đĩa... tạo nên bối cảnh chân thật lẫn hoài cổ về đất nước và con người Syria trong thập niên 60. Bên cạnh đó, những kĩ thuật thu thập tin tức tình báo trung thành với lịch sử tình báo. Thập niên 60 là năm tháng điện thoại thông minh và internet vẫn chưa ra đời. Nên kĩ thuật truyền tin lúc này vẫn là mã mock (mock code) trên sóng radio, sử dụng cuốn phim kiểu cũ, và các dạng bộ đàm to tướng để liên lạc.
The Spy có cố gắng tiếp cận chủ đề gián điệp với ống kính đa chiều hơn. Không chỉ tập trung vào chiến dịch nằm vùng của Eli, bộ phim còn đề cập đến những góc khuất gai người mà các gián điệp phải đối mặt.
So với 007, bộ phim về giới điệp vụ hào nhoáng với những âm mưu thôn tính thế giới nghe như những tên phản diện bước ra từ truyện tranh, thì6 tập phimcủa miniseries này là bức tranh thực tế mô tả cuộc chiến gián điệp tàn khốc và nền chính trị mà nó ảnh hưởng. Những điệp vụ trong cuộc chiến ấy không hào hoa như James Bond. Họ làm mọi thứ để lẫn vào đám đông, sử dụng mật danh và thực hiện các kế hoạch tinh vi có khi kéo dài hàng năm trời, rời xa gia đình, phản bội bạn bè ngay khi có lệnh chỉ để nắm được một chút tin tức. Dĩ nhiên, mạng sống luôn bị đe dọa bất cứ lúc nào. Trong trường hợp tệ hơn, họ có thể trở thành con dê tế trời và tên đao phủ không ai khác là Tổ quốc thân thương. Tất cả chỉ để giành được lợi thế, dù chỉ là một chút.
Nguồn: The Tab
Với Eli, ông phải rời xa gia đình trong một thời gian dài đằng đẳng và tiếp tay cho kế hoạch đảo chính đẫm máu, cũng như sự suy đồi của chính quyền Syria mới lẫn cũ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Eli là duy trì ranh giới rõ ràng giữa hai nhân dạng Kamel Amin Thaabet và Eli Cohen, giữa một doanh nhân người Syria ái quốc và một công dân Israel bình thường với gia đình đầm ấm. Càng về cuối phim, ranh giới ngày càng mờ dần, kéo theo đó, là lí trí của chàng điệp viên mẫn cán. Eli cố níu kéo nhân dạng gốc Do Thái của mình bằng cách tìm niềm vui nhỏ nhặt trong xã hội đầy rẫy kẻ thù. Trớ trêu thay, chính nỗi nhớ quê hương da diết của anh đã khiến anh phạm sai lầm chết người. Điều này phần nào gửi gắm thông điệp rằng dù cho một điệp vụ giỏi đến mức nào, anh ta/cô ta cũng sẽ bị phát hiện, mọi thứ chỉ là vấn đề thời gian - Một thông điệp không thể trêu người hơn đối với những điệp viên hiện đại.
Người còn lại chịu ảnh từ cuộc chiến tình báo là người thân của điệp viên ấy, điển hình như người vợ của Eli Nadia Cohen. Sự mất mát của bà là điều không thể tưởng tượng được. Nếu có ai từng tò mò về điệp viên Eli Cohen ngoài đời, họ sẽ biết được cho đến tận ngày nay, sau hơn 5 thập kỷ kể từ cái chết của Eli, xác của ông vẫn chưa được trả về quê hương. Trên phim, dù không chiếm nhiều thời lượng, nhưng cái bóng vật vờ của Nadia vào những năm tháng mòn mỏi chờ chồng cho đến khi nhận ra không còn ai để bà đem về chôn cất cũng đủ nói lên cái giá quá đắt, dù cần thiết trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: Monster and Critics
Bên cạnh những ưu điểm, The Spy vẫn có thiếu sót. Như đã nói ở trên, việc dồn nén chiến dịch tình bào dài 5 năm vào 6 tập phim không phải là điều lý tưởng. Thời gian ngắn phần nào làm loãng đi tính hiện thực, ví như cuộc trò chuyện giữa Eli và Amin al Hafez.
Đối với một tên chính trị gia cáo già như Amin al Hafez (Waleed Zuaiter) và trưởng bộ phận an ninh được đánh giá là kẻ cẩn thận đến hoang tưởng Ahmed Suidani (Alexander Siddig) của ông ta, việc dễ dàng bị thuyết phục bởi một cá nhân mới vừa gặp tự nhận là người Syria yêu nước sau 1 lần xác nhận lời nói thật sự rất buồn cười. Nó hoàn toàn phủ nhận nỗi tuyệt vọng của Israel về chuyện không thể đưa điệp viên xâm nhập Syria được thể hiện ngay từ đầu phim.
Bộ phim dành ra gần như nửa mùa phim để nhấn mạnh sự hoang tưởng của đất nước Syria, rằng nơi này gần như bất khả xâm phạm cho các gián điệp. Hơn nữa, bộ phim chỉ ra phía Israel biết rất rõ điều này. Họ đã mất một điệp vụ xuất sắc trước khi tuyển mộ Eli. Thế mà bất chấp tiền đề được tạo dựng sẵn, Israel lại vội vàng đưa Eli vào hoạt động, Syria thì quá tin người, và bản thân Eli lại quá chủ quan.
Nguồn: The Telegraph
Những lần xâm nhập bộ máy chính quyền Syria của Eli tiếp đó cũng không khá hơn. Chúng làm người xem cảm giác như đang được chứng kiến những màn dàn dựng mà các nhân vật đã thống nhất trước đó, thay vì những ngón nghề gián điệp của Eli. Đâu rồi khả năng ăn nói duyên dáng, thần thái tự tin và bản năng phán đoán cùng biến hóa bậc thầy mà lịch sử đã mô tả Eli Cohen?
Chưa kể đến tính thiên vị rõ rệt được thể hiện trong phim. The Spy chỉ đề cập đến sự quỷ quyệt của Syria mà bỏ quên những hành động của Israel. Nên nhớ rằng, không có đất nước nào là trong sạch trong trò chơi chính trị. Không công minh trong việc xây dựng hình ảnh của hai quốc gia này - để Syria làm kẻ phản diện hoàn toàn và biến Israel thành nạn nhân và kẻ chủ mưu bất đắc dĩ - có thể khiến những khán giả yêu thích lịch sử mất cảm tình với bộ phim.
Tựu trung, The Spy là trải nghiệm phim ảnh đủ thỏa mãn nhưng người xem đừng nên quá tin vào những gì phim thể hiện.
Theo moveek
The A List (Netflix) Nam thanh nữ tú đấu nhau và câu chuyện học đường điên rồ trên đảo hoang The A List là câu chuyện về nữ hoàng bị truất ngôi và hành trình đi tìm lẽ sống đầy thử thách! (ảnh: IMDb) The A List là Tv series sản xuất và phát hành bởi BBC vào năm 2018 và được Netflix mua bản quyền để chiếu trên hệ thống từ ngày 30.08.2019. Phim dành cho lứa tuổi 13 , có thể...