Mang tiếng Anh đến với học sinh Hrê
Mùa hè năm nay, ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) diễn ra một lớp học đặc biệt mà cả người dạy và người học đều phấn khởi rôm rả tiếng cười.
Đó là lớp học tiếng Anh dành cho học sinh (HS) người dân tộc Hrê. Lớp học do Đoàn xã Hành Dũng tổ chức dạy miễn phí cho HS có hoàn cảnh khó khăn và con em đồng bào dân tộc Hrê.
Giờ học thú vị
Ngày nào cũng vậy, khoảng 6 giờ sáng, em Đinh Chí Kiệt, nhà ở xóm Đèo, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng lại được mẹ chở trên chiếc xe máy, men theo tán cây dưới đèo Chim Hút khoảng chừng 15 phút, để đến lớp học tiếng Anh. Em Kiệt học lớp 2 điểm trường xóm Đèo, Trường Tiểu học Hành Dũng. Mọi năm đến dịp hè, Kiệt không đi học thêm mà chỉ ở nhà, hoặc có hôm theo ba mẹ lên rẫy. Hè năm nay thì khác, Kiệt hào hứng tham gia lớp học tiếng Anh miễn phí do Đoàn xã Hành Dũng tổ chức. “Em rất thích đến lớp học tiếng Anh. Ở đây, em được cô giáo dạy tập đọc từ vựng, được tham gia các trò chơi và được thưởng bánh kẹo khi trả lời đúng”, Kiệt phấn khởi nói.
Lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại Trường Tiểu học Hành Dũng (Nghĩa Hành). Ảnh: Trung Ân
Vào giờ học, cô giáo khởi động tivi, HS ngồi dưới lớp liền nói: “Cô ơi, em muốn cô dạy hát bằng tiếng Anh”. Bài hát tiếng Anh theo chủ đề vang lên, các em nhún nhảy theo nhạc. Xen kẽ hoạt động ấy là câu hỏi của cô giáo đặt ra để HS trả lời. Bạn nào phát âm chưa chính xác là được cô giáo chỉnh ngay. Lớp học tiếng Anh ở xóm Đèo diễn ra rất sôi nổi.
Cậu bé Đinh Thái Sương, học lớp 2, xung phong phát âm từ vựng mới. Sương phát âm khá chuẩn nên được cô giáo thưởng bánh, kẹo. Vừa nhận quà, Sương vừa hào hứng nói: “Cô cho em phát biểu nhiều lần nữa nha cô!”. Lớp học đặc biệt này đã đem đến cho học sinh người dân tộc Hrê ở đây niềm vui, không chỉ là được học một ngôn ngữ mới ngoài tiếng mẹ đẻ Hrê và tiếng Kinh, mà còn được tiếp cận môi trường mới, cô giáo mới, những người bạn mới, trang thiết bị học tập hiện đại với tivi màn hình lớn được kết nối Internet… Tất cả những điều đó hoàn toàn khác với ngôi trường ở xóm Đèo, nơi các em vẫn ngày ngày đến lớp.
Những trò chơi được lồng ghép vào bài học giúp các em dễ tiếp thu bài. Ảnh: T.Ân
Lớp học có hơn 20 HS. Hơn 1 tháng qua, vào sáng thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, các em HS ở xóm Đèo đều đặn đến lớp. Đặc biệt, trong số đó có 14 em là dân tộc Hrê, dù nhà xa nhưng không vắng buổi học nào. Những hôm ba mẹ bận việc không chở được, các em đi nhờ xe của ba mẹ các bạn cùng lớp. Em Đinh Thị Minh Thư chia sẻ, đây là lần đầu tiên em tiếp xúc với tiếng Anh. Dù mới lạ nhưng được cô giáo giảng dạy nhiệt tình, lôi cuốn nên em rất thích.
Chương trình học không nặng về kiến thức mà chủ yếu để các em vừa học, vừa vui chơi. Học sinh sẽ được học các từ vựng cơ bản, cấu trúc ngữ pháp… Những em nào học yếu hơn thì cô giáo sẽ dành thời gian để hướng dẫn thêm, giúp các em bắt kịp với các bạn.
“Lớp học tiếng Anh miễn phí được Đoàn xã tổ chức trong dịp hè không chỉ giúp các em củng cố kiến thức, mà còn tạo điều kiện để các em được trải nghiệm các hoạt động vui chơi. Từ những lớp học này, các đoàn viên, thanh niên kịp thời sẻ chia, động viên các em học sinh ở xóm Đèo nỗ lực vượt qua khó khăn, hướng tới những ước mơ và một tương lai tươi đẹp”.
Bí thư Đoàn xã Hành Dũng NGUYỄN THỊ HỒNG THÁI
Góp sức vì cộng đồng
Vốn yêu thích ngoại ngữ và được đào tạo ngành sư phạm, Bí thư Chi đoàn thôn An Sơn Trần Thị Hoàng Trâm đã tham gia hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức cơ bản môn tiếng Anh cho HS ở xóm Đèo trong suốt mùa hè này. Chị Trâm chia sẻ, xóm Đèo thuộc vùng dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, tôi mong muốn được đóng góp cho cộng đồng, giúp các em HS ở đây tiếp xúc với tiếng Anh, có thêm cơ hội để học tập tốt hơn. Tôi rất vui khi lớp học được nhiều phụ huynh ủng hộ, HS hào hứng học tập.
Chị Trần Thị Hoàng Trâm nhiệt tình hướng dẫn các em phát âm từ vựng. Ảnh: T.Ân
Không khí lớp học tiếng Anh luôn vui vẻ với những tiếng cười hồn nhiên của các em nhỏ. Trong mỗi buổi dạy, chị Trâm chuẩn bị giáo án thật kỹ. Chị Trâm cho biết, các em còn nhỏ, thời gian tiếp cận tiếng Anh chưa nhiều, nên muốn các em học tập tốt, trước hết phải giúp các em yêu thích môn học này. Bởi vậy, chương trình giảng dạy được thiết kế riêng, dễ tiếp thu, không đặt nặng ngữ pháp, mà tập trung vào phát triển vốn từ vựng, phát âm đúng chuẩn và phản xạ nhanh trong giao tiếp.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, chị Trâm còn tổ chức các hoạt động thông qua bài hát trong giờ học. “Những trò chơi được tôi lồng ghép vào bài học, hay giới thiệu những hình ảnh và mời các em trả lời, giúp các em dạn dĩ hơn. Nhiều em chưa phát âm tốt tiếng Việt, giờ lại học thêm môn tiếng Anh, vậy mà các em đều rất tích cực, vui vẻ, tương tác cùng giáo viên, nhiệt tình giơ tay phát biểu”, chị Trâm cho biết.
Chị Đinh Thị Kem (bên phải) vận động phụ huynh ở xóm Đèo, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) đưa con đến lớp học tiếng Anh. Ảnh: T.Ân
Cùng với Đoàn xã Hành Dũng, chị Đinh Thị Kem, giáo viên ở điểm trường xóm Đèo, đã đến từng nhà vận động 14 em HS người dân tộc Hrê đến lớp học tiếng Anh. Chị Kem chia sẻ, thông thường vào kỳ nghỉ hè, các em HS ở xóm Đèo sẽ theo ba mẹ lên rẫy. Để các em đến lớp học đều đặn, tôi đến tận nhà động viên phụ huynh dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng đưa con đến lớp. Học sinh ở đây thiệt thòi nhiều nên tôi muốn các em được làm quen với tiếng Anh, chuẩn bị hành trang cho các em trước thềm năm học mới.
Ngồi chờ ở bên ngoài lớp học, chị H’Doi Byă, ở xóm Đèo, thôn Trung Mỹ cho hay, biết Đoàn xã mở lớp học tiếng Anh miễn phí, được cô Kem đến nhà vận động, tôi đã cho con đi học. Tôi thấy cháu đã mạnh dạn và rất thích đi học, háo hức mong chờ đến ngày có lịch học để được lên gặp cô giáo và bạn bè.
Nhìn về phía lớp học, nơi các em HS đang tập đọc với vẻ mặt đầy thích thú, chị Trâm nở nụ cười hiền. Việc làm của cô gái trẻ đã góp phần chắp cánh ước mơ cho trẻ em ở xóm Đèo. Có thể các em chưa thể học được nhiều từ vựng, phát âm cũng chưa thật chuẩn, nhưng hẳn các em cảm nhận được tình yêu thương của các thanh niên tình nguyện và có được một mùa hè thật bổ ích.
Bà giáo già 24 năm nặng lòng "gieo chữ" cho trẻ khuyết tật và ký ức về ngày 20/11 đặc biệt nhất cuộc đời
Bên trong khuôn viên của trường THCS An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) có một lớp học đặc biệt của những học sinh khuyết tật có độ tuổi từ 10 cho đến 35 tuổi trên địa bàn Hà Nội.
Lớp học chẳng có bảng hay phấn viết và người đứng lớp là một bà giáo đã gần 90 tuổi.
Đã 24 năm trôi qua, lớp học tình thương của bà Hồ Hương Nam (89 tuổi) đã trở thành mái ấm thứ hai của nhiều trẻ em khuyết tật, thiểu năng ở Hà Nội. Thương những đứa trẻ kém may mắn, bà Nam đã dạy học miễn phí cho các em.
Từng bị nói là "bà già lẩm cẩm, dở hơi"
Hà Nội trong những ngày đang chung tay chống dịch cũng bởi thế lớp học tình thương dạy người khuyết tật suốt hơn 20 năm qua của bà Nam cũng đành tạm gác lại. Tuy đã gần 90 tuổi nhưng bà vẫn đảm nhiệm công việc đứng lớp, miệt mài dạy chữ cho 18 - 20 em học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.
Hễ có thời gian rảnh rỗi, bà lại nhờ một người quen chở xe máy đến lớp học tại trường THCS An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội để sắp xếp lại từng quyển sách mà lâu lắm rồi đám học trò đặc biệt đang phải nghỉ học.
Có thời gian rảnh rỗi, bà Nam lại nhờ một người quen chở xe máy đến lớp học tại trường THCS An Dương thăm lớp học cũng như dọn dẹp lại trong những ngày các học sinh không đến trường.
Không gian học tập tuy không rộng, bàn ghế không nhiều nhưng chừng đó là đủ bởi với bà Nam chẳng có gì ngoài tình cảm dành cho lũ trẻ. Cái lớp học với tuổi đời 24 năm đó là một lòng tâm huyết với sự nghiệp "trồng người", mong muốn giúp đỡ những em học sinh khuyết tật có hội được học tập, được hòa nhập với cộng đồng.
" Nghỉ dịch lâu quá nên tôi lúc nào cũng sốt ruột, không biết bao giờ các cháu được quay trở lại trường. Thế nhưng ở nhà buồn nên tôi thi thoảng vẫn nhờ người quen hoặc xe ôm chở đến đây ngó trường, ngó lớp lúc rồi về", bà Nam kể.
Các em học sinh không được đến lớp vì dịch, bà Nam luôn đau đáu không biết bao giờ các cháu được quay trở lại trường.
Bà Nam là người gốc Huế, thời trẻ bà theo chồng ra Hà Nội sinh sống và làm giáo viên tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Năm 1993, bà về hưu và bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt về lĩnh vực dân số và trẻ em.
" Tôi thông thuộc hết mọi gia đình bởi làm công việc này tôi thường đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà. Có lần tình cờ tôi vào gia đình một cháu nhỏ rất cực khổ. Cháu cứ ú ớ khi thấy người vào. Tôi hỏi người mẹ nó không đi học à, mẹ đáp dạ không, cháu nó sợ.
Sau tôi mới được biết cháu bị tự kỷ. Ngày đó, phần vì không có điều kiện, thêm nữa lớp dạy riêng cho trẻ khuyết tật gần như chưa có. Ngoài ra tôi cũng gặp nhiều hoàn cảnh trẻ bị tự kỷ, tăng động... tương tự.
Về nhà, cứ đau đáu trong lòng đến mất ngủ. Lúc bấy giờ tôi mới suy nghĩ mình đã nghỉ hưu, sức khoẻ còn, hay mở lớp học tình thương dành cho những đứa trẻ đặc biệt này. Tôi liên tục ghi vào quyển sổ nhật ký với hai chữ "Quyết tâm". Chữ đó viết ra với hy vọng điều mình mong muốn sẽ làm được", bà Nam chia sẻ.
Khi quyết định mở lớp dạy học cho trẻ khuyết tật, bà Nam nhận về không biết bao lời nghe không lọt tai. Có người gặp bảo bà dở hơi, bà già lẩm cẩm.
Năm 1997 khi quyết định đi vận động các gia đình có trẻ khuyết tật để mình dạy dỗ, đến giờ nghĩ lại bà Nam vẫn cảm thấy sợ.
" Hồi đó một phần sợ vì không biết khả năng mình có làm được không. Nếu tốt thì cái tâm mình vui vẻ nhưng nếu mình không làm được thì đó là cái tội. Mấy ngày đầu đi đến đâu bị chửi đến đó, t ôi cũng không ngờ có ngày hôm nay.
Có người gặp chửi tôi bà dở hơi, bà già lẩm cẩm. Có người thì bảo bà đi dạy học về hưu rồi thì bà nghỉ đi, làm thế này không được, già rồi ai người ta nghe bà. Lúc đó tôi chỉ nghĩ thôi kệ, nếu mình chán, bỏ cuộc thì những cháu nhỏ không ai dạy dỗ. Sau cứ âm thầm lặng lẽ thuyết phục được gia đình 2 cháu.
Lúc này suy nghĩ không có địa điểm dạy, sau cũng xin được lớp đặt ở trụ sở tuần tra của tổ dân phố", bà Nam hồi ức.
Bà giáo già khi ấy chỉ suy nghĩ duy nhất một điều "nếu mình chán, bỏ cuộc thì những cháu nhỏ lấy ai dạy dỗ".
Những ngày đầu khi nhận dạy trẻ, bà Nam cũng cam kết phụ huynh tin tưởng giao trẻ nhỏ cho mình dạy dỗ 1 tháng. Sau 1 tháng nếu các cháu không tiến bộ sẽ gửi lại cho gia đình.
" Hai cháu đầu học được 1 tháng, ngày nào bố mẹ các cháu cũng đến xem. Sau thấy con mình tốt lên họ tin tưởng, tiếp tục nhờ tôi dạy dỗ cho các cháu. Sau mọi người biết dần, mang con mình tới nhờ tôi dạy dỗ.
Hồi đó, dụng cụ học tập còn khó khăn, tôi kê tạm mấy tấm ván lấy chỗ ngồi, có 10 cháu đến lớp học tôi vui lắm. Không lâu sau khu này cũng bị tháo dỡ để xây trường học. Hồi đó cũng vì cái tâm, cái tình tôi lên Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tây Hồ khóc.
Tôi mong muốn các cháu có một nơi học tập ổn định như bao đứa trẻ khác. Năm 2002, trường THCS An Dương nhận lớp học về trường. Lớp học càng ngày càng đông học sinh tìm đến. Cho đến thời điểm hiện tại có 18 cháu đang theo học cháu cao tuổi nhất 34 tuổi", bà Nam cho hay.
Quả ngọt từ "tâm" và ngày 20/11 đặc biệt
" Tôi nhớ mãi ngày 20/11 đặc biệt đó. Hôm ấy tôi bước vào lớp, thì thấy các em học sinh trong lớp đứng hết dậy rồi mỗi đứa bẽn lẽn lấy một bông hoa hồng mang đến tặng cô. Khi được hỏi lấy tiền đâu, đám học sinh thành thật "khai" tiết kiệm tiền quà sáng.
Tuy đã gần 90 tuổi nhưng bà vẫn đảm nhiệm công việc đứng lớp, miệt mài dạy chữ cho 18 - 20 em học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.
Cháu chạy lên nói không thành lời Hôm nay là ngày của bà, cháu có bông hoa tặng bà. Câu nói tuy không rõ ràng, đầy đủ nhưng chất chứa bao tình cảm... Tôi bật khóc", bà giáo Nam xúc động kể về ngày 20/11 đặc biệt nhất cuộc đời mình.
Bà Nam kể, đối với trẻ khuyết tật có một điều rất đặc biệt bởi đây là những con người rất giàu tình cảm. Nhắc lại 20/11 - ngày cả nước tôn vinh những người làm nhà giáo, bà Nam chia sẻ bông hoa ngày hôm ấy là một kỷ niệm cả cuộc đời mình không thể nào quên được.
" Từ ngày đứng bục giảng 25 năm cho tới khi nghỉ hưu rồi dạy trẻ khuyết tật đó là lần đầu tiên tôi nhận bông hoa mà mình lại xúc động đến như vậy. Tôi hỏi hoa này là thế nào, tiền ở đâu mà cháu mua? Cháu nói Tiền ăn quà sáng.
Tôi tự hỏi cháu khuyết tật sao nghĩ được như vậy? bông hoa tuy chỉ vài nghìn đồng thôi nhưng nó chứa đựng biết bao tình cảm. Tôi thấm thía. Tôi yêu nghề mến trẻ là bởi thế. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời mình. Nghĩ ngày này tôi lại thấy nhớ các cháu", bà Nam xúc động.
Lớp học đặc biệt mang lại cho bà Nam kỷ niệm cả cuộc đời bà không thể nào quên được.
Bà Nam bày tỏ lo ngại thời gian qua dịch bệnh, việc học tập cho trẻ khuyết tật phải dừng lại khiến các em quên hết kiến thức mà bấy lâu bà cất công dạy dỗ.
" Tôi sợ nhất những bài mình đã từng dạy các cháu quên hết. Bao nhiêu ngày tôi nắn từ chữ A, chữ B... ghép thành. Hàng tuần tôi vẫn gọi điện trao đổi với cha mẹ để dạy dỗ các cháu. Với những cháu ở gần tôi ra bài tập rồi thi thoảng ghé qua hỏi thăm, kiểm tra.
Tuy nhiên, một số cháu ở xa như quận Hai Bà Trưng, Long Biên... nhờ người thân kèm cặp. Không hiểu sao tôi lại gắn bó với lớp học này đến như vậy, có lẽ bởi hai chữ tình thương và trách nhiệm", bà Nam nói.
Bằng tình thương vô hạn, bà quyết định mở lớp dạy chữ miễn phí cho những số phận thiệt thòi để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập với cuộc sống.
Lớp học đặc biệt ấy kể từ khi ra đời tới nay, bà Nam kể chưa từng vận động đóng góp chi phí. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Thời gian đi học bình thường bà vẫn trích một phần lương hưu ra mua kẹo bánh phát cho các học sinh với tinh thần động viên học tập.
Nhiều lần bố mẹ học sinh tự nguyện muốn đóng góp 1 quỹ để có việc gì cần dùng nhưng bà Nam kiên quyết không đồng ý. Với bà Nam "trong tâm không thể có tiền".
Thấm thoát gần đời người, bà Nam nhận ra niềm vui lớn nhất cuộc đời đó là các học sinh lớp học đặc biệt ấy còn nhớ đến mình. Bà vui vì được phụ huynh, xã hội đón nhận. Bằng tình thương vô hạn, bà quyết định mở lớp dạy chữ miễn phí cho những số phận thiệt thòi để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập với cuộc sống.
" Điều tôi đau đáu giờ mình già, thương lắm cuộc đời bất hạnh là các trẻ nhỏ khuyết tật sẽ thế nào, giờ dịch cháu không học quên đi. Ngày chuyển hè Hoa phượng nở, tấm lòng nhà giáo bùi ngùi lắm. Tôi sẽ gắn bó với công việc này cho tới khi không còn đủ sức khoẻ nữa", bà chia sẻ thêm.
Hà Tĩnh: Điều động 85 giáo viên đi 'biệt phái' Năm học 2022-2023, 85 giáo viên THPT ở Hà Tĩnh sẽ được điều động đi 'biệt phái' tại các trường vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa và các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Năm học 2022-2023 có 85 giáo viên THPT ở Hà Tĩnh được điều động biệt phái. Chủ tịch UBND tỉnh...