Măng đắng xào thịt lợn hun khói nên thử ở Mẫu Sơn
Dịp mưa xuân rả rích, người dân vùng cao Lạng Sơn vào rừng đào những búp măng nằm ẩn dưới lớp lá cây.
Cây vầu thường mọc ở nơi địa hình đồi núi, độ ẩm lớn và mưa nhiều. Cây có thể cao gần 20 m, thân non màu lục nhạt, khi già chuyển sang lục xám, được sử dụng làm bột giấy, đồ thủ công mỹ nghệ, tăm và vật liệu xây dựng.
Tại vùng núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), măng đắng, phần thân non của cây vầu, được chế biến thành những món ăn phổ biến của người dân vùng cao.
Những cây vầu đắng trưởng thành mọc tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Minh Chuyển.
Xuân muộn là lúc những cơn mưa phùn rả rích kéo đến. Gặp tiết trời ấm áp, đất ẩm, lúc này từng đọt măng xuyên lớp đất mềm nhú lên. Măng ngon nhất là khi búp nhọn nhú cao tầm vài cm, ẩn dưới lớp lá cây rụng.
Người đào măng kinh nghiệm thường đi chân trần quanh các bụi cây vầu trong rừng, quét lá mục tìm búp măng đang nhú. Họ dùng bàn chân để cảm nhận ngọn măng thấp đang đâm nhẹ vào, không có cảm giác đau. Sau khi phát hiện măng, người dân dùng lưỡi cuốc hoặc lưỡi mai thọc xuống, bập một nhát là có củ măng ưng ý. Đôi khi măng nặng đến 3 kg.
Người miền núi không bao giờ lo đói khát mỗi khi đi rừng. Củ măng dùng dao xén ngay phần gốc vừa chặt ra, nhai có vị ngọt, thơm, vừa no vừa chống khát.
Ngoài việc “đào”, nhiều người còn bảo nhau đi rừng “hái măng”. Nhưng hình thức này chỉ dành cho măng giang, măng sặt thường mọc cao và chỉ ăn được phần ngọn. Không ai đi hái măng vầu bao giờ bởi khi ngọn vươn lên cao ăn sẽ rất đắng.
Một búp măng đắng đã nhú lên mặt đất. Ảnh: Nguyễn Minh Chuyển.
Trong họ cây vầu có 2 loại, cho ra măng đắng và ngọt. Phải tinh mắt lắm bạn mới thấy sự khác biệt của chúng.
“Nếu thấy củ măng có nhiều lớp dằm màu tím trên vỏ áo thì đó là măng đắng, càng tím càng đắng. Còn lớp dằm của măng ngọt có màu vàng nâu. Măng đắng mọc sớm hơn măng ngọt và được nhiều người sành ăn săn lùng hơn. Loại thực phẩm này có giá dao động từ 35.000 đến 50.000 đồng một kg cả vỏ, không có nhiều để mua”, anh Nguyễn Minh Chuyển, Trưởng phòng Quản lý khu du lịch Mẫu Sơn, chia sẻ.
Với măng đắng, người dân có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn như xào, luộc, nướng và hầm xương nhưng có lẽ đậm đà hơn cả là măng đắng xào thịt lợn hun khói.
Người dân tộc nuôi lợn lâu năm, có con nặng trên cả tạ và dành thịt cho dịp Tết đến. Một phần thịt lợn để cúng lễ và dùng trong những ngày Tết, phần hun khói ăn dần.
Mâm cơm gồm măng đắng xào thịt lợn hun khói, rau cải ngồng luộc, súp thịt gà nấu gừng. Ảnh: Nguyễn Minh Chuyển.
Những dải thịt ba chỉ, thịt vai dài nửa mét được ướp muối, treo trên bếp củi cho khô dần, ám mùi khói đặc trưng. Đủ ngày đủ tháng, lớp da sẽ săn lại, lớp mỡ trong vắt. Sau đó, bạn ngâm rửa nước ấm, gột bỏ lớp bồ hóng, thái ra, xào với măng tươi, sả ớt hoặc cần tỏi là có món ăn ngon.
Nếu có dịp, bạn nên trải nghiệm đi rừng hoặc xuống ruộng cày bừa, gánh mạ non và trồng cấy. Khi đói bụng, bạn dùng bữa trưa, bữa tối với món măng xào thịt lợn hun khói, canh rau rừng thì không gì thú vị và đậm đà cho bằng. “Bữa ăn ngày mùa chỉ có thế, nó chân chất và mộc mạc như người miền núi vậy”, anh Chuyển cho biết.
Video đang HOT
Ngoài Lạng Sơn, măng đắng mọc tự nhiên và phân bố nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái…
Nguyễn Minh Chuyển – Huỳnh Phương
Theo vnexpress.net
Công thức nấu món ngon mỗi ngày từ thịt lợn làm 'mê hoặc' chồng trong từng bữa cơm
Làm thế nào để giải bài toán nấu món ngon mỗi ngày từ thịt lợn mà không lặp lại các công thức? Đừng lo lắng vì với 4 món ăn dưới đây, chị em sẽ tìm được câu trả lời cho mình.
Thịt lợn là nguyên liệu thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Nhưng chị em đừng vì thế mà sợ nhàm chán vì có đến hàng ngàn cách chế biến món ngon mỗi ngày từ thịt lợn mà bạn có thể áp dụng.
Đơn giản như với 4 công thức món ngon từ thịt lợn dưới đây cũng đủ giúp chị em chuẩn bị mâm cơm thật tinh tươm đón ông xã về nhà thưởng thức.
Cà chua nhồi thịt
Nguyên liệu
200g thịt băm
5-10 quả cà chua
2-3 tép tỏi
1/2 củ cà rốt
10 nấm hương, mộc nhĩ
Cách chế biến
Đầu tiên, xắt nhỏ nấm hương, mộc nhĩ rồi cho vào thịt băm. Nêm thêm 1/2 muỗng muối, 1/2 muỗng bột ngọt, 1 muỗng đường, 1/2 muỗng tiêu và trộn đều. Cà chua cắt đôi, khoét ruột, sau đó nhồi thịt vào.
Tiếp theo, băm nhỏ hành, tỏi, cho vào chảo xào cùng ruột cà chua vừa lấy ra khi sơ chế. Thêm nước, 1/2 muỗng hạt nêm, muối, đường rồi khuấy đều để hoàn thành khâu làm nước sốt.
Cho cà chua nhồi thịt vào chảo, lưu ý úp mặt có thịt xuống để chiên đến khi vàng. Sau đó, đảo đều trong hỗn hợp nước sốt, lưu ý tránh để cà chua nát. Món ăn tỏa mùi thơm là bạn có thể dọn ra mời cả nhà thưởng thức.
Thịt ba chỉ chiên nước mắm
Nguyên liệu
1kg thịt ba chỉ
45ml nước mắm
15ml nước tương
5g tiêu đen
60g bột chiên giòn
7g đường
Cách chế biến
Trước tiên, ướp thịt với nước mắm, nước tương, tiêu, đường, bột chiên giòn đã chuẩn bị. Dùng tay trộn đều để thịt thấm gia vị.
Tiếp theo, chiên thịt trong chảo ngập dầu đến khi chúng chuyển màu vàng nâu thì vớt ra thấm dầu. Sau đó, xắt nhỏ thành miếng vừa ăn rồi bầy ra đĩa ăn cùng cơm nóng.
Thịt kho dưa cải
Nguyên liệu
500g thịt ba chỉ
1 chén dưa cải muối chua
Ớt sừng, củ tỏi, gừng (số lượng 1)
Nước tương, hạt nêm, đường, muối, tiêu (1 muỗng)
Cách chế biến
Đầu tiên, xắt thịt thành những miếng vừa ăn. Ớt cắt khúc, tỏi để nguyên tép, gừng thái lát. Nếu bạn không ăn chua quá có thể rửa dưa sơ qua nước lạnh.
Sau đó, xào thịt ba chỉ đến khi xém cạnh thì cho ớt, tỏi, gừng vào xào cùng. Thêm các gia vị đã chuẩn bị vào, đảo đều. Tiếp theo cho dưa chua, thêm nước và đậy nắp kho thịt chín mềm.
Nước rút cạn, thịt mềm là món ăn đã vừa ngon. Dọn ra dĩa, chị em sẽ khiến ông xã phải tấm tắc khen vì độ khéo tay của mình.
Thịt heo giả cầy
Nguyên liệu
Thịt ba chỉ
5 nhánh sả
1 củ riềng
2-3 quả ớt
Mật mía
Bột nghệ
Mẻ
Mắm tôm
Cách chế biến
Đầu tiên, đem thịt ba chỉ đi nướng xém da rồi cắt thành miếng vừa ăn. Sau đó ướp với sả băm, riềng, nghệ xay, mẻ, mắm tôm, bột ngọt trong thời gian 45 phút.
Cho thịt vào chảo đảo sơ đến khi săn thì thêm nước ngập khoảng 2/3 nguyên liệu. Ninh thịt trên lửa nhỏ đến khi chín mềm là có thể bày lên bàn mời cả nhà vào dùng cơm.
Bài toán nấu món ngon mỗi ngày từ thịt lợn đã được giải đáp. Chúc chị em thành công!
Theo Phụ nữ sức khỏe
5 món bánh mặn nóng hổi cho ngày lạnh ở Hà Nội Được giữ nóng, dễ tìm và giá bình dân là lý do bánh giò, bánh gối hay bánh đúc được lòng thực khách. Ngoài các món nước như bún, phở, du khách tới Hà Nội có thể tìm thấy dễ dàng nhiều loại bánh nóng trên mọi góc phố, khu chợ. Bánh giò Nhắc đến các món bánh mặn ở Hà thành, có...