Mang án chung thân vì đánh chết tên trộm
Trong lúc giận dữ vì kẻ trộm hàng của mình lại chính là chủ nhà lấy để đổi thuốc phiện, Đại hô cả nhóm đánh, làm một người thiệt mạng, người khác thương tật 12%.
Người đàn ông mang án chung thân về hành vi đánh chết người ấy là Đồng Văn Đại, SN 1979, quê ở bản Khen, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Không giống những kẻ giết người khác, Đại có gương mặt cương nghị, sống mũi cao và cái nhìn thẳng thắn. Anh ta phạm tội trong lúc tức giận, không kiềm chế được khi thấy mồ hôi công sức của mình bị kẻ khác âm thầm nẫng tay trên.
Vụ án của 5 năm trước
Đầu năm 2007, sau nhiều lần thồ hàng lên chợ vùng cao bán, Đại và Nguyễn Thanh Bình quen biết Hờ A Giang, một thanh niên nhà gần chợ. Thấy Giang niềm nở, nhà cửa rộng rãi, Đại đặt vấn đề thuê một gian để gửi hàng mỗi khi quay về dưới thị xã Nghĩa Lộ lấy thêm hàng. Giang đồng ý nên từ đó khi nào có phiên chợ thì Đại và Bình lại chở hàng lên bán, không hết thì gửi vào nhà Giang rồi quay về nhà, chờ đến phiên chợ mới lên. Thời gian đầu không có vấn đề gì nhưng càng về sau, cả Bình và Đại đều cảm thấy gói hàng mình gửi trong nhà Giang “có vấn đề”. Họ bắt đầu để ý và trong một lần rình, hai người bắt quả tang ông chủ lấy trộm hàng đem đổi thuốc phiện. Điên tiết vì không chỉ một mình Giang mà anh ta còn gọi thêm vài người nữa tới lấy hàng nên Đại và Bình đã không nén được tức giận, vơ cành cây trước cửa nhà đuổi đánh. Những cái đập, vụt của người đang tức giận lại có sức khỏe như Đại và Bình đã khiến Giang chết ngay tại chỗ còn mấy kẻ trộm kia ai cũng bị thương trong đó có người thành tàn phế với 12% thương tật vĩnh viễn.
Đồng Văn Đại
Bỗng dưng thành kẻ giết người, Đại đau đớn khi nhận ra cái giá quá đắt của sự nóng giận. Anh thực sự sốc khi bị TAND tỉnh Yên Bái tuyên phạt mức tù chung thân vì cho rằng vai trò chính trong vụ án còn Bình bị kết án 23 năm tù. Rời trại giam Công an tỉnh Yên Bái, cả hai lên trại giam Tân Lập cải tạo cùng một ngày. Bình làm ở đội thi đua, công việc là giúp quản giáo tra cứu sổ sách, ghi mức đánh giá thi đua cho từng phạm nhân còn Đại cải tạo ở đội làm mi giả. Đôi bạn thân, cùng phạm tội một ngày, cùng một trại giam cải tạo mà xa vời vợi, chẳng mấy khi nhìn thấy nhau.
Và một tâm sự đắng lòng
So với đám trai làng cùng bản Khen, thị xã Nghĩa Lộ thì Đại là người có nhiều chữ nhất. Học hết cấp 2, thi đỗ vào trường cấp 3 dưới thị xã, Đại đã khăn gói về xuôi học với mong muốn sau này làm thầy giáo về dạy chữ cho con em trong bản. Nhưng rồi năm lớp 11, cảm thấy học không vào, Đại nghỉ học rồi sau khi đi học lớp lái xe, trở về làm tài xế chở vật liệu xây dựng cho một công ty xây dựng. Những ngày chở xi măng, sắt thép lên công trình ở vùng sâu vùng xa đã nảy sinh trong đầu Đại ý nghĩ đưa hàng dân dụng lên bán. Vậy là một lần nữa Đại bỏ ngang giấc mơ của mình về làm nghề buôn bán. Đại rủ Bình là anh bạn thân quê ở dưới thị xã cùng đưa các mặt hàng nhu yếu phẩm lên các chợ vùng cao bán và đó cũng chính là mối lương duyên đưa đường cho Đại từ một thanh niên chí thú làm giàu, một phút nóng giận không giữ được mình trở thành kẻ giết người.
Hôm gặp Đại ở trại giam Tân Lập, anh ta đang mải miết làm việc, dáng vẻ cần mẫn. Hỏi Đại những ngày qua nghĩ gì, anh ta ngước đôi mắt đen, sâu nhìn một lúc rồi mới đáp: “Em nghĩ nhiều lắm, tiếc nhiều điều đến nỗi giờ muốn nói gì cũng phải cân nhắc”.
Ngoài ba mươi, Đại đã có vợ và một con trai lên 8. Ngày mới vào trại giam Tân Lập, cậu con trai thấy vắng bóng cha, luôn mồm hỏi mẹ rằng bố đi đâu nhưng giờ thì cậu bé lớp 2 này đã biết. Viết thư cho bố, cậu bé “khuyên” bố hãy chăm chỉ, ngoan ngoãn và nhớ đến nó, cứ như thể bố nó vẫn đang đi học. Nét chữ nguệch ngoạc, đầy lỗi chính tả của con trai khiến lòng dạ Đại càng thêm se sắt. Đại bảo day dứt và băn khoăn nhiều lắm vì án mình không có ngày về trong khi vợ thì trẻ, bắt chờ đợi là một sự ích kỷ nhưng để vợ lấy chồng khác thì không biết con trai mình sẽ ra sao. Đắn đo mãi, cuối cùng Đại cũng viết một lá thư bảo tùy vợ định đoạt, đi lấy chồng khác hay ở vậy, anh ta không có ý kiến. Thật may cho Đại là vợ anh cũng là người hiểu biết, dù trình độ chỉ hết cấp 2 song người phụ nữ này đã hứa sẽ chờ ngày chồng trở về. 5 năm trôi qua, năm nào vợ Đại cũng dắt con lên thăm chồng vài lần. Lần nào gặp vợ, gặp con, Đại cũng khóc vì thương vì giận bản thân mình.
Đại tâm sự rằng nếu vợ mình ở vậy một thời gian rồi đi lấy chồng khác, Đại cũng không có quyền trách móc, đằng này cô ấy lại cứ chờ đợi khiến Đại càng thêm suy nghĩ. Là con trai trưởng trong một gia đình có hai anh em, từ nhỏ Đại chưa quen nhận sự ban phát của ai, thành ra trước sự độ lượng, chung thủy của vợ càng làm anh ta thêm khó nghĩ. Đại bảo đã cải tạo được 5 năm rồi, năm nào cũng sếp loại khá nhưng mới đi được non nửa đoạn đường để xét xuống án có thời hạn. Đại mong lắm đến ngày có tên trong danh sách được xét giảm án để kịp trở về với gia đình nhưng từ giờ đến đó là cả một đoạn đường phấn đấu và rất nhiều bất ngờ đang ở phía trước. Ngẫm nghĩ một lúc, người đàn ông có cái nhìn cương trực khẽ nhếch mép, nói: “Phải hơn 5 năm nữa em mới biết mình có được giảm án hay không. Không ai biết được từ giờ đến lúc đó, vợ em có chờ được hay lại vác đơn xin ly hôn lên cho chồng ký như nhiều người phụ nữ khác nhưng dù thế nào thì em cũng phải chấp nhận. Đó là thực tế, giống như cái việc em đi tù thôi”.
Câu nói mỗi lúc một nhỏ dần như thể người đàn ông này đã nghĩ đến điều đó từ rất lâu rồi, biết thế nhưng trong lòng ngàn lần mong điều đó đừng tới. Suy nghĩ của Đại cũng giống rất nhiều phạm nhân nam có án dài khác đang cải tạo ở trại giam Tân Lập. Rất nhiều người vừa chân ướt chân ráo vào trại cải tạo, mừng rỡ khi thấy vợ lên thăm để rồi òa khóc khi tới tay là lá đơn xin ly hôn chứ không phải lời động viên, khích lệ như lúc đầu lầm tưởng. Câu nói của Đại khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Đâu phải lòng người bỗng dưng tệ bạc mà mọi cái đều có nguyên nhân của nó.
Theo Báo Công Lý