Mái ấm của trẻ mồ côi
Tại TP. Cà Mau có 1 ngôi chùa nhận nuôi hơn 30 trẻ em mồ côi. Nơi đây, chẳng những cưu mang, đùm bọc mà còn giúp các em được cắp sách tới trường
Cơ sở này có tên là: Niệm Phật Đường Hưng Phước, (còn gọi Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hưng Phước), tại ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Trụ trì ngôi chùa này là nữ tu sĩ Lý Phương Tuyền, pháp danh: sư cô Thích nữ Diệu Tánh.
Mái ấm của trẻ mồ côi.
Năm 1987, bà Lý Phương Tuyền xuất gia. Sau đó, bà dành dụm vốn liếng, công sức xây chùa. Trong một buổi tinh mơ, sư cô Diệu Tánh và các đồng môn thấy một đứa trẻ sơ sinh toàn thân lạnh tím bị bỏ trước cổng chùa.
Lòng từ bi và niềm trắc ẩn là một phần nhân duyên để cơ sở tôn giáo này mở rộng vòng tay đón nhận, cưu mang những nhân sinh thơ dại, bị người thân ruồng bỏ, chối từ.
Nhận thấy những việc làm từ thiện, hữu ích cho đời của các ni sư ở Niệm Phật Đường Hưng Phước, phật tử gần xa đã góp công, góp của xây dựng, mở rộng chùa. Ban đầu – năm 1997 – dưỡng đường được làm bằng cây lá địa phương, diện tích chưa tròn 200m2.
Đến nay, diện tích của Phật đường đã mở rộng gấp 4 lần; các công trình phụ trợ, như bếp ăn, phòng ngủ, nghỉ, nơi sinh hoạt vui chơi của các em đã hoàn thiện khang trang.
Video đang HOT
Hơn 20 năm qua, Niệm Phật Đường Hưng Phước đã rộng cửa đón nhận, giáo dưỡng 31 trẻ thơ, trong đó có 2 em là trẻ sơ sinh.
Ngày qua ngày, dưới mái Phật đường, trong tình thương của sư phụ và các sư ni, những em nhỏ như đàn chim non chấp chới, đã tìm được cành cây trú tránh giông bão.
Nuôi cho các em ăn no, cho mặc ấm chưa đủ để một nhân sinh trưởng thành. Từ suy nghĩ đó, sư cô Diệu Tánh đã liên hệ các điểm trường trên địa bàn xã Lý Văn Lâm gửi các em đi học.
Năm học 2017 – 2018, Niệm Phật đường có tổng số 25 em đến lớp, trong đó, hệ mẫu giáo có 9 em; 13 em vào tiểu học và 3 em theo học hệ THCS. Nơi đây đã có 5 em tốt nghiệp PTTH, được Dưỡng đường gởi tu học ở một số cơ sở tôn giáo tại TP.HCM.
Nhìn các em trong bộ trang phục phật tử, lặng lẽ ngồi tụng kinh, niệm phật trước Phật đài hoặc lần giờ từng trang sách ngâm nga,… tôi thầm nghĩ: Ở đây, các em vừa được tiếp thu kiến thức văn hóa của nhà trường, vừa được rèn rũa giáo lý của nhà Phật, chắc chắn điều đó sẽ là hành trang giúp các em vào đời song toàn cả trí, lẫn tâm.
Với ước nguyện các “con” của Dưỡng đường lớn lên sẽ là những công dân hiền nhân, trí nghĩa, sư cô Diệu Tánh đã đặt tên các “con”: Nhẫn, Đức, Trí, Hòa, Thuận, Hiếu, Hạnh…
Hỏi thăm sư cô Diệu Tánh chuyện học hành của các con trong năm học 2018 – 2019, sư cô Diệu Tánh cho biết: Niệm Phật đường Hưng Phước đón nhận nhiều tấm lòng từ tâm, thiện nguyện của phật tử, quan khách xa gần nên năm học mới nhà chùa đã lo đủ vở viết, cặp, sách cho các em. Phần đáng lo là học phí và các khoản đóng góp khác.
Năm học trước, Dưỡng đường đã đóng các khoản cho các em đến lớp với tổng số tiền là 50.860.000 đồng.
Sư cô Diệu Tánh bộc bạch: “Ngày nào nhà chùa cũng đón nhận những tấm lòng từ tâm đến hỗ trợ, giúp đỡ nhưng phần lớn là thực phẩm, vật dụng sinh hoạt, do đó, tiền đóng học phí cho các em đang là nỗi lo với nhà chùa”.
Chia tay Niệm Phật Đường Hưng Phước, tôi mang theo nhiều cảm xúc về lòng từ bi, nhân ái giữa con người với con người và cả ước mong: Chính quyền các cấp và ngành giáo dục TP. Cà Mau nên có chính sách hỗ trợ như giảm, hoặc miễn học phí cho các em. Việc làm sẽ tiếp sức để Niệm Phật Đường Hưng Phước đưa các em nhỏ mồ côi đến trường!./.
Theo vov.vn
Đáng ngại: Vào mùa mưa, dân đổ xô đánh bắt, mua bán cá đồng non
Mùa mưa ở Cà Mau chính là thời điểm sinh sản của các loài thủy sản, trong đó, đặc biệt là nguồn lợi cá đồng. Đáng ngại, dù ngành chức năng khuyến cáo, hướng dẫn, thậm chí có những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn, nhưng hễ bước vào mùa mưa, tình trạng người dân lại đổ xô giăng bắt, mua bán các loại cá non đã trở thành điệp khúc chưa có hồi kết...
Dạo quanh các điểm chợ trên địa bàn TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau không khó để bắt gặp hình ảnh bày bán cá đồng non. Bất chấp sự can thiệp của ngành chức năng, các hộ dân ngang nhiên mua bán, "chào giá" sản phẩm "đặc sản" với khách hàng.
Những chậu cá đồng non bày bán rất nhiều ở các tuyến đường huyện U Minh.
Tình trạng này còn dễ nhận thấy hơn trên các tuyến đường về các địa phương vùng ngọt: Huyện Trần Văn Thời, U Minh. Tại đây, bằng nhiều cách thức đa dạng, người dân vừa trực tiếp đánh bắt cá đồng non vừa bày bán ngay tại nhà, dù biết việc làm này là vi phạm quy định.
Xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) là một trong những khu vực có nguồn lợi cá đồng khá nhiều. Mặc dù thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở nhưng tình trạng giăng bắt cá đồng non vẫn tiếp tục tái phạm.
Cá đồng non đang "hút hàng" ở các chợ.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngay từ đầu năm, ngành chức năng đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm tra, ngăn chặn tình trạng bắt cá đồng non trên địa bàn. Nhưng rồi "đâu cũng vào đấy". Một phần do cuộc sống mưu sinh nhưng phần lớn là do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, nên thực tế hễ cứ bước vào mùa mưa thì lại "nhộn" tình trạng đánh bắt, mua bán cá non.
Tình trạng mua bán cá non diễn ra tràn lan tại các khu chợ.
Với giá từ 120 - 150.000 đồng/kg, cá non (cá sặc, lòng ròng) là mặt hàng đang bị "hút" ở các chợ. Vì là của "hiếm" nên các thương lái phải tranh thủ đến các vùng sâu để thu mua.
Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này, ngành chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa với những biện pháp chế tài, xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn kịp thời và tránh để nguồn lợi cá đồng bị cạn kiệt...
Theo Bảo Trân (Báo ảnh Đất Mũi)
Chuyện tình đẹp: Chồng hiến thận cứu sống vợ Khi biết vợ bị bệnh nặng và cần phải thay thận, người đàn ông Mỹ đã không ngần ngại hiến một quả thận cho vợ. Quả thận giúp bà sống sót để có thể cùng chồng kỷ niệm 30 năm ngày cưới vào tháng 10 tới. Ông Steve Kennedy (trái) đã hiến một quả thận của mình cho vợ là bà Lesley (phải)...