MacBook Air mới rớt giá 50 USD chỉ sau vài tuần phát hành
Không lâu sau khi MacBook Air mới được Apple công bố với giá 999 USD, các nhà bán lẻ B&H và Amazon đã chào bán sản phẩm này với giá chỉ 949 USD, tức rẻ hơn 50 USD so với giá niêm yết.
Bản tiêu chuẩn của MacBook Air 2020 hiện đang được bán với giá 949 USD
Theo Engadget, mặc dù con số giảm 50 USD là thấp và chỉ dành cho bản tiêu chuẩn với CPU Core i3 nhưng đây vẫn là cơ hội tốt để mọi người có thể mua một sản phẩm vừa ra mắt từ Apple. Tuy nhiên giá này áp dụng cho lựa chọn màu xám.
Bên cạnh CPU Intel Core i3 thế hệ thứ 10 tốc độ 1,1 GHz, mẫu MacBook Air giảm giá này còn đi kèm RAM 8 GB và bộ nhớ trong 256 GB. Quan trọng hơn, máy sử dụng bàn phím Magic Keyboard mới từ Apple với các phím scissor thay vì kiểu cánh bướm dễ bị hỏng trong các mẫu MacBook thế hệ trước.
Kiểu bàn phím Magic Keyboard trên MacBook Air mới được đánh giá là một sự cải tiến đáng chú ý trên sản phẩm. Bên cạnh đó, mức giá khởi điểm cho phiên bản tiêu chuẩn từ Apple thấp hơn (1.099 USD trong bản tiền nhiệm) và không gian lưu trữ tăng gấp đôi là những yếu tố giúp MacBook Air mới trở nên hấp dẫn hơn.
Mặc dù có tất cả những cải tiến nhưng theo các đánh giá, MacBook Air 2020 vẫn có nhược điểm là thời lượng pin chưa được tốt và số lượng cổng kết nối ít. Dẫu vậy, đây vẫn là sản phẩm tốt nhất của Apple dành cho hầu hết mọi người.
Thành Luân
Đánh giá MacBook Air 2020 - chiếc MacBook tốt nhất cho mọi người
Bàn phím mới, CPU mới giúp MacBook Air 2020 trở thành một trong những mẫu laptop đáng mua nhất hiện nay.
Lược dịch bài viết đánh giá từ biên tập viên Nilay Patel, trang tin The Verge.
MacBook Air là dòng laptop mỏng nhẹ lần đầu ra mắt vào năm 2007. Thiết kế được nâng cấp của MacBook Air năm 2010 nhanh chóng trở thành "chuẩn mực" mà mãi đến 5 năm sau các hãng laptop Windows mới đuổi kịp (khái niệm ultrabook).
Với thiết kế đẹp, cấu hình đáp ứng hầu hết nhu cầu cơ bản, MacBook Air là một trong những chiếc máy tính phổ biến nhất, được đánh giá cao nhất của Apple. Có thời điểm mọi người vẫn mua MacBook Air dù thiết kế, cấu hình đã cũ so với những laptop cùng tầm giá.
Video đang HOT
Đến năm 2018, Apple nâng cấp toàn diện MacBook Air với màn hình đẹp hơn, CPU mới hơn. Tuy nhiên việc chuyển sang bàn phím cánh bướm (Butterfly Keyboard) vẫn đặt ra nhiều dấu hỏi về độ bền tương tự bàn phím của người anh em MacBook Pro.
Bàn phím mới của MacBook Air dày hơn, cho cảm giác gõ tốt hơn, độ bền cao hơn.
Chiếc MacBook cơ bản nhất
Sau 2 năm, Apple tiếp tục cải tiến MacBook Air, chuyển sang bàn phím cắt kéo (Magic Keyboard) tương tự MacBook Pro 16 inch, nâng cấp CPU Intel lên thế hệ thứ 10, đồng thời giảm giá bán khởi điểm còn 999 USD thay vì 1.099 USD như trước.
Phiên bản thấp nhất của MacBook Air 2020 trang bị CPU Intel Core i3 2 nhân thế hệ thứ 10, xung nhịp 1,1 GHz, RAM 8 GB, SSD 256 GB. Phiên bản CPU Core i5 4 nhân 1,1 GHz có giá đắt hơn 100 USD. Tùy chọn được đánh giá thử nghiệm trong bài này là phiên bản Core i5 4 nhân 1,1 GHz với SSD 512 GB, giá bán 1.299 USD.
Tương tự phiên bản trước, MacBook Air 2020 trang bị 2 cổng USB-C chuẩn Thunderbolt 3 ở cạnh trái. Với GPU Intel Iris Plus, bạn có thể dùng cổng USB-C này để xuất hình ảnh từ máy ra màn hình ngoài có độ phân giải lên đến 6K.
Cạnh phải của MacBook Air 2020 là cổng tai nghe 3,5 mm. Việc sử dụng tai nghe có dây trên MacBook là rất cần thiết bởi không phải ai cũng đủ thời gian tìm hiểu cách kết nối tai nghe Bluetooth trên macOS.
Tóm lại, tương tự iPad Air trong dòng iPad, MacBook Air là chiếc laptop cơ bản nhất của Apple dành cho đa số người dùng.
MacBook Air 2020 có thiết kế giống hệt người tiền nhiệm, trừ bàn phím theo cơ chế có tên Magic Keyboard.
Khai tử bàn phím cánh bướm
Bàn phím cánh bướm là một thảm họa của Apple, và rất may khi MacBook Air 2020 không còn sử dụng nó nữa. Tương tự MacBook Pro 16 inch, Apple đã trang bị bàn phím Magic Keyboard theo cơ chế cắt kéo, hành trình phím 1 mm và cụm phím điều hướng dạng chữ T truyền thống cho cảm giác gõ tốt hơn, ít bám bụi bẩn hơn.
Hàng trên cùng của bàn phím vẫn là dãy phím chức năng truyền thống, không phải Touch Bar như trên MacBook Pro. Dù vậy, Apple vẫn trang bị cảm biến vân tay Touch ID tích hợp vào nút nguồn, quá đủ cho tính năng bảo mật cơ bản của một chiếc laptop.
Một tính năng mà MacBook Air (kể cả MacBook Pro) không có vẫn là màn hình cảm ứng. Tuy nhiên với trackpad được đánh giá rất cao, Apple cũng chẳng cần màn hình cảm ứng cho MacBook để làm gì.
Bàn phím cũng là thay đổi duy nhất trong thiết kế của MacBook Air, còn lại mọi thứ vẫn giống hệt phiên bản trước.
Cấu hình của MacBook Air 2020 ở mức đủ dùng, không quá yếu cũng không quá mạnh.
Nâng cấp cấu hình
MacBook Air 2020 sử dụng CPU Intel Core thế hệ thứ 10 với đuôi Y (tiết kiệm năng lượng). Phiên bản mới có 3 tùy chọn CPU gồm Core i3 2 nhân 1,1 GHz (Turbo Boost tối đa 3,2 GHz), Core i5 4 nhân 1,1 GHz (Turbo Boost tối đa 3,5 GHz) và Core i7 4 nhân 1,2 GHz (Turbo Boost tối đa 3,8 GHz).
Phiên bản thử nghiệm trong bài là tùy chọn Core i5 4 nhân 1,1 GHz. Hiệu năng của máy hoàn toàn đảm bảo khi mở cùng lúc 4 ứng dụng Chrome, Slack, Zoom và Lightroom. Ứng dụng benchmark Geekbench cho thấy điểm đơn nhân của CPU này là 1.001, thấp hơn đôi chút so với 1.109 của MacBook Pro 16 inch.
Tất nhiên, vốn là CPU tiết kiệm năng lượng nên bạn đừng mong MacBook Air có thể xử lý trơn tru tác vụ nặng. Chỉ cần mở Lightroom cũng đủ khiến quạt tản nhiệt quay nhanh hơn, sau vài thao tác xử lý thì tốc độ quay đã lên mức tối đa. Việc chạy nhiều tác vụ nặng khiến máy phải "bóp" xung nhịp CPU xuống thấp hơn để đảm bảo nhiệt độ.
Việc "bóp" CPU là chủ đích thiết kế của Apple. Người dùng MacBook Air thường không cần hiệu năng quá cao, vậy nên CPU trên máy được tập trung vào tính năng Turbo Boost, có thể nhanh chóng tăng xung nhịp lên 3,2 GHz để hoàn thành tác vụ, sau đó giảm xuống 1,1 GHz để đảm bảo nhiệt độ và tuổi thọ pin.
Tuy nhiên nếu chạy tác vụ nặng trong thời gian dài, máy sẽ nóng lên và Turbo Boost cũng không hoạt động hiệu quả. Trong khi benchmark đồ họa với Cinebench, xung nhịp của CPU chỉ ở mức 1,5 GHz, trong khi quạt thì quay vù vù.
Nhiều người sẽ so sánh CPU Core i5 dòng Y trên MacBook Air với Core i5 dòng U trên MacBook Pro 13 inch. Apple cho biết CPU trên MacBook Pro được thiết kế tản nhiệt tốt hơn với xung nhịp Turbo Boost cao hơn, về cơ bản có thể hoạt động nhanh hơn, nóng hơn trong thời gian dài hơn MacBook Air. Do đó nếu cần chạy tác vụ nặng, MacBook Pro là lựa chọn tốt hơn.
MacBook Air 2020 có 3 màu xám không gian, bạc và vàng. Ảnh: The Verge.
Pin không quá nổi bật
Về thời lượng pin, MacBook Air 2020 chỉ ở mức trung bình. Quảng cáo của Apple chia sẻ rằng máy có thể hoạt động tối đa 11 giờ nếu chỉ lướt Safari. Khi chạy cùng lúc Chrome, Slack và Zoom, đặt độ sáng cao nhất thì máy hết pin chỉ trong 5 giờ.
Khi sử dụng những phần mềm học online như Zoom, bạn sẽ dùng đến webcam 720p khá cũ kĩ. Dù chất lượng không quá tệ, tôi vẫn hy vọng webcam trên MacBook sẽ sớm đạt chất lượng như camera selfie của iPhone.
2 cổng USB-C trên MacBook Air được xem là khá khiêm tốn, nhưng Apple từng khẳng định không mang trở lại các cổng kết nối cũ lên dòng MacBook.
Còn nâng cấp nào khác?
Tương tự phiên bản trước, MacBook Air 2020 vẫn trang bị màn hình Retina 13,3 inch, độ phân giải 2.560 x 1.600 pixel với tấm nền IPS. Tuy thông số rất giống MacBook Pro 13 inch, màn hình này không trang bị dải màu rộng DCI-P3. Dù vậy, trải nghiệm tổng thể trên màn hình vẫn rất tốt.
Ngoài ra, Apple còn trang bị tính năng True Tone tự động thay đổi nhiệt độ màu màn hình dựa trên môi trường xung quanh. Độ sáng tối đa của màn hình này là 400 nit, không vượt trội so với những laptop khác.
Đi kèm theo máy là củ sạc USB-C với công suất 30 W. USB-C đang trở thành tiêu chuẩn mới trên laptop, do đó không quá khó để tìm củ sạc, hoặc sạc dự phòng USB-C tương thích với MacBook Air.
Tóm lại, MacBook Air 2020 vẫn là thiết bị đáng sở hữu với đa số người dùng. Cấu hình vừa phải, thiết kế mỏng nhẹ đặc trưng, sau này có thêm màn hình đẹp là điểm mạnh của MacBook Air so với đối thủ. Tất nhiên nếu là người dùng chuyên nghiệp, bạn vẫn nên lựa chọn MacBook Pro với cấu hình, khả năng đáp ứng cao hơn.
Phúc Thịnh
Tháo rời Macbook Air 2020: Có gì thú vị? Quá trình tháo rời thực tế cho thấy, MacBook Air 2020 dễ sửa chữa hơn nhiều so với phiên bản "tiền nhiệm". MacBook Air được thiết kế lại lần cuối vào năm 2018. Sản phẩm này có nhiều tính năng mới xuất hiện trong dòng MacBook Pro của Apple (bao gồm cả bàn phím Butterfly dễ gặp sự cố). Trên dòng MacBook Air...