“Mặc áo giáp” cho trẻ vị thành niên
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản trong các trường học thông qua phát triển chương trình giảng dạy và đào tạo giáo viên, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi.
Năm 2019, trong khóa tập huấn “Kiến thức giám định pháp y trong lĩnh vực phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức, nhiều khách mời đã sốc khi được nghe kể về câu chuyện một bé gái quan hệ tình dục từ lúc 8 tuổi và đã từng đi phá thai nhiều lần…
Trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên là rất cần thiết.
10% nữ nhóm tuổi 15-24 từng ít nhất 1 lần mang thai ngoài ý muốn
Câu chuyện này được bác sĩ Phan Văn Hiếu – Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP HCM kể lại. Ông cho biết: “Cách đây không lâu Trung tâm của chúng tôi có tiếp nhận trường hợp bé gái 12 tuổi được cơ quan điều tra yêu cầu giám định vì là nạn nhân trong một vụ xâm hại tình dục. Tại Trung tâm, khi nhân viên y tế hướng dẫn các bước cần chuẩn bị để thực hiện giám định, cô bé tỏ ra rất thuần thục và yêu cầu để tự mình thực hiện.
Cô bé tự cởi trang phục và nằm đúng tư thế của một bệnh nhân nữ khi khám thai sản. Bất ngờ, nhân viên y tế hỏi lý do thì bé gái thản nhiên trả lời: “Con phá thai mấy lần rồi”. Theo lời kể của bé gái thì em đã bắt đầu quan hệ tình dục từ năm lên 8 tuổi, quan hệ với nhiều người và phá thai nhiều lần. “Lần này con tố cáo bị xâm hại vì con xin 200 nghìn đồng hắn không cho” – bé gái kể lý do.
Ở góc độ Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện cũng từng chia sẻ thông tin cho thấy các em lớp 10, 11, 12, nhóm sinh viên đại học mang thai ngoài ý muốn đến bệnh viện xin phá thai có khuynh hướng gia tăng. Trong số đó, có nhiều em vì còn quá nhỏ tuổi, kinh nguyệt bất thường hoặc không để ý nên không biết mình có thai.
Bà Phan Lan Hương, chuyên gia tư vấn về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên, cho biết, qua khảo sát có thể thấy trẻ chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính, các bạn trẻ khá cởi mở với chuyện yêu đương và quan hệ tình dục, nhưng lại chưa đủ kiến thức nên dễ để lại hậu quả.
Phần lớn các em khi có thai rất ít nói với gia đình, càng không dám đến các bệnh viện lớn do sợ gặp người quen, nhiều em tự tìm đến các phòng khám tư để nạo phá thai. Và chính từ tâm lý này đã để lại nhiều hệ lụy đau xót như các ca tai biến sản khoa nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Video đang HOT
Theo Tổ chức Dịch vụ dân số quốc tế (PSI Việt Nam), Việt Nam đang có 22 triệu người trong độ tuổi 10-24, chiếm gần 1/4 dân số. So với thế hệ trước, có xu hướng nhóm nữ trẻ, chưa kết hôn có quan hệ tình dục ở lứa tuổi sớm hơn. Báo cáo cũng ước tính 10% nữ nhóm tuổi 15-24, chưa kết hôn, từng ít nhất 1 lần mang thai ngoài ý muốn. Tình trạng này dẫn đến những hậu quả tiêu cực như phá thai, bỏ học sớm, bị gia đình xa lánh, nghèo đói…
Làm sao ngăn chặn?
Trẻ em vị thành niên nói chung và trẻ em gái vị thành niên nói riêng rất thiếu hụt kiến thức về sinh sản, đó là một thực tế đã và đang diễn ra. Ngày 2/4 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Plan International Việt Nam đã hợp tác triển khai Dự án “Tự tin là chính mình” với mục tiêu tạo điều kiện tối đa để các em gái vị thành niên sống ở vùng đô thị và cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn hẻo lánh có thể tự tin vượt qua “kỳ nguyệt san” của mình một cách an toàn và thoải mái, đồng thời tự đưa ra được những quyết định liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Kết quả khảo sát đầu vào của Dự án “Tự tin là chính mình” cho thấy có tới 37,6% học sinh nữ thiếu kiến thức và trên 40% chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề vệ sinh kinh nguyệt. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ trẻ em gái đã có kinh nguyệt khoảng trên 40%, tuy nhiên tỷ lệ thực hành vệ sinh kinh nguyệt ở mức trung bình và kém lên tới trên 80%. Trẻ em gái thường không biết cách xử trí hợp lý khi lần đầu có “nguyệt san”, không biết cách dùng băng vệ sinh đúng cách cũng như cách vượt qua các cơn đau hoặc sự khó chịu khi đến kỳ.
Trẻ vị thành niên thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản dễ vướng vào các hệ lụy nguy hiểm.
Đa số trẻ em gái chia sẻ, tâm sự cùng mẹ, tuy nhiên cha mẹ cũng chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đúng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó có vấn đề vệ sinh kinh nguyệt. Cũng theo kết quả khảo sát đầu vào, 46,5% phụ huynh chỉ có kiến thức ở mức trung bình.
Thực tế, trẻ em gái vị thành niên hiện vẫn đối mặt với nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ quan sinh sản. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm trùng cơ quan sinh sản được ước tính là trên 50% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản 15-49 tuổi.
Ngoài ra, trẻ em trai thiếu kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản nên nhiều em vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về những khó khăn mà các em gái gặp phải khi có kinh nguyệt, từ đó góp phần thêm vào những quan niệm sai lầm, những điều cấm kị, kỳ thị và có thái độ, thực hành không đúng đắn, khiến trẻ em gái xấu hổ và không tự tin trong kỳ kinh nguyệt…
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản trong các trường học thông qua phát triển chương trình giảng dạy và đào tạo giáo viên, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Kết quả khảo sát đầu vào cho thấy hiện tại trong các trường học có đề cập tới vấn đề sinh sản, nhưng vẫn tập trung nhiều vào các khía cạnh sinh học và khoa học của sinh sản mà chưa đề cập nhiều đến sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì, sức khỏe sinh sản và tình dục.
Chính vì thế, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế đã từng nêu khuyến cáo, về lâu dài, để giảm tỉ lệ nữ vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn, cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách đổi mới toàn diện nội dung chương trình giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi; chẳng hạn các kiến thức về cấu tạo, cơ chế hoạt động các cơ quan sinh sản ở người, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai ngoài ý muốn, vô sinh, các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Dự án “Tự tin là chính mình” được triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2023 tại 2 tỉnh, thành phố là Quảng Bình (huyện Minh Hóa và thành phố Đồng Hới), Hà Nội (huyện Ba Vì và một số trường THCS, THPT) trong thời gian 3 năm, từ năm 2020 đến năm 2023 với 4 can thiệp chính bao gồm: Trang bị kiến thức và thông tin về sức khỏe sinh sản, quản lý vệ sinh kinh nguyệt cho thanh, thiếu niên thông qua mô hình Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi trong trường học; huy động sự tham gia chủ động tích cực của trường học, thông qua các hoạt động tập huấn cho giáo viên, tọa đàm giữa giáo viên – học sinh, giáo viên phụ huynh và câu lạc bộ mẹ và con gái trong cộng đồng; huy động nguồn lực và sự tham gia từ các trường học, gia đình, lãnh đạo chính quyền địa phương và cơ quan ban, ngành liên quan; vận động môi trường chính sách giúp các em gái mạnh dạn tự tin tham gia các diễn đàn, sự kiện liên quan để nói lên nhu cầu chính đáng của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì, quản lý vệ sinh kinh nguyệt.
Dự kiến, Dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 27.880 thanh, thiếu niên, giáo viên trong 40 trường PTTH, THCS và tiểu học tại Hà Nội và Quảng Bình. Bên cạnh đó, Dự án sẽ cung cấp thông tin cho 224.000 thanh, thiếu niên, phụ huynh học sinh trong cộng đồng thông qua các ấn phẩm truyền thông trực tiếp và qua các phương tiện truyền thông đại chúng, sự kiện truyền thông trong cộng đồng.
“Dự án này với những mục tiêu đề ra thực sự rất thiết thực đối với trẻ em gái. Thông qua dự án, trẻ em gái sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng thông qua các hoạt động tập huấn, cuộc thi, sự kiện, sinh hoạt câu lạc bộ… để tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, vệ sinh kinh nguyệt.
Cha mẹ của các em cũng được trang bị kiến thức, kỹ năng, được truyền thông qua các câu lạc bộ có sự tham gia của cả mẹ và con gái, từ đó gần gũi, tự tin hơn khi chia sẻ với con gái về các vấn đề sức khoẻ sinh sản. Giáo viên cũng là một đối tượng đích quan trọng của Dự án, được tập huấn, bồi dưỡng đóng vai trò định hướng, hỗ trợ học sinh trong các vấn đề vệ sinh kinh nguyệt.
Việc tác động trên nhiều đối tượng khác nhau như vậy đặt ra yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như Hội Liên hiệp Phụ nữ, ngành Giáo dục của 2 tỉnh, thành phố Hà Nội và Quảng Bình trong triển khai các hoạt động của Dự án đạt hiệu quả tốt” – bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.
Nan giải bài toán du học sớm
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 700.000 trẻ em du học nước ngoài vào năm 2019, tăng 6% so với năm 2018.
Số lượng sinh viên đi du học nước ngoài dự kiến tăng sau đại dịch Covid-19.
Trong đó, nhiều em mới chỉ 10 tuổi. Con số này dự kiến sẽ tăng trong những năm tới, làm dấy lên lo ngại từ Chính phủ Trung Quốc.
Tháng 1/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết sẽ xây dựng "cơ chế mới nhằm thu hút trẻ vị thành niên duy trì học tập trong nước" vì một số em còn quá nhỏ để xa gia đình đi du học.
Tuy nhiên, cha mẹ của Mingming, 12 tuổi, sống tại thành phố Thượng Hải, không tán thành với kế hoạch mới của Bộ Giáo dục. Mingming chuẩn bị chia tay gia đình, chuyển đến học tại một trường phổ thông nội trú ở Washington DC.
Bố mẹ Mingming tin rằng nếu con trai học trung học tại Mỹ, em sẽ vượt qua kỳ thi chuyển cấp và giành suất vào một trường đại học hàng đầu. Mẹ của Mingming nhận xét: "Chất lượng giáo dục tại Trung Quốc không kém nhưng đối với những đứa trẻ, nó quá khó. Tôi biết rằng để vào đại học có rất nhiều cách nhưng tôi hy vọng con đường của con trai không quá hạn hẹp".
Kết quả khảo sát năm 2016 của một công ty nghiên cứu ở Thượng Hải cho thấy hơn 80% triệu phú Trung Quốc đang có kế hoạch cho con cái du học. Bất chấp sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào năm 2020, số học sinh từ lớp 7 - 12 tại Trung Quốc tham gia các khóa học và kỳ thi phục vụ mục đích du học vẫn tăng.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng áp lực học tập căng thẳng tại quê nhà là một trong những lý do khiến phụ huynh gửi con đi học nước ngoài. Trong đó, kỳ thi đại học quốc gia Gaokao, cơ hội giành suất vào các trường đại học Trung Quốc, được đánh giá là khốc liệt nhất nhì thế giới.
Chu Zhaohui, Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Giáo dục quốc gia, cho biết nhiều gia đình giàu có tin rằng bằng cấp quốc tế sẽ mang lại triển vọng nghề nghiệp tốt hơn cho con cái khi các em trở về Trung Quốc. Số khác nhận định hệ thống giáo dục nghiêm ngặt của Trung Quốc khiến trẻ em gần như không thể phát triển các sở thích cá nhân, ví dụ như thể thao.
Jia Jia, có con trai Yangyang du học Australia từ năm lớp 7, cho biết ban đầu, gia đình dự định cho con du học từ bậc đại học. Tuy nhiên, họ đẩy nhanh kế hoạch tại cấp THCS khi nhận thấy Yangyang không có thời gian chơi thể thao do phải làm quá nhiều bài tập về nhà.
Trước đó, tại trường tiểu học, Yangyang được nhận xét là học tập tốt, yêu thích bóng đá, bơi lội nhưng em không thể tận hưởng đam mê dưới áp lực của hệ thống giáo dục Trung Quốc.
Jia cho biết: "Những tin nhắn liên tục của giáo viên về điểm số, thứ hạng khiến vợ chồng tôi lo lắng con trai không thể làm tốt trong Zhongkao (Kỳ thi tuyển sinh vào THPT Trung Quốc). Gia đình tôi có quá nhiều áp lực".
Nhà nghiên cứu Chu Zhaohui cho biết chính phủ cần khuyến khích các nhà tuyển dụng sử dụng nhân tài trong nước thay vì ưu tiên du học sinh nếu muốn đảo ngược xu hướng du học quốc tế. "Tuy nhiên, du học vẫn là quyết định riêng của từng gia đình.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng không thể có một chính sách cụ thể, ngay lập tức nhằm hạn chế phụ huynh gửi con cái ra nước ngoài du học", ông Zhaohui nói thêm.
Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21 tại Thượng Hải, cho biết để khuyến khích các phụ huynh như Jia cho con cái học tập trong nước, chính phủ cần thúc đẩy nền giáo dục cá nhân hóa và thay đổi cách đánh giá học sinh.
Trường THPT Yên Thế - Bắc Giang: Tiếp bước truyền thống, tự tin trưởng thành Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, trường THPT Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ các năm học đề ra. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Nhiều năm gần đây, trường đã có những thành tích đáng tự hào trong công tác dạy và học cũng như...