“Ma trận” lớp dạy chữ trước cho trẻ vào lớp 1 năm học 2021-2022
Trong căn phòng rộng khoảng 30 m2 ở tầng 2 của khu tập thể, một bên được kê 6 bộ bàn ghế nhựa và 1 tấm bảng rộng, phần diện tích còn lại được kê thêm bộ ghế sofa.
Theo lời của chủ cơ sở ôn luyện, ngoài “công dụng” để tiếp khách thì nếu phụ huynh nào có “nhu cầu” họ có thể vừa ngả lưng trên ghế để nghỉ ngơi lại vừa có thể “ngắm” con mình học.
Bên trong một lớp học thêm tiền lớp 1 và đoạn tin nhắn tư vấn tuyển sinh (ảnh: Trung Dũng)
Trước thực tế, học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 khá vất vả để theo kịp chương trình, đặc biệt là với môn Tiếng Việt, nhiều bậc cha mẹ có con sinh năm 2015, đã “vội vàng” tìm lớp, tìm cô để cho con học chữ. Trong vai một phụ huynh cần cho con học chữ trước khi vào lớp 1, tôi như lạc vào “ma trận” các lớp ôn luyện với nhiều cái tên như “lớp tiền tiểu học”, “ luyện chữ đẹp”…
Từ lời giới thiệu của một phụ nữ tên Q. chúng tôi tìm đến một cơ sở có địa chỉ tại Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Được biết cơ sở này là của một giáo viên về hưu, ban đầu chỉ là dạy cho con cháu trong gia đình nhưng sau đó vì nhu cầu của các phụ huynh bên ngoài, người này mở luôn lớp dạy tiền lớp 1 để kiếm thêm thu nhâp. Qua lời Q. quảng cáo thì chỉ cần 3 tháng là các bé học ở đây sẽ biết đọc, viết tốt.
Theo quan sát của phóng viên, bên ngoài lớp học này là một căn hộ tập thể bình thường nhưng bên trong lại được tận dụng để mở lớp học. Hơn nữa, bên ngoài cũng không hề gắn biển lớp nên nếu không được giới thiệu cũng khó biết đây là lớp dạy cho trẻ sắp bước vào lớp 1 năm học tới đây.
Căn phòng rộng khoảng 30 m2 trên tầng 2 của khu tập thể. Trong căn phòng kê khoảng 6 bộ bàn ghế đơn loại 1 bàn liền 1 ghế bằng nhựa, phía trước một tấm bảng trắng. Phần còn lại của căn phòng được chủ nhà kê thêm một bộ ghế sofa để tiếp khách.
Theo cách nói của chủ cơ sở này thì việc bố trí như vậy, ngoài “công dụng” để tiếp khách thì nếu phụ huynh nào có nhu cầu còn có thể vừa ngả lưng trên ghế để nghỉ ngơi lại vừa có thể “ngắm” con mình học.
Video đang HOT
Trước mắt chúng tôi, một người phụ nữ trạc tuổi 60, mái tóc hoa râm được cắt ngắn, cuốn lọn xoăn, đôi tay thoăn thoắt lau vội những dòng chữ nguêch ngoặc viết bằng bút lông xanh trên bảng.
Thấy người lạ, người phụ nữ này quay ra hỏi: “Đến làm thủ tục cho con hả? Dê phải không? (Nói những trẻ sinh năm Ất Mùi 2015 – phóng viên), cô Q. giới thiệu phải không?
Đăng ký đợt này là hợp lý, ra tết âm lịch học, năm sau cho bé vào lớp 1 là OK. Lớp này tôi chỉ nhận được khoảng 6 cháu, chậm vài hôm nữa là hết không vào được nữa đâu. Tờ rơi thông tin ở bàn, xem kỹ rồi mình nói chuyện tiếp”.
Chưa kịp định thần trước loạt câu hỏi của “bà giáo” chúng tôi được xem tờ rơi tuyển sinh được bày trí khá bắt mắt với nội dung: “Tuyển sinh lớp hành trang lớp 1″. Trên tờ rơi này không quên ghi đầy đủ các thông tin quảng bá nhằm đánh vào tâm lý muốn tìm cho con một cơ sở ôn luyên chất lượng của các phụ huynh. Nào là lớp chỉ tuyển số lượng ít, từ 6 đến 8 học sinh. Tất cả các bé sinh năm 2015 đều học được và cha mẹ hoàn toàn yên tâm là con có thể bước vào lớp một một cách vững vàng.
Cùng với đó là thời lượng học chỉ khoảng 1,5 giờ/buổi trong phạm vi 2 đến 3 buổi một tuần nên trẻ không bao giờ có cảm giác bị chán học, không gây căng thẳng. Theo lời quảng cáo, các lớp này sẽ được chia thành các ca học, tính từ hơn 5 giờ chiều cho đến 9 giờ tối. Như vậy, nếu tính tần suất thì trong một buổi tối, “bà giáo” có thể dạy được 2 ca tương đương với 12 đến 16 học sinh.
Theo tờ rơi, chương trình học trong một ca như thế được chủ yếu tập trung vào 4 tiêu chí như: Rèn ngồi học và cầm bút. Dạy viết bảng tập tô, viết chữ theo chuẩn. Dạy tập đọc, tập đánh vần và dạy làm toán với các phép tính đơn giản lớp 1. Phụ huynh sẽ phải chi trả khoảng 70 nghìn đồng cho một buổi học như vậy.
Khi phóng viên hỏi về việc có thể cho con nhập học ngay luôn trong trong buổi tối hay không thì được người này cho biết: “Hiện tại, ở đây đang có một lớp gồm 6 bé đang học được 3 tháng nay. Đợt tuyển sinh này sẽ ghép lớp để các bé học vào dịp sau Tết Nguyên đán. Thời điểm này học sẽ không liền mạch vì còn nghỉ Tết Nguyên đán, qua đợt nghỉ các cháu lại quên hết kiến thức rèn luyện, vừa mất thời gian của bố mẹ, vừa tốn công sức của giáo viên.
Tốt nhất em cứ để cho cháu vui chơi thoải mái, ra tết cho con sang đây học, chị trực tiếp đứng lớp dạy chữ nên em cứ yên tâm về chất lượng. Đồng ý thì đóng cọc trước cho chị năm trăm nghìn giữ chỗ, để lại thông tin rồi cứ yên tâm ra về”.
Theo lời hàng xóm của “bà giáo”, cơ sở ôn luyện này mở cũng được mấy năm nay, người này ngày trước là giáo viên dạy giỏi ở một trường tiểu học, từ khi về hưu thì mở lớp luôn. Vì có mác là giáo viên dạy giỏi nên lượng học sinh theo học khá đông và giờ đang có hướng mở rộng hơn. Thậm chí là có ý định mở thêm một số cơ sở nữa ở quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Thực tế, lớp dạy như trên không khó để tìm. Nắm bắt được nhu cầu của các phụ huynh, nhiều lớp học siêu nhỏ mọc lên cùng với những lời cam đoan rằng các con của “thượng đế” sẽ vững vàng hơn trước khi bước vào lớp 1 so với những bạn khác cùng lứa tuổi không có điều kiện học ở các lớp này.
Tuy nhiên, để tránh việc bị cơ quan chức năng “sờ gáy” các cơ sở này thường đăng ký theo các địa chỉ ảo để kiểm tra người đó có nhu cầu thực sự hay không. Phải sau rất nhiều lần “đàm phán” để lấy lòng tin thì chúng tôi mới tiếp cận được. Không ít cơ sở khá thận trọng, nhiều nơi còn yêu cầu cho xem giấy khai sinh và ảnh của học sinh mới đồng ý cung cấp địa chỉ thật.
'Tẩy chay' lớp học thêm tiền lớp 1, phụ huynh cần làm gì giúp con?
Ở bậc mầm non các con đã được làm quen với bảng chữ cái, với những nét viết cơ bản để cấu tạo nên chữ. Vì vậy, phụ huynh không cần quá sốt sắng đưa con đến các lớp học tiền tiểu học.
Chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới bắt đầu được đưa vào dạy và học từ năm học 2020-2021. Sau thời gian trải nghiệm, SGK lớp 1 nhận được nhiều phản hồi từ các bậc phụ huynh là nếu không cho con học tiền lớp 1 thì con khó đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Hạnh (Cầu Giấy) đã dành thời gian học lại cùng con theo chương trình SGK mới. Theo chị Hạnh, SGK lớp 1 năm nay, đặc biệt là môn Tiếng Việt tương đối nhiều kiến thức đối với học sinh, nhất là với những bạn không học trước.
"Ngay từ những bài học đầu tiên, học sinh không được làm quen với các nét, các chữ cái cơ bản mà đã học ngay vào ghép vần, thậm chí là tập đọc. Nhiều bạn không học tiền tiểu học trong lớp con chị khó để bắt kịp theo yêu cầu.
Các chữ, các số, con chưa kịp nhớ đã lại học sang bài khác, cô giáo cũng quan tâm nhắn mẹ chú ý việc học của con nhưng chưa con có thời gian làm quen đã phải chuyển sang bài khác khiến nhiều học sinh bị đuối.
Năm nay ở khu nhà tôi ở, dù còn hơn nửa năm nữa mới bắt đầu năm học mới nhưng với tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè như học sinh lớp 1 năm vừa rồi, các gia đình vẫn tìm lớp cho con đi học tiền tiểu học.
Tôi nghĩ con làm quen trước với con chữ, tập viết, tập tính và làm quen với cách dạy học ở lớp 1 thì cũng không có gì hại cả. Đó cũng là một sự chuẩn bị tốt", chị Hạnh chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Tiến Thành - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm: Xét về khách quan, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trẻ mầm non nghỉ học gần bốn tháng liền nên thời gian học sinh chuẩn bị vào lớp 1 ít hơn so với năm trước rất nhiều.
Có một thực tế là nhiều học sinh 6 tuổi năm nay lên lớp 1 nhưng chưa thuộc mặt chữ trong bảng chữ cái cộng với việc thay đổi chương trình nên cũng có những khó khăn so với trẻ vào lớp 1 năm ngoái.
"Khi học sinh học hết lớp 1, mục tiêu của chương trình là học sinh cũng chỉ thuộc chừng ấy vần, chữ ngày xưa thế nào thì bây giờ vẫn vậy. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong phân phối chương trình, những năm trước, trong một bài tương đương với một tiết học học sinh học một âm, nhưng năm nay, có những bài ghép đến 2-3 âm, vần trong khi nhiều học sinh chưa thuộc mặt chữ cái nên phụ huynh sẽ thấy con không theo kịp chương trình.
Hiện nay Bộ GD&ĐT đã giao cho giáo viên quyền chủ động, có thể dạy chậm, chắc nên giáo viên có thể tùy theo khả năng của học sinh mà dạy miễn sao hết năm học các em đạt được yêu cầu là ổn" - Tiến sĩ Lê Tiến Thành nói.
Cô giáo Nguyễn Hải Phương - giáo viên tiểu học tại Hà Nội thừa nhận học sinh lớp 1 năm nay có những khó khăn riêng do học sinh mầm non nghỉ học quá lâu vì dịch bệnh.
"Ở bậc mầm non các con đã được làm quen với bảng chữ cái, với những nét viết cơ bản để cấu tạo nên chữ. Vì vậy, phụ huynh không cần quá sốt sắng đưa con đến các lớp học tiền tiểu học.
Chỉ cần con học đến đâu, bố mẹ theo sát đến đó, mỗi tối dành khoảng nửa tiếng vừa cho con ôn lại mặt chữ, vừa chơi cùng con để con thuộc được bảng chữ cái. Đó đã là những hành trang tốt nhất cho việc học lớp 1 rồi.
Bản thân tôi dạy, có những học sinh đã học trước chương trình nên trong lớp thường rất lơ là, không chú tâm vào bài học, thậm chí còn gây mất trật tự trong lớp gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động dạy học.
Hơn nữa, theo quan điểm của tôi, thay vì cho con học trước chương trình, bố mẹ nên cho con học cách tư duy, tiến đến định hướng phát triển năng lực để trong mỗi bài học mới, mỗi kiến thức các con đều có cách tư duy, tiếp cận bài học riêng của mình", cô Phương nói.
Cấm giáo viên tiểu học dạy thêm, nhưng sao cấm được phụ huynh cho con học thêm? Để học thêm dạy thêm tràn lan, khoan hãy đổ trách nhiệm do giáo viên ép buộc. Vì, thầy cô không tổ chức dạy thêm thì phụ huynh vẫn tìm người khác dạy cho con mình Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh mới yêu cầu Trưởng các Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn...