Lý giải nguyên nhân đề kiểm tra học kỳ 1 luôn khó như… lên trời
Dù đề ra dễ hay khó đều có mục đích của người ra đề. Với góc nhìn của người trong cuộc, chúng ta thử vén bức màn bí mật này.
Tại thời điểm này, các trường học ở cả ba bậc học gần như đã hoàn thành việc kiểm tra đánh giá định kỳ lần 2 (kiểm tra học kỳ 1).
Dù đề kiểm tra dễ hay khó thì người ra đề cũng có mục đíc của mình ( ( Ảnh minh họa: vov.vn)
Câu chuyện về đề kiểm tra luôn là đề tài để mọi người bình luận. Mặc dù có chuẩn kiến thức kỹ năng nhưng tình trạng vẫn thường xảy ra là nơi ra đề dễ quá dễ, nơi lại ra đề khó quá khó.
Dù đề ra dễ hay khó đều có mục đích của người ra đề. Với góc nhìn của người trong cuộc, chúng ta thử vén bức màn bí mật này.
Đề kiểm tra dễ để lấy thành tích
Do tỷ lệ đăng ký học sinh khá giỏi, học sinh lên lớp thẳng của từng lớp, từng trường quá cao. Thế nên một số trường học ra đề kiểm tra khá dễ với mục đích để đạt được chỉ tiêu như mong muốn.
Vì chuyện đề quá dễ đã xảy ra nhiều trường hợp “mưa” điểm 9,10 đến mức một số thầy cô giáo thấy chất lượng học sinh được phản ánh sau bài kiểm tra không đúng như thực tế, thậm chí là quá phi lý nên đã phải dùng hạ sách hạ bớt điểm của một số em.
Ví như ngày thường, học sinh A. chỉ có lực học trung bình thường, em thường xuyên bị giáo viên nhắc nhở về thái độ học tập, về việc tiếp thu bài.
Vậy mà bài kiểm tra lại đạt điểm 10.
Có phụ huynh đã từng nêu thắc mắc khi nhìn thấy điểm bài kiểm tra của con:
“Con tôi học thế này mà thường xuyên cô gọi về mắng vốn là lười học, học ngu là sao”.
Video đang HOT
Đề kiểm tra học kỳ 1 khó để hút học sinh học thêm
Bên cạnh việc ra đề kiểm tra dễ vì thành tích, nhiều giáo viên lại ra đề kiểm tra khó để học sinh ít đạt điểm khá giỏi, bị nhiều điểm thấp. Điều này, sẽ kích cầu cho việc dạy học thêm của những thầy cô giáo có cơ hội “nở hoa”.
Theo quy định, đề kiểm tra sẽ được ra trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng môn học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành.
Đề sẽ có 3 phần: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Thường thì phần nhận biết các câu hỏi cơ bản là dễ, kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình học.
Giáo viên chúng tôi thường gọi là Mức 1. Thang điểm cho phần này khoảng 4 điểm (tùy quy định từng nơi nhưng dao động không nhiều).
Phần thông hiểu cũng có thang điểm 4, ngoài câu hỏi mức 1 có thêm một số câu hỏi mức 2.
Phần vận dụng 2 điểm, chủ yếu câu hỏi mức 3 và mức 4.
Nếu đề ra chuẩn, học sinh trung bình sẽ đạt mức điểm từ 5-6, học sinh khá đạt điểm 7,8 và học sinh giỏi, xuất sắc mới đạt điểm 9,10.
Thế nhưng, không ít giáo viên ra đề vượt chuẩn quá nhiều theo quy định (đương nhiên việc này cũng có sự tiếp tay của chuyên môn nhà trường).
Những câu hỏi mức 3, 4 thường được lấy kiến thức trong sách ôn luyện đường lên đỉnh Olympia, sách chọn học sinh giỏi.
Vì thế, những đứa trẻ bé tí lớp 1,2,3 đã phải làm những bài toán “hại não”. Có gia đình ba mẹ là kĩ sư nhưng vẫn phải tranh cãi nhau vì bài toán lớp 1, 2 của con. Học sinh 4,5 có một số bài toán dành cho thí sinh đường lên đỉnh Olympia.
Đề khó, tỷ lệ điểm đạt được sẽ khá thấp. Thường học sinh giỏi, xuất sắc rớt xuống khá. Học sinh khá còn trung bình và học trung bình còn yếu.
Khi cầm bài kiểm tra của con về với số điểm thấp như thế, không ít phụ huynh đã sốc, bất ngờ vì nghĩ con mình lực học đã tuột dốc. Và thế là, cha mẹ đành tất tả đến nhờ thầy cô dạy kèm sau giờ học buổi chiều.
Thế nên, không ít nơi sau đợt kiểm tra học kỳ 1 số lượng học sinh đăng ký đi học thêm cao đến bất thường.
Bởi thế, nhiều người đón con trước cổng trường lúc 4 giờ 30 phút chỉ kịp mua cho con ổ bánh mì nhai vội là đến 5 giờ vào lớp để học thêm.
Ngày nào con cũng kết thúc buổi học lúc 6 giờ 30 phút, về đến nhà cũng hơn 7 giờ, tắm rửa xong, soạn sách vở cho ngày mai rồi chỉ kịp lên giường là không còn biết trời trăng mây gió gì cả.
Trúc Hạ
Theo giaoduc.net
Giáo viên không có năng lực ra đề kiểm tra còn có nguyên nhân nào khác?
Ra đề kiểm tra, một khâu quan trọng và nặng nề trong nhiệm vụ chuyên môn của người thầy, đòi hỏi sự học hỏi, đầu tư nghiêm túc, bài bản...
Bài viết " Bậc học phổ thông hiện có nhiều giáo viên không có khả năng ra đề thi" của tác giả Phan Tuyết đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 19/12) phản ánh về việc nhiều giáo viên không có khả năng ra đề thi, đề kiểm tra mà chuyên sao y, copy, cắt dán đề của người khác.
Đúng là một thực trạng đáng buồn về năng lực chuyên môn hạn chế, yếu kém của một bộ giáo viên phổ thông hiện nay.
Mọi người đều biết, nguyên nhân có tính lịch sử là do trước đây ngành giáo dục thiếu nhiều giáo viên, chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, công tác đào tạo thiếu sàng lọc, học hành sao cũng được tốt nghiệp và ra trường dạy học.
Giáo viên không có năng lực ra đề kiểm tra còn có nguyên nhân nào khác? (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Theo tôi, một bộ phận giáo viên không có khả năng ra đề thi, đề kiểm còn có một số nguyên nhân nội tại sau đây:
Mới lúc đầu, các tổ, nhóm chuyên môn cũng đều phân công cho các thành viên ra đề kiểm tra học kỳ. Nhưng nhiều giáo viên làm đề không xong, để xảy ra sai sót nghiêm trọng về kiến thức.
Kể từ đó, các tổ, nhóm chuyên môn hết tin tưởng, chẳng dám giao cho các thầy cô giáo ấy ra đề kiểm tra nữa, vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường mà hay giao hẳn cho những giáo viên có năng lực chuyên môn ra đề kiểm tra hết năm này đến năm khác.
Còn giáo viên dính "dớp" lần đầu ấy gần như không có cơ hội để tập dượt, thể hiện năng lực của mình qua thử thách ra đề, ma trận, hướng dẫn chấm.
Ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết ở tại lớp thì có khó gì, vay mượn, copy của người khác là xong. Nếu có sai sót, trục trặc thì mấy học sinh, phu huynh nào biết và dám phản biện thầy cô ấy.
Trong thời gian qua, mặc dù các cấp quản lý giáo dục rất chú trọng việc bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về khâu ra đề, làm ma trận, đáp án theo chuẩn kiến thức - kỹ năng của Bộ Giáo dục và Đào cho giáo viên nhưng tính hiệu quả, tác động sâu rộng của nó đến tất cả giáo viên còn rất thấp.
Giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu, tiếp cận khâu đổi mới, cải tiến kiểm tra, đánh giá với thời gian cả tháng trời. Rồi các giáo sư, tiến sĩ tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên cốt cán các trường, các địa phương khoảng bốn, năm ngày.
Về địa phương, nhà trường, các giáo viên cốt cán tập huấn, triển khai cho mọi giáo viên chỉ còn chưa được vài tiếng đồng hồ.
Ra đề kiểm tra, một khâu quan trọng và nặng nề trong nhiệm vụ chuyên môn của người thầy, đòi hỏi sự học hỏi, đầu tư nghiêm túc, bài bản mà tổ chức hời hợt, bị rơi rụng nhiều như thế thì làm sao tất cả giáo viên có đủ năng lực, sự tự tin để ra đề kiểm tra cho đúng, không vướng sai sót, nhầm lẫn.
Theo chúng tôi thiết nghĩ, các nhóm, tổ chuyên môn không nên dồn mãi việc ra đề kiểm tra học kỳ cho một vài người có kinh nghiệm, năng lực mà cần kiên trì hướng dẫn, giúp đỡ, yêu cầu những giáo viên khác đều tự tin và biết cách ra đề, ma trận, đáp án theo chuẩn, theo hướng đổi mới.
Năng lực ra đề kiểm tra, đang là điểm yếu của một bộ phận giáo viên phổ thông thì các cấp quản lý giáo dục cần tăng cường thêm các đợt, thời gian tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu.
Thay vì triệu tập các giáo viên cốt cán (đã từng đi nhiều) thì nay triệu tập các giáo viên hạn chế về chuyên môn, ít hoặc không ra đề để họ được các chuyên gia trực tiếp chỉ dạy, hướng dẫn cụ thể.
Bản thân từng giáo viên phải chịu khó đầu tư, "cày ải" về chuyên môn, thường xuyên tự học, tự rèn luyện, trau dồi cách ra đề kiểm tra nhằm đáp ứng được yêu cầu giáo dục mới. Đừng để đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh chê bai thầy cô giáo mà ra cái đề kiểm tra không xong, để xảy ra nhiều sai sót...
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc.net
Nhiều giáo viên, học sinh vẫn ngán đề kiểm tra học kỳ của Sở Đối với các khối lớp 6,7,8 thì Sở Giáo dục không nhất thiết phải ra đề bởi độ chênh lệch về chất lượng dạy và học giữa các địa bàn thường rất lớn. Mỗi năm học, các Sở Giáo dục và Đào tạo thường ra đề kiểm tra học kỳ một số môn để nắm tình hình dạy và học ở các nhà...