Lý do Thái tử Saudi Arabia kêu gọi Israel không tấn công Iran
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo tại Riyadh hôm 11/11, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã kêu gọi Israel không tấn công Iran.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại một sự kiện ở thành phố Jeddah. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài Sputnik (Nga), Thái tử bin Salman đặc biệt kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Israel “tôn trọng chủ quyền của Iran và không xâm phạm lãnh thổ của nước này”.
Bình luận về lời kêu gọi trên, nhà nghiên cứu chính trị Mehran Kamrava, Giáo sư chính phủ tại Đại học Georgetown Qatar, nhận định: “Đây chắc chắn là một diễn biến thú vị”.
Ông Kamrava đã đưa ra những lý do đằng sau động thái được cho là đầy bất ngờ của Thái tử bin Salman.
Trước hết, vị chuyên gia này cho rằng quyết định bổ nhiệm các chính trị gia chống Iran vào những vị trí chính sách đối ngoại quan trọng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể khiến Israel mạnh dạn hơn trong việc tấn công Iran và châm ngòi cho một cuộc chiến khu vực lớn hơn.
“Những gì chúng ta đang thấy là nỗ lực của Saudi Arabia nhằm thể hiện sự không hài lòng và không chấp thuận khả năng mở rộng xung đột”, ông Kamrava bình luận.
Theo ông, Thái tử bin Salman dường như đang đặt nền tảng cho việc hạ nhiệt căng thẳng, tạo cơ hội cho Iran “thoát khỏi” cuộc xung đột với Israel một cách nhẹ nhàng.
“Iran hiện đã lấy lại được sự ủng hộ trên những con phố Arab. Đây là quân đội chính quy duy nhất tấn công Israel sau năm 1973″, vị giáo sư này nói và cho rằng lời kêu gọi của Thái tử bin Salman cũng nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Tehran.
Video đang HOT
Ông Kamrava lập luận đây là một trong những tín hiệu mà khu vực này muốn gửi đến Washington liên quan đến chính sách chung của nước này ở Trung Đông.
Trong khi đó, hồi tháng 10, Saudi Arabia và Iran đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Oman.
Trước hội nghị thượng đỉnh tuần này, Thái tử bin Salman đã điện đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Vào ngày 10/11, quan chức quân sự cấp cao của Saudi Arabia cũng đã đến thăm Tehran để gặp gỡ những người đồng cấp Iran.
“Những tín hiệu này đều rất quan trọng và có ý nghĩa”, ông Kamrava nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, việc Thái tử Saudi Arabia tổ chức các cuộc họp gần đây nhằm thể hiện sức mạnh đoàn kết của các quốc gia Hồi giáo trước khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức. Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump không nêu rõ chính sách của mình đối với cuộc xung đột Israel – Hamas, hay các chính sách của ông sẽ khác với người tiền nhiệm Joe Biden như thế nào.
Hồi tháng 4, ông Trump tuyên bố Israel cần “hoàn tất và chấm dứt nhanh chóng những gì đã bắt đầu”. Ông lưu ý Tel Aviv đang thua trong cuộc chiến quan hệ công chúng vì những hình ảnh từ Gaza.
Ông Brian Hook, người từng là đặc phái viên về Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đã nói với CNN vào tuần trước rằng tổng thống đắc cử có thể sẽ tìm cách khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Tehran để “cô lập Iran về mặt ngoại giao” và “làm suy yếu nước này về mặt kinh tế”.
Dân biểu Mike Waltz của bang Florida, người được ông Trump đề cử giữ chức Cố vấn an ninh quốc gia, và Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, người có khả năng sẽ được lựa chọn làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới, đều có chính sách cứng rắn đối với Iran.
Các nhà phân tích nhận định Saudi Arabia, quốc gia đã từng giúp ông Trump trong chính sách kiềm chế Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên, sẽ không sẵn sàng ủng hộ chiến dịch gây sức ép tối đa với Iran như trước. Thay vào đó, quốc gia này đang tìm cách mở rộng quan hệ với Tehran.
Với chính sách ngoại giao hiện tại, Saudi Arabia muốn duy trì sự trung lập trước các cuộc xung đột liên quan đến Mỹ, Israel và Iran.
Ông Hussein Ibish, một học giả cao cấp tại Viện Các quốc gia Arab tại Washington nhận định có một số rủi ro chính trị đối với việc bình thường hóa quan hệ với Israel hiện nay.
“Với việc bình thường hóa này, Saudi Arabia thừa nhận rằng họ sẽ có nguy cơ bất đồng chính kiến nội bộ, vai trò lãnh đạo khu vực của người Arab đang rất cạnh tranh. Thông điệp từ Riyadh là chúng tôi muốn hợp tác, nhưng phải có điều kiện nào đó, không chỉ về Palestine mà còn cả Iran”, ông Ibish cho biết.
Mong muốn của Iran và các nước vùng Vịnh với chủ nhân mới của Nhà Trắng
Chiến thắng của ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đều có thể tác động sâu sắc đến chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông.
Các quốc gia vùng Vịnh và Iran đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử này để điều chỉnh chiến lược của mình.
Ứng viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng viên của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận trực tiếp tại Philadelphia. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, khi tình hình Trung Đông đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, câu hỏi về ai sẽ là tổng thống tiếp theo của Mỹ trở thành một chủ đề nóng bỏng không chỉ ở Mỹ mà còn ở các quốc gia vùng Vịnh và Iran. Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris thắng cử có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng hiện tại giữa Israel và một số nước Hồi giáo.
Quan điểm từ Iran
Các nhà phân tích cho rằng, cả Iran và các nước vùng Vịnh đều có những kỳ vọng khác nhau về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tehran, với lịch sử đối đầu kéo dài với Washington, có thể không mong đợi những thay đổi tích cực ngay lập tức. Saeid Jafari, nhà phân tích người Iran, cho rằng các quan chức nước này đã từng nhìn nhận ông Trump như một người cởi mở hơn với các thỏa thuận trong quá khứ. Tuy nhiên, sau 4 năm cầm quyền của ông Trump, nhiều khả năng họ sẽ hoan nghênh chiến thắng của bà Kamala Harris hơn.
Cùng quan điểm, Mehran Kamrava tại Đại học Georgetown cho rằng việc ai là tổng thống không thực sự quan trọng đối với Iran. Chuyên gia này cho rằng ông Trump có thể dễ dàng hơn trong việc giao tiếp do cách tiếp cận kiểu "giao dịch" của ông, trong khi bà Harris và Tổng thống Biden lại có xu hướng mang tính ý thức hệ hơn trong chính sách đối ngoại.
Quan điểm từ các nước vùng Vịnh
Đối với các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), sự khác biệt giữa ông Trump và bà Harris không lớn. Anna Jacobs từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) nhấn mạnh rằng họ (các nước vùng Vịnh) muốn một tổng thống Mỹ ủng hộ mối quan hệ song phương tốt đẹp, tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế. Các quốc gia này đang cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn bình thường do tình hình an ninh khu vực hiện tại và họ muốn biết ứng cử viên nào sẽ có khả năng gây sức ép với Israel.
Mahjoob Zweiri, Giáo sư tại Đại học Qatar, cho biết các nước vùng Vịnh đã chuẩn bị để làm việc với bất kỳ chính quyền Mỹ mới nào. Họ đã thiết lập mối quan hệ tốt với cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Trong bối cảnh hiện tại, họ mong muốn một chính phủ Mỹ có thể "chấm dứt xung đột ngay lập tức và tìm kiếm giải pháp hòa bình bằng con đường ngoại giao".
Có thể nói, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới không chỉ là một sự kiện chính trị nội bộ mà còn có những tác động sâu rộng đến tình hình Trung Đông.
Iran và các nước vùng Vịnh đều đang theo dõi sát sao diễn biến này để điều chỉnh chiến lược của mình. Dù ai lên nắm quyền, vai trò của Mỹ vẫn sẽ là yếu tố then chốt trong việc định hình tương lai của khu vực này.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đều đồng ý rằng bất kể ai trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Trung Đông, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra giữa Israel và một số nước Hồi giáo.
Saudi Arabia chuyển nhượng thêm 8% cổ phần trong Saudi Aramco Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 7/3 tuyên bố hoàn tất việc chuyển nhượng thêm 8% tổng số cổ phiếu đã phát hành của tập đoàn dầu khí khổng lồ Saudi Aramco cho các công ty thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư công (PIF). Cơ sở khai thác dầu của Công ty dầu Aramco ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN...