Luyện IELTS từ tiểu học, phụ huynh Việt đang bắt con ‘chín ép’
“ Luyện thi IELTS từ bậc tiểu học, khi trẻ còn chưa có đủ vốn sống lẫn khả năng tư duy về những vấn đề xã hội sẽ gây ra những ảnh hưởng như làm suy giảm động lực và hứng thú với việc đọc, viết của trẻ”.
Mới đây, một trường THCS ở Hà Nội đưa ra dự thảo tuyển sinh về việc sẽ cộng đến 20 điểm xét tuyển vào lớp 6 cho học sinh đạt IELTS từ 3.0. Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao.
IELTS không phù hợp với trẻ tiểu học
Là giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Archimedes Academy, cô giáo Trần Thị Phương Chi bất ngờ trước lời đề nghị luyện thi IELTS cho một học sinh lớp 5 có mong muốn thi vào lớp 6 tại Hà Nội.
Trước sự tha thiết của phụ huynh, cô Chi đồng ý dạy thử. “Sau khi kiểm tra, mặc dù về mặt ngữ pháp con nắm khá ổn; nhưng ở phần đọc hiểu, vốn từ vựng của con khá yếu. Do đó, cần phải có một lộ trình học tập khác phù hợp với năng lực của con. Nếu vẫn cố tình nhồi nhét, tôi nghĩ con sẽ bị ‘chín ép’ do chưa có đủ tư duy về ngôn ngữ cũng như các vấn đề xã hội”.
Theo cô Chi, việc luyện thi chứng chỉ IELTS chưa phù hợp với trẻ ở bậc tiểu học, bởi lẽ bài thi này không đơn giản chỉ kiểm tra khả năng nói tiếng Anh mà còn cần tới các khả năng phân tích, tư duy cùng lượng kiến thức liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội vượt xa tầm hiểu biết của trẻ.
“Việc luyện thi IELTS quá sớm sẽ khiến trẻ phải chật vật tiếp nhận những vấn đề xã hội phức tạp mà ngay chính bản thân các em cũng chưa hề trải nghiệm”.
Cô Chi lấy ví dụ, ở phần thi nói và viết của bài thi IELTS, thí sinh sẽ thường gặp phải những câu hỏi liên quan đến các chủ đề khá rộng như kinh tế, giáo dục, công nghệ, luật pháp, môi trường, y tế… Hay ở phần bài đọc và nghe, khối lượng từ vựng cũng tương đối nhiều và khó đối với trẻ. Khi ấy, trẻ sẽ phải học nhồi nhét, học theo công thức chỉ để đạt điểm số mong muốn.
“Điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng tới hứng thú học ngôn ngữ của trẻ, thậm chí có thể dẫn tới tâm lý sợ học tiếng Anh”, cô giáo Trần Thị Phương Chi cho hay.
Luyện chứng chỉ IELTS từ cấp tiểu học là điều không cần thiết (Ảnh minh họa: Kỳ thi vào lớp 6 trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM năm 2020)
Đồng quan điểm, thầy Ngô Huy Tâm (Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế Phenikaa School) cũng cho rằng, khi học cấp 1, chứng chỉ IELTS hoàn toàn không cần thiết và cũng không phù hợp với trẻ nhỏ.
Video đang HOT
“Mỗi một thang đo chỉ có thể đánh giá cho một số đối tượng nhất định. Mặc dù chúng có thể đối chiếu sang nhau, nhưng điều đó không có nghĩa có thể dùng thay thế các kỳ thi với nhau.
Thực tế, IELTS là thang đo ngôn ngữ phổ quát dành cho đối tượng di cư, nhập cư, du học, làm việc chuyên nghiệp, có nội dung ngữ liệu vượt ngoài phát triển tư duy nhận thức trẻ nhỏ”.
Do đó, theo thầy Tâm, việc luyện IELTS từ sớm sẽ làm hại cho con trẻ. “Tuổi nhỏ, trẻ cần phát triển năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Đó là lý do trẻ được dạy viết sáng tạo, viết tự do trước khi được dạy viết hàn lâm.
Nhóm trẻ bị ép đọc, viết hàn lâm quá sớm sẽ làm suy giảm động lực và hứng thú với việc đọc, viết. Nội động lực không còn, chỉ còn ngoại động lực là thành tích, điểm số, khen thưởng, sự ngưỡng mộ bên ngoài – vốn là những thứ không bền. Từ đó, trẻ dễ gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm hơn khi dựa quá nhiều vào các ngoại động lực”.
Mặt khác, các chủ đề trong các kỳ thi chuẩn hoá như IELTS chỉ ép trẻ học đối phó với khuôn mẫu sẵn có, cho nên, trẻ không có hoặc rất ít cảm xúc với những điều mình viết.
Cách học này chỉ phù hợp với việc luyện thi, còn với đánh giá khả năng ngôn ngữ của trẻ, IELTS không phù hợp do việc học ngôn ngữ cần thấm dần quan thời gian và không thể “chín ép”.
Học IELTS ở độ tuổi nào là phù hợp?
Thầy Ngô Huy Tâm cho rằng, độ tuổi học IELTS phù hợp là khoảng lớp 8, lớp 9. “Thật ra, độ tuổi này vẫn còn là hơi sớm, nhưng nếu buộc lòng phải học thì đây nên là độ tuổi tối thiểu, do có thể năng lực nhận thức của trẻ bây giờ đã già dặn hơn so với trước đây.
Nhưng hợp lý nhất vẫn là từ lớp 10, khi học sinh ở độ tuổi 15, 16. Lúc này, các em đã có độ chín chắn nhất định và khả năng tư duy, nhận thức cũng đã có phần trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, thầy Tâm cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc đạt điểm IELTS cao chưa chắc năng lực sử dụng tiếng Anh đã thực sự tốt.
“Rất nhiều bạn cày ngày, cày đêm và đạt đến 9.0 IELTS Writing, nhưng khi vào ĐH Harvard vẫn bị giáo sư đánh giá rằng viết dài dòng, không có bản sắc. Nhiều học sinh trong bài viết dùng từ ngữ to tát, nhưng ý nghĩa có phần nông cạn, đơn giản là vì IELTS chỉ đo năng lực ngôn ngữ hẹp chứ không đo năng lực viết – vốn bao gồm nhiều mặt hơn ngôn ngữ đơn thuần”.
“Do đó, luyện IELTS cũng là một dạng luyện hẹp và nhiều hạn chế, không nên thần thánh hóa chức năng thực tế của thang đo này”, thầy Ngô Huy Tâm nói.
Cô giáo Trần Thị Phương Chi cũng cho rằng, việc học IELTS có thể bắt đầu từ năm lớp 8, nhưng thích hợp nhất vẫn là từ lớp 10 vì lúc này, học sinh đã có tích lũy đủ về mặt nhận thức cũng như khả năng tiếp thu các vấn đề xã hội.
IELTS với học sinh ở đầu cấp THPT sẽ là điều kiện thuận lợi và cũng là yêu cầu cần thiết đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào của các trường học ở nước ngoài, giúp học sinh thuận lợi hơn khi bước vào ngưỡng cửa đi du học.
“Còn đối với bậc tiểu học, trẻ nên theo học những chương trình phù hợp hơn với lứa tuổi như Movers, Flyers, KET, PET,… Những chương trình này hoàn toàn có thể xây dựng cho trẻ đầy đủ kỹ năng, năng lực ngôn ngữ và khả phân tích, lập luận thay vì phải cố gắng gồng lên để học, thi IELTS khi chưa cần thiết”.
Nhiều giải pháp giúp học sinh lớp 5 bắt nhịp chương trình GDPT mới
Để học sinh lớp 5 bắt nhịp với chương trình GDPT mới ở lớp 6, TP Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp sáng tạo. Trong đó, chú trọng chuyển giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS đảm bảo thực hiện Chương trình mới...
HS Tiểu học tham quan môi trường học tập tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Tham quan, giao lưu trường THCS
Để đảm bảo triển khai Chương trình GDPT mới hiệu quả, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo thực hiện việc bàn giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS. Từ đó giúp giáo viên giảng dạy lớp 6 Chương trình mới chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với các em học sinh.
Qua đó, tạo điều kiện cho các trường THCS chủ động và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với cấp THCS từ năm học 2021 - 2022; Giúp cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS tìm hiểu về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục, phương pháp giảng dạy và học tập của cấp Tiểu học.
Ông Lê Thanh Long, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Để chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới, Sở đã có chủ trương chuyển giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS bằng nhiều hình thức như: Tạo điều kiện cho các em học sinh lớp 5 đến tham quan môi trường học tập ở các trường THCS; Để các em giao lưu các anh chị cấp THCS, tìm hiểu nơi học tập trong năm học tới.
Ngoài ra, Sở chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho giáo viên dạy ở các trường THCS, đặc biệt là giáo viên tham gia giảng dạy lớp 6 mới sẽ xuống dự giờ, thăm lớp các trường tiểu học đặt gần trường THCS trên địa bàn quận/huyện.
Đây là năm đầu tiên ngành Giáo dục Cần Thơ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể công tác bàn giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS. Nhờ đó các thầy cô giáo THCS tìm hiểu, biết được tình hình các em học ở tiểu học như thế nào, để sau khi các em chuyển sang cấp học mới sẽ không bị bỡ ngỡ và dễ tiếp cận hơn.
Thầy Trương Vĩnh Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện bàn giao chất lượng với cấp Tiểu học. Thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức đưa tất cả các Tổ trưởng bộ môn và giáo viên tham gia giảng dạy lớp 6 đến các Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Tiểu học Ngô Quyền và Tiểu học Mạc Đĩnh Chi để dự giờ và học tập kinh nghiệm.
Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy cho biết thêm: Quận có 13 trường Tiểu học và 6 trường THCS, vừa qua Phòng chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng các kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện bàn giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS. Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông về tổ chức bàn giao chất lượng, công tác chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình mới đối với lớp 6, tạo tâm thế sẵn sàng đối với học sinh, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh lớp 5 và người dân trên địa bàn...
Giáo viên cấp THCS tham dự giờ học tại Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Hiệu quả thiết thực
Được tham dự những tiết học của các em học sinh lớp 5, cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi khi được tham gia lớp học cùng các em học sinh khối lớp 5. Qua đó giúp tôi nắm bắt được tâm sinh lý, nhịp học và năng lực học tập của các em, làm nền tảng cho việc xây dựng cách thức tổ chức lớp, phương pháp giảng dạy mới phù hợp hơn, tránh sự bỡ ngỡ khi chuyển giao cấp học mới".
Ngoài những tiết dự giờ thăm lớp, tìm hiểu học sinh lớp 5, các giáo viên cấp tiểu học và THCS cũng có những buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong công tác tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp, công tác quản lý học sinh khối lớp 5.
Nhờ giải pháp này, đội ngũ giáo viên hiểu được tâm sinh lý của các em học sinh lớp 5, các em đang học gì, đang có được gì và cần được cung cấp kiến thức, kỹ năng gì trong năm học tiếp theo, giúp học sinh tiểu học có được tâm thế sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như hiểu được môi trường học tập của các em trong năm học tiếp theo...
Thầy Lâm Đạo Hùng, Tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều cho biết: Được sự hướng dẫn của Sở GD&ĐT, nhà trường đã mạnh dạn tổ chức cho giáo viên khối THCS tiếp cận các hoạt động tổ chức lớp học của giáo viên và học sinh lớp 5. Từ đó giúp giáo viên có định hướng khi tiếp nhận các em trong năm học mới.
"Khi được tham gia lớp học cùng các em lớp 5, được tiếp cận cách các em học tập, cách tham gia hoạt động giáo dục như thế nào, đội ngũ giáo viên bước đầu định hình và xây dựng các phương pháp dạy học phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Đồng thời đáp ứng yêu cầu Chương trình mới lớp 6", thầy Hùng chia sẻ.
Cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều cho biết: Từ đầu năm học, Sở đã có hướng dẫn, chỉ đạo công tác phối hợp với các trường THCS trên địa bàn trong việc chuyển giao chất lượng giữa lớp 5 lên lớp 6. Trường tạo điều kiện cho giáo viên THCS trên địa bàn đến dự giờ, tham quan, thăm hỏi và nắm tình tình hình học tập, tâm sinh lý các em học sinh lớp 5 để chuẩn bị cho công tác bàn giao. Đồng thời, nhà trường cũng chủ động phối hợp đưa các em học sinh lớp 5 đi tham quan, tìm hiểu môi trường học tập ở các trường THCS trong năm học tới.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền Chương trình GDPT và SGK mới, các trường THCS còn chủ động phối hợp với lãnh đạo các trường Tiểu học tổ chức gặp gỡ cha mẹ học sinh lớp 5 để thông tin đầy đủ, chính xác về SGK mới, công tác giảng dạy, chuẩn bị các điều kiện nhập học, hình thức, nội dung các hoạt động giáo dục... của cấp THCS, bảo đảm cha mẹ học sinh hiểu đúng, đầy đủ các thông tin.
Thí sinh đăng ký tới 50 nguyện vọng là không cần thiết! Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021 từ ngày 27/4 đến 11/5. Đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề tương lai, nhiều thí sinh muốn biết cách đăng ký nguyện vọng để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích. Tiến sĩ Vũ Quốc Huy -...