Lưu ý khi dùng gói bột nêm trong mì ăn liền
Theo các chuyên gia, không nên sử dụng hết gói bột nêm trong mì ăn liền.
Mì ăn liền (mì gói) là món ăn phổ biến trong mọi gia đình, do chúng rất tiện lợi và giá thành rẻ. Tuy nhiên, thường xuyên ăn mì ăn liền sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhiều người có thói quen bỏ hết gói bột nêm trong gói mì để dùng một lần. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi ăn mì ăn liền là do rất nhiều người có thói quen bỏ hết gói bột nêm khi nấu mì. Tuy nhiên, hàm lượng muối trong gói bột nêm đi kèm mì ăn liền rất cao, nếu tiêu thụ nhiều có thể ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp.
Em Nguyễn Thành Kiên ( sinh viên) cho biết: “mì ăn liền là món ăn khoái khẩu của em, hầu như ngày nào em cũng ăn do em không có thời gian nấu ăn, giá mì ăn liền cũng rất rẻ, rất phù hợp với túi tiền của sinh viên. Em có thói quen là mỗi khi nấu mì là bỏ tất cả các gói bột nêm có trong gói mì, vì nghĩ chắc nhà sản xuất cũng đã tính toán lượng gia vị phù hợp”.
Chia sẻ với PLO, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Việc sử dụng mì ăn liền thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, do trong một số loại mì sử dụng dầu để chiên, từ đó hàm lượng chất béo tăng lên, không có lợi cho sức khỏe.
“Trong một gói mì ăn liền thường kèm theo gói bột nêm, các nhà sản xuất mì thường sẽ để riêng gói bột nêm này để người tiêu dùng bỏ vào tùy theo khẩu vị. Thông thường nhà sản xuất thường cho lượng muối trong gói bột nêm là dư thừa, vì vậy không nên cho hết gói này vào trong tô mì” – PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
Video đang HOT
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Chung, Trưởng Khoa khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết: “một số loại mì, trong gói bột nêm ngoài muối còn có chất ngọt nhân tạo, chính vì thế chúng ta không nên lạm dụng quá nhiều mì ăn liền. Ngoài ra, bản thân sợi mì lúc chế biến một số loại cho phụ gia vào để tạo độ dai và dẻo của sợi mì, nếu sử dụng thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Gói bột nêm trong mì ăn liền chứa nhiều muối
Để có kết luận về tác hại của việc ăn nhiều muối, nhóm khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Kiến thức, thái độ của người dân TP.HCM về muối, tần suất sử dụng mì ăn liền và lượng muối trong sản phẩm” trong năm 2017. Nhóm khảo sát gồm các BS Vũ Quỳnh Hoa, Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phạm Ngọc Oanh, Tạ Thị Lan, Trần Quốc Cường và cộng sự đã thực hiện khảo sát trên 487 người hiện sinh sống ở TP.HCM.
BS Vũ Quỳnh Hoa cho biết : “Lượng muối trung bình trong mỗi gói bột nêm đi kèm mì ăn liền là 4,3 g, gần tương đương nhu cầu khuyến nghị lượng muối mỗi ngày của người trưởng thành (5 g). Thế nhưng khi sử dụng mì ăn liền, chỉ có gần 39% người dùng không sử dụng hết gói bột nêm đi kèm. Còn lại hơn 61% sử dụng hết gói bột nêm. Điều này chứng tỏ đa số người dùng có thói quen ăn mặn, ngoài ăn mì gói trong ngày còn phải ăn thực phẩm khác có chứa muối. Do vậy lượng muối dung nạp trong người quá cao là yếu tố gây ra nhiều bệnh lý”
TRẦN NGỌC
Thực hư chuyện chất béo và chất bảo quản trong mì ăn liền gây khó tiêu
Lời đồn mì ăn liền chứa nhiều chất phụ gia sẽ gây khó tiêu, nhiều người tiêu dùng xếp mì ăn liền là thực phẩm cần hạn chế, vậy thực hư vấn đề này là như thế nào?
Có phải mì ăn liền nhiều chất béo nên ăn vào... đầy bụng?
Trong quá trình tiêu hóa, chất béo là nhóm chất cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa và hấp thu hơn cả. Nguyên do vì các phân tử chất béo phức tạp hơn nên mất nhiều thời gian phân giải. Theo đó, trung bình, cơ thể chỉ mất khoảng 5 giờ để tiêu hóa nhóm bột đường (cơm, mì, bún, phở...); mất 12-24 giờ để tiêu hóa hoàn toàn nhóm đạm (thịt, cá...); nhưng sẽ mất 33-47 giờ mới có thể tiêu hóa hết chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật...).
Cũng vì điều này mà nhiều người suy diễn: Mì ăn liền nhiều chất béo nên chắc hẳn rất dễ gây đầy bụng, khó tiêu. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng chất béo trong mì ăn liền không hề nhiều như lầm tưởng. Một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa chủ yếu là chất bột đường (khoảng 40-50g), chỉ có khoảng 10-13g chất béo và khoảng 6,8g chất đạm.
Theo đó, lượng chất béo này chỉ tương đương với lượng chất béo có trong một bát bún cá hay một suất bún chả, chiếm 16 - 17% so với nhu cầu chất béo cần trong 1 ngày. Vì thế, chưa đủ cơ sở để có thể khẳng định được rằng mì ăn liền do chứa nhiều chất béo nên gây ra cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
Thực phẩm nói chung và mì ăn liền nói riêng không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng khó tiêu.
Cũng cần nói thêm rằng, thời gian tiêu hóa của chất béo là lâu nhất không đồng nghĩa với khó tiêu vì vẫn tuân theo quá trình tiêu hóa của cơ thể. Tình trạng khó tiêu của cơ thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ yếu tố bệnh lý đường tiêu hóa, tình trạng sử dụng một số loại thuốc cho tới lối sống thiếu khoa học...
Còn nếu xét từ khía cạnh thực phẩm hay dinh dưỡng thì TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam cho biết: chỉ khi chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, không hợp lý mới gây ra tình trạng khó tiêu, ví dụ như thường xuyên không ăn rau xanh, trái cây dẫn đến thiếu chất xơ.
Thực phẩm nói chung và mì ăn liền nói riêng không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng khó tiêu. Vì vậy, khi ăn uống, nên kết hợp sao cho đủ 4 nhóm chất: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất với một tỷ lệ cân đối, phù hợp.
Mì ăn liền để lâu được là do chất bảo quản?
Chúng ta thấy hạn sử dụng của mì ăn liền lên đến 5 - 6 tháng, nên nhiều người liền cho rằng thực phẩm này chứa nhiều chất bảo quản. Thế nhưng, trên thực tế mì ăn liền bảo quản được lâu là do bản thân sản phẩm có hàm lượng độ ẩm rất thấp và được đóng trong bao gói kín.
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, mì ăn liền áp dụng phương pháp làm khô sản phẩm, bằng cách chiên hoặc sấy để làm giảm độ ẩm trong vắt mì xuống mức thấp nhất, giúp sản phẩm bảo quản được lâu. Vì thế, việc cho rằng mì ăn liền chứa nhiều chất bảo quản gây đầy bụng là chưa chính xác.
Chất bảo quản hay chất phụ gia trong sản xuất thực phẩm đều phải tuân theo quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng, không phải cứ nói tới chất phụ gia hay chất bảo quản là không tốt. Hiện nay, việc sử dụng chất bảo quản hay chất phụ gia trong sản xuất thực phẩm đều phải tuân theo quy định của Bộ y tế với hàm lượng cho phép, an toàn với người sử dụng.
Bên cạnh đó cũng chưa có bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào đủ tin cậy để khẳng định những chất phụ gia thực phẩm sử dụng trong mì ăn liền là nguyên nhân gây ra tình trạng đầy bụng và các vấn đề sức khoẻ. Vì thế người tiêu dùng có thể an tâm khi sử dụng mì ăn liền.
Như vậy có thể kết luận rằng, nói mì ăn liền gây khó tiêu vì nhiều chất béo, nhiều chất bảo quản đều là những đồn thổi không có cơ sở khoa học.
Cách đơn giản nhất để tránh đầy bụng, khó tiêu là điều chỉnh lại lối sống, giải tỏa các áp lực lo âu, ăn chậm nhai kỹ, xây dựng các bữa ăn lành mạnh, cân đối và đầy đủ nhóm chất. Khi thưởng thức mì ăn liền nên bổ sung thêm thịt, hải sản, trứng, rau củ...để vừa hấp dẫn vừa cân đối về dinh dưỡng.
Nghỉ tập gym quá lâu, cần bao lâu để khôi phục lại sức mạnh như trước? Bắt đầu tập luyện trở lại sau vài tháng bỏ tập là điều không hề dễ dàng, dù là tập gym, chạy bộ hay nhiều hình thức tập luyện khác. Khi nghỉ tập, sức mạnh và sức bền có thể giảm xuống rất nhanh. Người tập có thể mất 1 tháng để phục hồi sức mạnh, sức bền sau thời gian dài nghỉ...