Lương không cao nhưng vì sao giáo viên New Zealand vẫn yêu nghề?
Không đơn thuần chỉ là người truyền đạt kiến thức, giáo viên New Zealand vừa đi dạy vừa được đi học như sinh viên.
Đặc biệt, dù lương không cao ngất ngưởng như nhiều nghề khác nhưng môi trường giảng dạy rất nhiều đãi ngộ ở đây đã truyền cho các nhà giáo ngọn lửa yêu nghề bền bỉ.
Dưới đây là những chia sẻ chân thành từ người trong cuộc- TS Nguyễn Thị Cẩm Lệ – giảng viên tiếng Anh tại ĐH Victoria Wellington.
Năm 2006, tôi may mắn được theo học bậc Tiến sĩ tại ĐH Victoria Wellington (VUW) theo diện học bổng phát triển của chính phủ New Zealand. Bị chinh phục bởi một nền giáo dục chuẩn mực, ngay sau khi hoàn thành luận văn tiến sĩ, tôi thi tuyển vào VUW với mong muốn trở thành một giảng viên ở xứ Kiwi.
Và khi đã gắn bó với công việc này gần 10 năm, tôi phát hiện ra rằng tình yêu nghề trong tôi ngày một lớn. Mà điều đó có được đều nhờ môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện mà tôi đang được trải nghiệm.
Không phải đối diện với áp lực quá tải sinh viên
Với một giảng viên, công việc ý nghĩa nhất là khi họ có đủ thời gian để đầu tư cho nó. Dĩ nhiên, điều đó không thể làm được nếu một giảng viên cùng lúc phải giảng dạy hàng trăm sinh viên.
Tại VUW, mỗi khóa học, tôi cùng một giảng viên khác chỉ phải phụ trách một lớp tối đa khoảng 16 sinh viên. Nhờ vậy, tôi có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, sáng tạo ra những giáo án thú vị, truyền được cảm hứng học tập cho sinh viên.
Dù giảng dạy bộ môn Tiếng anh nhưng trong các tiết học tôi luôn khéo léo lồng ghép những đề tài nóng của xã hội như các biện pháp giảm lượng rác thải nilon của từng khu vực trên thế giới để sinh viên lập nhóm và tranh luận cùng nhau.
Ngoài ra, Viện Anh ngữ nơi tôi làm việc hàng tuần đều mời thêm nhiều diễn giả – những người đã thành công ở các lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, văn hóa, xã hội… đến trò chuyện về những chủ đề sinh viên yêu thích. Những cách này giúp sinh viên vô cùng hào hứng và tiếp thu bài cũng rất nhanh.
Chị Cẩm Lệ (áo hồng) chụp cùng các học trò của mình
Không phải đối diện với áp lực quá tải sinh viên, tôi còn có điều kiện để quan tâm chu đáo đến từng em sinh viên một.
Ngoài việc có nhiều thời gian ngoài giờ hơn để giải đáp thắc mắc của sinh viên về bài học trên lớp, tôi còn có thể trò chuyện với từng em, hiểu rõ mục tiêu học tập của các em và đưa ra những lời khuyên hữu ích để mỗi sinh viên tự vạch ra được một hướng đi đúng đắn cho muc tiêu của mình.
Quan trọng hơn, nhà trường không bao giờ áp đặt kết quả học tập của sinh viên lên giảng viên, chỉ cần giảng viên chứng minh được mình đã nỗ lực hết sức trong công việc giảng dạy là được. Có được một tâm lý thoải mái khi làm việc, điều đó giúp tôi mỗi ngày thêm nỗ lực trong công việc mà mình đã lựa chọn.
Video đang HOT
Những hỗ trợ thiết thực từ nhà trường
Một nền giáo dục phát triển là một nền giáo dục không ngừng cập nhật và đổi mới.
Đó là lý do mà trường VUW – nơi tôi đang công tác không ngừng mở ra những khóa đào tạo cho giảng viên về những thiết bị công nghệ, phần mềm giảng dạy tiên tiến nhất, giúp công việc của chúng tôi luôn được thuận lợi.
Không dừng lại ở đó, trường còn khuyến khích giáo viên làm nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới và hiệu quả hơn, phục vụ cho công tác giảng dạy. Cứ một năm rưỡi, trường sẽ cho phép một giảng viên nghỉ phép 6 tuần và hỗ trợ chi phí để giáo viên tập trung vào việc phát triển chuyên môn hoặc làm nghiên cứu khoa học.
Với ưu đãi này, giảng viên có quyền lựa chọn bất kỳ một khóa học, hội thảo chuyên đề yêu thích ở bất kỳ đâu để tham gia. Nhờ vậy, kể từ khi công tác tại đây, tôi đã có cơ hội tham gia rất nhiều hội thảo giáo dục tầm cỡ quốc tế tại các nước như: Úc, Thụy Sĩ, Thái Lan, Singapore và ngay tại New Zealand…
Chính những hỗ trợ thiết thực từ nhà trường đã tạo nguồn động lực mạnh mẽ để tập thể giảng viên chúng tôi cho ra đời rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, đưa VUW trở thành một trong những trường ĐH hàng đầu về nghiên cứu.
Môi trường làm việc thân thiện
Tại Viện Anh ngữ của VUW, tôi là người nước ngoài duy nhất được tuyển chọn để trở thành giảng viên cơ hữu và đứng trong đội ngũ giảng dạy nòng cốt của viện. Còn lại tất cả đều là người bản xứ. Dù vậy nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác mình là người nước ngoài.
New Zealand là một đất nước đa văn hóa, con người hòa đồng thân thiện. Do đó, tôi luôn được đồng nghiệp tôn trọng và giúp đỡ. Cuối tuần, chúng tôi vẫn thường đi ăn tối với nhau để trò chuyện về công việc cũng như cuộc sống. Những buổi gặp gỡ và giao lưu ngoài môi trường làm việc tạo cho tôi cảm giác thân quen như đang sống trên chính quê hương mình.
Chị Cẩm Lệ trong một buổi dã ngoại với các đồng nghiệp
Ngoài ra, nhà trường vẫn luôn tạo điều kiện để giảng viên gắn kết với nhau. Mỗi ngày trường sẽ dành ra nửa tiếng để giáo viên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với nhau.
Và mỗi năm, trường sẽ tổ chức một chuyến du lịch dành riêng cho giảng viên để chúng tôi được cùng nhau thực hiện một đề tài nghiên cứu nào đó mà chúng tôi yêu thích. Được sống và làm việc trong một môi trường vô cùng thân thiện là một trong những lý do quan trọng níu giữ tôi gắn bó với nghề.
10 năm làm công việc đưa đò ở xứ kiwi giúp tôi hiểu rằng, mọi nhà giáo đến với nghề bằng tình yêu nhưng ngọn lửa đó có giữ được hay không phụ thuộc rất nhiều vào môi trường xung quanh.
Cẩm Lệ (Giảng viên người Việt tại ĐH Victoria Wellington)
Theo vietnamnet.vn
Gần 300 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội có nguy cơ mất việc
Gần 300 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm khi UBND huyện Thanh Oai thực hiện việc chấm dứt hợp đồng theo chỉ đạo của thành phố.
Những ngày qua, thông tin UBND huyện Thanh Oai đột ngột chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên hợp đồng khiến hàng trăm giáo viên như ngồi trên lửa vì đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Nhiều ngày nay, các giáo viên cũng tụ tập nhiều giờ liền phía ngoài khu vực cổng UBND huyện Thanh Oai để phản đối quyết định này.
Chị Giang, giáo viên hợp đồng tại một trường THCS bức xúc: Ngày 19/7 vừa qua, UBND huyện Thanh Oai đột ngột ký quyết định chấm dứt hợp đồng của hàng trăm giáo viên ở cả 3 cấp học trong toàn huyện. Trong số các giáo viên hợp đồng, người nhiều đã đi dạy tới 20 năm, ít nhất cũng 5- 6 năm. Giờ đùng một cái cắt hợp đồng, chúng tôi biết đi đâu về đâu và làm gì đây khi đã cống hiến gần như cả tuổi trẻ cho sự nghiệp giáo dục".
Chị Dung (giáo viên hợp đồng dạy Tiếng Anh tại Trường THCS Mỹ Hưng) chia sẻ: "Tính đến tháng 10 năm nay là tôi đi dạy học được 22 năm. Giờ trên 40 rồi mà cắt hợp đồng thì chúng tôi biết làm gì bây giờ. Công việc chúng tôi làm thì không kém gì các giáo viên biên chế, thậm chí có những người còn phải làm vất vả hơn"
Ngày 19/7, UBND huyện Thanh Oai ra văn bản số 1020/UBND-NV về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội.
Thực hiện quyết định này UBND huyện đã ra văn bản thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với những trường hợp giáo viên khối Mầm non, Tiểu học và THCS trước đây được UBND huyện ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập. Sau đó những giáo viên này sẽ chuyển về các trường do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền. Thời gian thực hiện việc này theo thông báo từ ngày 1/9/2018.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tuệ Sơn, Trường phòng Nội vụ (UBND huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho hay việc huyện ra văn bản nói trên cũng được xem như là dự lệnh tới các giáo viên hợp đồng để nắm bắt được chủ trương đề án vị trí việc làm của huyện qua đó chủ động tìm kiếm công việc để đảm bảo thu nhập cho chính bản thân. "Đồng thời cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến phản hồi từ người lao động để trên cơ sở đó để lãnh đạo huyện xem xét có đồng ý giải quyết, ưu tiên và có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng nào và ra sao", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 440 giáo viên hợp đồng ở 3 cấp THCS, Tiểu học và Mầm non.
"Hiện nay, các giáo viên ở các trường vẫn sẽ đâu vào đó. Trước đây các đối tượng hợp đồng lao động này do các trường đề nghị về để dạy các môn thì hiện nay họ vẫn cứ ở đấy thôi. Chỉ là chuyển chủ thể ký hợp đồng từ huyện về cho các nhà trường ký, chỉ là thay chủ thể sử dụng lao động".
Theo ông Sơn, thực tế thì đến thời điểm hiện tại, các giáo viên chưa bị cắt hợp đồng và điều này được UBND huyện Thanh Oai khẳng định đảm bảo duy trì cho đến hết năm 2018 và sẽ duy trì việc được ký hợp đồng cho đến khi có đợt thi tuyển viên chức mới.
Tuy nhiên, VietNamNet cũng đặt câu hỏi rằng, hiện nay thì chưa, nhưng có thể trong tương lai gần sau năm 2018 khi có đợt thi tuyển mới và khi các trường tuyển đủ giáo viên thì số giáo viên hợp đồng này sẽ "bơ vơ". Theo đăng ký nhu cầu cần tuyển dụng của huyện Thanh Oai trong thời gian tới là khoảng gần 120 giáo viên và qua tổng hợp của huyện này, số lao động hợp đồng vượt định mức hiện là 278 người.
Về điều này, theo ông Sơn, theo quyết định số 8586 của UBND TP Hà Nội về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 và Nghị quyết 17/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2018 đều có chỉ đạo sau cùng: "Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm và không được tự ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, kiên quyết chấm dứt hợp đồng chuyên môn hiện có. Đối với những đơn vị cố tình không thực hiện, đề nghị xét xét kỷ luật theo quy định".
Ông Sơn nói: "Vậy nếu kiểm tra mà huyện Thanh Oai vẫn có thì sẽ bị xử lý. Trách nhiệm của chúng tôi bây giờ là làm làm sao để đảm bảo hợp lý về chỉ đạo của cấp trên đề xuống, thứ hai là hợp tình để làm sao người lao động hợp đồng thấy có thể chấp nhận được. Còn nếu để đạt được cái tình theo yêu cầu của họ thì chúng tôi không đáp ứng được quy định của pháp luật".
Ông Sơn cho rằng, trước kia nếu chưa có Nghị quyết 17 và Quyết định 8586 thì có thể "nấn ná" nhưng giờ huyện phải làm quyết liệt.
"Bản thân chính quyền cũng không ép người lao động phải ký hợp đồng mà cái chính là nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Họ đã được chính quyền ưu ái, tạo điều kiện bằng việc ký hợp đồng để không bị mai một kiến thức, nghề nghiệp của mình sau đào tạo mấy năm trời trong thời gian đợi các kỳ thi tuyển. Người lao động hợp đồng thì phải xác định là luôn luôn phấn đấu đễ đỗ được vào thành viên chức. Viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, còn lao động hợp đồng bằng nguồn tiết kiệm chi của các trường hoặc của huyện để giúp cho người lao động duy trì nghề nghiệp của mình chờ thi tuyển. Và cũng phải nhìn nhận viên chức thì có tính ổn định hơn còn lao động hợp đồng thì chính bản thân họ phải xác định là sẽ không ổn định", ông Sơn nói.
"Khi thành phố tổ chức thi tuyển chung, giáo viên nào có trình độ năng lực thì chắc chắn sẽ trúng tuyển. Nhưng khi không đỗ thì rõ ràng chuyên môn và năng lực còn kém và phải chấp nhận chuyện phải thanh lý chấm dứt" .
Trước câu hỏi rằng vậy tại sao huyện lại ký hợp đồng dư nhiều như vậy với các giáo viên để xảy ra chuyện như hiện nay, ông Sơn nói: "Khi tuyển dụng thì có số người thi không đỗ, có trường hợp dự tuyển đến lần thứ 8, 9 mà không trúng tuyển. Nhu cầu giáo viên thì cần nhưng thi vào không đỗ nên không thể tuyển được. Như vậy thiếu giáo viên đứng lớp mới sinh ra chuyện giáo viên hợp đồng. Có thể vì tinh thần nhân văn và ưu ái mà rồi các lãnh đạo tiền nhiệm ký để tạo điều kiện cho các giáo viên tiếp tục giảng dạy để chờ đợt thi tuyển tiếp theo. Đúng ra phải cắt luôn ở thời điểm đó nhưng nếu nghỉ ở nhà thì sẽ bị mai một kiến thức nên ký để họ được tiếp tục làm cho nhớ việc nên mới tồn tại chuyện như hiện nay".
Theo ông Sơn, với các trường hợp giáo viên không được ký tiếp hợp đồng trong tương lai, có thể huyện sẽ hỗ trợ bằng việc hướng dẫn, giới thiệu các lao động hợp đồng về các trường tư thục, đặc biệt ở các khu đô thị mới mọc lên.
Cùng đó, sẽ đề nghị UBND huyện có cơ chế tài chính để hỗ trợ cho người lao động khi thực hiện việc chấm dứt hợp đồng.
Ngoài ra, UBND huyện cũng sẽ xem xét thời điểm ký hợp đồng, thời gian công tác, đối tượng và hoàn cảnh gia đình như con thương bệnh binh, liệt sỹ,... từ đó xác định các trường hợp được ưu tiên để giao các trường ký trong chỉ tiêu biên chế.
Ra trường năm 2000 và tính đến nay đã dạy được 16 năm, cô giáo Ngọc (giáo viên dạy Toán tại Trường THCS Thanh Thùy) bức bối vì cho rằng cách giải quyết của UBND huyện Thanh Oai là chưa hợp lý. Cùng đó theo chị, việc ký hợp đồng giáo viên quá nhiều mới dẫn tới chuyện giờ đây thừa nhiều.
"Tôi không phủ nhận hiện nay huyện đang làm đúng theo tinh thần chỉ đạo nhưng với đặc thù của huyện Thanh Oai như thế này thì không thể nào mà tiến hành răm rắp như vậy. Chúng tôi muốn phải có hướng giải quyết cho chúng tôi, không thì quá thiệt thòi.
Những người trước đã làm sai thì giờ phải sửa sai. Không thể vì một công văn yêu cầu chấm dứt hợp đồng mà cho chúng tôi về là không được và chúng tôi không đồng ý.
Như tôi là 16 năm nhưng có người trên 20 năm đã cống hiến hết tuổi thanh xuân. Có thầy đã gần 50 tuổi. Nếu bị cắt hợp đồng, với tấm bằng cao đẳng sư phạm thì thử hỏi chúng tôi sẽ đi xin được việc gì. Xách vữa cũng làm gì có sức khỏe mà làm nữa. Trong khi tuổi thanh xuân đã qua cống hiến hết cho giáo dục rồi.
Tại sao các huyện khác cũng làm nhưng không vấn đề gì? Bởi họ ký hợp đồng vừa đủ với số lượng giáo viên thiếu, thì khi chuyển về trường ký hợp đồng thì cơ bản giữ nguyên và đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng tại Thanh Oai là ký thừa quá nhiều, đến năm 2014, chủ tịch huyện khi đó vẫn ký thêm hợp đồng. Vậy giờ các giáo viên hợp đồng vượt mức sẽ đi đâu?"
Thanh Hùng
Theo vietnamnet.vn
Giáo viên giỏi về Hải Phòng công tác sẽ được tặng căn hộ 60m2 UBND Hải Phòng lập đề án thu hút giáo viên, học sinh giỏi, trong đó sẵn sàng tặng căn hộ cho giáo viên từ tỉnh ngoài về công tác. Ngày 10/7, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch TP Hải Phòng, đã trình đề án về cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo học sinh giỏi; tuyển chọn, đãi ngộ đội...