Lương giáo viên tăng nhưng chưa đủ?
Giáo viên khó sống bằng lương. (Ảnh minh họa).
Mức lương năm 2010 cao gấp 2,1 lần so với năm 2006, thế nhưng với tình hình giá cả “leo thang”, đa số giáo viên lâm vào tình cảnh khó khăn, nên phải xoay xở đủ thứ nghề.
Với mức lương hợp đồng 700.000 đồng – 1 triệu đồng một tháng, nhiều giáo viên mới ra trường lâm vào tình cảnh “lương không đủ đổ xăng để đi dạy”.
Lương chỉ đủ xăng xe
Lê Thị Thu, tốt nghiệp ĐH Thái Nguyên, dạy hợp đồng môn tin học tại một trường THCS Thái Bình đã 4 năm. Mức lương hợp đồng năm đầu khoảng 500.000 đồng/tháng, sau đó tăng 800.000 đồng rồi 1 triệu đồng. Mức lương này chỉ đủ để Thu đổ xăng cho chiếc xe máy bố mẹ mua cho để đi làm. Các khoản chi tiêu sinh hoạt khác Thu vẫn dựa vào gia đình. “Mang tiếng đi làm bốn năm nhưng tôi vẫn chỉ là người ăn bám”, Thu nói.
Chị Thu cho biết, đã có lúc muốn bỏ dạy, tìm công việc khác có thu nhập cao hơn để ổn định cuộc sống. Song do tiếc thời gian đã đi làm và nhớ ánh mắt học trò, Thu lại tiếp tục làm việc. “Nếu thời gian tới, mức lương không thay đổi, tôi phải nghỉ chứ không thể sống phụ thuộc vào gia đình mãi thế này được”, Thu tâm sự.
Đồng lương không đủ sống, nhiều giáo viên phải tìm thêm việc làm.
Cùng hoàn cảnh, Nguyễn Thị Lan, tốt nghiệp CĐ Sư phạm Hà Nội đã 3 năm nhưng năm ngoái mới xin được vào dạy hợp đồng tại một trường THCS quận Long Biên với mức lương 700.000 đồng một tháng. Không những thế, ngoài thời gian dạy, Lan còn phải làm thêm công việc vặt như coi phòng thí nghiệm, thư viện hoặc thay cô chủ nhiệm trông học sinh bán trú ngủ buổi trưa.
Nhưng có lẽ thiệt thòi hơn cả là giáo viên bậc mầm non, bởi lẽ họ phải làm việc cả ngày mà đồng lương không đáng là bao. Bà Nguyễn Thệ Điển, Hiệu trưởng trường mầm non Lâm Lợi (xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), cho biết lương giáo viên hợp đồng trong trường chỉ được 1.080.000 đồng một tháng, không được hưởng thêm khoản nào khác. “Lương giáo viên hiện nay đã là thấp nhưng lương của giáo viên hợp đồng còn thiệt thòi hơn trong khi lượng công việc và trách nhiệm là như nhau”, bà Điển cho biết.
Video đang HOT
Làm ngày, cày đêm
Không chỉ các giáo viên làm hợp đồng, mới vào nghề, hay các giáo viên bậc mầm non, mà cả các giáo viên lâu năm, giảng viên đại học cũng lâm vào tình trạng như vậy.
Với mức lương chưa đầy ba triệu đồng một tháng, chị Vũ Thị Dung, giảng viên một ĐH ở Hà Nội luôn trong cảnh chật vật với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Sau giờ dạy ở trường, chị Dung đi làm gia sư. “Mức lương hiện tại chỉ đủ tiền ăn, trong khi đó còn tiền thuê nhà, xăng xe, điện thoại, và các khoản phát sinh khác. Nếu tính tổng tiền chi hằng tháng ít nhất cũng gấp đôi số lương nhận được”.
Tương tự, anh Vũ Công Lập, giáo viên trường Cao đẳng Xây Dựng Nam Định dù đã có 8 năm công tác nhưng lương vỏn ven 2,7 triệu đồng một tháng (tiền lương tính theo hệ số (3,0 x 730.000) cộng với 30% đứng lớp). Trong khi đó, anh phải lo cuộc sống gia đình có 4 người. Anh tâm sự: “Với giá cả thị trường hiện nay, mức lương giáo viên dù ở quê hay thành phố cũng khó đủ sống được. Bởi lẽ cuộc sống đâu chỉ có một mình và chỉ ăn với đi dạy. Với mức lương của tôi hiện nay không đủ chi phí cho một đứa con học mầm non và một đứa học tiểu học”. Do đó, ngoài thời gian đứng lớp anh phải nhận thêm các công việc bên ngoài như tư vấn thiết kế, làm hồ sơ thầu. “Dạy học là nghề chính nhưng nhờ có thu nhập từ công việc làm thêm tôi mới nuôi nổi gia đình và bám được nghề”.
Chị Nhung, giáo viên THPT Tây Hồ đã đi dạy được bốn năm và đang hưởng mức lương 2.070.000 đồng một tháng. Chị Nhung thẳng thắn: “Trong thời buổi giá cả leo thang, khó có thể nói giáo viên sống được bằng lương nếu không đi làm thêm”. Bởi vậy, dù năm học mới chưa bắt đầu, nhưng nhiều thầy cô giáo đã lên kế hoạch cho việc làm thêm để có thể đảm bảo cuộc sống.
Theo Đất Việt
"Huy chương Bạc Toán quốc tế" từ chối ưu đãi người giỏi
Mặc dù được Đà Nẵng đồng ý cấp học bổng du học nước ngoài, nhưng Hiếu từ chối vì trong các lựa chọn mà thành phố đưa ra, không có lựa chọn dành cho niềm đam mê của mình.
Phạm Kiều Hiếu, cậu học trò vừa đoạt Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Toán quốc tế của Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn đã quyết định theo đuổi ước mơ trở thành nhà toán học bằng việc tham gia vào lớp Cử nhân tài năng toán học của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Những ngày này, Hiếu chuẩn bị để nhập học tại Hà Nội.
Sẽ làm gia sư
Đối diện với Hiếu bây giờ là những khó khăn của cuộc sống sinh viên. Mẹ thì muốn con học gần nhà cho đỡ vất vả.
"TP.Đà Nẵng đồng ý cấp kinh phí cho Hiếu đi du học, nhưng không biết họ có đồng ý tài trợ nếu Hiếu theo đuổi niềm đam mê ở trong nước hay không?", cô Kiều Thị Ba, mẹ Hiếu, nói thêm.
Hiện, cô Ba đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm tạp vụ hợp đồng ở công ty cũ, với hy vọng có thêm đồng ra đồng vào nuôi con ăn học.
"Con tặng mẹ tấm huy chương này"
Mỉm cười nhẹ nhàng, Hiếu nắm lấy tay mẹ như một lời thầm cảm ơn. Câu nói: "Mình sẽ đi làm gia sư để lấy tiền ăn học, hy vọng cuộc sống ở Hà Nội sẽ không quá khó khăn, vất vả".
Không quá khó để tìm đến căn nhà nhỏ của hai mẹ con Hiếu nằm trong con hẻm ngoằn nghèo số 639A đường Trần Cao Vân, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng. Căn nhà nhỏ này là nơi trú ngụ của hai mẹ con và một người chị họ, sống ở đây từ nhỏ.
Tuổi thơ trôi qua không êm ả. Năm lên lớp 3, Hiếu phải sớm đeo vành khăn tang khi ba qua đời vì bạo bệnh. Một mình mẹ, với đồng lương văn phòng ở Công ty công trình giao thông 503, vật lộn sống.
Đồng lương còm của nhân viên văn phòng không đủ nuôi hai chị em. Sau giờ hành chính, mẹ phải đi làm thêm ở ngoài. Thương mẹ, Hiếu thường xuyên lên công ty của mẹ để phụ giúp việc vặt trong công ty và công việc trong nhà.
Phạm Kiều Hiếu bên bàn học.
Bí quyết học toán
Huy chương bạc Olympic Toán quốc tế là thành tích học tập cao nhất của Hiếu cho đến thời điểm hiện tại.
Trước đó, Hiếu thường xuyên được xướng tên tại các cuộc thi học sinh giỏi.Cậu sở hữu một bộ sưu tập huy chương và các giải học sinh giỏi các cấp: Giải ba học sinh giỏi toán cấp thành phố; giải nhất học sinh giỏi toán cấp thành phố và huy chương bạc toán Olympic 30/4; giải nhất học sinh giỏi toán cấp thành phố, giải ba học sinh giỏi toán cấp quốc gia...
"Năm lên lớp 4, nhà trường tổ chức tuyển chọn học sinh vào đội tuyển Toán. Mình đi thi và được chọn. Từ đó, mình đến với môn Toán như một niềm đam mê", Hiếu nhớ lại.
"Toán học là niềm vui thích đặc biệt. Giải thành công một bài toán khó, với mình đó là chiến thắng một thử thách", Hiếu cho biết.
Hiếu chia sẻ kinh nghiệm học toán: "Tận dụng tối đa thời gian đến lớp để nghe thầy giảng, nắm chắc kiến thức cơ bản, hiểu cặn kẽ lý thuyết, làm hết bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập. Đồng thời, khi giải một bài toán khó, phải suy nghĩ thật kỹ và cố gắng tìm ra càng nhiều phương pháp giải càng tốt, không nên dừng lại khi chỉ giải được bài toán với một phương pháp duy nhất".
Hiếu cũng thường xuyên chủ động hỏi thầy cô để hiểu thêm về một phương pháp giải hoặc tìm gợi ý cho một bài toán đang bức bí. Học thầy không tày học bạn, Hiếu còn chủ động học nhóm với bạn bè để cùng chia sẽ những bài toán khó, những cách giải hay, giúp nhau cùng tiến bộ.
Hiếu cho hay: "Có hàng triệu bài toán nên không thể giải hết được. Vì vậy, cái cốt yếu là phải nắm được "tinh thần" của các bài toán đã từng giải để áp dụng vào những bài toán cùng dạng".
Hay dậy sớm, dễ học giỏi
Ngoài kinh nghiệm học toán, Hiếu cũng chia sẻ bí quyết để học giỏi trong 12 năm liền, đó là đặt tinh thần tự học lên đầu. Sắp xếp thời gian học và giải trí hợp lý cũng là điều Hiếu nhấn mạnh."Không nên học quá khuya, thời gian học không cần nhiều, quan trọng là hiệu suất. Ngủ sớm để giữ đầu óc tỉnh táo và dậy sớm để ôn lại bài sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với ngủ muộn và dậy muộn".
Dành thời gian vào mạng đọc báo, giải trí cũng là cách giúp Hiếu học giỏi.
Thầy Nguyễn Duy Thái Sơn, giáo viên chủ nhiệm, đồng thời là người trực tiếp bồi dưỡng cho Hiếu môn toán, nhận xét: "Hiếu rất thông minh, sáng dạ, là cậu học trò luôn khiến tôi phải bất ngờ vì những phương pháp giải toán. Trong 30 học sinh của lớp 12A1, Hiếu là một trong những em dám đi vào những bài khó, tìm được cách giải mới và hay".
"Dù ngày mai vẫn còn dài, nhưng với nghị lực và thông minh, Hiếu sẽ thành công trong ước mơ của mình", thầy giáo Nguyễn Duy Thái Sơn, người truyền đam mê Toán học cho Hiếu, nói.
Theo PLXH
Đau đầu chuyện học trung tâm hay tại gia Đau đầu những thành phần học nhóm chỉ để chơi Học nhóm ở đây có nhiều dạng. Một số teen học theo lớp trên trung tâm. Số khác học nhóm tại thầy cô bộ môn trên trường, cũng không ít nhóm bạn mời gia sư về nhà dạy. Nhưng hãi nhất là chuyện học nhóm của teen. Đa số, khi không được tha...