Lương giáo viên sẽ tính theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp
Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Theo đề án cải cách chính sách tiền lương, giáo viên sẽ không có bảng lương riêng. Mức lương được trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp.
Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).
Cố gắng để ngành Giáo dục được hưởng phụ cấp ở mức cao nhất
- Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Ông có thể cho biết, chính sách đối với giáo viên có thay đổi gì sau thời điểm này?
Sau khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực, chính sách đối với đội ngũ giáo viên có một số thay đổi như sau:
Thứ nhất: Thay đổi về quy định chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Theo đó, giáo viên mầm non trước đây chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, thì nay là cao đẳng; giáo viên tiểu học chuẩn đào tạo từ trung cấp nâng lên thành đại học; giáo viên trung học cơ sở chuẩn đào tạo từ cao đẳng nâng lên thành đại học. Như vậy, tới đây, toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông đều có chuẩn trình độ đào tạo là đại học.
Thứ 2: Nếu trước đây, các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa được nói đến một cách tường minh trong các văn bản quy phạm pháp luật, thì nay nội dung này được đưa vào Luật.
Thứ 3: Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định định: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được hưởng phụ cấp ưu đãi phù hợp với đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chính sách nhà giáo liên quan đến lương, phụ cấp theo quy định mới sắp tới?
Từ năm 2010, theo quy định của Luật Viên chức, cách trả lương là theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng. Các giáo viên mới vào ngành đều chưa đủ tiêu chuẩn để ở hạng chức danh khác, ngoài chức danh thấp nhất, do đó, mức lương nhận được tương ứng cũng là mức thấp nhất.
Bảng lương mới hiện nay đang được xây dựng, tinh thần là mức lương được trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ngành Giáo dục không có thang bảng lương riêng, nhưng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nâng lên cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương của giáo viên ở các bậc học này, về logic cũng đã được nâng lên.
Giáo viên tiểu học chuẩn đào tạo từ trung cấp nâng lên thành đại học. Ảnh minh họa/ Internet.
Dự kiến cách tính lương mới sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu có một mức, sau đó quy ra các mức cao hơn. Cách đưa ra bậc lương ban đầu bằng lượng tiền cùng các hệ số và được nâng lên bởi trình độ đào tạo, sẽ thấy lương giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được nâng lên so với hệ thống hiện nay, nhất là với đội ngũ giáo viên mới vào nghề.
Về phụ cấp ưu đãi, chúng tôi đang cố gắng bảo vệ mức phụ cấp ưu đãi cho ngành Giáo dục ở mức cao nhất là 30% như theo dự kiến hiện nay. Bảo vệ quan điểm này từ đặc thù nghề nghiệp, khó khăn phức tạp trong nghề nghiệp một cách khoa học, logic, chứ không phải theo mong đợi cảm tính.
- Với cách tính lương mới, nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên?
Video đang HOT
Đúng vậy, tới đây sẽ không còn phụ cấp thâm niên. Phụ cấp thâm niên hiện thể hiện sự khác biệt giữa người mới vào ngành và người công tác trong ngành lâu năm. Theo tinh thần mới, phụ cấp sẽ không theo hướng càng lâu năm càng cao. Thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp.
- Tới đây, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên tiểu học sẽ phải dạy học 2 buổi/ngày. Công việc vất vả hơn, liệu thu nhập của các thầy cô có cao hơn?
Bậc tiểu học, trình độ đào tạo của giáo viên được nâng lên từ trung cấp lên đại học, nên đây cũng là bậc học có thay đổi mạnh nhất. Bảng lương thiết kế theo tinh thần cập nhật ngay với chuẩn mới. Như cách tính hiện nay, mức lương ban đầu với hệ trung cấp là 1,86; hệ đại học là 2,34 – riêng điều đó cũng cho thấy mức tăng của lương giáo viên tiểu học.
Còn với việc dạy học 2 buổi trên ngày, cần hiểu là khối lượng công việc liên quan đến số lượng giờ làm việc. Nếu trước đây dạy học 1 buổi /ngày, số lượng người làm việc trên lớp ít; nay khối lượng việc nhiều hơn thì số lượng người làm trên định mức đó đông hơn.
Về vấn đề này, ngành Giáo dục đã đặt hàng Trường ĐH Kinh tế quốc dân xây dựng lại toàn bộ định mức làm việc của giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới; xem với chương trình ấy, trong 1 buổi, 1 ngày, 1 tuần, giáo viên phải làm việc bao nhiêu thời gian; quy đổi theo 40 giờ làm việc theo quy định của Nhà nước thì sẽ ra được có bao nhiêu tiết phải đứng lớp, bao nhiều tiết chuẩn bị; từ đó ra được số giáo viên trên lớp. Đây là bài toán lao động cần giải căn cơ nghiêm túc, không thể theo kiểu “bốc thuốc”.
“Chụp ảnh” thực trạng thừa thiếu giáo viên
- Ông có thể cho biết “bức tranh” đội ngũ giáo viên cho đến thời điểm này, khi khai giảng năm học mới cận kề?
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành và địa phương, “bức tranh” đội ngũ nhà giáo, trong chừng mực nào đó đã giảm đi độ phức tạp. Dù vậy, đến thời điểm này, việc thừa thiếu giáo viên vẫn còn; giáo viên mầm non thiếu nhiều (khoảng trên 45.000).
Tuy nhiên, sau khi bổ sung thêm 20.300 giáo viên mầm non cho 14 tỉnh có tăng trưởng nóng và 5 tỉnh Tây Nguyên, thì cơ bản đầu năm học này chúng ta đã đảm bảo được đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đã có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, dù vẫn chưa đủ định mức theo quy định. Bộ GD&ĐT, các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đến điều này.
Về giải pháp chúng ta đã có nhiều. Đặc biệt, hiện nay ngành Giáo dục đã có cơ sở dữ liệu, “chụp ảnh” được thực trạng đội ngũ giáo viên các vùng miền, bộ môn, từ đó ra được “bức tranh” thừa thiếu. Cách đây hơn một tuần, Bộ GD&ĐT đã chuyển “bức tranh” này đến Bộ Nội vụ – là một kênh của Bộ Nội vụ, cùng sự nắm bắt theo chỉ đạo của Chính phủ, nhu cầu thật của địa phương để có phương án tiếp tục đề xuất bổ sung. Đây là nhiệm vụ cần làm kiên trì từng bước.
Hiện nay công tác đào tạo đã gắn với địa phương để đảm bảo nhu cầu sử dụng. Trong Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2019-2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, giải quyết khâu thừa thiếu giáo viên, phí phạm nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Hoạt động bồi dưỡng đội ngũ để đảm bảo chất lượng cũng được làm tốt trong thời gian qua. Đặc biệt, năm học 2019-2020, Chỉ thị nhiệm vụ năm học cũng làm rõ: Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó là các hoạt động bồi dưỡng khác, như bồi dưỡng thường xuyên gắn với chuẩn nghề nghiệp và khung năng lực đội ngũ đã có; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và cán bộ quản lý giáo dục các cấp để đảm bảo thăng hạng, thực hiện chính sách cho đội ngũ…
- Trước thực tế hiện còn thiếu giáo viên, liệu chúng ta có tính đến phương án hợp đồng giáo viên hay không, trong khi câu chuyện giải quyết các giáo viên hợp đồng hiện nay ở địa phương không ít phức tạp?
Chỉ thị năm học 2019-2020 nhấn mạnh nội dung: Rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm nguyên tắc ở “đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”; xử lý dứt điểm việc hợp đồng giáo viên nhiều năm mà không thực hiện tuyển dụng viên chức tại một số địa phương.
Đặc biệt, trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1480 giao hơn 20.300 biên chế giáo viên mầm non cũng yêu cầu địa phương chấm dứt hợp đồng lao động; khi có chỉ tiêu cần quan tâm đến đối tượng đã hợp đồng một cách thỏa đáng, đảm bảo an sinh, tính đến năng lực, cống hiến của thầy cô trong giai đoạn khó khăn của ngành. Sẽ có những chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT để đảm bảo thống nhất với Bộ Nội vụ về việc này. Với các địa phương, phải thực hiện tốt chỉ đạo từ tuyến tỉnh, đảm bảo chỉ đạo của Chính phủ.
Tất nhiên, việc này cũng phải sớm chấm dứt vì nó không đúng quy định. Nếu còn thiếu giáo viên thì ta tiếp tục đề xuất bổ sung và kiên trì trong giải pháp sắp xếp, ổn định. Trong chừng mực nào đó, khi thầy cô phải làm tăng thêm thì có quy định thừa giờ, tạo cơ hội cho thầy cô tăng thu nhập. Nói chung, giải pháp là vừa làm dứt điểm tồn động, vừa tính đến chính sách để đảm bảo sự vận hành nối tiếp cho hệ thống.
- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Dạy thêm đang là nguồn thu nhập chính cho nhiều giáo viên hiện nay
Thầy cô nào nhà gần trường thì họ mở lớp tại nhà, thầy cô nào xa trường thì thuê một cái nhà gần trường rồi họ mở lớp để tiện việc đi lại của học sinh.
Có nhiều giáo viên ở các trường phổ thông hiện nay đang phải rất vất vả ký hợp đồng từng năm với nhà trường nên hàng tháng họ chỉ được hưởng những đồng lương bèo bọt.
Nhưng, cũng có rất nhiều giáo viên "sống khỏe" vì ngoài lương của một giáo viên đã biên chế thì họ có một khoản thu nhập rất lớn nhờ dạy thêm hàng ngày, nhất là một số giáo viên ở thành phố và đa phần giáo viên cấp trung học phổ thông.
Tất nhiên, khi giáo viên dạy thêm tốt, có nguồn thu nhập cao và ổn định thì phụ huynh học sinh đang phải chi trả mỗi tháng một số tiền rất lớn cho con mình theo học với các thầy cô đang giảng dạy con mình.
Sự mệt mỏi, căng thẳng sau những buổi học thêm của học sinh (Ảnh minh họa: nld.com.vn).
Những giáo viên nào có thể dạy thêm?
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm đối với những học sinh ở nông thôn không rầm rộ như khu vực đô thị và chỉ có một số môn được xem là môn chính mới có thể dạy thêm được. Số lượng học sinh học thêm cũng không nhiều và đương nhiên số tiền thu của học sinh hàng tháng cũng thường thấp.
Tuy nhiên, ở các thành phố thì việc học thêm khá nhiều. Nhu cầu của phụ huynh muốn cho con học thêm cũng có, giáo viên thì đương nhiên có cơ hội là họ sẽ mở lớp dạy thêm. Thầy cô nào nhà gần trường thì họ mở lớp tại nhà, thầy cô nào xa trường thì thuê một cái nhà gần trường rồi họ mở lớp để tiện việc đi lại cho học sinh
Nhiều giáo viên bây giờ họ không muốn dạy thêm trong trường vì dạy ở trường thì phải chia phần trăm cho nhà trường mà còn phải đối mặt với một số vấn đề khác nữa.
Vì thế, xu hướng chung là giáo viên tự mở lớp tại nhà hoặc tại một điểm thuê mướn nào đó để vừa tiện trong giảng dạy và đương nhiên là họ được hưởng trọn số tiền thu được của học sinh học thêm.
Đối với giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học thì thường bao trọn gói việc học của học sinh. Nếu học sinh học buổi chiều thì phụ huynh đưa con đến nhà thầy, cô từ sáng sớm và giáo viên sẽ dạy thêm buổi sáng, lo việc cơm nước buổi trưa và chiều thì tự đưa học sinh đến trường.
Học sinh học chính khóa buổi sáng thì học xong là thầy cô đưa luôn học trò về nhà của mình và lo cơm nước, nghỉ ngơi để chiều tiếp tục học thêm, tối thì cha mẹ đón về. Nếu học 2 buổi ở trường thì buổi chiều học xong cũng về nhà thầy cô học thêm...
Vì thế, các cổng trường phổ thông ở khu vực đô thị bây giờ không chỉ có xe máy của phụ huynh đưa con đi học, đón con lúc tan trường mà còn có nhiều phương tiện cơ giới khác đưa đón học sinh từ trường về nhà thầy cô giáo và từ nhà thầy cô giáo đi đến trường học.Việc bao trọn gói như vậy sẽ tiện đối với nhiều phụ huynh mà bận công việc không thể đưa đón con được và thầy cô cũng chủ động trong mọi công việc.
Giáo viên trung học cơ sở thì chỉ có thể dạy được mấy môn như Toán, Anh, Lý, Hóa, Sinh, Văn...Trong đó, 2 môn Toán và Anh thì gần như học sinh nào cũng phải học thêm đối với tất cả các lớp.
Vì cấp học này mỗi thầy cô dạy nhiều lớp nên lượng học sinh học thêm khá đông. Lịch dạy thêm của nhiều thầy cô kín hết các buổi trong ngày, trong tuần, chỉ trừ những tiết dạy chính khóa trên lớp.
Thời khóa biểu chính khóa cũng được nhà trường xếp gần như cố định và khá linh hoạt cả một học kỳ, chỉ trừ trường hợp nghỉ do ốm đau hay nghỉ thai sản thì mới có thay đổi thời khóa biểu nên rất tiện cho việc dạy thêm của giáo viên.
Đối với giáo viên trung học phổ thông bây giờ thì chỉ có môn Thể dục là không thể dạy thêm được.
Các môn còn lại thì đều nằm trong những môn bắt buộc hoặc nằm trong tổ hợp thi Trung học phổ thông quốc gia nên khi vào cấp học này là học sinh đã định hướng theo khối học và đương nhiên đa phần học sinh đều theo thầy cô để học thêm.
Việc tổ chức dạy thêm cũng được tổ chức đều đều từ những ngày đầu tiên của năm học.
Nguồn thu nhập từ dạy thêm khá ổn định cho một số giáo viên
Nhiều giáo viên dạy 5-6 lớp thì đương nhiên số học sinh càng nhiều hơn. Chỉ cần một nửa học sinh mà giáo viên dạy trên lớp tham gia lớp học thêm cũng đem lại cho các thầy cô dạy thêm một nguồn thu rất lớn, cao hơn rất nhiều lần lương chính mà giáo viên đang nhận hàng tháng.Giá dạy thêm "bình dân" nhất đối với khu vực thành phố bây giờ là 300- 400 nghìn/ 1 học sinh/ 1 tháng. Trong khi, mỗi thầy cô dạy ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nếu làm công tác chủ nhiệm lớp thì ít nhất cũng phải dạy 3 lớp học.
Nhiều giáo viên ở thành phố và giáo viên dạy Trung học phổ thông có nguồn thu dạy thêm ổn định mỗi tháng vài ba chục triệu là chuyện bình thường. Số tiền ấy đủ hấp dẫn để tình trạng dạy thêm, học thêm không thể nào dẹp bỏ được.
Năm học mới đã chính thức bắt đầu ở tất cả các địa phương và tất nhiên việc dạy thêm cũng đã được triển khai tức thì song hành cùng việc học trên lớp. Những học sinh lại tất bật với việc học chính, học thêm ở nhà thầy cô giáo.
Học sinh học thêm có thể là do nhu cầu, có thể là tâm lý đám đông, cũng có thể vì nhiều lý do khác nữa.
Nhưng, dù là lý do nào đi chăng nữa thì việc học thêm vẫn đang nghiễm nhiên tồn tại. Càng nhiều học sinh học thêm càng đem lại khoản thu nhập ổn định cho một bộ phận giáo viên hiện nay. Đương nhiên, chất lượng, kết quả học tập của học sinh cũng được nâng lên.
Trong đó, kết quả thật cũng có, kết quả ảo cũng nhiều. Điều này được kiểm chứng rất rõ trong kỳ thi tuyển sinh 10 và thi trung học phổ thông mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Bởi, điểm tổng kết cuối năm thì đa phần học sinh có học lực từ khá trở lên, rất ít học sinh xếp loại trung bình. Nhưng, khi tham dự kỳ thi thì điểm yếu kém rất nhiều. Nhiều địa phương điểm yếu kém chiếm tới hơn một nửa, trong đó có vô vàn điểm liệt, điểm 0 nữa!
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net
Tới đây, giáo viên sẽ dạy 2 buổi/ngày nhưng lương không tăng Bộ trưởng Nhạ cho hay, tới đây, giáo viên tiểu học sẽ phải dạy học 2 buổi/ngày, vất vả hơn hiện nay nhưng lương, thu nhập không tăng. Ngày 14/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với Giáo dục Tiểu học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ...