Lương 2,6 tỷ: Nguyên Cục trưởng “vạch” kẽ hở
Nói về vụ sếp công ty công ích lương vài tỷ mỗi năm, ông Phạm Đình Soạn – Nguyên Cục trưởng Cục Tài chính DN lo ngại, nếu tình trạng này cứ tái diễn thì chẳng chóng thì chày vốn Nhà nước sẽ bị “ăn mòn” và sở hữu Nhà nước “biến” thành sở hữu tư nhân mà Nhà nước lại không thu được gì.
Nói về vụ sếp công ty công ích lương vài tỷ mỗi năm, ông Phạm Đình Soạn – nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng “chênh lệch khủng giữa lương sếp và nhân viên tới 41 lần là sự bất công bằng trong quan hệ nội bộ, dù “một người lo bằng một kho người làm”, nhưng gấp tới hơn 40 lần thì không hiểu đạo lý thế nào”.
“Thật khó hình dung nổi một DN hoạt động trên cơ sở bao cấp vốn của Nhà nước mà lãnh đạo lại được hưởng mức lương cao ngất ngưởng như thế”, ông Phạm Đình Soạn – nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định.
Theo ông Phạm Đình Soạn, trong lúc cả nền kinh tế đang rất khó khăn, cả xã hội, người dân đang chi ly từng đồng để trang trải cuộc sống thì lại có một bộ phận lãnh đạo DNNN sống sung túc với mức lương “khủng” lĩnh hàng tháng. “Thật khó hình dung nổi một DN có vốn sở hữu của Nhà nước mà lãnh đạo lại được hưởng mức lương cao ngất ngưởng như thế”- ông Soạn bất bình.
Ông cũng cho rằng, đằng thẳng trong nền kinh tế hiện nay DN nào làm ăn tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì được hưởng nhiều, nhưng làm ít và lạm dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để được hưởng nhiều thì quả thật quá bất hợp lý.
Trong khi lãnh đạo lĩnh lương hàng tỷ đồng mỗi tháng, lương người lao động tại công ty cấp thoát nước TP.HCM chỉ vài triệu đồng
Không chấp nhận ý kiến phân trần của lãnh đạo DN công ích tại TP.HCM về mức lương lĩnh khủng là do DN này làm ăn có lãi, DN tham gia đấu thầu các công trình bên ngoài…. nguyên lãnh đạo Cục Tài chính DN thẳng thắn, trong bối cảnh “siết” đầu tư công, vốn ngân sách rót vào đầu tư các công trình hạ tầng giảm mạnh thì DN cũng phải tiết kiệm chi. Song kẽ hở ở chỗ, hoạt động của DN công ích vẫn phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước bao cấp trên cơ sở định mức, định ngạch.
“Đáng lý khoản doanh thu được trên cơ sở vốn ngân sách bao cấp phải dùng để chi trả công việc công ích, chi trả để bù đắp cho chi phí sản xuất, trong đó có quỹ tiền lương,… thì nay lại bị lạm dụng thay vì trả đúng, trả đủ lương cho người lao động lại chỉ “đổ” vào túi một vài cá nhân” – Nguyên Cục trưởng Cục Tài chính DN cắt nghĩa và lo ngại, nếu tình trạng này cứ tái diễn và không bị “phanh phui”, chẳng chóng thì chày vốn Nhà nước sẽ bị “ăn mòn” và sở hữu Nhà nước “biến” thành sở hữu tư nhân mà Nhà nước lại không thu được gì.
Video đang HOT
Thêm nữa, chênh lệch khủng giữa lương sếp và nhân viên tới 41 lần là sự bất công bằng trong quan hệ nội bộ, giữa người lãnh đạo và người lao động. “Tất nhiên “một người lo bằng một kho người làm”, nhưng cái gì cũng nên có giới hạn, phải hợp lý chứ gấp tới hơn 40 lần thì không hiểu đạo lý thế nào” – ông Soạn đặt nghi vấn.
Là người có kinh nghiệm và hiểu từng “chân tơ kẽ tóc” hoạt động của DNNN, nguyên Cục trưởng Phạm Đình Soạn chỉ ra rằng, đây là điển hình của “lỗ hổng lớn trong giám sát tài chính tại DNNN”, đặc biệt là cơ chế tiền lương tại các tập đoàn, DNNN đang có nhiều bất cập, từ khâu phân bổ lương trong tập đoàn, tổng công ty đến các công ty thành viên, các viên chức…
Bất cứ quốc gia nào, không chỉ riêng Việt Nam, đều có những quy định rất chặt chẽ về mức lương, bậc lương… của lãnh đạo các DN, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tuy nhiên không loại trừ trường hợp “lách luật”.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thẳng thắn, việc lãnh đạo 4 DN công ích tại TP.HCM nhận lương tiền tỷ không đúng quy định hiện hành và cần được xử lý.
Theo Bộ trưởng Đam, với quy định hiện hành tại Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, mức lương cao nhất được quy định cho Chủ tịch HĐTV của DNNN là 36 triệu đồng/tháng. Nếu DN làm ăn tốt, lãnh đạo sẽ được thưởng thêm nhưng mức thưởng cũng không quá 1,5 lần mức lương trên.
“Như vậy, nếu những điều báo chí phản ánh là chính xác thì việc chi trả lương nêu trên là sai. Và sai thì sẽ được xử lý” và thẩm quyền xử lý hiện được giao cho UBND TP cũng như các bộ ngành liên quan” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.
Người phát ngôn Chính phủ cũng tiết lộ, ngay cả mức lương lĩnh hàng tháng của Thủ tướng – người đứng đầu Chính phủ cũng thấp hơn nhiều lần so với lương của 4 lãnh đạo DN công ích trên. Hiện Thủ tướng hiện hưởng lương theo chế độ của công chức là 1,15 triệu đồng/tháng với hệ số lương 12,5. Tính ra, mỗi tháng người đứng đầu Chính phủ lĩnh hơn 17 triệu đồng/tháng (bao gồm cả các khoản phụ cấp).
“Sửa” lỗ hổng này, nguyên lãnh đạo Cục Tài chính DN nhấn mạnh, phải có giải pháp để rút bớt chi tiêu công, lãng phí. Kế đến phải “siết” lại cơ chế quản lý sử dụng vốn tại DN công ích, DNNN, để vốn đi đúng luồng, bảo toàn và phát triển được vốn. Ngoài ra, chi phí sản xuất giá thành tại các DNNN cũng phải “chỉnh đốn” lại.
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Mổ xẻ vụ "sếp công ích" lĩnh lương khủng
Hành vi sử dụng quỹ lương của người lao động để chi trả tiền lương, tiền thưởng cho viên chức quản lý, các cá nhân liên quan có thể bị cách chức hoặc buộc thôi việc.
Giao kết lại hợp đồng và bồi hoàn tiền lương
Nhìn từ góc độ pháp luật về lao động, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM) cho rằng, các công ty có mức lương khủng cho lãnh đạo được nhắc tới trong những ngày vừa qua, đã thực hiện sai các quy định về quản lý tiền lương được ban hành trong các văn bản luật trước đó. Luật sư Hậu phân tích: Theo Thông báo số 623/TB-VP ngày 26/08/2013 của Văn phòng UBND TP.HCM, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn đã sử dụng quỹ lương của người lao động để chi tiền lương, tiền thưởng cho viên chức quản lý. Như vậy, các công ty này đã thực hiện sai quy định về quản lý tiền lương theo quy định tại Nghị định 25/2010/NĐ-CP ngày 19/03/2010 về việc chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và quy định tại Thông tư 27/2010/TT-BLĐTBXH.
Ngoài ra, theo thông báo của UBND TP.HCM, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị và Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn có sai phạm, đó là: không tuân thủ đúng quy định về ký kết hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ luật lao động 1994 được sửa đổi, bổ sung 2002. Theo đó, hai Công ty này đã ký kết hợp đồng lao động mùa vụ đối với người lao động thường xuyên và không ký hợp đồng lao động xác định thời hạn đối với người lao động đủ điều kiện ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: "Hành vi sử dụng quỹ lương của người lao động để chi trả tiền lương, tiền thưởng cho viên chức quản lý, các cá nhân liên quan có thể bị cách chức hoặc buộc thôi việc".
Theo luật sư Hậu, ngoài việc bị xử phạt hành chính về hành vi không ký đúng loại hợp đồng lao động, tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 47/2010/NĐ-CP ngày 06/05/2010 của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, hai công ty này buộc phải tiến hành giao kết đúng loại hợp đồng theo quy định của pháp luật lao động. Đối với hành vi sử dụng quỹ lương của người lao động để chi trả tiền lương, tiền thưởng cho viên chức quản lý, sau khi xác định được vi phạm cụ thể của từng cá nhân, bộ phận cụ thể, tùy theo tính chất mức độ vi phạm, tính chất nghiêm trọng mà có thể xử lý kỷ luật cá nhân liên quan theo quy định pháp luật về viên chức theo đó có thể khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc.
Theo luật sư Hậu, các công ty này buộc phải có trách nhiệm bồi hoàn bồi hoàn tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và các chế độ khác cho người lao động theo quy định tại thỏa ước lao động tập thể và quy định pháp luật tương ứng với số tiền Công ty đã lấy từ quỹ lương thực hiện của người lao động để chi trả cho viên chức quản lý Công ty, theo quy định tại Điều 9 Thông tư 27/2010/TT-BLĐTBXH.
Cần xem lại cơ chế áp dụng cho doanh nghiệp công ích
Nhận định về vụ lương khủng của giám đốc các công ty công ích, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, nói: "Nếu chỉ là công ty tư nhân thì không phải bàn, nhưng đây là các công ty công ích sử dụng ngân sách của Nhà nước. Hơn nữa, mức chênh lệch giữa thu nhập người lao động công nhân và cấp quản lý như vậy là quá đáng".
Mức chênh lệch giữa thu nhập của công nhân và lãnh đạo tại Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị là quá lớn
Cũng theo tiến sĩ Hoàng Anh, sự việc đã kéo dài hàng năm nhưng đến giờ mới bị phát hiện, nhiều người nói do việc quản lý tài chính ở các công ty này lỏng lẻo là khó chấp nhận. Bởi theo tiến sĩ Hoàng Anh, các công ty Nhà nước thường quản lý rất chặt chẽ, muốn xin kinh phí thì phải có giấy tờ hẳn hoi, rồi thông qua hàng loạt người chịu trách nhiệm ký nhận. Vấn đề nằm ở chỗ những người chịu trách nhiệm ký nhận. Nếu có sự bắt tay nhau giữa những người này, chắc chắn sẽ xảy ra tiêu cực.
"Qua vụ việc này, tôi thấy có hai vấn đề cần rút ra, đó là cần cải tiến chế độ kế toán và việc bổ nhiệm nhân sự trong bộ máy quản lý các công ty Nhà nước. Ví dụ, ở Mỹ mỗi lần chi kinh phí chỉ cần một loại giấy tờ, thậm chí không cần đóng dấu nhưng không bao giờ xảy ra tiêu cực, còn ở Việt Nam mình thì ngược lại. Đồng thời, phải xem lại cách bổ nhiệm nhân sự trong các công ty, tránh một người làm lãnh đạo thì có các nhân viên đều là thân thích. Như vậy thì việc quản lý mới chặt chẽ không chỉ về hình thức mà còn có chất lượng thật sự", tiến sĩ Hoàng Anh nhận định.
Phân tích trên góc độ pháp luật, tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Khoa Luật, ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG TP.HCM, cho rằng, Luật Lao động không chi phối việc trả lương ở các đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Còn theo quy định của Luật Lao động áp dụng ở các doanh nghiệp, lương được xác định tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Đối với trường hợp đặc biệt này, tiến sĩ Phương Diệp cho rằng nếu chỉ áp dụng Luật Lao động, không thể xử lý được, cần phải xem các quy chế đặc thù áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động công ích vừa có thu vừa có hỗ trợ của Nhà nước.
"Nếu việc trả lương cho những người lao động bình thường đã phù hợp với quy định của luật thì không thể nói đến việc chia lại sau khi thu hồi số tiền lương khủng, vì trên thực tế quy định của chúng ta về trả lương đã có sự không phù hợp (lương tối thiểu chung 1.150.000đ, sau đó thêm phụ cấp độc hại cũng không đáng là bao...)", tiến sĩ Phương Diệp nói.
Theo Minh Vương (Khampha.vn)
Lương GĐ 2,6 tỷ/năm: Thanh tra nguồn thu "Khi nghe lương giám đốc công ty nhà nước 2,6 tỷ đồng/năm tôi thấy vô lý. Đoàn thanh tra cần phải kiểm tra toàn bộ nguồn thu đó đúng sai, xem thế nào để xử lý nghiêm người đứng đầu nếu có sai phạm", ông Đặng Như Lợi, nguyên Vụ trưởng Tiền lương tiền công - Bộ Lao Động Thương binh Xã hội...