Lùi tiếp thời gian sửa xong cáp biển APG sang gần cuối tháng 2
Thời gian khắc phục xong sự cố xảy ra hồi giữa tháng 12/2021 trên tuyến cáp quang biển APG hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) đã được lùi sang ngày 22/2, thay vì hoàn thành vào ngày 6/2 như kế hoạch trước đó.
Giữa tháng 3, Internet Việt Nam đi quốc tế mới trở lại bình thường
Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. Có chiều dài khoảng 10.400 km, APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cáp biển APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Trong năm 2021, tuyến cáp biển APG đã 4 lần gặp sự cố, trong đó lần gần nhất xảy ra vào tháng 12/2021. Cụ thể, ở lần gặp sự cố thứ tư trong năm ngoái, lần lượt vào các ngày 5/12 và 13/12, cáp APG gặp sự cố trên 2 hướng cáp kết nối đi Nhật và Hong Kong (Trung Quốc). Vào ngày 14/1/2022, sự cố trên nhánh S1.5 của cáp APG kết nối đi Nhật đã được sửa xong.
Tuy nhiên, hiện tuyến cáp APG vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn do vẫn còn lỗi trên nhánh cáp cách trạm cập bờ Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 125 km. Sự cố được đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp Internet (ISP) tại Việt Nam đánh giá là có ảnh hưởng tương đối lớn đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến, với lưu lượng các nhà mạng bị mất do ảnh hưởng sự cố này ước tính khoảng 1TB.
Trong thông tin mới chia sẻ với PV , đại diện một ISP tại Việt Nam cho biết, kế hoạch khắc phục sự cố trên nhánh cáp kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) của cáp APG tiếp tục có điều chỉnh. Cụ thể, thay vì được sửa chữa từ ngày 2/2 đến ngày 6/2 như lịch cũ, lỗi cáp các hướng kết nối đi HongKong dự kiến được sửa trong thời gian từ ngày 17/2 đến 22/2. Như vậy, còn gần nửa tháng nữa tuyến cáp APG mới khôi phục hoàn toàn dung lượng trên toàn tuyến.
Theo kế hoạch, đến ngày 12/3/2022, kết nối Internet trên các tuyến cáp biển quốc tế đều hoạt động trở lại bình thường.
Bên cạnh tuyến cáp biển APG, hiện tại còn có 1 tuyến cáp quang biển khác là Asia America Gateway (AAG) cũng đang gặp sự cố. Đây là tuyến cáp quang biển kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 11/2009.
Video đang HOT
Lần gần đây nhất, cáp AAG gặp sự cố vào tối 22/10/2021. Sự cố gây mất toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến. Khi đó, đơn vị quản lý tuyến cáp dự kiến lỗi cáp sẽ được khắc phục xong vào giữa tháng 12/2021. Tuy nhiên, sau đó các ISP tại Việt Nam đã liên tục nhận được thông báo lùi thời gian sửa chữa. Đến 15h ngày 29/12/2021, lỗi trên nhánh cáp kết nối hướng Singapore của tuyến AAG đã được khắc phục xong. Trong khi đó, sự cố xảy ra trên nhánh cáp S1I hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) với 3 điểm lỗi hiện vẫn chưa được sửa.
Theo lịch mới nhất, thời gian sửa chữa các lỗi trên nhánh S1I của tuyến cáp quang biển AAG sẽ kéo dài từ ngày 25/2 đến 12/3/2022.
Chú trọng phát triển Internet trong nước
Hiện tại, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế chủ yếu qua các tuyến cáp biển gồm AAG, APG, SMW3 (hay còn gọi là SEA – ME – WE3), Liên Á (IA – Intra Asia) và AAE-1 (Asia – Africa – Euro 1). Do đó, việc AAG và APG cùng gặp sự cố đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ truy cập Internet quốc tế của người dùng Việt Nam.
Để giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dùng, các nhà mạng đều nhanh chóng triển khai các phương án điều chuyển, bổ sung lưu lượng trên các tuyến cáp biển khác và cáp đất liền.
Tuy vậy, theo đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), giải pháp lâu dài là tập trung phát triển Internet trong nước. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định: “Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực. Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). Dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia .VN”.
Cụ thể, đại diện VNNIC cho hay, về hạ tầng kết nối, cần tăng cường kết nối peering (kết nối ngang hàng – PV) đa hướng để dự phòng trong trường hợp bị mất hướng này có thể điều tiết sang hướng khác. Duy trì và đảm bảo dung lượng kênh phù hợp với quy mô phát triển khách hàng và nhu cầu dịch vụ nền tảng, ứng dụng của người dùng.
Tăng cường kết nối peering trực tiếp và kết nối qua VNIX: giúp các tổ chức, doanh nghiệp trao đổi lưu lượng tới các mạng khác, ISP; tối ưu chi phí, tăng chất lượng, dự phòng mạng; đồng thời được hỗ trợ xử lý khi có tấn công DDoS,… Bên cạnh đó, mô hình VNIX Marketplace hỗ trợ các thành viên tham gia môi trường thương mại miễn phí, cho phép thành viên VNIX chủ động quảng bá, thỏa thuận, mua bán dịch vụ kết nối trước xu thế mở rộng, phát triển, tăng cường kết nối của Internet Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo đại diện VNNIC, giải pháp lâu dài là cần tập trung phát triển Internet trong nước.
Đồng thời, phát triển mở rộng các mạng độc lập – sử dụng IP, ASN độc lập giúp các đơn vị chủ động thiết lập mạng, độc lập, kết nối đa hướng và không phải thực hiện đánh lại số IP khi thay đổi nhà cung cấp dịch vụ. Đơn vị chủ động thiết lập chính sách định tuyến cho riêng mạng lưới, dịch vụ và hạn chế sự phụ thuộc vào 1 đường truyền Internet bất kỳ.
Bên cạnh đó, VNNIC đã đàm phán thành công với các tổ chức quản lý máy chủ tên miền gốc để triển khai hệ thống DNS gốc (DNS Root) tại các điểm VNIX giúp hỗ trợ truy cập dịch vụ tên miền không phụ thuộc vào các máy chủ DNS gốc đặt tại nước ngoài và tăng tốc độ truy vấn tên miền .VN từ 5 – 10 lần.
Đối với việc chuyển đổi IPv6 và phát triển các nền tảng, dịch vụ nội dung trong nước, song song với việc chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6), cần tập trung phát triển tên miền .VN và các dịch vụ số sử dụng tên miền .VN; xây dựng, phát triển các nền tảng số, nền tảng Make in Vietnam.
Cáp biển AAE-1 đã khôi phục hoàn toàn, 2 tuyến AAG và APG vẫn gián đoạn dịch vụ
Sự cố trên phân đoạn S1H.4 của tuyến cáp AAE-1 đã khắc phục xong, kết nối Internet đi quốc tế trên tuyến khôi phục hoàn toàn, trở lại hoạt động bình thường. Trong khi đó, cáp APG đang được sửa, còn AAG dự kiến đến 15/12 mới sửa xong.
Cập nhật về tiến độ khắc phục sự cố xảy ra những tháng gần đây trên các tuyến cáp quang biển quốc tế mà Việt Nam có sử dụng, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết: Tuyến cáp Asia Africa Europe 1 (AAE-1) đã hoạt động ổn định trở lại, sau khi lỗi trên phân đoạn S1H.4 được sửa xong.
Trước đó, vào ngày 20/11, đơn vị quản lý tuyến cáp đã điều tàu cáp và sửa chữa xong lỗi trên phân đoạn S1H.3 của cáp AAE-1, tạm thời khôi phục dịch vụ trên tuyến này.
Sơ đồ tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1
Đi vào hoạt động từ tháng 7/2017, tuyến cáp biển AAE-1 đóng vai trò nâng cao chất lượng kết nối hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.
Tuyến cáp quang biển AAE-1 đã bị lỗi trên 2 đoạn cùng trên nhánh cáp S1H - đoạn trục giữa Campuchia và Thái Lan, gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến.
Việc cáp AAE-1 khôi phục hoàn toàn lưu lượng trên tuyến cũng phần nào giảm áp lực cho các nhà mạng trong đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cho người dùng. Bởi lẽ, những ngày vừa qua, không chỉ AAE-1 bị gián đoạn dịch vụ mà 2 tuyến cáp quang biển khác là Asia Pacific Gateway (APG) và Asia America Gateway (AAG) cũng gặp sự cố.
Trong đó, cáp AAG xảy ra sự cố trên nhánh S1I kết nối từ Việt Nam đi HongKong (Trung Quốc) vào từ tối ngày 22/10 gây mất toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế trên cáp AAG. Hệ thống đã được lên lịch sửa chữa, dự kiến thời điểm khắc phục xong là vào ngày 15/12.
Còn cáp APG - được đưa vào vận hành từ cuối năm 2016 và có sự tham gia của các nhà mạng Việt Nam, vào ngày 29/10, đã xảy ra lỗi cáp trên phân đoạn S3, gây mất 250G kết nối Việt Nam - Nhật, Mỹ trên tuyến.
Trong chia sẻ với PV , đại diện một nhà mạng cho hay, do APG gặp lỗi nên đơn vị quản lý tuyến cáp quyết định bảo trì luôn hệ thống. Hiện nay, hệ thống đang được tắt nguồn trạm cập bờ HKG (HongKong, Trung Quốc) để bảo trì, kết hợp khắc phục lỗi xảy ra ngày 29/10. Dự kiến, công tác sửa chữa được hoàn tất, khôi phục toàn bộ lưu lượng trên cáp APG vào ngày 29/11.
Lý giải về tình huống các tuyến cáp quang biển liên tục gặp sự cố trong thời gian qua, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho hay, cáp quang đi dưới biển nên chịu nhiều tác động khách quan. Có thể kể đến những nguyên nhân khiến các tuyến cáp biển bị đứt gãy, gặp sự cố như: Thiên tai (động đất, sóng thần...); Các hoạt động của con người như tàu đánh bắt cá, thả neo, tàu ngầm, đặc biệt ở khu vực có các hoạt động hàng hải nhộn nhịp; Sinh vật biển tấn công cáp... Ngoài ra, thiết bị có thể tự hỏng, tuy nhiên điều này rất hiếm gặp vì các doanh nghiệp đều giám sát, bảo trì thường xuyên.
"Đứt cáp quang là tình huống phổ biến, trung bình hàng trăm sự vụ mỗi năm trên toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta ít nghe về việc này vì hầu hết các nhà mạng đều có những phương án để đảm bảo kết nối đa hướng trên nhiều tuyến cáp nhằm giảm thiểu rủi ro khi mất kết nối 1 trong các hướng", đại diện VNNIC thông tin thêm.
Bàn về ảnh hưởng của các sự cố cáp biển đến tốc độ truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế, các chuyên gia cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia khai thác một số tuyến cáp quang biển quốc tế: AAG, SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Liên Á (IA - Intra Asia), APG và AAE-1. Băng thông kết nối Internet quốc tế ở Việt Nam phần lớn thông qua các tuyến cáp quang biển này, do đó việc 1-2 tuyến cáp gặp sự cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ truy cập Internet quốc tế của người dùng Internet Việt Nam.
Để giảm thiểu ảnh hưởng sự cố cáp biển đến người dùng dịch vụ, mỗi lần có tuyến cáp gặp sự cố, các ISP đều triển khai phương án tăng lưu lượng các tuyến khác, điều tiết và ưu tiên lưu lượng nhằm đảm bảo dịch vụ được thông suốt, đúng với cam kết cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Song song với đó, các ISP cũng tiến hành đấu nối ứng cứu khẩn đến các hướng nhà cung cấp dịch ưu tiên; lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển hoặc mở rộng những kênh kết nối trên đất liền, vệ tinh ... theo nhiều hướng khác nhau.
Thêm tuyến cáp quang biển quốc tế APG đang gặp sự cố Trong khi 2 tuyến cáp biển AAE-1 và AAG đều chưa được khôi phục, cáp quang biển quốc tế APG đang gặp phân đoạn S3, gây mất 250G dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi Nhật, Mỹ trên tuyến này. Thông tin trên vừa được một đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam (ISP) chia sẻ...