Lùi thời gian bắt đầu năm học mới, được không?
Việc bắt đầu năm học mới khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trang thiết bị học tập còn thiếu thốn, liệu có quá cập rập? Nên chăng cần lùi lại một thời gian nữa?
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương án dạy học trực tuyến được nhiều địa phương áp dụng. Tại TP.HCM, hôm nay (1-9), học sinh (HS) bậc THCS – THPT bắt đầu làm quen lớp. Ngày 6-9, HS sẽ bắt đầu năm học mới trên môi trường Internet.
Nhiều người đánh giá việc học trực tuyến khó có thể đạt hiệu quả, đặc biệt đối với HS lớp 1.
Việc học nên chậm lại, đặc biệt lớp 1, 2
“Nghĩ đến việc học trực tuyến sắp tới của con mà tôi thấy đau đầu” – chị Nguyễn Minh Tú (quận 12) rầu rĩ nói. Con chị năm nay vào lớp 1. Khi còn học lớp lá, bé phải nghỉ sớm vì dịch bệnh nên đến nay chưa có chút kỹ năng gì để chuẩn bị cho việc vào lớp 1. Vợ chồng chị là công nhân, không thể mua máy vi tính mà chỉ có thể cho con học qua điện thoại của cha mẹ, như thế rất hại mắt của bé.
“Tôi mong ngành giáo dục nên có giải pháp phù hợp hơn cho lớp 1. Con tôi giờ vào lớp 1 học trực tiếp còn khó, huống gì học qua điện thoại. Tại sao không lùi thêm 1-2 tháng nữa cho các bé tiểu học, nhất là lớp 1 và kết thúc năm học muộn hơn. Các bé chưa từng biết nề nếp, chưa biết ngồi trong lớp học như thế nào thì làm sao để bé học qua máy vi tính được” – chị Tú lo lắng.
Để chuẩn bị việc học trực tuyến cho hai con, lớp 2 và lớp 9, chị Phan Thị Hòa (TP Thủ Đức) cố gắng mua thêm một điện thoại và một máy vi tính.
Thừa nhận việc học trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng theo chị Hòa, TP không nên lùi thời gian bắt đầu năm học vì HS đã nghỉ quá nhiều. Việc học trực tuyến sẽ không hiệu quả như trực tiếp nên cần sự đồng hành của phụ huynh với thầy cô.
“Con tôi học, tôi phải giám sát chặt chẽ nếu không bé sẽ chơi game. Học trực tuyến rất khó nên cần xem lại việc bố trí lịch học cũng như thời lượng. Đối với tiểu học nên rút gọn các môn, chỉ chú trọng vào môn chính. Còn lớp 1, tốt nhất nên lùi thời gian nhập học, khi nào cuộc sống tạm trở lại bình thường hãy cho các con đến trường vì đây là lứa tuổi rất quan trọng, đòi hỏi phải rèn nề nếp, cầm tay chỉ việc” – chị Hòa nói thêm.
Học sinh tiểu học học online trong thời gian nghỉ học do dịch COVID-19, năm học 2020-2021. Ảnh: NQ
Video đang HOT
Mọi người cần thời gian chuẩn bị
“Phụ huynh, giáo viên, HS cần thêm thời gian chuẩn bị để bắt đầu năm học mới. Vì thế, tôi nghĩ nên lùi thời điểm bắt đầu năm học thêm một tháng nữa” – thầy B, giáo viên một trường THCS trên địa bàn quận 1, bày tỏ.
Thời điểm này, TP.HCM đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, việc di chuyển rất khó khăn. Phụ huynh muốn mua sắm sách giáo khoa, trang thiết bị để phục vụ việc học cho con cũng không được. Mọi thứ để bắt đầu năm học mới đều rất ngổn ngang và bất cập.
Thầy B cho biết thêm, không chỉ phụ huynh, HS, giáo viên cũng cần có thời gian để sẵn sàng cho năm học mới. Trong thời điểm này nếu máy vi tính bị hư thì giáo viên làm sao có thể xử lý để dạy trực tuyến cho HS được. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô chưa rành về công nghệ, họ cần có thêm thời gian để tập huấn.
“Bản thân tôi cũng là một F0 vừa mới bình phục. Nghĩ đến khoảng thời gian qua, tôi thấy thật khủng khiếp nhưng may mắn tôi chỉ bị nhẹ. Mẹ tôi cũng là F0 và giờ đang dần bình phục nên tôi mới có tâm trí lo cho công việc. Nếu mẹ tôi có chuyện gì chắc tôi cũng không có tinh thần để chuẩn bị giảng dạy. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, đâu phải ai cũng ổn như tôi lúc này” – thầy B nói thêm.
“Tôi gọi điện thoại cho một phụ huynh hỏi về việc học trực tuyến cho con, đầu dây bên kia là tiếng khóc nức nở, chị nói: “Mẹ vừa mất nên chưa làm được”. Có HS cả cha mẹ phải đi cách ly, một mình em tự lo mọi việc và chăm sóc mình. Có em thì cha mẹ là cán bộ phường nên suốt ngày lo chống dịch. Những hoàn cảnh như vậy sao các em có thể tự tin tiếp thu bài vở, sao phụ huynh có thể để ý đến việc học của con. Vì thế, lùi việc học là cần thiết để tất cả mọi người có sự chuẩn bị, có tâm thế để bắt đầu năm học mới” – thầy B bày tỏ.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường tiểu học tại huyện Củ Chi cũng cho biết đây là câu hỏi chị nhận được rất nhiều từ phụ huynh trong những ngày qua. Họ gọi điện thoại thắc mắc sao sở không lùi thời gian năm học vì trong tình hình hiện nay ít gia đình nào có thể lo việc học cho con một cách chu toàn.
Vị này chia sẻ phụ huynh của trường đa phần là người lao động nghèo, họ chủ yếu sống trong các khu trọ. Dịch bệnh không có việc làm, họ chủ yếu chờ địa phương, mạnh thường quân hỗ trợ thực phẩm để sống qua ngày thì lấy đâu tâm trí lo việc học cho con. Chưa kể học trên môi trường Internet cần phải có thiết bị, có mạng. Nhưng với tình hình hiện nay, phụ huynh làm gì có tiền để mua những thứ đó.
“Theo tôi, nên lùi thời điểm bắt đầu năm học đến đầu tháng 10 hoặc hơn nữa. Khi dịch được kiểm soát hơn, phụ huynh sẽ có tinh thần để hỗ trợ nhà trường trong vấn đề học trực tuyến. Dạy trực tuyến muốn có hiệu quả chính là nhờ sự đồng hành của phụ huynh trong việc đốc thúc con học” – vị này nói thêm.
Địa phương có thể lùi thời điểm bắt đầu năm học nếu dịch bệnh phức tạp
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp tục có công điện gửi chủ tịch UBND tỉnh, TP về việc tổ chức khai giảng và chuẩn bị năm học mới trong tình hình dịch bệnh phức tạp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo Sở GD&ĐT sẵn sàng các phương án tổ chức dạy học, tăng cường các biện pháp chống dịch trong trường học.
Tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực. Làm sao để HS ở khu vực đang giãn cách được hòa chung vào không khí khai giảng của địa phương và cả nước.
Đối với địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chủ tịch UBND tỉnh quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát; dành thời gian trước mắt để tập trung chống dịch, động viên giáo viên vừa tham gia chống dịch theo sự phân công vừa chuẩn bị thật tốt để triển khai năm học mới khi điều kiện cho phép.
Tìm cách để học sinh vùng khó có đủ thiết bị học tập
Thời điểm này, bên cạnh việc chuẩn bị tốt kế hoạch khai giảng và học trực tuyến đầu năm học mới, thầy cô giáo ở các trường thuộc xã vùng khó tại Hà Nội đang tích cực rà soát thiết bị học tập của những học sinh (HS) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những mong tìm giải pháp tốt nhất để đảm bảo quyền lợi học tập cho các em.
Nhiều HS thiếu thiết bị học tập
Nỗi lo HS không đủ thiết bị học tập trong điều kiện học trực tuyến vẫn thường trực với phụ huynh, giáo viên và nhà trường tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Thầy Nguyễn Xuân Hạng - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phú (xã miền núi An Phú, huyện Mỹ Đức) cho biết: Năm học này, dù nhà trường đã đề nghị cha mẹ chuẩn bị trang thiết bị máy móc cho con em nhưng trường vẫn có khoảng 40 HS không có trang thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh) để học trực tuyến. "Năm học trước, nhà trường áp dụng giải pháp, đó là lớp nào có HS thiếu máy móc sẽ nhờ trưởng ban phụ huynh lớp đó đứng ra kết nối học ghép nhóm. Theo đó, HS không có thiết bị sẽ được chở đến nhà các bạn có thiết bị ở gần đó để học nhờ. Năm nay, sau ngày 6/9, nếu Hà Nội hết thời gian giãn cách xã hội, biện pháp này sẽ tiếp tục được thực hiện".
Chia sẻ câu chuyện thiết bị học tập của HS, thầy Lê Đức Thọ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Châu (xã đảo Minh Châu, huyện Ba Vì) cho biết: "Đây là việc thực sự nan giải. Qua rà soát HS trong trường thì vẫn có 5 trường hợp đặc biệt khó khăn, không có thiết bị để học (trong đó khối 1 có 1 em; các khối 2 - khối 5) có 4 em. Sau ngày 6/9, nếu Hà Nội hết giãn cách, trường sẽ lại áp dụng cách thức năm trước là để các HS này học ghép với bạn".
Để học trực tuyến, HS phải có thiết bị máy tính/điện thoại (Ảnh minh họa)
Cũng thuộc xã miền núi của Hà Nội, trường THCS Phú Mãn (xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai) lại khá đầy đủ thiết bị và điều kiện để HS học tập. Hiệu trưởng nhà trường Hà Thống Nhất nêu: Trường có tổng 130 HS, vì năm học mới tiếp tục học trực tuyến nên trường đã đôn đốc, động viên gia đình mua sắm thiết bị cho con và đến nay cơ bản đã đáp ứng đầy đủ. Với gia đình có nhiều con cùng học, nhà trường ưu tiên sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu để các em không bị bỏ lỡ bất cứ tiết học/môn học nào.
Liên quan vấn đề thiếu thiết bị máy móc phục vụ năm học, cô Dương Thị Tâm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú A (xã miền núi Trần Phú, huyện Chương Mỹ) bày tỏ: Trường có hơn 700 HS thì có khoảng hơn 10 HS học bằng máy tính; còn lại hầu hết học bằng điện thoại thông minh của bố mẹ. Tuy nhiên, trong số đó, còn khoảng trên 30 em là không có thiết bị để học. Số học sinh này rơi vào các hoàn cảnh khó khăn như mẹ đơn thân, bố me ly hôn, các em ở với ông bà... Cũng có gia đình có 2-3 con đi học mà chỉ có 1 thiệt bị điện thoại thông minh. Để khắc phục tình trạng thiếu thiết bị, nhà trường đã dùng đến các giải pháp như linh hoạt thời khóa biểu, xếp lớp buổi tối để HS có đủ thiết bị hoặc trước đây nếu HS nào ở gần thì học ghép 2-3 em/nhóm.
Cô Tâm cũng cho biết thêm: Nhà trường có 30 giáo viên thì 9 giáo viên hợp đồng; điều kiện cuộc sống của thầy cô cũng khó khăn nên việc quyên góp, ủng hộ HS rất hạn chế. "Mỗi đợt phát động, các thầy cô mỗi người chỉ góp được vài chục nghìn đến 100 nghìn đồng. Phụ huynh nào có điều kiện thì đóng góp một chút nhưng số tiền đó cũng chỉ có thể mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập để hỗ trợ một số HS chứ không dám nghĩ đến việc mua những thiết bị đắt tiền...".
Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, đầu năm học vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tổ chức phát động phong trào ủng hộ trong phụ huynh HS, Nhân dân. Kết quả đã quyên góp được 168 điện thoại thông minh, 47 máy tính, 3 Ipad, 15 ti vi; phối hợp với Phòng GD&ĐT quận Ba Đình phát động quyên góp được 10 bộ máy tính, 15 máy chiếu để giúp các thầy, cô cùng các em HS dạy và học trực tuyến.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức Lê Văn Thăng cho hay, các trường tiểu học, THCS ở 21 xã, thị trấn thuộc huyện Mỹ Đức đã sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến. Trang thiết bị cho HS học tập được các gia đình, nhà trường quan tâm mua sắm; với số ít khó khăn có thể tìm cách mượn nhà trường, thầy cô, anh em trong thời gian học tập nên cơ bản đảm bảo.
Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã có nhiều chương trình hỗ trợ máy tính cho HS có hoàn cảnh khó khăn
Riêng An Phú là xã miền núi, trình độ dân trí thấp, mức độ quan tâm cho giáo dục hạn chế nên rất khó khăn về vấn đề này. Năm học trước, Phòng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện rà soát, hỗ trợ thiết bị học tập cho HS; tuy nhiên chỉ hỗ trợ được số lượng rất nhỏ.
Để khắc phục tình trạng trên, trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm học tại huyện Mỹ Đức tới đây, Phòng GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này với lãnh đạo các trường học trên địa bàn để cùng bàn bạc, tháo gỡ. Trước hết là tuyên truyền các phụ huynh có điều kiện thì nên mua máy tính hoặc ipad để phù hợp với việc học tập của các con. Phòng cũng sẽ đề xuất, báo cáo lãnh đạo huyện tới đây sẽ phát động toàn ngành giáo dục huyện Mỹ Đức phong trào ủng hộ thiết bị học tập cho các HS có hoàn cảnh khó khăn; huy động gia đình có thiết bị cũ, không dùng đến có thể ủng hộ; các "Mạnh Thường Quân" giúp đỡ bằng tiền, hiện vật để góp phần chung tay giảm bớt khó khăn, tăng nguồn động viên cho HS cố gắng vươn lên trong học tập trên tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau"- Phó trưởng Phòng GD&ĐT Mỹ Đức Lê Văn Thăng cho biết.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành giáo dục cả nước nói chung và giáo dục Hà Nội nói riêng đang nỗ lực có giải pháp linh hoạt để thích ứng và giảm thiểu những tổn thương cho ngành giáo dục do dịch bệnh gây nên. Với nhiều khó khăn thực tế, dù được quan tâm, giúp đỡ nhưng các trường học vùng khó tại Hà Nội vẫn mong muốn tiếp tục nhận được những giải pháp mang tính tổng thể, đặc biệt trong việc hỗ trợ thiết bị học tập cho các em; để thầy cô, học sinh ở những ngôi trường này yên tâm dạy và học; đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học mới.
Bắc Giang: Các địa phương, trường học sẵn sàng đón năm học mới Ngày 5/9 tới, gần 486 nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ khai giảng năm học mới 2021 - 2022. Đến nay, các địa phương, trường học đã chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón năm học mới. Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 31/8, toàn tỉnh còn 65 cơ sở giáo dục được...