Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực: Thúc đẩy tự chủ đại học
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực thi hành, với nhiều quy định mới.
Đặc biệt, các trường đại học sẽ được “cởi trói” nhiều hơn trong thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, để các quy định thực sự phát huy hiệu quả, vẫn cần có sự đồng bộ trong thực thi chính sách.
Rõ hơn các quy định về tự chủ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với nhiều quy định nới rộng, cụ thể với việc giao quyền tự chủ sẽ giúp các trường có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động học thuật, tài chính, nhân sự. Qua đó, thúc đẩy các trường có chính sách hoạt động hiệu quả trong nâng cao chất lượng phát triển, tăng cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế.
Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Phạm Hùng
Theo quy định của Luật, hành lang pháp lý về hội đồng trường, quyền của hội đồng trường, mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng được làm rõ hơn. Trong đó, hội đồng trường có thực quyền hơn trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; tiêu chuẩn hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên và tiêu chuẩn các chức danh quản lý; quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; quyết định chính sách học phí; phê duyệt kế hoạch tài chính…
Đối với cơ chế tài chính, Luật cũng có bước tiến dài hơn so với luật cũ khi quy định nếu không sử dụng ngân sách, cơ sở giáo dục đại học có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ, bảo đảm tương xứng với chất lượng đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học cũng được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của mình; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.
Video đang HOT
Cũng theo quy định của Luật, các trường đại học được tự chủ cao về hoạt động chuyên môn. Trong đó, được tự chủ mở ngành, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo trong và ngoài nước; tự chủ trong hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học – công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Cùng với đó, Luật cũng yêu cầu các trường phải thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch cho người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của trường.
Cần đồng bộ hệ thống pháp luật
Có thể thấy, việc Luật chính thức có hiệu lực thi hành, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học đã được hoàn thiện hơn một bước. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện Luật hiệu quả, cần rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các quy định liên quan tổ chức, nhân sự, tài chính, đầu tư…
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng, thực tế hoạt động tự chủ của các trường đại học đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của các luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Khoa học và Công nghệ, Đấu thầu, Đầu tư công, Xây dựng, Đất đai, Bảo hiểm xã hội, Ngân sách… và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với Luật này. Cùng với đó, cũng cần sớm gỡ “nút thắt”, đổi mới về tư duy quản lý của cơ quan chủ quản.
Theo đó, Nhà nước chỉ còn đưa ra chính sách, hành lang để các trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm quy định liên quan. Theo đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn Hà Nội), trong quá trình thực hiện tự chủ đại học chắc chắn sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới nên phải sử dụng tư duy mới để tiếp cận và giải quyết vấn đề, nếu không sẽ lại thấy “bánh xe” đổi mới giáo dục đại học gặp khó khăn và trục trặc.
Cùng với đó, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục rà soát xây dựng các chuẩn giáo dục đại học như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên… tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục trong nước và phù hợp với xu hướng quốc tế. Qua đó, mới bảo đảm chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới, cũng như tạo sự yên tâm khi giao quyền tự chủ nhiều hơn.
Theo kinhtedothi
Từ tháng 7, không còn phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức
Từ ngày 1.7, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2018) sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến hoạt động của các trường.
Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7 không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau - HÀ ÁNH
Cấp bằng theo trình độ, không phân biệt hình thức đào tạo
Theo quy định trong luật Giáo dục ĐH sửa đổi (gọi tắt là luật GDĐH 2018), loại hình đào tạo chính quy là tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là không tập trung. Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của GDĐH. Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.
Vì vậy, luật GDĐH 2018 quy định "văn bằng GDĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương" và "người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở GDĐH cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng". Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau.
Tự chủ theo năng lực
Trong luật GDĐH 2018 quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ (tại khoản 2 điều 32). Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở GDĐH phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ. Những cơ sở chưa đáp ứng được thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của luật. Đồng thời, luật cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở GDĐH, do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung - cầu nhân lực. Luật còn quy định rõ các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản.
Chẳng hạn, luật quy định cơ sở GDĐH được quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật. Được quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở GDĐH phù hợp với quy định của pháp luật. Được quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về các nguồn thu, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật. Luật cũng cụ thể hóa các nội dung này tại các điều, khoản tương ứng trong luật.
Luật GDĐH 2018 mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở GDĐH đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.
Tăng quyền lực cho hội đồng trường
Theo luật GDĐH 2018, các quy định cụ thể về số lượng, cơ cấu thành viên; việc bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường... sẽ nằm trong nội dung quy chếvà hoạt động của nhà trường, chứ không phải do nhà nước quy định.
Các quy định trong luật được đặt ra theo xu thế tăng cường tự chủ và để khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các đơn vị, luật không can thiệp vào chi tiết (như quy định tiêu chuẩn, điều kiện của từng thành viên hội đồng trường hay việc giới thiệu, ứng cử, bầu thành viên ngoài trường vào trong hội đồng trường) mà để cơ sở GDĐH tự điều chỉnh trong quy chế tổ chức và hoạt động của mình. Tuy nhiên, luật có quy định thành viên đương nhiên trong hội đồng trường là đại diện BCH Đoàn TNCS HCM, và xác định rõ đại diện này phải là người học nhằm một mặt bảo đảm được tính định hướng tư tưởng, mặt khác vẫn bảo đảm có tiếng nói đại diện cho người học trong hội đồng trường.
Về tỷ lệ thành viên hội đồng là người ngoài trường, luật GDĐH 2012 đã quy định tối thiểu là 20%, còn luật GDĐH 2018 quy định là 30%. Bà Phụng phân tích: "Ý nghĩa việc tham gia hội đồng của thành viên bên ngoài trường là nhằm gắn kết các quyết sách của nhà trường với cuộc sống bên ngoài, nhu cầu xã hội đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỷ lệ này ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển là rất lớn, thậm chí trên 50%. Nhằm triển khai quan điểm gắn nhà trường đại học với xã hội, luật không khống chế số lượng thành viên bên ngoài mà để cho nhà trường tự quyết định".
Chủ tịch hội đồng trường không nhất thiết phải là tiến sĩ
Luật GDĐH 2018 đã quy định chi tiết tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường theo quan điểm xem đây thực chất là chức danh quản trị, đòi hỏi phải có uy tín cả trong và ngoài trường nhưng không nhất thiết phải có học vị tiến sĩ, có uy tín khoa học như đối với hiệu trưởng. Bên cạnh đó, để tăng cường tự chủ, luật quy định trao rất nhiều quyền hạn, trách nhiệm cho hội đồng trường. Do vậy, chủ tịch hội đồng trường cần phải làm việc chuyên trách, toàn thời gian thì mới có thể đảm nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức năng của mình.
Theo Thanh niên
Hôm nay 1/7, các trường đại học chính thức được "cởi trói" để thực hiện tự chủ Hôm nay 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34) chính thức có hiệu lực. Đây là thời điểm ghi nhớ là bước ngoặc lịch sử của nền giáo dục đại học Việt Nam, vì đó là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng...