Luật hóa việc thưởng Tết: Dễ hay khó?
Các chuyên gia về pháp luật, kinh tế hàng đầu Việt Nam nói gì trước đề xuất nên luật hóa việc thưởng Tết?
Ngay cả các chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam cũng bác bỏ quan điểm của Tiến sĩ Lan Hương
Mới đây, TS Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đề xuất, nên luật hoá việc thưởng Tết, mỗi năm nên trả cho người lao động 15 tháng lương.
Theo TS Lan Hương, khi đã trở thành thoả ước rồi người lao động không hồi hộp lo lắng về thưởng Tết mỗi khi kết thúc một năm. Phía doanh nghiệp cũng xác định rõ nghĩa vụ của mình.
“Thưởng Tết thực ra là tiền lương của người lao động nhưng thể hiện sự chia sẻ sau một năm làm việc. Thưởng Tết cũng là văn hoá Á Đông, khi chi tiêu vào ngày Tết tăng vọt lên khoảng 30% so với ngày thường, nên phải có một khoản tiền tương ứng cho khoản chi tiêu ấy. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn xem thưởng tết như một cái gì đó mang tính chất “ban phát”.
Nhưng đó là tiền của người lao động đáng được hưởng. Cứ cận Tết trên báo chí lại nói nhiều đến tình cảnh người lao động kêu ca, phàn nàn, phản đối vì không được thưởng Tết, hay thưởng quá thấp. Họ chỉ biết chờ đợi, không biết tiền thưởng tết của mình là bao nhiêu, họ không có được sự chủ động yêu cầu thưởng tết xứng đáng”, Tiến sĩ Lan Hương nêu quan điểm.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng chưa nên luật hóa thưởng Tết vào lúc này.
“Chế độ thi đua, khen thưởng đã có trong luật lao động về thi đua, khen thưởng. Nhưng đúng là thưởng Tết hàng năm ra sao thì chưa được quy định cụ thể trong bất cứ luật nào khiến việc thực hiện chưa có sự thống nhất.
Một số chỗ nói thưởng rất cao, trên thực tế lại không phải như thế. Đó chỉ là cách họ quảng bá cho doanh nghiệp của mình. Do chưa có chế tài nên chúng ta chưa thể xử phạt họ.
Tuy nhiên, để áp việc thưởng Tết vào các quy định cứng là chuyện khó bởi điều đó liên quan tới nhiều doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lãi, họ chẳng nề hà gì. Nhưng bây giờ có quá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản thì để thực hiện điều đó là rất khó.
Chưa kể nếu áp thành luật cũng là khó với các doanh nghiệp có sự đầu tư của nước ngoài. Thông thường ở nước ngoài, nếu có thưởng thêm cho người lao động thì ông chủ của người lao động, người sử dụng lao động sẽ tự quyết và cũng chỉ hai bên biết với nhau thôi chứ không công khai cho mọi người.
Họ nói rằng hình thức ấy còn hiệu quả hơn chứ nếu công khai mức thưởng với từng người thì sẽ không tạo động lực thúc đẩy người ta cống hiến nữa.
Do vậy, theo tôi, vấn đề này còn cần phải nghiên cứu thêm chứ chưa luật hóa được. Đã là luật hóa thì phải có nghiên cứu, khảo sát cụ thể để đảm bảo tính đại trà và phải phù hợp với cả hai bên: Phía người lao động và người sử dụng lao động”, ông Thảo nói.
Video đang HOT
Đồng quan điểm với ông Thảo, ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, Nguyên Quyền trưởng Ban Nội chính trung ương Đảng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đảm bảo đủ lương cho người lao động theo quy định của Chính phủ đã là tốt rồi.
“Có chăng thưởng 1 – 2 tháng lương vào dịp tết để người lao động có động lực phấn đấu thêm cũng là việc tốt.
Bao giờ tôi cũng ủng hộ trả lương cao, nhưng theo tôi, chưa nên luật hóa việc thưởng tết vào thời điểm này. Điều kiện mỗi đơn vị, mỗi ngành khác nhau, giờ mà luật hóa việc thưởng tết thì sẽ thành vấn đề xã hội phức tạp”, ông Anh nêu quan điểm.
Ông Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói: “Tôi nghĩ rằng về cơ chế tiền lương trên thị trường, Chính phủ nên quy định các khung và các điều kiện để doanh nghiệp thực hiện.
Còn doanh nghiệp thực hiện được đến mức độ nào đấy là tùy thuộc vào kết quả của doanh nghiệp và quyền lựa chọn của người lao động.
Tôi không nghĩ nên luật hóa đến cả tiền thưởng Tết bởi có doanh nghiệp có lãi, có doanh nghiệp thua lỗ. Nếu thua lỗ mà còn bắt họ làm các điều kiện họ không thể làm được thì phi thực tế quá”.
Trước đó, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH từng khẳng định: “Không có chuyện luật hóa tiền lương, mỗi năm trả cho người lao động 15 tháng lương. Đó chỉ là quan điểm cá nhân của một người làm nghiên cứu khoa học, còn quan điểm của Bộ đều đã thể hiện rõ trong các quy định của Bộ luật lao động”.
“Lương là phải trả đủ cho người lao động còn thưởng là tùy theo hiệu quả do hai bên thỏa thuận với nhau. Càng thưởng nhiều, Nhà nước càng khuyến khích nhưng không thể ép buộc. Nếu ép buộc thì doanh nghiệp lấy tiền đâu để trả”, ông Huân cho biết.
Ông Huân cũng nêu lên một thực trạng trước tình hình hàng loạt công nhân bị sa thải cuối năm, doanh nghiệp phá sản, đó là một thức tế mà người lao động cũng cần phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Phía doanh nghiệp cũng phải tìm mọi giải pháp để hỗ trợ, trả nợ lương cho người lao động.
Theo xahoi
Những kiểu thưởng Tết "không đụng hàng" chỉ có ở Việt Nam
Tặng luôn hương thắp cho nhân công, hay thưởng tết bằng vé ô tô... là 2 trong số những chiêu "độc" mà các doanh nghiệp ở Việt Nam đang dùng.
Thưởng tết bằng phiếu mua hàng siêu thị
Hãy cùng điểm mặt những kiểu thưởng tết lạ tại Việt Nam:
Sản xuất hương, tặng luôn hương
Tận dụng nguồn nhân lực "giá rẻ" là những nông dân lúc nhàn rỗi, trái vụ mùa, nhiều cơ sở sản xuất hương thắp ở Hà Nội đã tiết kiệm được không ít tiền của trong năm 2012 vừa qua.
Thế nhưng, mỗi dịp tết đến, xuân về, lãnh đạo của các cơ sở sản xuất này lại kêu đang "gặp khó". Không ít cơ sở chẳng bao giờ đả động tới chuyện thưởng Tết cho nhân công trong khi số khác cũng có thưởng, nhưng chỉ để lấy lệ.
Chị Mai (Đan Phượng, Hà Nội) - công nhân làm việc tại một cơ sở sản xuất hương thắp có tiếng than thở: "Đến giờ các sếp vẫn tuyệt mật về kế hoạch thưởng tết Quý Tỵ cho anh em.
Sản xuất hương, tặng luôn hương (Ảnh minh họa: Minh Quân)
Theo dự đoán của tôi và lời đồn thổi của nhiều người cùng tổ, có thể năm nay mức thưởng sẽ vẫn như mọi năm: 100 nghìn đồng/người và mỗi loại hương thắp một bó vì các sếp quan niệm năm hết, tết đến, nhà nào chẳng phải thắp hương".
Sản xuất bồn cầu, thưởng giỏ bánh kẹo
Anh Tú, một công nhân ở trọ gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: "Năm ngoái, thưởng tết của tôi là một giỏ bánh kẹo trị giá không quá 200 nghìn đồng dù công ty tôi chuyên sản xuất bồn cầu, chẳng liên quan gì tới bánh kẹo cả.
Theo tính toán của cá nhân tôi, nếu đổi thưởng từ tiền mặt sang quà - hiện vật, công nhân sẽ khó biết được giá trị thực của món quà mình được nhận, có chăng chỉ là phỏng đoán giá trị giỏ quà.
Thêm vào đó, chắc chắn bộ phận chịu trách nhiệm liên hệ đặt mua quà cho công nhân cũng sẽ có chút công. Như vậy, mức thưởng đã èo ọt, bị bớt xén càng thảm hại hơn".
Khi được hỏi về các thông tin liên quan tới thưởng tết năm 2013, anh Tú ngao ngán nói: "Đến giờ chúng tôi còn chưa được tạm ứng lương tháng vừa qua thì làm gì dám mơ tới thưởng tết.
Chắc chúng tôi vẫn nhận về một giỏ quà như mọi năm thôi. Nhưng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, tôi đoán giỏ quà sẽ teo tóp hơn năm ngoái".
Thưởng tết bằng vé...ô tô
Thưởng tết bằng vé...ô tô
Một công ty ở khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) đang gây "sốc" với kiểu thưởng Tết chẳng giống ai.
Theo tiết lộ của Thảo - công nhân của công ty này, do biết người lao động gặp nhiều khó khăn trong việc mua vé tàu, xe về quê ăn Tết nên lãnh đạo công ty đã nghĩ ra kiểu "thưởng Tết" rất "độc", ăn theo xu thế.
"Ngay từ tuần trước, các tổ trưởng trực tiếp quản lý công nhân đã yêu cầu chúng em mỗi người đóng 100 nghìn đồng. Các sếp giải thích là năm nay công ty sẽ có xe ô tô đưa đón mọi người về quê ăn tết.
Ai cũng phải đăng kí để các sếp lên danh sách, sắp xếp, bố trí xe cho tiện. Nếu ai không đi, sau này sẽ mất 100 nghìn đồng đó. Còn nếu ai đi xe của công ty thì ra tết, khi nào đi làm trở lại sẽ được hoàn tiền.
Tuy nhiên, xe chỉ đưa đón chiều về quê, còn chúng em phải tự túc phương tiện từ quê ra Hà Nội", Thảo tiết lộ.
Thưởng tết bằng phiếu mua hàng siêu thị
Chị Nga, nhân viên một công ty tư nhân tại Cầu Giấy cho biết, Tết năm nay chưa thấy sếp nói gì về thưởng, song năm ngoái, nhân viên được thưởng Tết bằng... phiếu mua hàng siêu thị.
Chị Nga và một số đồng nghiệp cùng phòng nhận được 10 phiếu, mỗi phiếu 100.000 đồng. Không có nhu cầu, chị lên mạng rao bán với giá 950.000 đồng/lô, sau đó bớt còn 900.000 đồng.
Thưởng sữa, tất dệt kim
Chị Dương, nhân viên công ty tất dệt kim cho biết, dịp Tết, thay vì thưởng tiền cho nhân viên, công ty lại cho mỗi người vài thùng tất về bán dần, vừa giải phóng hàng tồn, vừa có thêm một khoản chi tiêu dịp cuối năm.
Trong khi đó, chị Linh, nhân viên một công ty sữa cho biết, đang thanh lý sữa trên mạng vì không dùng đến. Số sữa này là phần thưởng Tết công ty dành cho nhân viên, do đó, giá bán ra rẻ hơn khá nhiều so với tại siêu thị, khoảng 480.000 đồng/thùng (giá siêu thị là hơn 600.000 đồng/thùng).
Một diễn đàn dành cho phụ nữ khá đình đám, từ nhiều ngày nay cũng xuất hiện các mẩu rao vặt bán bánh quy Hà Lan nhập khẩu. Chủ nhân rao vặt nói trên cho biết, đây là hàng công ty thưởng Tết, nhà không ăn hết nên đem lên thanh lý với giá rẻ hơn so với cửa hàng. Mỗi hộp bánh này được bán với giá 70.000 đồng, rẻ hơn khoảng 10.000-30.000 đồng so với giá bán tại cửa hàng, siêu thị, nên khá đông người mua.
Có thể thấy, xu hướng thưởng Tết bằng các sản phẩm không mới, nhưng lại rất gia tăng trong thời gian gần đây.
Theo xahoi
"Luật hóa" thưởng Tết: Bộ LĐTB & XH lên tiếng Bộ LĐTB&XH đã chính thức lên tiếng về ý kiến bắt buộc trả người lao động mỗi năm 15 tháng lương. Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, nên luật hoá việc thưởng Tết, mỗi năm nên trả cho người lao động 15 tháng lương. TS Lan Hương cho...