Lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6: Phù hợp thực tiễn vùng miền
Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành hướng dẫn lựa chọn SGK theo đúng quy định, phù hợp thực tiễn vùng miền.
Dạy học SGK lớp 1 tại Nghệ An đi vào ổn định và hiệu quả.
Đồng thời, Sở GD&ĐT tôn trọng ý kiến của các trường, giáo viên, bảo đảm tính hệ thống, kế thừa và không gây xáo trộn trong dạy học.
Tránh xáo trộn
Từ đầu tháng 3, Sở GD&ĐT Nghệ An có hướng dẫn các trường tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến lựa chọn trên cơ sở các bộ SGK từng môn học được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Để việc lựa chọn sách phù hợp, hiệu quả, sở đã ban hành kế hoạch thực hiện. Cụ thể, việc lựa chọn SGK phải thực hiện đúng quy trình theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT; đồng thời dựa trên các tiêu chí và thực tiễn giáo dục địa phương. Mỗi cơ sở giáo dục sẽ chọn ít nhất 1 bộ SGK cho mỗi môn học và gửi cho Sở tổng hợp. Kết quả lựa chọn sách từ các nhà trường sẽ được tổng hợp và chuyển cho Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh phê duyệt.
Theo lãnh đạo sở, thành viên Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh là những người có năng lực, kinh nghiệm dạy học và quản lý. Trong đó, 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên trực tiếp đứng lớp. Mỗi bộ môn sẽ có một hội đồng thẩm định riêng và có đại diện cho từng vùng, miền.
Cô Nguyễn Thị Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Hương (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) cho biết: Nhà trường đã hướng dẫn giáo viên truy cập vào các đường link để đọc và nghiên cứu bản PDF các bộ SGK lớp 2. “Trước đó, chúng tôi lựa chọn đội ngũ giáo viên sẽ dạy học khối lớp 2 trong năm học tới. Đây là thầy cô có năng lực chuyên môn, năng động, có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
Ban giám hiệu nhà trường cũng trao đổi với các tổ trưởng chuyên môn triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên Chương trình GDPT 2018. Mục đích để toàn thể cán bộ, giáo viên nắm được chương trình, sau này triển khai dạy học có hệ thống, ổn định, tiếp nối theo từng khối lớp.
Video đang HOT
SGK lớp 1 do giáo viên và nhà trường lựa chọn theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, từ năm 2021, quyền chọn lựa SGK chuyển giao cho lãnh đạo các địa phương, theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Theo cô Nguyễn Thị Hải, dù không trực tiếp quyết định nhưng nhà trường và giáo viên đều tham gia nghiên cứu nghiêm túc để gửi ý kiến lựa chọn sách. Bên cạnh đó, trường đã có kinh nghiệm lựa chọn SGK lớp 1 nên việc thay đổi trên không gây xáo trộn nhiều. Nhà trường đã chủ động và có sự chuẩn bị chu đáo nên khá yên tâm khi triển khai chọn SGK lớp 2.
Việc lựa chọn SGK được thực hiện đúng quy định, tôn trọng ý kiến của cơ sở giáo dục.
Phát huy vai trò của nhà trường, giáo viên
Thời gian qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã phối hợp với đơn vị đào tạo sư phạm trên địa bàn tổ chức tập huấn Chương trình GDPT 2018 cho giáo viên lớp 2 và lớp 6 bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Nội dung bồi dưỡng gồm khung chương trình, chuyên đề từng môn học, xác định chủ đề dạy học, lập kế hoạch các hoạt động của môn học phù hợp với thực tế của mỗi cơ sở giáo dục. Nắm vững và khai thác công cụ kiểm tra đánh giá học sinh. Từ đó, giáo viên có nền tảng về Chương trình GD phổ thông mới và những định hướng cần thiết để nghiên cứu, lựa chọn tài liệu SGK giảng dạy phù hợp với học sinh và thực tiễn địa phương.
Cô Nguyễn Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cho hay: Sau khi nhận văn bản hướng dẫn của sở, chúng tôi chuyển cho tất cả giáo viên nhà trường nghiên cứu để nắm rõ quy trình lựa chọn SGK. Hiện giáo viên tham gia giới thiệu SGK môn Tiếng Anh trực tuyến và trong tuần này tiếp cận các bộ môn còn lại. Đây là năm đầu tiên cấp THCS triển khai Chương trình GDPT 2018 và dạy học SGK lớp 6.
Vì vậy, việc nghiên cứu SGK được nhà trường thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng. Nhất là với trường đóng tại địa bàn miền núi cao, hơn 90% học sinh người dân tộc thiểu số như Trường THCS Hạnh Thiết. Trong quá trình này, nếu có khó khăn, vướng mắc hay bất cập nào về nội dung sách cũng như quy trình lựa chọn SGK, chúng tôi sẽ báo cáo với phòng và sở để được hướng dẫn. Ngoài ra, nhà trường cũng chuẩn bị cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018 và SGK lớp 6.
Với bậc tiểu học, ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá: Sau hơn 1 học kỳ triển khai, việc dạy học SGK lớp 1 trên địa bàn ổn định, cơ bản được sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội. Đây cũng là tiền đề thuận lợi để ngành tiếp tục thực hiện thay SGK lớp 2.
Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học cũng mong muốn sau khi Hội đồng tỉnh quyết định lựa chọn SGK, các đơn vị xuất bản và phát hành sớm cung ứng sách đến nhà trường. Giáo viên dạy tiểu học có đặc thù khác với cấp trung học là cùng lúc giảng dạy nhiều môn. Việc sớm có SGK sẽ giúp giáo viên chủ động trong soạn giáo án, thiết kế bài giảng và triển khai dạy học trong năm học mới.
Ngành đã xây dựng tiêu chí lựa chọn SGK bảo đảm ổn định, có tính kế thừa và không gây xáo trộn trong dạy học của các nhà trường. Hai quy trình lựa chọn SGK khác nhau về trình tự và vai trò quyết định cuối cùng nhưng đều theo đúng quy định. Đồng thời, thể hiện rõ việc tôn trọng ý kiến cơ sở giáo dục, phù hợp với thực tiễn và đặc thù vùng miền. – Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An
Chọn SGK lớp 2, lớp 6: Bảo đảm tiến độ bắt nhịp năm học mới
Cùng với các địa phương khác, ngành Giáo dục TP Hải Phòng đang triển khai nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn SGK và lên kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ, bảo đảm tiến độ bắt nhịp năm học mới.
Cô trò Trường THCS Ngũ Đoan trong giờ học. Ảnh: TG
Hoàn thành nghiên cứu
Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay: Sau khi giới thiệu sách, các nhà xuất bản sẽ cung cấp sách để các nhà trường nghiên cứu, đánh giá, chọn lựa. Sau khi tổ chuyên môn chọn lựa, nhà trường sẽ tập hợp gửi các phòng GD&ĐT. Trên cơ sở thông tin nhận được, Sở GD&ĐT sẽ tập hợp gửi Hội đồng lựa chọn SGK của TP để có quyết định cuối cùng. Hải Phòng tích cực hoàn thiện các phần việc để cuối tháng 3 có số liệu gửi về Hội đồng lựa chọn SGK của TP. Đầu tháng 4, TP Hải Phòng sẽ công bố kết quả lựa chọn sách.
Sau khi TP ra quyết định lựa chọn sách, Sở GD&ĐT lên kế hoạch bồi dưỡng Chương trình - SGK GDPT 2018 cho GV dạy lớp 2, lớp 6 năm học tới. Dự kiến sẽ kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến và làm song song với quá trình giảng dạy, hoạt động chuyên môn của toàn ngành.
Theo ông Lợi, chương trình thay sách năm học tới có nhiều điểm thuận lợi do toàn thành phố chọn chung những đầu sách nên rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá cũng như tập huấn, bồi dưỡng.
Năm học 2021 - 2022, Hải Phòng dự kiến có khoảng 3.900 GV dạy lớp 6 và 2.000 GV dạy lớp 2. Xác định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ quyết định sự thành công của Chương trình GDPT 2018, thành phố Hải Phòng chú trọng lựa chọn, xây dựng và lên kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ một cách bài bản.
Chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện chương trình, Trường Tiểu học An Dương, thị trấn An Dương đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho chương trình thay sách lớp 2. Từ kinh nghiệm thay sách lớp 1, nhà trường tổ chức các chuyên đề chuyên môn. Các tổ khối tập trung rút kinh nghiệm và triển khai nhiều hoạt động tiếp cận chương trình mới.
Cô Đỗ Thị Thanh Đượm - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Năm học tới nhà trường có 5 lớp 2. Trường giữ nguyên đội ngũ GV đang dạy lớp 2 của năm học 2020 - 2021. GV đều giàu kinh nghiệm về chuyên môn và cứng tay nghề.
Trường Tiểu học An Dương đã hướng dẫn GV cách nghiên cứu sách. Sau đó, các thầy cô có thời gian nghiên cứu cá nhân, tập trung thảo luận ở tổ, khối. Vì năm nay thay sách lớp 2, nên GV khối này phải có ý kiến sâu sát, cụ thể để đóng góp ý kiến, đánh giá về sách. Tuần 2 tháng 3, nhà trường lập hội đồng lựa chọn và đề xuất lực chọn sách gửi về phòng GD&ĐT.
Giáo viên Trường THCS Lê Chân, quận Lê Chân đang nghiên cứu sách.
Bảo đảm chất lượng
Cô Phạm Thị Diện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Ngô Quyền thông tin: GV trong trường nghiên cứu các môn của 2 bộ sách đã được thẩm định. Qua nghiên cứu, GV bước đầu có những đánh giá về sách. Theo chương trình mới có nhiều ưu điểm, sách đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Chẳng hạn môn Tiếng Việt có điểm mới so với chương trình hiện hành là không phân chia theo phân môn mà dạy theo các hoạt động. Môn Toán chương trình mới giảm thời lượng dạy phép tính nhân chia, có thực hành, luyện tập trải nghiệm.
Trường THCS Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy) năm học tới có 4 lớp 6, đến thời điểm này đã đáp ứng đủ cơ sở vật chất, phòng học để chuẩn bị cho chương trình mới. Thầy Đoàn Đắc Thiếp - Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: GV đang nghiên cứu sách. Sau khi nghiên cứu xong, các tổ nhóm chuyên môn sẽ đề xuất ban giám hiệu, hiệu trưởng sẽ thành lập hội đồng đánh giá, bỏ phiếu và gửi đề xuất về phòng GD&ĐT.
Theo thầy Thiếp: "Chương trình SGK mới có nhiều ưu điểm, phát huy phẩm chất, năng lực người học. Kiến thức được trang bị cho học sinh kỹ càng hơn, không chỉ có nội dung kiến thức mà phương pháp tiếp cận kiến thức, hình thành kỹ năng cũng rất quan trọng. Chương trình đòi hỏi người dạy cũng cần có những thay đổi phù hợp, vì thế, nhà trường chú trọng lựa chọn đội ngũ vững tay nghề, giàu kinh nghiệm và đam mê đổi mới để đứng lớp 6 năm học tới".
Trước đó, từ đầu năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục TP Hải Phòng đã tạo điều kiện cho cán bộ, GV tham dự các lớp tập huấn dạy học lớp 2, lớp 6 theo chương trình mới, bảo đảm 100% số GV được công nhận hoàn thành tập huấn mới và được phân công giảng dạy. Ngành Giáo dục cũng rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng nhu cầu GV từng bộ môn để tham mưu các cấp bổ sung, sắp xếp cho phù hợp.
Sau khi lựa chọn sách xong, Sở GD&ĐT Hải Phòng sẽ lên kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho GV, kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến, chương trình bồi dưỡng GV hoàn thành trước ngày 31/7.
Mỗi tỉnh sẽ lập 1 hội đồng chọn SGK Năm học 2021-2022, chương trình sách giáo khoa (SGK) mới sẽ tiếp tục được áp dụng cho lớp 2, lớp 6. Sau 1 năm thực hiện quy định các trường học tự lựa chọn bộ SGK của riêng mình, năm học tới, Bộ GD&ĐT quy định mỗi tỉnh, thành phố thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách phù hợp tình hình địa...