Lựa chọn sách giáo khoa phải công khai, minh bạch
Chiều 22/11, Bộ GD&ĐT chính thức công bố Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc lựa chọn SGK ở địa phương sau đó sẽ được thực hiện như thế nào, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có những trao đổi cụ thể về nội dung này.
Công tác lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện công khai, minh bạch và khoa học trên tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh: Hữu Cường
- Thứ trưởng có thể cho biết, vì lý do gì mà sau khi thẩm định xong đợt 2 một khoảng thời gian khá dài Bộ GD&ĐT mới có thể chính thứcphê duyệt bộ SGK cho lớp 1?
- Có thể nói, SGK là sản phẩm khoa học có tính chuẩn mực rất cao, nên sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia đã đánh giá, các nhà xuất bản vẫn được yêu cầu phải rà soát lại một lần nữa. Cùng với nhà xuất bản, Bộ GD&ĐT cũng có bộ phận kiểm soát độc lập để rà soát, đánh giá. Do đó, phải mất một khoảng thời gian khá dài để có thể chính thức phê duyệt bộ SGK sau khi có kết quả thẩm định đợt 2.
- Chỉ còn 9 tháng nữa chúng ta sẽ chính thức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1; trong khi đó còn rất nhiều việc phải làm, như chọn sách, tập huấn cho giáo viên về SGK mới; in và phát hành sách… Thứ trưởng nghĩ sao?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
- Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị và sắp tới sẽ đăng mạng xin ý kiến xã hội về dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Sau khi Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK được ban hành, nếu không có gì thay đổi thì chậm nhất là trước tháng 3/2020, các địa phương sẽ chọn được sách và công bố sách nào sẽ được sử dụng trong các trường học ở địa phương mình. Lúc đó, các nhà xuất bản sẽ tổng hợp số lượng SGK theo đăng ký của địa phương và có kế hoạch tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành.
Dự kiến, trong tháng 5, 6, 7, sách sẽ về đến tay phụ huynh, nhà trường. Trong thời gian này, các thầy cô đã được tập huấn về dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; sau khi có SGK, các nhà xuất bản sẽ tổ chức tập huấn giới thiệu sử dụng và phương pháp dạy học theo sách được địa phương lựa chọn, để thầy cô có thể thực hiện tốt Chương trình, SGK mới khi bắt đầu vào năm học mới.
- Dư luận quan tâm rằng: Lần đầu tiên chúng ta có nhiều bộ SGK, vậy làm sao để có thể lựa chọn được bộ sách thực sự phù hợp với địa phương mà không có tiêu cực? Dù vấn đề này phụ thuộc nhiều vào địa phương, nhưng Bộ GD&ĐT có giải pháp nào giúp kiểm soát việc này hay không?
- Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nêu rõ: Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. Nên trong dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông cũng đưa ra rất rõ về nguyên tắc và yêu cầu chọn sách.
Theo đó, việc tổ chức lựa chọn SGK phải đảm bảo các nguyên tắc: Lựa chọn SGK thuộc các danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng; công khai, minh bạch, đúng pháp luật; sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông.
SGK được lựa chọn phải đảm bảo các yêu cầu: Phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học; chọn đủ SGK cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục chọn ít nhất 1 cuốn SGK. UBND tỉnh quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn SGK. Điều quan trọng là địa phương phải xây dựng tiêu chí công khai, minh bạch, tất cả vì người học. Chính vì vậy, SGK được viết theo hướng mở để phù hợp với đa dạng từng khu vực, đáp ứng được yêu cầu chung.
Video đang HOT
UBND tỉnh quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn SGK. Ảnh minh họa/ INT
- Làm sao để việc lựa chọn sách có thể từ đông đảo ý kiến chứ không phải chỉ từ quyết định của những thành viên trong Hội đồng, thưa Thứ trưởng?
- Theo dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông: Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND tỉnh tổ chức lựa chọn SGK. Hội đồng được thành lập theo môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Thành phần Hội đồng bao gồm đại diện sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan; nhà khoa học; nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có kinh nghiệm và uy tín. Có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng là giáo viên đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người.
Về quy trình, các thành viên Hội đồng sẽ nghiên cứu SGK, tham khảo ý kiến đồng nghiệp, các thành phần liên quan nhận xét, đánh giá theo các tiêu chí lựa chọn SGK. Sau đó, Hội đồng sẽ họp, thảo luận, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn, bỏ phiếu lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn phải đạt tối thiểu 3/4 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản và gửi về Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn của các Hội đồng, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. UBND tỉnh sẽ quyết định phê duyệt danh mục SGK được lựa chọn của các môn học, hoạt động giáo dục theo cấp, lớp, môn học, hoạt động giáo dục để sử dụng trên địa bàn.
- Hiện nay, theo tinh thần dự thảo Thông tư quy định lựa chọn SGK thì địa phương chỉ được chọn một bộ sách, hay có quyền lựa chọn mở, tùy theo đặc điểm địa phương mình, thưa Thứ trưởng?
- Thông tư này không quy định mỗi một tỉnh, thành phố chỉ chọn một bộ SGK lớp 1 mà hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương mình.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Nhiều băn khoăn về sách giáo khoa mới
Nhiều băn khoăn được đặt ra xoay quanh những lo ngại về tính độc quyền; lợi ích nhóm khi giao cho địa phương lựa chọn sách; giá thành SGK mới; việc kiểm tra thi cử liệu có ảnh hưởng khi có nhiều bộ sách.
Ngày 22/11, Bộ GD-ĐT chính thức công bố 32 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được lựa chọn sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại buổi họp báo, nhiều băn khoăn được đặt ra xoay quanh những lo ngại về tính độc quyền; lợi ích nhóm khi giao cho địa phương lựa chọn sách; giá thành SGK mới; việc kiểm tra thi cử liệu có ảnh hưởng khi có nhiều bộ sách,....
UBND tỉnh chọn sách, có đáng lo?
Nhìn vào danh mục SGK vừa được phê duyệt, NXB Giáo dục có đến 4 bộ SGK lớp 1 với 24 bản thảo. Như vậy có thể thấy, trong năm học 2020-2021, SGK của NXB Giáo dục vẫn tiếp tục chiếm thị phần lớn. Điều này liệu có đáp ứng mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông mới là đa dạng hóa SGK, chống độc quyền?
Ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học): Tính độc quyền xảy ra khi chỉ có một bộ sách, nhưng hiện tại có nhiều bộ SGK từ nhiều nhóm tác giả khác nhau. Hơn nữa, Luật cũng không quy định địa phương lựa chọn sách theo bộ hay theo môn. Vì vậy, việc lựa chọn bộ sách vẫn phải dựa trên tính phù hợp với từng địa phương. Do đó, chúng ta không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới.
Bộ GD-ĐT quy định việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục là do UBND tỉnh quyết định. Vậy Bộ có lo ngại gì về vấn đề lợi ích nhóm khi giao việc chọn sách cho UBND tỉnh không và Bộ đã có giải pháp nào để ngăn ngừa nguy cơ có thể xảy ra như thế?
Ông Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học): UBND Tỉnh sẽ quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Với quyết định như vậy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể về thành phần của hội đồng lựa chọn SGK; quy định về các nguyên tắc, yêu cầu để việc thực hiện lựa chọn ấy mang tính chuyên môn.
UBND tỉnh sẽ có cơ quan tham mưu là Sở GD-ĐT trong việc thực hiện thành lập hội đồng và lựa chọn theo quy định. Thành phần hội đồng sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học và các giáo viên trực tiếp giảng dạy của môn học, cấp học ấy. Tất cả những lựa chọn này sẽ được công bố công khai, minh bạch.
SGK là công cụ, quan trọng là chương trình
Sách lần này đưa vào chương trình mới đã được thực nghiệm và đánh giá hay chưa?
Ông Thái Văn Tài: Một trong những quy định bắt buộc là khi sách được đề nghị lên Hội đồng quốc gia phải có hồ sơ thực nghiệm theo đúng quy định. Trách nhiệm của NXB phải tổ chức thực nghiệm với thời lượng theo đúng mạch nội dung của chương trình quy định. Như vậy, tất cả các bộ SGK khi trình lên Hội đồng thẩm định đều phải có thực nghiệm và việc thực nghiệm là trách nhiệm của tác giả và NXB. Bộ sẽ kiểm tra hồ sơ này trước khi nhận các bản thảo SGK để thẩm định.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng
Khi địa phương lựa chọn các bộ sách khác nhau thì việc kiểm tra, đánh giá có đảm bảo chính xác, công bằng?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Khi các địa phương lựa chọn những bộ sách khác nhau, việc kiểm tra đánh giá vẫn sẽ được đảm bảo. Chúng ta thực hiện "một chương trình nhiều bộ sách" thì việc kiểm tra đánh giá vẫn phải đáp ứng những yêu cầu cần đạt của chương trình. Đây cũng là điểm khác biệt với chương trình hiện hành. Chương trình mới sẽ yêu cầu "Học sinh làm được những gì với kiến thức được trang bị trong chương trình".
Chính vì vậy việc kiểm tra đánh giá cũng phải theo chuẩn của chương trình. Việc ra đề kiểm tra sẽ không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Như vậy thầy cô, học sinh sẽ yên tâm và dần dần quen với việc tài liệu SGK để sử dụng trong các hoạt động học nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mong muốn.
Các tỉnh có lựa chọn những bộ sách khác nhau. Vậy liệu khi học sinh chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác việc học của các em có đảm bảo tính logic hay không khi triết lý giáo dục của các bộ sách này là khác nhau?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Như tôi cũng đã nói, chúng ta dạy một chương trình nhiều bộ SGK thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất. Vì vậy việc chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong sách giáo khoa chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô.
Tôi vẫn hay ví von thế này, ở Việt Nam chúng ta ăn cơm, còn sang nước ngoài thì ăn bánh mì. Chúng ta vẫn cứ lớn lên và vẫn khỏe mạnh như vậy. Cho nên cái lõi của việc thực hiện "một chương trình, nhiều bộ SGK" là bám sát chương trình học.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng
Mặt bằng giá cả của sách sắp tới sẽ ra sao? Liệu Bộ có hướng dẫn nào cụ thể về lộ trình tăng giá sách hay không để người dân không bị "sốc" trước giá sách lớp 1 tới đây?
Ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT: Tại Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính. Hiện nay SGK ảnh hưởng đến phạm vi rất rộng đến từng gia đình. Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ để có cơ chế về SGK cho phù hợp, đảm bảo công bằng và tránh sự tăng giá đột biến.
Sự tham gia của các thành viên từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn, phải chăng chúng ta đang chọn một đơn vị quá truyền thống, mà không phải từ các thầy cô trường sư phạm trong khi thầy cô trường sư phạm khả năng sẽ hiểu học sinh hơn?
Ông Thái Văn Tài: Hội đồng môn Tiếng Việt có 15 người, trong đó có đến 9 giáo viên. 9 giáo viên này có từ Cần Thơ, Sóc Trăng, TP HCM, Huế,...tức trải dài trên địa bàn và có 2 chuyên gia chuyên sâu đến từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Phóng viên nói đến chuyện có những người đang là tác giả của sách giáo khoa hiện hành nhưng giờ lại vào hội đồng thẩm định, hay có những tác giả viết sách hiện hành giờ lại viết sách giáo khoa mới.
Đúng là nhiều tác giả viết sách giáo khoa hiện hành giờ tham gia viết sách giáo khoa mới và cũng nhiều người là thẩm định của chương trình hiện hành. Nhưng ở góc độ nào đó, chính những kinh nghiệm ấy mới cho chương trình phổ thông mới chặt chẽ hơn và đổi mới.
Và với tỷ lệ số người như vậy, đảm bảo sự khách quan.
Hôm nay Bộ GD-ĐT mới công bố chính thức sách giáo khoa nhưng một số đơn vị đã có những động thái giới thiệu, quảng bá. Bộ có cho phép cơ quan quản lý nhà nước vừa tham gia biên soạn sách vừa lại là đơn vị chủ chốt tham mưu khi lựa chọn sách giáo khoa theo kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi"?
Ông Thái Văn Tài: Trong hồ sơ của các nơi gửi lên thì không có bất kỳ một hồ sơ nào thể hiện cổ tức hoặc liên quan đến Sở GD-ĐT TP.HCM. Tuy nhiên, có thể bộ sách đó đang được thực nghiệm trên địa bàn này và Sở TP HCM tham gia vào phản biện bộ sách đấy để tốt hơn.
Trong quy định của Thông tư 33, những đơn vị này không có quyền tham gia và nếu giả sử có tham gia ở một tác giả nào đó thì sau này cũng không được phép trong thành phần của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Nghị quyết 88 của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT phải biên soạn một bộ sách giáo khoa. Đến thời điểm này Bộ không làm được việc đấy, thì chúng ta sẽ đề nghị sửa Nghị quyết hay sẽ chọn một bộ sách nào đấy để làm bộ sách của Bộ không?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Ngay từ lúc đầu, chúng tôi đã nói tất cả mọi bộ sách đều có thể hiểu là của Bộ GD-ĐT cả. Bởi chúng ta xã hội hóa sách giáo khoa, biên soạn,... tất cả mọi sách giáo khoa đã được trong quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký phê duyệt thì mọi bộ sách đều được thực hiện trong hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam.
Thuý Nga (Ghi)
Theo vietnamnet
38 sách giáo khoa được đánh giá đạt chuẩn, Bộ GD-ĐT chỉ phê duyệt 32 Chiều 22/11, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo công bố quyết định phê duyệt 32 sách giáo khoa lớp 1 trên tổng số 38 được đánh giá đạt qua vòng thẩm định. Đạt nhưng chưa được phê duyệt vì vướng vấn đề pháp lý Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, sau hai vòng thẩm định, có 38/49 bản mẫu sách giáo...