Lớp học trung cấp nghề như… chợ
Trong tình trạng tuyển sinh khó khăn như hiện nay, khi các trường ĐH, CĐ cũng chiêu sinh hệ dạy nghề thì các trường trung cấp đứng trước thực trạng: Tuyển sinh đã khó, giữ chân sinh viên ở lại trường còn khó hơn. Vì thế, có vẻ như các trường đang tìm cách giữ học viên chứ không thật sự chú trọng dạy nghề.
Lớp học như cái chợ
Đến một lớp học văn hóa cho học viên mới học hết cấp 2 tại trường Trung cấp Cơ điện Hà Nội mới thấy “sốc” trước lối ứng xử thiếu văn hóa của tân sinh viên nơi đây.
Sĩ số lớp khoảng 40 học viên nhưng cảnh người ra kẻ vào khiến không thể biết con số thực trong lớp là bao nhiêu. Trên bục giảng, giáo viên cứ dạy, còn dưới lớp người hát, người nói nháo nhác như cái chợ. Chưa dừng lại ở đó một số cô cậu chán học rủ nhau ra ngoài. Một số khác thì đứng lấp ló trước cửa để lẻn vào.
Đứng quan sát cả buổi, chúng tôi nhận thấy, gần hết giờ học buổi sáng, bỗng nhiên học viên lũ lượt kéo nhau quay về lớp. Hỏi ra mới biết, hóa ra là sắp đến giờ điểm danh. Bất chấp giáo viên đang đọc tên điểm danh trên bục, phía dưới học viên thản nhiên gọi điện quát nhau về chỉ để… điểm danh. Tại một lớp, giáo viên đã giật mình khi đang đọc tên theo danh sách thì phía cuối lớp vọng lên tiếng: “Về chưa? Điểm danh”. Vì thế, không hiếm cảnh giáo viên ngao ngán lắc đầu khi phải đọc tên điểm danh giữa tiếng nói chuyện, gọi điện thoại ầm ĩ của học viên. Hầu như không tìm thấy sự hứng thú học tập hay tôn trọng giáo viên tại những lớp học này. Có quan sát mới giật mình khi thấy sự xuống cấp về đạo đức cũng như cách học, cách quản lý sinh viên cua các trung cấp nghề hiện nay.
Cảnh láo nháo người ra người vào tại một lớp trung cấp.
Học vì… bố mẹ
Video đang HOT
Nhiều phụ huynh nhận định, nếu không thi đỗ ĐH, họ sẵn sàng cho con vào các trường nghề để được học một nghề nghiêm túc, có thể đảm bảo cuộc sống sau này. Tuy nhiên, không phải người con nào cũng ủng hộ suy nghĩ đó của cha mẹ.
Với nhiều em, học là sự tra tấn. Hoàng Tuấn Anh quê ở Hải Dương tâm sự: “Em đi học vì cha mẹ ép chứ em chẳng thích tý nào. Thấy mẹ em khổ sở quá nên em buộc phải theo học cho hết lớp”.
Còn Nguyễn Thị Ánh, tân sinh viên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật I cho biết: “Em muốn đi làm việc gì đó, nhưng bố mẹ cứ ép đi học kế toán. Quả thật lên lớp chỉ thấy buồn ngủ, rất căng thẳng. Có vào đầu chữ nào đâu”…..
Chia sẻ với hiện tượng này một giáo viên dạy môn Văn học của một trường trung cấp thừa nhận, việc tiếp thu kiến thức của học sinh tại trường trung cấp hiện nay là có hạn nên giáo viên cũng phải cố gắng truyền đạt, chỉ mong các em nắm được một phần nhỏ kiến thức chứ không hy vọng nắm bắt được toàn bộ những gì giáo viên truyền đạt. Cố gắng để các em nhớ và phân biệt được các tác phẩm, không bị nhầm lẫn tác phẩm này với tác phẩm khác.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, bên cạnh những hạn chế trong trình độ của học viên trung cấp, cũng phải nhìn nhận lại cách “nhồi nhét” kiến thức hiện nay của không ít trường. Với lịch học dày đặc trong một tuần để làm sao hết một học kỳ, các em phải hoàn thành xong chương trình phổ thông, đó là một sức ép quá lớn đối với những học viên mới chỉ học hết lớp 9.
Vì thế, cần đặt câu hỏi, với cách dạy và học như vậy thì sẽ đào tạo ra những nhân lực có chất lượng như thế nào? Liệu các em ra trường có đáp ứng nhu cầu của cơ quan doanh nghiệp không hay các trường chỉ cố gắng dạy, cố gắng nhồi kiến thức cho xong nhiệm vụ?
Theo LĐO
Đẩy mạnh phân tầng đại học
Trước tình trạng giáo dục đại học chạy theo số lượng như hiện nay, nhiều chuyên gia đề nghị cần đẩy mạnh phân tầng đại học để có chính sách đầu tư và tuyển sinh khác nhau, tạo ra hệ thống trường đại học đa dạng.
Qua thực tế giám sát chất lượng đào tạo của các trường ĐH-CĐ, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - kết luận điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường rất yếu. Thậm chí có trường trung cấp vừa được nâng cấp lên CĐ mới hai năm đã được nâng tiếp lên ĐH. Như thế làm sao đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo. GS Thuyết cho rằng không nên thực hiện việc nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH như hiện nay. Bởi các trường trung cấp, CĐ mạnh về đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, khi nâng lên bậc cao hơn sẽ không phát huy được thế mạnh của mình trong khi lại yếu ở việc đào tạo lý thuyết của bậc ĐH. Làm như thế chúng ta sẽ mất trường trung cấp tốt trong khi lại có trường CĐ non và mất trường CĐ tốt để có trường ĐH non.
Cân đối chất và lượng
Để giải quyết vấn đề này, theo GS Thuyết, Bộ GD-ĐT phải tham mưu cho Chính phủ để đánh giá chính xác mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng. Xã hội đang nghi ngờ về chất lượng đào tạo và có những đòi hỏi cao hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, khuynh hướng phấn đấu của Bộ GD-ĐT vẫn là số lượng. Hiện cả nước có 450 trường ĐH-CĐ và sẽ tăng lên 573 trường vào năm 2020 để đạt tỉ lệ 400 sinh viên/vạn dân. Phải đánh giá đúng để có thể điều chỉnh chiến lược, đáp ứng cả bài toán về số lượng và chất lượng.
Sớm giao quyền tự chủ cho các trường Chiều 12-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho Luật giáo dục ĐH sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2. Lãnh đạo các trường ĐH trên địa bàn đã đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo luật, trong đó tập trung vào các vấn đề tự chủ trong trường ĐH. Hầu hết các đại biểu tham gia nhấn mạnh cần phải giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường, để từ đó đổi mới và nâng cao chất lượng. Các ý kiến cho rằng không chỉ giao quyền tự chủ tuyển sinh mà cần cả tự chủ về tài chính, bằng cấp. MINH GIẢNG
Cũng nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng đào tạo, TS Vũ Thị Phương Anh - phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập - cho rằng cách quản lý chất lượng ĐH hiện nay Bộ GD-ĐT hầu như khoán trắng cho các trường. Cũng như công tác tuyển sinh hiện nay, bộ nắm đầu vào thả đầu ra trong khi đúng ra phải làm ngược lại. Công tác quản lý ĐH cũng vậy. Bộ chỉ xét mở ngành (đầu vào) và trong quá trình đào tạo không có cơ chế gì để kiểm định, điều chỉnh cho phù hợp. Nếu có hệ thống kiểm định ngành nghề với sự tham gia của các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp thì bộ và các trường sẽ kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng, thu hút người học.
Trong khi đó, GS-TS Đặng Lương Mô - cố vấn ĐHQG TP.HCM - đề xuất VN không nên vội đưa ra những mục tiêu xa vời, xây dựng các trường ĐH đẳng cấp châu lục hay quốc tế mà nên nhắm đến các mục tiêu gần, thiết thực, cụ thể và có thể đạt được trong tầm tay. Cần quy định rõ ràng các tiêu chuẩn tối thiểu đối với một ĐH để đảm bảo chất lượng ĐH về cơ sở vật chất (bao gồm cả phòng ốc thí nghiệm, phòng nghiên cứu...) và đội ngũ giảng viên có đủ số lượng và năng lực.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm một lớp học tại Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM sáng 12-10.
Không thể đánh đồng
Để giải quyết những bất cập trong phát triển giáo dục ĐH hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng phải xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng, từ đó đẩy mạnh phân tầng ĐH.
TS Vũ Thị Phương Anh đề xuất: căn cứ trên đặc thù và chức năng riêng của các trường, cần có các nhóm trường khác nhau để đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người học và địa phương. Chẳng hạn ở Mỹ, hệ thống ĐH cộng đồng làm rất tốt chức năng mở rộng cơ hội tiếp cận ĐH cho đại bộ phận người dân, trong khi những trường ĐH đỉnh cao có nhiệm vụ khác, đối tượng tuyển sinh khác. Ở VN, khi đánh đồng các trường, nhiều trường không tuyển sinh được sẽ phải dùng mọi cách để lách, thu hút thí sinh. Bên cạnh đó, bộ nên đẩy mạnh công tác kiểm định đầu ra để từ đó thị trường quyết định ai tốt thì tồn tại, ai không tốt sẽ bị đào thải.
Cùng quan điểm, PGS-TS Vũ Đình Thành - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng cấu trúc hệ thống giáo dục ĐH VN chưa phân tầng, các trường đều được đánh đồng như nhau trong khi mục tiêu, nhiệm vụ mỗi trường mỗi khác. Điều này dẫn đến việc đầu tư, chính sách tuyển sinh giống nhau, gây khó khăn cho các trường. Cần phải có các tiêu chuẩn về chất lượng để phân tầng ĐH thành trường ĐH mục tiêu nghiên cứu (số lượng sinh viên ít, đầu tư lớn, chất lượng sinh viên cao), các trường đáp ứng nhu cầu nhân lực sẽ là nơi học tập của đại đa số sinh viên.
Tương tự, GS-TS Võ Tòng Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo - cho rằng xu hướng ĐH hóa các trường CĐ là một chính sách sai lầm trong phát triển ĐH ở VN. Chúng ta đang phát triển theo thị hiếu người học (sính bằng ĐH) mà chưa căn cứ vào nhu cầu nhân lực thực tế. Không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH. Để phát triển, các địa phương cần đội ngũ nhân lực lành nghề, có kỹ năng chứ không phải tất cả đều là kỹ sư, cử nhân. Do đó mỗi tỉnh cần có một trường CĐ cộng đồng (gom các trường nghề, trung cấp, CĐ ở địa phương lại) để đào tạo những ngành nghề mà địa phương đang cần. Những sinh viên học xong nếu đủ điều kiện có thể liên thông lên ĐH.
Trong khi đó, TS Phạm Thị Ly - Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ĐHQG TP.HCM - phác họa một hệ thống ba tầng bậc: trên đỉnh hình tháp là các ĐH định hướng nghiên cứu, chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên, tiếp theo là các ĐH định hướng giảng dạy, chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên, và tầng dưới cùng là các trường CĐ cộng đồng, trường nghề, chiếm khoảng 50% số sinh viên (bao gồm cả các trường hiện nay do Bộ LĐ-TB&XH quản lý).
Đại học Quốc gia TP.HCM phải trở thành đầu tàu Sáng 12-10, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến thăm và làm việc với ĐHQG TP.HCM. Tại đây, Phó chủ tịch nước nhấn mạnh: "Đến năm 2020 ĐHQG TP.HCM phải trở thành đầu tàu của các ĐH cả nước. Đây là mô hình cần được phát huy và nhân rộng. Nếu được giao quyền tự chủ nhiều hơn, ĐHQG sẽ phát huy được sức mạnh và trí tuệ của toàn đội ngũ, góp phần phát triển hệ thống giáo dục ĐH. Đề nghị ĐHQG TP.HCM phát triển theo hướng ĐH nghiên cứu triển khai ứng dụng, sớm đứng vào hàng ngũ các trường ĐH tiên tiến trên thế giới". Chiều cùng ngày, tại cuộc làm việc với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, phó chủ tịch nước khẳng định nhiều trường ĐH tư thục đang đào tạo theo kiểu "ăn xổi ở thì", chạy đua tuyển sinh, không quan tâm tới chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra của sinh viên. Trong thời gian tới Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ siết lại chất lượng đào tạo tại các trường ĐH tư thục. Trần Huỳnh - Trường Giang
Theo TT