Lớp học mang ánh sáng công nghệ thông tin cho người khiếm thị
Hội người mù quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tổ chức lớp học về công nghệ thông tin dành cho người khiếm thị năm 2022.
Với mục đích giúp người khiếm thị có thể chủ động hơn trong cuộc sống, học tập và hòa nhập với cộng đồng, xã hội, lớp học được rất nhiều người hưởng ứng.
Cô Thanh – một học viên của lớp đang chăm chú theo dõi tin tức trên máy tính
Đều đặn 3 buổi/tuần, bắt đầu lúc 8h30 thứ 2, thứ 4, thứ 6, các học viên của lớp học Công nghệ thông tin của Hội người mù quận Thanh Xuân lại rộn ràng bắt đầu với những phím gõ bàn phím máy tính.
Chú Trương Quang Hải, 59 tuổi cũng là học viên lớn tuổi nhất trong lớp đang say sưa lắng nghe ca khúc “Tình khúc ngày và đêm” mà chú vừa tìm được trên Youtube. Chú Hải hào hứng chia sẻ: “Qua khóa học tôi đã biết sử dụng word, đang vào youtube. Việc học giúp tôi biết sử dụng máy tính cơ bản, biết được nhiều thông tin. Tuy rằng việc học khó khăn nhưng nếu cố gắng nhất định bản thân sẽ làm được.”
Chú Trương Quang Hải đang tìm kiếm bài hát chú yêu thích
Từ những bài học cơ bản đầu tiên, nay chú Hải đã vào Youtube giải trí một cách dễ dàng. Bài đầu tiên là làm quen với bàn phím, các học viên thuộc các kí tự trên bàn phím, được học cách đặt tay trên bàn phím. Ngón nào quản lý phím nào, họ cảm nhận từng vị trí các chữ cái. Điều đặc biệt giúp người khiếm thị học tốt hơn là chế độ đọc tiếng nói, mỗi lần gõ phím sẽ có chế độ đọc lên phím đó.
Video đang HOT
Toàn bộ nội dung khóa học học trong 36 buổi, hiện nay lớp đã hoàn thành 2/3 lộ trình học. Mọi người đã trải qua những bài học đầu tiên như làm quen với bàn phím, học về trình đọc màn hình; trình đọc màn hình trên máy tính cho người khiếm thị; cách quản lý thư mục, tập tin trên máy tính; soạn thảo văn bản trên Microsoft Word, học về internet: đọc báo và xem video trên youtube.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân cho biết: “Hiện nay là thời đại 4.0, để theo kịp với sự phát triển của xã hội, giúp những người khiếm thị chủ động tiếp cận công nghệ, Hội người mù quận Thanh Xuân mở các lớp công nghệ thông tin cho hội viên như lớp tin học, lớp điện thoại thông minh và nay có lớp học công nghệ thông tin học tập rất hiệu quả”.
Thầy Nguyễn Trung Thái, giảng viên của lớp học đặc biệt này cũng là một người khiếm thị, tuần nào thầy cũng dạy miễn phí tại lớp học đặc bệt này. Trong quá trình dạy của thầy cũng có những khó khăn bởi các học viên ở độ tuổi khác nhau, trẻ nhất là 27 tuổi, lớn nhất là 63 tuổi nên mỗi người sẽ có khả năng tiếp thu riêng. Thầy Thái phải chú ý từng người và có những chỉ dẫn riêng với từng đối tượng.
Ngoài ra, người học về nhà không có máy tính để phục vụ cho việc ôn luyện. Một số nội dung trong phần mềm trình đọc màn hình hay hệ điều hành Windows đa số bằng tiếng Anh nên hầu hết học viên đều gặp khó khăn.
Thầy Nguyễn Trung Thái chia sẻ: “Đa số học viên ở lớp đều chưa từng tiếp cận công nghệ thông tin, lần đầu sử dụng máy tính nên tôi cũng lo lắng không biết mọi người có tiếp thu được không nhưng với tinh thần ham học hỏi thì cơ bản sau bài kiểm tra giữa khóa, các anh chị đã hoàn thành tốt nội dung.”
Thầy Thái tận tình chỉ dẫn từng học viên thành thạo các thao tác
Cô Thanh (53 (tuổi) cũng là học viên chăm chỉ trong lớp. Cô đã vượt qua rất nhiều rào cản để đến với lớp học. Trước khi vào khóa học, cô bị bệnh Lupus ban đỏ, chân tay yếu, không đi lại được, vận động khó khăn nhưng cô vẫn quyết tâm theo lớp học. Đến nay theo gần hết khóa học, cô hào hứng khi nhận thấy quyết định đi học của mình là hoàn toàn đúng: “Lớp học công nghệ thông tin giúp cô biết nhiều tin tức trong xã hội, trên thế giới mà không bị hạn chế ở thiết bị xem như trên tivi. Tuổi già được tiếp thu những kiến thức mới rất vui, giúp tinh thần cô tốt hơn.”
Lớp học không chỉ có tiếng thầy giảng bài, tiếng gõ phím máy tính mà còn rôm rả cả tiếng cười nói của mọi người. Ở đây người khiếm thị được đến với ánh sáng công nghệ, được có thêm niềm vui và giúp đỡ nhau trong cuộc sống
Bài 2: Lớp học xóa mù chữ cho những học viên đặc biệt
Xã A Dơi và xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là hai trong số trong những địa phương có lượng người Lào sinh sống lâu năm được Chủ tịch nước Cộng hòa xã chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định nhập quốc tịch Việt Nam.
Thời gian qua, bên cạnh giúp người dân phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, Đồn Biên phòng Ba Tầng đã mở lớp dạy tiếng Việt để bà con thật sự tự tin an cư lạc nghiệp trên quê hương mới.
Người Lào học chữ Việt
Năm 2018, có 244 người Lào sinh sống lâu năm ở thôn giáp biên A Dơi Đớ (xã A Dơi) đón nhận niềm vui được nhập tịch. Điều này đã giúp họ chấm dứt những tháng này không quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam thực thụ với đầy đủ quyền công dân.
Tuy nhiên, những người Lào nhập tịch này chỉ có thể nói tiếng Pa Cô, Vân Kiều và tiếng Kinh nhưng hầu hết không biết viết, biết đọc và không biết làm các phép tính toán. Việc này khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập vào cộng đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, những người lính Biên phòng còn tính chuyện xa xôi hơn. Sau nhiều tháng chuẩn bị, tháng 10-2021, Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi tổ chức khai giảng lớp xóa mù chữ cho 35 phụ nữ đã quá tuổi đi học, trong đó phần lớn là công dân mới được nhập tịch.
Thượng úy Hồ Văn Hữu hướng dẫn học viên làm quen với bảng chữ cái và con số.
Lớp học được duy trì trong điều kiện hết sức khó khăn. Khi đó, dịch Covid-19 đang bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trên cả nước. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình, Đồn Biên phòng Ba Tầng và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi vẫn quyết định tiếp tục duy trì lớp. Mọi người trước khi vào lớp phải sát khuẩn tay, ai có yếu tố dịch tễ phải nhanh chóng khai báo để có biện pháp xử lý. Tháng 10 cũng là cao điểm là mưa bão ở miền Trung, thời gian trời mưa rả rích cả tuần nay, gió từ sông Sê Pôn thổi ràn rạt càng khiến cái lạnh đầu Đông thêm giá buốt, thế nhưng, lớp học của thầy giáo Hồ Văn Hữu vẫn đều đặn sáng đèn và các học viên đến rất đông đủ. Cả thầy và trò đều cố gắng để hướng tới những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai.
Người được giao phụ trách chính cho lớp học ở A Dơi Đớ là Thượng úy Hồ Văn Hữu (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng). Tuy trẻ còn trẻ tuổi nhưng tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và vượt lên số phận. Thượng úy Hồ Văn Hữu là người Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Tốt nghiệp lớp 12, chàng thanh niên Hồ Văn Hữu thi đỗ vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Học viện Hành chính Quốc gia. Người anh trai đầu của Hữu trước đó tốt nghiệp Học viện Hậu cần, công tác tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 đã "nhận trách nhiệm" nuôi em ăn học. Tuy nhiên, khi đang học năm thứ 2 thì anh trai mất nên Hồ Văn Hữu phải thôi học. Để có thể tiếp tục con đường học vấn mà không phải lo lắng chuyện tiền nong, Hồ Văn Hữu đã quyết định thi vào Học viện Biên phòng. Kết quả, anh thừa 3,5 điểm để trúng tuyển.
Những điều còn mãi
Lớp học xóa mù "chiếm" khá nhiều thời gian vì phải soạn giáo án, đứng lớp mỗi tối nhưng đối với Thượng úy Hồ Văn Hữu thì nó mang lại những niềm vui không phải ai cũng có được bởi đó là cảm giác hạnh phúc khi giúp đỡ được nhiều người. Chị Hồ Thị Hươi và Hồ Thị Vươi là hai chị em ruột và được sinh ra trên đất Lào nhưng cách đây khoảng chục năm thì về thôn A Dơi Đớ của Việt Nam sinh sống cùng họ hàng. Năm 2018, chị Hươi cùng chị gái và con gái là Hồ Thị Liên được nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, mọi người chỉ nói được mà không biết chữ. Vì việc này mà chị ngại không dám đi đâu ra khỏi thôn, khó khăn trong nuôi dạy con cái, thậm chí bị kẻ gian lừa lọc trong mua bán nông sản. Rồi khi nào có việc phải ra xã, vì không biết chữ chị phải nhờ mọi người đọc, viết giúp rồi chỉ có thể điểm chỉ rất bất tiện. Bởi vậy, khi Đồn Biên phòng Ba Tầng mở lớp dạy chữ, chị Hươi cùng chị gái, con gái quyết tâm đi học để từ nay không phải "điểm chỉ" và muốn "là một người Việt thực thụ".
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ thôn Prin Thành.
Ngày bế giảng lớp học, chị Hồ Thị Căn Vật cứ nắm tay Thượng úy Hồ Văn Hữu cảm ơn và nói rằng sẽ không bao giờ quên ơn các thầy giáo. Khi mới vào học, con chị Vật chưa được 1 tuổi, rồi việc nhà cửa, nương rẫy cũng đủ mệt nhưng vì muốn học chữ nên chị vẫn quyết tâm đến lớp. Sợ tiếng con khóc làm ảnh hưởng đến lớp, chị Vật thường chọn ghế gần cửa ra vào để mỗi lần con khóc chị đi ra sân dỗ nín rồi vào học tiếp. Biết chuyện của chị Vật mà nhiều người còn "lưỡng lự" đã thấy mình phải suy nghĩ lại.
Các thầy giáo Biên phòng còn "chạy" theo học viên. Ban đầu, lớp học được tổ chức vào thứ 6,7 và chủ nhật nhưng ngẫm lại, thứ 2, 3, 4, 5 là quãng thời gian nghỉ khá lâu nên các thầy quyết định học xen kẽ hoặc 3,5,7 tuần này, tới tuần sau học 2,4,6. Học viên cũng "không phụ" thầy giáo bằng cách cố gắng đến lớp đông đủ. Khi Thượng úy Hồ Văn Hữu thông báo phải ghép cùng lớp với thôn Prin Thành, mọi người không ngại đêm tối, trời mưa đi thêm mấy cây số sang để lớp học diễn ra đúng tiến độ.
Vốn là người Lào nên dù nay sinh sống ở Việt Nam nhưng người ở thôn A Dơi Đớ vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với các bản người Lào ở phía đối diện. Biên giới rất gần nên còn có bà con bỏ qua các thủ tục khi xuất cảnh. Bởi thế mà những lần lên lớp, thầy giáo Hồ Văn Hữu không quên nhắc mọi người phải tuân thủ Nghị định 34, Quy chế ra vào khu vực biên giới. Thầy Hữu nói rằng, việc anh em qua lại thăm nhau là điều rất quý nhưng dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc qua lại thăm thân phải tạm dừng để phòng, chống dịch. Nghe xong, ai cũng gật gù, các thầy giáo biên phòng nói rất đúng.
Thiếu tá Vũ Văn Trung, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết, từ tháng 10-2021 đến nay, Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi, xã Ba Tầng mở 5 lớp xóa mù chữ dạy cho 175 học viên. Tháng 5-2022 đã bế giảng 2 lớp với 65 học viên, hiện nay đang duy trì 3 lớp ở hai xã với 110 học viên, trong đó đa số là người Lào được nhập tịch. Với kết quả đạt được, thời gian tới các đơn vị tiếp tục phối hợp mở thêm các lớp xóa mù chữ, góp phần chấm dứt tình trạng mù chữ ở các địa phương.
(còn nữa)
Bà giáo và lớp học tình thương Gần 7 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1948, ngụ phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã dành trọn tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc các học sinh ở lớp học tình thương từ chính những nguồn thu nhập ít ỏi của mình. Bà luôn xem học sinh ở đây như con cháu trong...