Lớp học “khổng lồ” của thầy giáo tí hon
8h sáng, tôi tìm đến khu chung cư bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội – nơi tôi có cuộc hẹn với thầy giáo tin học Nguyễn Văn Hùng.
Nhấc máy gọi anh thì số điện thoại thuê bao, không liên lạc được. Có thể giờ này, giờ học đã bắt đầu nên anh Hùng tắt điện thoại.
Không thể gọi được anh Hùng, tôi bèn tìm hỏi người dân quanh khu vực này.
“À thầy Hùng tí hon đó à? Chắc giờ cậu ấy đang dạy học đấy. Để tôi dẫn anh vào”, một bác bảo vệ tốt bụng nhanh chóng đưa tôi đến lớp học của anh Hùng.
“Ở đây ai cũng biết cậu ấy. Người tí hon như trẻ con nhưng cậu ấy rất giỏi. Thỉnh thoảng cậu ấy ra sân đá bóng với trẻ con trong khu này, đố ai nhận ra cậu ấy có vợ rồi”, bác trai hóm hỉnh kể.
Lớp học “khổng lồ” của thầy giáo tí hon
Thầy giáo tí hon
Bước đến lớp học của thầy giáo Hùng, tôi phải loay hoay một lúc mới nhìn thấy anh. Người thầy đặc biệt cao vỏn vẹn 1m14 và nặng 17 kg dù anh đã bước sang tuổi 31. Anh đứng lọt thỏm giữa hàng chục học sinh. Giọng nói nhỏ nhẹ vang lên giữa lớp.
Nhìn anh Hùng thì khó ai tin anh đã 31 tuổi và có gia đình riêng. Dấu hiệu duy nhất phản ánh tuổi tác thật của anh, có chăng chỉ là những gợn nếp nhăn ở đuôi mắt sau cặp kính dày cộm.
Anh kể, từ khi lên 7 tuổi, căn bệnh thiếu hooc môn sinh trưởng đã khiến anh giữ nguyên hình hài của một cậu bé. Khi đó, bố mẹ anh chỉ nghĩ do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh “còi” hơn bạn bè. Họ vẫn tin rằng một vài năm sau, cậu con trai có thể lớn dần lên. Thế nhưng, 1 năm, 2 năm rồi đến khi anh Hùng bước vào cấp 2, thân hình của anh vẫn còi cọc như vậy.
“Bố mẹ đã đưa tôi đi khám tới 4 lần ở các bệnh viện ngoài Hà Nội và vô số lần ở các nơi khác nhau trong tỉnh ( Nghệ An). Gia đình khó khăn nhưng bố mẹ vay mượn khắp nơi để đưa tôi đi chạy chữa, hy vọng tôi có thể lớn lên như các bạn. Vậy nhưng, sau mấy năm trời thì cả nhà cũng đành chấp nhận sự thật”, anh Hùng kể.
Nhớ về những năm tháng học cấp 2, cấp 3, anh Hùng vẫn ám ảnh lời chê bai, miệt thị của một số bạn bè. Tốt nghiệp cấp 3, anh còn chẳng dám thi đại học vì anh vẫn luôn e sợ, với ngoại hình nhỏ bé như vậy thì “khó mà làm nên trò trống gì”.
“Sau khi tốt nghiệp, nhận thấy ở quê nhà quá khó khăn, tôi theo dì vào miền Nam sinh sống. Ở thành phố phát triển, hiện đại, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin. Từ đó, tôi nhận ra mình vẫn có thể học và kiếm được công việc phù hợp. Tôi quyết định đăng ký một lớp kỹ thuật viên tin học trong trường Trung cấp dạy nghề Đồng Nai”, anh Hùng tâm sự.
“Thế rồi đến năm 2, tôi xin đi làm gia sư. Lúc đầu người ta e ngại lắm, bảo làm sao mà bé như tôi có sức mà dạy ai. Tôi kiên trì thuyết phục họ để tôi dạy thử, nếu có kết quả mới dám lấy công.
Và rồi, một người học tốt truyền tai hai người, ba người… Tôi dần được nhiều học trò tin tưởng theo học. Sau này khi đã vững nghề, tôi cũng đi làm bảo trì, sửa chữa máy tính để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và gửi về cho mẹ chữa bệnh”.
“Có những lúc trở về nhà tôi gục khóc vì tại sao mình không mạnh khỏe, cao lớn như người ta. Nếu tôi có sức vóc ấy thì có thể làm nhiều việc hơn để giúp đỡ cha mẹ. Nhưng rồi thấy việc gục ngã, đầu hàng số phận là quá hèn nhát tôi lại đứng dậy, cố gắng học thật nhiều, làm việc thật chăm chỉ”, thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Nói về cơ duyên đến với nghề thầy giáo, anh Hùng cho biết, bước ngoặt cuộc đời anh là khi gặp được anh Công Hùng, 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2006 (Hiệp sĩ công nghệ thông tin chỉ với 1 ngón tay cử động được). Sau khi tốt nghiệp, anh Hùng ra Hà Nội làm việc tại mảng thiết kế đồ họa cho trung tâm Nghị lực sống do cố hiệp sĩ Công Hùng sáng lập.
Kể từ đó, cứ đều đặn mỗi ngày, anh Hùng lại lên lớp, dạy tin học cho học trò.
Lớp học “khổng lồ”
Thấm thoát đã 8 năm kể từ khi anh Hùng bắt đầu làm việc tại Trung tâm Nghị lực sống. Lớp học của thầy giáo Hùng đều là học sinh khuyết tật, gặp khó khăn trong vận động. Hàng năm trung tâm đào tạo tối thiểu 60 học viên chia làm hai đợt, mỗi một khóa kéo dài 6 tháng, các bạn sẽ được đào tạo tin học văn phòng, photoshop, tiếng Anh, kỹ năng mềm…
“Các bạn thường tự ti về bản thân nhưng có lẽ khi gặp tôi, một người thầy cũng có ngoại hình khác biệt thì các bạn cởi mở hơn, dễ trò chuyện, làm quen hơn. Ở đây, tôi không chỉ cùng các bạn học về chuyên môn mà còn cùng các bạn vượt qua mặc cảm”, anh Hùng tâm sự.
“Nhiều bạn nhận thức không tốt bằng các bạn bình thường nên mình cứ phải dạy đi dạy lại, nhắc đi nhắc lại cho các bạn. Mãi rồi cũng thành quen. Tôi không dám xưng là người thầy mà chỉ là người đi trước hướng dẫn, chỉ dạy thêm cho các bạn”, anh Hùng chia sẻ.
Ở trung tâm của thầy Hùng, các học viên đều không phải đóng học phí. Họ sống chung như một gia đình; sau buổi học mỗi người một chân một tay, người nấu ăn, giặt đồ, người dọn dẹp… Chi phí sinh hoạt, thuê phòng đều được mọi người tự nguyện san sẻ với nhau.
Một vài học viên gọi đây là lớp học “khổng lồ” của thầy giáo tí hon, bởi lẽ ngoài học kiến thức, học nghề, họ còn được học kĩ năng mềm, học cách vượt qua thiệt thòi của số phận và kiên cường vươn lên trong cuộc sống.
“Học một cái nghề là cách duy nhất để người khuyết tật có thể có cuộc sống ổn định, tự lập, làm công dân có ích cho xã hội. Tuy việc học nghề với các bạn khó khăn hơn người bình thường rất nhiều nhưng tôi vẫn hy vọng, mình có thể giúp được phần nào đó cho các bạn”, thầy giáo Hùng chia sẻ.
Bạn Nguyễn Hồng Như, một học viên tại lớp học của thầy giáo Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Ở lớp học này, thầy Hùng luôn mang đến nguồn cảm hứng cho chúng em. Thầy tận tình chỉ từng chi tiết cho các bạn và luôn vui vẻ hỏi lại “Các bạn còn phần nào chưa hiểu không?”. Nếu có thì thầy không hề ngại chỉ dạy lại. Đến đây, em cảm thấy hạnh phúc khi được học kiến thức mới và được gặp người thầy hiểu, thông cảm, truyền cảm hứng cho mình”.
Hiện nay, ngoài dạy học, làm công tác quản lý ở trung tâm, anh Hùng còn làm MC cho chương trình “Cuộc sống tươi đẹp” trên VTV4, tham gia dự án “Truyền thông thu hẹp khoảng cách”, là thành viên dàn hợp xướng đa dạng do Viện Nghiên cứu, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức, tham gia các hoạt động thiện nguyện…
Toàn Vũ – Hà Trang
Theo Dân trí
"Con hi vọng, con đi rồi mẹ sẽ vui vẻ hơn"
... Cuộc đời con từ nhỏ đến lớn, chưa ngày nào con không buồn bã và khóc một mình về đêm.
Nhiều lần con muốn tìm đến cái chết rồi lại gạt đi, vì con nghĩ con còn có gia đình, nếu con chết thì gia đình mình sẽ thế nào đây. Nhưng tất cả chỉ là con tưởng tượng ra thôi. Chẳng ai cần con hết..."
Ngày 26/11, một bé gái tử vong do "rơi" từ tầng 39 của chung cư tại Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng. Theo một vài thông tin, trước khi bé gái mất, bố mẹ có xảy ra cãi vã vài ngày trước đó. Trong tâm thư bé để lại có nói về nỗi buồn vì gia đình không ấm êm. Sự ra đi của bé khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy nghĩ và giật mình nhìn lại.
Ngày 30/11, một nữ sinh 16 tuổi ở Hà Tĩnh gieo mình xuống sống tự tử. Lá thư tuyệt mệnh em để lại trước khi kết thúc cuộc đời được lan truyền trên mạng xã hội khiến tim nhiều người nhói đau:
Là một người mẹ, tôi thật sự rơi nước mắt khi đọc được những dòng chữ như thế này. Có ông bố bà mẹ nào mà không thương con? Nhưng có những người, họ đang làm gì với con mình thế?
Chúng ta, những ông bố bà mẹ đã đi qua những năm tháng tuổi thơ, đủ trải nghiệm để hiểu trẻ con chúng nghĩ những gì. Chúng ta đã từng là những đứa trẻ thích vỗ về, thích nhõng nhẽo, thích được cưng nựng yêu thương. Chúng ta đã từng hạnh phúc thế nào khi được khen, buồn tủi thế nào khi bị chê bai la mắng.
Chúng ta đã từng là trẻ con, còn con chúng ta chưa từng được làm người lớn. Các con thật sự không thể hiểu chúng phải làm gì, phải cố gắng như thế nào để vừa lòng bố mẹ. Chúng không hiểu bố mẹ phải vất vả thế nào, kì vọng thế nào về con. Những đứa trẻ chỉ cần bố mẹ hiểu mình, đánh giá đúng bản thân mình, yêu thương chúng và cho chúng biết chúng được yêu thương.
Con gái tôi mới 7 tuổi nhưng mỗi lần bố mẹ có chuyện gì tranh cãi hơi to tiếng một tý đều gào lên khóc. Con thích bố mẹ nắm tay nhau mỗi lần đi dạo. Con thích bố thơm con một cái thì thơm mẹ một cái. Tôi biết con sợ, nỗi sợ của những đứa trẻ tuy không thể diễn đạt rõ ràng bằng lời nhưng các con hiểu đó là điều không tốt. Còn những đứa trẻ đang ở tuổi dậy thì, tâm lý các con đầy biến động ngổn ngang, nhạy cảm và dễ tổn thương, dù chỉ là một chút không khí nặng nề trong nhà, dù chỉ là một lời chỉ trích.
Con gái tôi mới 7 tuổi nhưng chồng tôi luôn đặt rất nhiều kì vọng: "Hôm nay con được 9 điểm thôi à, 9 điểm chưa giỏi, 10 điểm mới giỏi". "Con chỉ đứng thứ 3 trong lớp thôi à, con phải cố gắng đứng nhất kia". Tôi cũng như chồng tôi, luôn mong muốn con mình học tốt, nhưng tôi lại không thích nghe những lời như vậy.
Tôi nghĩ, chúng ta có quyền hi vọng nhưng đừng phủ nhận sự cố gắng của con. Phải biết chấp nhận rằng, không phải con mình lúc nào cũng sẽ hơn người khác. Nhiều đứa trẻ sinh ra đã giỏi hơn con mình, có tố chất và điều kiện phát triển hơn con mình. Đôi khi mình phải cho phép con thất bại và chấp nhận nó. Là bố mẹ, đừng chỉ nhìn con người ta, chỉ cần nhìn con mình của ngày hôm nay tiến bộ hơn ngày hôm qua là điều tuyệt vời rồi.
Tôi, dĩ nhiên không phải là một bà mẹ giỏi giang. Tôi là một bà mẹ đầy khuyết điểm. Tôi chỉ muốn hiểu con theo cách mà con muốn, động viên và khích lệ con theo cách con có thể cảm nhận được, và yêu thương con ngay cả khi con không làm được những việc đáng lẽ ra con phải làm tốt hơn.
Tôi thật lòng không hiểu vì sao có những ông bố bà mẹ luôn dùng những lời lẽ đắng cay để chứng tỏ với con rằng: "Mày chỉ là một đứa bất tài vô dụng".
Đối với một đứa trẻ mà nói, ngàn lời chê bai của bạn bè, của người lạ cũng không nặng nề bằng một lời miệt thị của mẹ cha. Bởi với trẻ con, cha mẹ là nơi che chở, là ấm êm. Là có những khi mình không tốt, dù cả thế giới có quay lưng thì mẹ cha mình vẫn dang tay đón nhận.
Chỉ trong vòng 5 ngày, hai trái tim trẻ đã ngừng đập vì áp lực gia đình. Trước đó đã có bao nhiêu sinh mệnh chọn cách kết thúc cuộc đời mình theo cách đáng thương như thế. Và nếu như những bậc làm cha mẹ không kịp giật mình nhìn lại, không tìm cách thấu hiểu tâm tư con thơ, thì rồi sẽ có bao nhiêu đứa trẻ cho rằng "chết là dấu chấm hết cho cuộc đời của một đứa tệ hại" như nữ sinh 16 tuổi ở Hà Tĩnh.
Nhiều khi tôi nghĩ, chúng ta đã phải vất vả thế nào để sinh ra và nuôi nấng một đứa trẻ, đã hạnh phúc thế nào khi nhìn con ngày một lớn lên khỏe mạnh. Sao rồi đến một ngày, một chút lắng nghe con cũng không làm được, một chút thấu hiểu con cũng không có. Sao lại để cho những đứa con của mình cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, bế tắc đến nhường ấy trong cuộc đời này?
Lê Giang
Theo Dân Trí
Cuộc hôn nhân "địa ngục" của cô gái 20 tuổi và quyết tâm vùng lên sau câu nói cay đắng từ chồng: "Tao vớ đâu chẳng được vợ" "Lúc đó, em nhịn không nổi nữa mới quay sang cười khẩy: 'Ok ly hôn, tôi hết chịu đựng được anh rồi, anh chờ đó, tôi sẽ viết đơn'", cô gái tâm sự. Trong cuộc sống chẳng phải sự lựa chọn nào của chúng ta cũng hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cái chính là phải mạnh mẽ thế nào để giải quyết...