Lớp học không giáo án và hành trình chinh phục ‘thế giới bóng tối’
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài (trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) giúp nhiều trẻ khiếm thị dạng đa tật hoà nhập với cuộc sống bình thường.
Khác với những lớp học bình thường, lớp học can thiệp kỹ năng dành cho học sinh khiếm thị đa tật do cô giáo Nguyễn Thị Hoài (sinh năm 1984) chủ nhiệm không bảng đen, không phấn trắng, không bút, không thước kẻ. Thay vào đó chỉ là những đồ vật hình tròn, hình vuông, hình tam giác đủ kiểu. Lớp học ấy được giáo viên trong trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đặt cho cái tên thân thương “ Lớp học hy vọng”.
Cô Nguyễn Thị Hoài ân cần chỉ bảo học sinh nhận biết đồ vật.
Lớp học không giáo án
Đều đặn mỗi ngày, cô Hoài vượt hơn 15km từ nhà đến trường từ sớm để chuẩn bị đồ chơi, lau dọn lớp học sạch sẽ trước khi đón học sinh vào học.
Lớp học can thiệp kỹ năng của cô Hoài có 7 học sinh. Ngoài việc kém may mắn bị khiếm thị bẩm sinh, 7 em trong lớp còn mắc thêm các chứng đa tật như tự kỷ, liệt, bại não, không thể tập trung… khiến việc dạy kỹ năng vô vùng khó khăn.
Trong lớp hai học sinh Đức Anh (6 tuổi) và Minh Châu (8 tuổi) là nặng nhất, các em không thể đứng vững, luôn phải có người đỡ bên cạnh và não không phát triển bình thường.
Nhớ lại lần đầu tiên tiếp xúc với học sinh lớp khiếm thị đa tật, cô Hoài bật khóc khi thấy em thì vịn vào cây để đi, có em lại lết chân, giơ cả 2 tay lên trời để dò dẫm di chuyển từng bước một, tất cả các em vừa đi vừa la hét, kêu gào không kiểm soát…
“Vốn trẻ khiếm thị tương lai đã mịt mờ, giờ các em mắc thêm chứng đa tật như vậy thì không biết cuộc đời sau này sẽ đi đâu về đâu” , cô tâm sự.
Các em rất đáng thương, hoàn cảnh gia đình khó khăn và không được tới trường, vì hầu hết các trường đều không nhận trẻ khiếm thị đa tật. Những ngày thời tiết thay đổi, các em đau đớn, khó chịu trong người mà không thể nói thành lời nên chỉ có thể gào thét, tự cào cấu bản thân và những người xung quanh. “Những ngày như vậy tôi không sao ngủ được, cứ nhắm mắt là lại hình dung ra gương mặt của học trò, với hốc mắt đỏ hoe, những con mắt trắng dã…”, cô Hoài nói.
Dạy kỹ năng cho học sinh khiếm thị vốn đã khó, với học sinh khiếm thị đa tật thì khó hơn gấp trăm lần. Không ít lần cô mệt mỏi vì dạy mãi mà các em không tiếp thu được. Nhưng mỗi lúc như vậy cô không cho phép bản thân bỏ cuộc.
Cô hiểu các em cần sự giúp đỡ của mình để có thể phát triển bản thân. Sức lực bỏ ra cho một lớp can thiệp kỹ năng sớm đôi khi gấp 2, gấp 3 lần so với một lớp dạy hoà nhập bình thường. Bởi hầu hết trẻ đều chậm phát triển không tự chủ được hành động, vệ sinh cá nhân, cô giáo thường xuyên phải kiêm luôn nhiệm vụ dọn dẹp “bãi chiến trường” cho học trò.
“Trẻ kiếm thị đa tật rất chậm phát triển, các em luôn thường thờ ơ, không hợp tác với cô giáo. Vì vậy bản thân tôi phải như một người mẹ, thấu hiểu những tâm tư tình cảm của trẻ, thì lúc đó mới tìm ra cách giáo dục tốt nhất.
Video đang HOT
Thế giới của học sinh khiếm thị rất nhỏ bé, chúng chỉ là một mảng màu đen kịt; các em nhìn, cảm nhận thế giới bằng đôi bàn tay, đôi tai. Do vậy, người giáo viên phải luôn ân cần, nhẹ nhàng nói lời yêu thương, chỉ cần to tiếng quát mắng là trẻ sẽ gào thét, phản kháng lại và thậm chí còn ghét bỏ cô giáo” , cô Hoài chia sẻ.
Mỗi lúc học sinh không tập trung, gào thét, cô Hoài và phụ huynh phải nhẹ nhàng dỗ dành với tất cả tình yêu thương.
Yêu nghề, yêu trẻ là vậy, nhưng trong lòng cô Hoài vẫn canh cánh nỗi lo, sau 12 năm năm bám nghề, nhà nước vẫn chưa có chính sách để đón nhận và hỗ trợ dạy học với những trẻ khiếm thị đa tật này dài hạn. Chỉ một vài năm học nếu không tiến bộ thì buộc lòng nhà trường phải để các em theo học ở các trung tâm ngoài trường để nhường chỗ cho các bạn mới khác.
Vì chưa có chính sách hỗ trợ nên đồng lương của cô Hoài cũng quá thấp, chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Không những vậy, giáo viên dạy trẻ khiếm thị cũng không có trong biên chế. Hiện mức lương cô nhận được tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn được trích từ các quỹ dự án dạy trẻ khiếm thị hoà nhập cộng đồng chứ không có lương của nhà nước trả.
Cô Hoài có hai con nhỏ, một bé 5 tuổi và một bé đang học lớp 3. Với mức lương như hiện nay, cô luôn phải chi tiêu tằn tiện nhưng vẫn rất chật vật trong cuộc sống. Chồng cô nhiều lần phản đối việc vợ dạy học vất vả nhưng lương không đủ sống và không có biến chế ổn định.
Nhiều người cũng từng trêu chọc cô rằng nghề vất vả ấy xã hội tránh không được thì cô lại lựa chọn. Những lúc như vậy cô Hoài chỉ cười và đáp: ” Tôi nhận được nhiều bài học về sự kiên nhẫn, thấu hiểu, lòng yêu thương hơn là mất đi. Dù vất vả đến đâu tôi cũng không bao giờ từ bỏ nghề, từ bỏ các em”.
Thiếu thốn trăm bề
Bà Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu cho biết, lớp học can thiệp kỹ năng sớm được xây dựng cách đây 4 năm. Lớp học nhằm mục đích can thiệp sớm với trẻ từ 2 tuổi trở lên những kỹ năng cơ bản như nhận biết đồ vật, làm chủ hành vi, nhận biết mặt chữ, số trước khi vào lớp 1.
Các em học sinh khiếm thị đa tật tiếp thu rất chậm, nhiều kĩ năng không thể đáp ứng được theo đúng độ tuổi. Đa phần các em học sinh bị rối loạn về hành vi, thiếu tập trung, tự kỷ, không tương tác với thầy cô, các em không thể ngồi học lâu quá 20 phút.
Do vậy, lớp học luôn yêu cầu phụ huynh phải cùng học, cùng tham gia với giáo viên để lắng nghe sự hướng dẫn của cô giáo cùng đồng hành với nhà trường để về nhà cũng có thể tự dạy con học.
Học sinh khiếm thị phân biệt đồ vật vuông tròn, nặng nhẹ theo cảm nhận của tay, các em tập nhận biết chữ nổi và số.
Trước đây khi chưa có lớp can thiệp kĩ năng, phụ huynh rất vất vả vì không biết phải gửi con vào đâu học. Bởi khi trẻ khiếm thị mắc chứng đa tật, gần như không có cơ sở giáo dục nào muốn tiếp nhận các em.
Chính vì vậy nhà trường đã mở lớp can thiệp kỹ năng sớm với mong muốn giúp các con có thể được trang bị các kỹ năng cần thiết trước khi bước vào lớp hoà nhập cùng học sinh trong đúng độ tuổi.
Mỗi học sinh được trang bị một cuốn sổ theo dõi cá nhân, hàng ngày giáo viên và phụ huynh sẽ cùng ghi chép những bài học, những tiến bộ của học sinh. Dù những chi tiết rất nhỏ như con nhận biết hình dạng đồ vật hình tròn, hình vuông, vật nặng, vật nhẹ…cũng đều được ghi chép chi tiết và cẩn thận để theo dõi quá trình tiến bộ. Sau khoảng thời gian 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng giáo viên sẽ tổng hợp lại và cùng trao đổi với gia đình để tìm kiếm thêm những giải pháp giúp trẻ tiến bộ hơn.
Việc dạy học trẻ khiếm thị đa tật không có giáo án cụ thể, giáo viên và nhà trường phải tự xây dựng kế hoạch giảng dạy và thường xuyên điều chỉnh theo từng cá thể học sinh.
Do đó, để dạy được những trẻ đặc biệt này rất cần những giáo viên được đào tạo bài bản từ khoa giáo dục đặc biệt ở các trường đại học lớn trên cả nước. Chỉ có các cô giáo này mới hiểu được những khó khăn, vất vả và điều gì cần đối với trẻ trong quá trình dạy kỹ năng, hình thành nhân cách trước khi bước vào hoà nhập.
Học sinh khiếm thị đa tật học cách nhận biết đồ vật.
Tuy nhiên, khó khăn lớn rất là biên chế cho những giáo viên dạy lớn can thiệp kỹ năng sớm, tất cả đều chỉ là hợp đồng dài hạn, mức lương quá thấp. Nguyên nhân, giáo viên dạy lớp này chỉ tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt, không có bằng giáo dục tiểu học nên không có điều kiện tham gia xét tuyển biên chế. Chính vì vậy, phần lớn các thầy cô không mặn mà với nghề và rất khó tìm giáo viên dạy mỗi đợt đầu năm học mới, bà Nga chia sẻ.
Thái Nguyên: Hoàn thiện mạng lưới, đa dạng hóa loại hình trường lớp
Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã có sự đầu tư thiết thực, hiệu quả cho công tác hoàn thiện mạng lưới, đa dạng hóa loại hình trường lớp.
Niềm vui của các em học sinh trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên
Để thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của địa phương, Chương trình Phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 đã tập trung chú trọng vào đầu tư cho cơ sở giáo dục, đa dạng hóa loại hình đào tạo.
"Nhiều nội dung quan trọng đã được chương trình quan tâm đầu tư, như: Khắc phục tình trạng quá tải về trường, lớp, học sinh, nhất là đối với cấp học mầm non và tiểu học; Xây dựng hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia ; Nâng cấp, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú..." - ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên trao đổi.
Năm 2020, toàn tỉnh có 683 cơ sở giáo dục (242 trường cấp mầm non, 441 trường cấp phổ thông), tăng hơn 11 trường so với năm 2015; cùng với 9 trung tâm GDNN - GDTX; 01 trung tâm GDTX cấp tỉnh; 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Trong đó, đáng chú ý, hệ thống các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập, chất lượng cao là 28 trường. Sự ra đời của một số trường học mô hình hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế tạo nên luồng gió mới tích cực cho giáo dục.
Khuôn viên sạch đẹp của trường Tiểu học Đội Cấn (TP Thái Nguyên)
Đây là sự bổ sung cần thiết, đa dạng hóa loại hình trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng quá tải về trường, lớp, học sinh, nhất là với cấp mầm non, tiểu học.
Cũng trong những năm gần đây, đã có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT và 5 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS ở các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương được mở rộng, nâng cấp; 10 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các địa phương khó khăn đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất.
Đặc biệt, trường THPT Chuyên của tỉnh Thái Nguyên được xây dựng mới với hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất tiện nghi hiện đại, tạo nền tảng điều kiện quan trọng để tiếp tục phát triển lĩnh vực giáo dục chuyên sâu, mũi nhọn, chất lượng cao.
Với những sự đầu tư thiết thực, Thái Nguyên đã đạt nhiều chuyển biến tích cực trong mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều, bền vững. Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được duy trì và nâng cao; 178/178 xã/phường/thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 trở lên. Kết thúc năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 572/683 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,75% (tăng 8,45% so với năm học 2015 - 2016).
Trường TH & THCS 915 Gia Sàng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại
Một trong những cơ sở giáo dục đón nhận nhiều sự quan tâm đầu tư thiết thực là trường Tiểu học Đội Cấn (TP Thái Nguyên) - ngôi trường nằm trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, một trong những phường trung tâm đông dân cư và dân số trẻ, lượng học sinh đông nhất của thành phố.
Năm học 2019 - 2020, nhà trường có 47 lớp, nhưng chỉ có 34 phòng học, trong đó 2 phòng phải cải tạo từ kho. Thiếu phòng, nhà trường phải chia ca dạy học 2 buổi, thậm chí môn Mỹ thuật phải thuê Nhà văn hóa tổ, học theo hình thức 01 buổi/lớp/tháng. Muốn tổ chức hoạt động chung, nhà tường phải tính toán sắp xếp vô cùng khó khăn.
Năm học mới 2020 - 2021, nhà trường được nhận thêm cơ sở mới từ trường THCS Nguyễn Du để lại. Có thêm 20 phòng học, số lớp tăng từ 43 lên 47, số học sinh tăng từ hơn 1.800 lên hơn 2.000 em, quy mô mở rộng nhưng nhà trường vẫn đảm bảo các điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục một cách thuận lợi.
"Số học sinh bình quân trong một lớp học giảm xuống, giáo viên có điều kiện sát sao với các em hơn, chất lượng dạy học được nâng lên. Nhà trường được chủ động, thuận tiện hơn trong việc bố trí sắp xếp cho giáo viên cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh" - cô giáo Nguyễn Thị Yến, Phó Hiệu trưởng Phụ trách nhà trường chia sẻ.
Nhìn sự tất bật nhưng ánh mắt luôn tràn đầy niềm vui và năng lượng của cô Nguyễn Thị Yến, lại càng cảm nhận rõ hơn hạnh phúc của những thầy cô giáo, những ngôi trường đang rộng mở đón nhận và chăm sóc, giáo dục các học trò thân yêu.
Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người là bấy nhiêu năm cô Bùi Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Châu I (Di Linh, Lâm Đồng), trăn trở tìm ra giải pháp để đẩy mạnh công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Với cô, mọi trẻ em dù khuyết tật nhưng vẫn có những năng lực...