Lớp học giữa đại ngàn
7 năm xa nhà, chuyển công tác đến 3 lần, nhưng thầy Tuyền chưa lần nào than thở vì khó khăn.
Yêu nghề, thương các em học sinh nên thầy Tuyền tận tụy gắn bó với mảnh đất vùng cao, gieo chữ để các em thoát khỏi những lạc hậu, tìm ra con đường mới giúp bản thân và buôn làng phát triển.
Thầy Tuyền say sưa dạy con chữ cho các em học sinh với mong muốn các em sẽ giúp buôn làng phát triển, hết lạc hậu.
Lên non truyền con chữ
9 giờ sáng, đoàn chúng tôi được thầy Lê Văn Thức – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ngọk Tem dẫn đường vào thăm điểm trường Điek Tà Âu ( xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Mặc dù cả đoàn đợi xế trưa mới đi, tuy nhiên vẫn không tránh được lớp sương mù bao phủ trắng xóa.
Dù là ban ngày nhưng xe cộ đi lại vẫn phải bật đèn để tránh các phương tiện đi ngược chiều. Màn sương dày kịt, những hạt mưa cứ thế táp vào mặt khiến quãng đường vào điểm trường càng khó khăn, xa xôi diệu vợi.
Sau khi băng qua những con đường khúc khuỷu, dốc cao thẳng đứng, bên cạnh là vực sâu thăm thẳm cả đoàn cũng đến được Điek Tà Âu. Tuy nhiên, do đường sình lầy, trơn trượt nên tất cả gửi xe máy và đồ đạc không cần thiết lại nhà dân để giữ sức “cuốc bộ” leo dốc vào điểm trường.
Do chưa quen địa hình, trời lại vừa mưa xong nên đường trơn như đổ mỡ, chúng tôi cứ đi được một đoạn lại trượt té. Để động viên cả đoàn, thầy Thức chia sẻ: “Cứ mưa xuống là con đường đất lại sình lầy, trơn tuột như vậy đấy. Các thầy cô giáo cắm bản ở đây vào mùa mưa phải lội bộ khoảng 4km để lên điểm trường. Người dân cũng phải để xe lại ven đường, chứ không thể leo lên con dốc này được”.
Do là lớp ghép nên 11 em học sinh phải ngồi xoay lưng lại với nhau để học.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ, điểm trường Điek Tà Âu lẩn khuất giữa những làn sương mờ ảo trên ngọn núi Ngọk Brel. Mọi người thở hắt vui mừng rồi ngồi phịch xuống nghỉ chốc lát vì chân ai nấy đều mỏi rã rời.
Từ xa, chúng tôi đã nghe những tiếng ê a tập đọc của những đứa trẻ vùng cao. Lại gần, điểm trường Điek Tà Âu chỉ vỏn vẹn có một phòng học với 2 lớp ghép là lớp 1 và 2. Thầy Đoàn Văn Tuyền (28 tuổi) – dáng người nhỏ nhắn đang say sưa dạy 11 em học sinh người Ca Dong.
Mặc dù phòng học được sửa sang vững chãi và khang trang, nhưng bàn ghế đã sờn cũ. Ở 2 đầu phòng học, 2 chiếc bảng cũng đã xỉn màu, 2 tốp học sinh ngồi xoay lưng lại với nhau. Một bên các em đang tập đánh vần, bên còn lại đang cặm cụi làm những phép toán đơn giản.
11 giờ trưa, lớp học kết thúc, lũ trẻ dọn sách vở và không quên khoanh tay chào thầy giáo. Thấy sự xuất hiện của chúng tôi, lũ trẻ cũng lễ phép cúi đầu chào rồi rảo bước ra về. Trên tay chúng lỉnh kỉnh áo mưa, túi bóng để quần áo và sách vở không bị ướt. Đi được một đoạn lũ trẻ vẫn ngoái đầu lại nhìn, nở nụ cười rạng ngời vẫy tay chào mọi người.
Chia tay lũ trẻ, thầy Tuyền dắt chúng tôi về nơi ở của thầy (được người dân cho mượn). Căn nhà sàn được chắp vá bằng những tấm ván tạm bợ, bên dưới được lót bằng nhiều phên nứa, chi chít lỗ hổng. Một lúc gió lại lùa từ dưới những tấm phên lên, rít từng hồi.
Các em học sinh lỉnh kỉnh mang đồ đạc về nhà.
Video đang HOT
Kéo trò đến lớp bằng… kẹo
Cất giáo án vào góc nhà, thầy Tuyền vội xắn áo vào chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. Đôi tay thoăn thoắt vừa làm, thầy vừa kể: Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Tĩnh nắng gió, sau khi ra trường, ở quê không xin được việc làm nên thầy khăn gói lên Kon Tum. Đến nay đã có 7 năm gắn bó với mảnh đất này, tuy nhiên cũng 3 lần chuyển công tác.
Trước khi chuyển lên điểm trường Điek Tà Âu, thầy đã được đồng nghiệp “cảnh báo” về những khó khăn nơi đây. Tuy nhiên, vì yêu nghề, mến các em học sinh nên thầy vững bước lên đường để tiếp tục “gõ đầu trẻ”.
Ngày thầy Tuyền lên nhận công tác ở Điek Tà Âu trời mưa rả rích. Với hành trang là chiếc xe máy cũ cùng giáo án và vài bộ quần áo, thầy băng qua những đoạn đường ngoằn nghoèo, hiểm trở. Đến đoạn đường xấu không đi được đành để xe ở nhà người dân rồi đi bộ lên. Đi mãi, hỏi đường cả chục lần mới đến được điểm trường.
Những ngày đầu, thầy gặp khó khăn khi làm quen với học trò mới của mình. Bởi người dân nơi đây đang đối mặt với nhiều thách thức (giao thông đi lại khó khăn, thiếu nước sạch, kinh tế chậm phát triển) nên đời sống còn nhiều lạc hậu, nghèo đói. Thời gian đầu, thầy Tuyền phải dạy các em vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt. Sau đó là dạy cho lũ trẻ thoát khỏi mặc cảm, tự ti. Nhiều buổi học, thầy phải lặn lội đến từng nóc nhà để vận động các em học sinh đến lớp. Để các em đi học chăm chỉ và hăng hái phát biểu, thầy phải mua kẹo để khuyến khích lũ trẻ. Dần dần, thầy và trò trở nên thân thuộc, gần gũi, các em học sinh cũng siêng năng đến lớp học con chữ.
Mặc dù đã xế trưa, nhưng đường vào Điek Tà Âu vẫn mờ sương.
11 trò, 2 giáo án
“Mặc dù có 11 học sinh, nhưng do là lớp ghép nên mình phải soạn 2 giáo án khác nhau. Để không bị lẫn lộn kiến thức của 2 lớp, mình dạy chéo, nếu lớp 1 học Toán thì lớp 2 học Tiếng Việt và ngược lại.
Các em học sinh nơi đây mặc dù tiếp thu chậm nhưng rất ngoan và nghe lời thầy cô. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các em là động lực giúp mình cố gắng mỗi ngày”, thầy Tuyền tâm sự.
Không chỉ con đường gieo chữ mà con đường vợ chồng thầy gặp nhau cũng gian nan không kém. Thầy Tuyền và vợ quen nhau từ thời sinh viên, sau khi ra trường 2 người dắt díu nhau lên mảnh đất Kon Tum. Tuy nhiên, rui rủi thay 2 người lại dạy ở 2 điểm trường khác nhau, cách hơn 50 km.
Do khoảng cách và công việc nên 2 vợ chồng đành gửi con gái đầu lòng cho bà ngoại nuôi. Cứ cuối tuần thầy Tuyền lại chạy xe qua thăm vợ, còn con gái có khi cả tháng hoặc vài tháng mới về ngủ với con được một đêm. Mỗi lần về nhà thăm con, 2 vợ chồng cũng không thể đi cùng nhau, mỗi người rẽ một hướng rồi hẹn gặp nhau ở nhà.
Cả đoàn quây quần cùng nhau ăn bữa cơm ấm cúng xua tan cái giá lạnh.
Ở đây mưa rừng có khi kéo dài cả tháng. Trời mưa đường đi lại khó khăn, chưa kể có thể sạt lở. Do đó, mùa mưa mặc dù nhớ con da diết nhưng thầy Tuyền cũng không dám liều mạng chạy xe về. Mỗi đêm như thế, cùng với gió lạnh rít qua các khe cửa, thanh nứa, cảm giác như cắt da cắt thịt.
Người dân trong làng sợ thầy thấy khó, thấy khổ sẽ bỏ về nên thường xuyên qua tâm sự, có bó rau, con cá ngon cũng mang qua để thầy nấu cơm. Ông Già A Thao (70 tuổi) cũng sợ thầy về xuôi, lũ trẻ sẽ không được ai dạy nữa nên đón thầy về ở cùng. “Gia đình chẳng có gì cả, chỉ có tấm lòng yêu quý thầy Tuyền. Thầy ở trong nhà mình có rau ăn rau, có thịt ăn thịt. Mình coi thầy như con cái trong gia đình. Thầy ở lại đây, lũ trẻ mới biết được con chữ, chứ thầy mà về xuôi, làng mình cứ lạc hậu mãi thôi”.
Thầy Vũ Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ngọk Tem cho biết: Trường có 9 điểm trường nằm rải rác ở các thôn, làng xa xôi. Trong đó, Điek Tà Âu là một trong những điểm trường khó khăn, xa xôi nhất.
Với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, điều kiện kinh tế khó khăn, đường đi lại hiểm trở, ít tiếp cận được với bên ngoài nên còn nhiều hủ tục. Do đó, những thầy cô giáo gieo chữ trên điểm trường như Điek Tà Âu không chỉ dạy kiến thức cho các em học sinh, mà còn tuyên truyền, vận động bà con thay đổi trong suy nghĩ và lối sống văn hóa.
Không riêng Điek Tà Âu mà toàn trường tỷ lệ học sinh đến lớp gần như đạt 100%. Ở những nơi khó khăn như thế này, việc giữ trò đến lớp như một “cuộc chiến” trường kỳ của các thầy cô. – Thầy Vũ Ngọc Thành
Dung Nguyễn
Theo Giáo dục Thời đại
Thầy Hiệu trưởng 21 năm đi xin từ đôi dép... đến cả ngôi trường cho học sinh
Những tháng ngày thanh xuân của thầy là những giờ leo dốc, lội suối, vượt lũ vào tận bản làng gieo chữ cho học sinh vùng cao.
Đó là câu chuyện của thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (thuộc xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), người đã dành gần nửa cuộc đời cho giáo dục vùng cao.
"Cuốc bộ" gần 100km để vào trường
Nhớ lại những tháng ngày vác ba lô lên Nam Trà My (Quảng Nam) dạy học cách đây hơn 21 năm, thầy Phương chia sẻ:
Thầy Lê Huy Phương trong một chuyến vượt rừng vào các điểm trường lẻ. Ảnh do NVCC
"Năm 1988, mình tốt nghiệp trung học phổ thông, thời điểm đó các xã miền núi của huyện Trà My cũ thiếu giáo viên nghiêm trọng.
Do đó, mình đã chọn nghề giáo và được cử đi đào tạo cấp tốc. Đến tháng 11/1998 mình vác ba lô cùng anh em lên Nam Trà My dạy học cho đến bây giờ cũng đã 21 năm".
Từ năm 1999 đến năm 2009, thầy vừa làm vừa học từ trung cấp, lên cao đẳng, rồi hoàn thành chương trình đại học tại trường Đại Học Sư phạm Quảng Nam.
21 năm bám bản, bám trường đã để lại trong quãng đời gieo chữ của thầy những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là những chuyến vượt rừng, đi bộ hàng chục cây số để đến lớp hay những cơn đói lả trong bao lần chèo bè, vượt lũ.
"Mình còn nhớ mùa mưa lũ năm 2000, khi đó đá sá sạt lở, xe khách từ trung tâm không thể di chuyển lên Nam Trà My được. Chỉ có xe ôm là đi được, giá xe ôm chở hai người đi khoảng 50km là 250.000 đồng nhưng lương mình hồi đó chỉ có 307.000 đồng/tháng.
Vậy là ngày cuối tuần quyết định đi bộ về thăm nhà. Nhà mình nằm cách điểm dạy gần 100km đường dốc, suối... Đầu tuần lại cuốc bộ trở lại trường".
Thời gian cho một chuyến đi bộ về đến nhà là ba ngày, đi lên cũng vậy và cõng ba lô nặng tầm 15-18kg. Cuộc sống những ngày cắm bản gian khổ là vậy nhưng thầy Phương và đồng nghiệp vẫn cảm thấy ấm áp bởi sự đùm bọc, che chở của bà con dân bản.
"Dù nghèo khó nhưng bà con chia sẻ với thầy cô từng mớ rau, con cá. Giáo viên nào không may bị đau ốm thì người già bảo thanh niên khiêng thầy cô xuống bệnh viện ngay. Đó là những năm tháng lăn lộn hạnh phúc khi mình còn là giáo viên dạy các điểm lẻ suốt từ năm 1998 - 2011".
Giờ đây, trên cương vị Hiệu trưởng một trường miền núi với 10 điểm trường lẻ nằm rãi dọc theo dãy Trường Sơn, thầy Phương cũng thấu hiểu nỗi vất vả của những giáo viên cắm bản.
"Hầu hết giáo viên cắm bản đều từ đồng bằng lên đây nên phải chấp nhận cuộc sống xa nhà, không có điện, sóng điện thoại thì lúc có lúc không. Rồi bất đồng ngôn ngữ, muốn nhờ bà con giúp gì cũng khó, từ công việc đến sinh hoạt.
Muốn vào điểm trường, giáo viên phải đi bộ, trèo đèo lội suối hàng giờ đồng hồ, cõng nặng ba lô trên vai. Trước đây, các điểm lẻ trường còn tạm bợ, lên đến nơi thấy mà tủi thân lắm, nơi ăn ở sinh hoạt thì sụp xệ...
Sự hy sinh lớn lao nhất của giáo viên vùng cao đó là tuổi thanh xuân. Hầu hết là giáo viên trẻ, mới ra trường.
Thời gian đẹp nhất của đời người đã dành trọn cho vùng khó khăn thì họ sẽ không còn nhiều lựa chọn cho chuyện tình cảm, xây dựng gia đình...", thầy Phương tâm sự.
Xin từ chén gạo đến cả... ngôi trường cho học sinh
Thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn của học sinh vùng cao, từ những ngày còn là giáo viên cắm bản, thầy Phương đã kết nối với nhiều bạn bè có tấm lòng thơm thảo để giúp bữa cơm các em có thịt, có thêm chiếc áo để mặc ấm trong mùa động rét buốt...
Vận chuyển vật liệu bằng bè vượt suối để xây dựng điểm trường lẻ Tăk Rối. Ảnh do NVCC
Điểm trường nào thiếu thốn bàn ghế, sách vở, nhu yếu phẩm... thì thầy lên mạng kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ.
"Bên cạnh những hỗ trợ vật chất trước mắt nhằm giải quyết khó khăn cho học sinh và giáo viên vùng cao thì về lâu dài phải xây dựng điểm trường kiên cố, chắc chắn.
Từ trước năm 2015, mình có đến 10 điểm trường lẻ tạm bợ. Cuộc sống sinh hoạt của giáo viên ở những điểm trường này rất kham khổ. Mọi thứ từ bàn ghế, phấn bảng, nhà ở cho giáo viên... đều tạm bợ, sập sệ".
Thầy Phương cũng chia sẻ suy nghĩ: "Làm thế nào để xóa hết các điểm trường tạm bợ khi nguồn ngân sách còn khó khăn? Nếu lúc đó, có ai nghĩ ra cách gì giúp thì dù cho mình không còn làm Hiệu trưởng nữa cũng chấp nhận".
Trao đổi với những người bạn trong câu lạc bộ "kết nối yêu thương" và những nhà hảo tâm, thầy Phương cùng mọi người bắt tay kêu gọi sự giúp đỡ để xóa điểm trường tạm bợ.
Những hình ảnh về sự khó khăn, vất vả của giáo viên ở các điểm trường lẻ đã khiến nhiều người xúc động. Những tấm lòng san sẻ gửi về đã giúp thầy Phương có đủ kinh phí để xóa dần những điểm trường lẻ tạm bợ.
"Đến đầu năm 2018 mình đã xoá toàn bộ 10 điểm trường tạm bợ, có chỗ học đàng hoàng, khang trang, có chỗ ăn ở sinh hoạt cho thầy cô đảm bảo. Đầu năm học 2019 - 2020 vừa qua, trường mới khánh thành một điểm trường lẻ Tăk Rối do nhóm "bạn thương nhau" và anh Bình Nam làm chủ nhiệm, kết nối với các nhà hảo tâm xây dựng rất khang trang và đẹp.
Sau mỗi ngôi trường tạm bợ được xoá đi và thay thế bởi ngôi trường mới khang trang, bạn sẽ không cảm nhận được sự hạnh phúc như thế nào đâu, rất hạnh phúc, rất ấm cúng", thầy Phương nói.
AN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Nhìn đồng nghiệp cắm bản để yêu công việc của mình hơn Quan hệ thầy trò được xác lập bằng bức ngăn kinh tế, vẫn tồn tại khái niệm "có đi có lại mới toại lòng nhau". Chúng ta vẫn thường hay nói, nghề dạy học bây giờ vừa khó khăn vừa vô cùng áp lực. Điểm trường Đán Mẩy (Ảnh minh họa của Báo Giáo dục và thời đại) Thế nhưng nếu so sánh...