Lớp có 3 học sinh
Lớp học trên đảo Hòn Tre chỉ vỏn vẹn 3 học sinh. Những con chữ nhọc nhằn đã đến với các em bằng cả tấm lòng của một thầy giáo trẻ.
Điểm trường Đầm Báy là nơi xa nhất và khó khăn nhất trong số 4 điểm trường thuộc Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 (P.Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Để đến trường dạy học, sáng thứ hai hằng tuần, thầy Nguyễn Văn Cần (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) có mặt tại cảng Cầu Đá đi tàu gần 2 tiếng đồng hồ ra đảo. Do điểm trường Đầm Báy nằm trong eo đảo, ngược đường các tàu qua lại, nên chủ tàu chỉ cập bến tại điểm trường Bích Đầm.
Từ đây, thầy Cần thuê thuyền hoặc nhờ người dân Đầm Báy ra chở, nhưng không phải khi nào cũng gọi được. Đã hàng chục lần, thầy Cần phải vượt núi, băng rừng từ điểm trường Bích Đầm đến điểm trường mình phụ trách. “Điểm trường Bích Đầm nằm bên này đảo Hòn Tre thì điểm trường Đầm Báy nằm phía bên kia. Những hôm không có tàu thì phải đi bộ gần 7 km, mất khoảng hai tiếng mới đến trường. Lần đầu chưa quen đường, mình cứ theo đường mòn người dân lên rừng hái củi mà đi. Vừa sợ lạc đường, vừa sợ không kịp lên lớp”, thầy Cần kể.
Thầy Cần trong lớp học tại điểm trường Đầm Báy – Ảnh: N.C
Điểm trường không đánh trống, cứ đúng giờ, thầy và trò có mặt tại lớp. Trên đảo chỉ có 3 học sinh nên thầy Cần phải “gom” các em lại để dạy một lớp. Trong lớp học, Võ Thanh Dũng học lớp 5, Võ Cường My và Đỗ Văn Minh học lớp 3. Dũng và My là anh em ruột, còn Minh là em họ. Thầy Cần dùng phấn chia bảng ra thành hai, xếp mỗi khối lớp ngồi một dãy bàn để tiện cho việc dạy học. Sau khi hướng dẫn làm xong bài tập toán cho học sinh lớp 5, thầy quay sang dạy tập đọc cho học sinh lớp 3.
Video đang HOT
Dạy học trên đảo nên thầy Cần phải ở lại, chỉ những ngày cuối tuần mới về đất liền. Sau giờ lên lớp, thầy lại về phòng làm bạn với chiếc radio cũ. Phòng thầy Cần cách lớp học chỉ một bức tường. Trên đảo chưa có điện, thầy dùng vỏ chai nước chụp lên ngọn nến nhỏ để che gió, ánh sáng không đủ nhìn rõ mặt người. Do không có nước ngọt nên thầy phải hứng nước mưa vào lu chứa dùng dần.
Ông Phan Gia Phái – Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 nói: “Là thanh niên, họ có thể vượt qua những khó khăn về vật chất, nhưng đáng sợ nhất là cái buồn. Phải là người tâm huyết với nghề lắm, thầy Cần mới có thể bám trụ lại đảo lâu như vậy”.
Theo TNO
Suất cơm miễn phí ấm lòng học trò nghèo
Hàng chục ngàn suất cơm miễn phí đã được ông Nguyễn Văn Diên (991 Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) đều đặn trao cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn phần nào giúp "tụi nhỏ" được no lòng trên bước đường tìm đến con chữ.
Ông Tám Diên và các em học sinh trong giờ ăn trưa.
Vào giờ tan trường buổi trưa, các em học sinh nghèo của 2 trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo và THCS Hiệp Phước (cùng ở xã Hiệp Phước) lại có chung một điểm đến, đó là nhà văn hóa xã cách đó không xa. Tại đây, sau khi trình phiếu ăn (được phát từ hôm trước), các em được nhận phần cơm của mình và vui vẻ ngồi vào bàn ăn. Mỗi suất ăn luôn đảm bảo có cơm, canh và thịt cá. Ăn xong, các em uống nước, nhận phiếu ăn cho ngày hôm sau và trở về trường để chuẩn bị cho giờ học buổi chiều.
Trước đây, khi chưa có bếp ăn của "bác Tám Diên" (tên thân mật của ông Nguyễn Văn Diên), các em học sinh không có khả năng đóng tiền bán trú đành phải chạy về nhà hoặc chờ người nhà mang cơm tới, còn không thì ra bên ngoài mua chút quà vặt lót lòng tạm cho buổi học kế. "Mấy đứa nhà gần thì còn đỡ chứ nhà xa thì cực lắm. Cha mẹ phải đem cơm tới trường cho con trong khi còn bận bịu công việc. Bếp ăn của bác Tám Diên không chỉ giúp tụi nhỏ mà phụ huynh tụi tui cũng đỡ vất vả nhiều lắm" - một phụ huynh ở ấp 4 chia sẻ.
Nói về việc lập bếp ăn, ông Tám Diên tâm sự: "Tôi cũng là người địa phương nên biết xã còn nhiều gia đình hết sức khó khăn. Việc cho con đi học đã là một nỗ lực rất lớn của họ. Có lần, tôi chứng kiến một học sinh buổi trưa cầm 2.000 đồng ra quán mua cơm không, xin thêm chút nước chan và ngồi ăn ngon lành. Hình ảnh đó cứ làm tôi day dứt mãi".
Tuy nhiên, để đi đến quyết định thành lập bếp ăn miễn phí cho học sinh nghèo này, ông Tám Diên đã phải suy nghĩ thật nhiều: "Ban đầu tôi lo sức mình không kham nổi, lỡ làm nửa chừng rồi bỏ dở thì coi sao được". Nhưng rồi, vợ con ông cũng hết lòng tán thành và động viên nên ông quyết định làm. Đem ý định trình bày cùng chính quyền địa phương và được ủng hộ nên ông càng thêm tự tin. Mượn khuôn viên của nhà văn hóa xã, ông bắt đầu xây dựng bếp, khu nhà ăn, thuê thêm người nấu ăn và bắt đầu phục vụ học sinh từ năm 2009.
Hiện tại, mỗi ngày bếp ăn của ông Tám Diên phục vụ hơn 130 suất ăn miễn phí cho học sinh. Số lượng suất ăn sẽ căn cứ vào danh sách do chính quyền hay Hội Chữ thập đỏ địa phương giới thiệu vào đầu mỗi năm học, một phần khác do cha mẹ các em chủ động nhờ giúp đỡ. "Tôi chỉ mong mình có sức khỏe cũng như điều kiện để công việc này không bao giờ phải dừng lại. Hy vọng các bữa cơm sẽ phần nào tiếp thêm sức cho mấy đứa nhỏ đến trường. Vì chỉ có học hành mới có thể giúp cho đời tụi nó sau này bớt cơ cực" - ông Tám Diên bộc bạch.
Bên cạnh việc đảm bảo mỗi bữa cơm cho các em học sinh phải no, có chất dinh dưỡng, yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được ông chú trọng. Những người mà ông thuê nấu ăn đều được khám sức khỏe định kỳ, cũng như tham gia các lớp học về vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan y tế tổ chức. Ngoài ra, mỗi ngày thức ăn đều được giữ lại mẫu để phục vụ công tác kiểm tra khi cần.
Nói về ông Tám Diên, ông Nguyễn Văn Chử, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Phước, cho biết thêm: "Không chỉ bữa ăn cho học sinh mà hàng tháng chú Tám Diên còn hỗ trợ nấu ăn dinh dưỡng cho người già khoảng gần 100 suất. Ngoài ra, chú Tám cũng thường xuyên giúp đỡ cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác".
Theo Thanh Phúc
SGGP
Miệt mài "gieo chữ" nơi vùng cao Những ngày cuối năm, đặt chân lên vùng cao huyện Như Xuân (Thanh Hóa), chứng kiến tận mắt cảnh sống của những giáo viên miệt mài bám bản "gieo mầm" những ước mơ cho học sinh vùng cao mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, cơ cực của họ. Con đường gập ghềnh với những con dốc dựng đứng đưa chúng tôi đến với...