Lớp 1 học sách giáo khoa đã đủ, không cần sách tham khảo
Trong khi sách tham khảo tràn ngập các nhà sách và luồn lách vào nhà trường thì các chuyên gia giáo dục khẳng định trẻ lớp 1 không cần sách tham khảo.
Một phụ huynh ở Hà Nội bối rối trước thị trường sách tham khảo khi đi mua sách cho con vào lớp 1 – Ảnh: MAI THƯƠNG
Cô Nguyễn Thị Thu Vân, khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM), giải thích: “Đa số phụ huynh tìm mua sách tham khảo môn Tiếng Việt lớp 1 là chủ yếu. Tuy nhiên, riêng môn Tiếng Việt thì số lượng từ, chữ trong sách giáo khoa (SGK) đã nhiều rồi”.
Quá sức với trẻ 6 tuổi
Cô Vân cho biết thêm: “Ở lớp, giáo viên đã giảng bài và cho học sinh rèn luyện thêm trong vở bài tập. Khi về nhà, chỉ cần phụ huynh cho con em mình ôn lại bài đã học trong SGK bằng cách đọc – viết những âm, vần đã học là đủ, không cần phải học thêm ở sách tham khảo nữa. Học sinh lớp 1 mới đi học được vài tuần mà phải học trong SGK, vở bài tập rồi lại sách tham khảo nữa thì quá sức với trẻ 6 tuổi”.
Trong khi đó, mặc dù không phủ nhận lợi ích của sách tham khảo nhưng GS.TS Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng “lớp 1 thì không cần sách tham khảo”. Ông cho rằng lớp 1 chỉ học để đọc thông viết thạo, học cộng trừ cơ bản thì không cần sách tham khảo.
“Hình thức đưa sách tham khảo vào nhà trường giống như kiểu “bia kèm lạc” chỉ là lợi dụng lòng tin của phụ huynh để thu lợi. Điều này cũng có thể đặt dấu hỏi về chuyện doanh nghiệp có thù lao cho nhà trường để giới thiệu cho phụ huynh mua sách” – GS Dong nói.
Xây dựng tủ sách dùng chung: tại sao không?
Theo GS Phạm Tất Dong, sách tham khảo có thể cần cho giáo viên, học sinh ở các bậc học trên, tùy theo nội dung học tập. Nhưng ở bậc phổ thông nên xây dựng thư viện, tủ sách dùng chung trong nhà trường cho giáo viên, học sinh.
Ông Dong cũng cho rằng ở thời đại hiện nay cần hướng tới việc xây dựng nguồn học liệu được số hóa sử dụng trong các nhà trường. Và giáo viên cần có định hướng cho học sinh biết cách khai thác nguồn học liệu hiệu quả để mở rộng phạm vi kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cần thiết.
Trao đổi về vấn đề sách tham khảo, ông Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT) – cho rằng bộ đã có quy định rõ về đưa sách tham khảo vào trong nhà trường, bao gồm cả trường tiểu học và trung học.
Video đang HOT
Theo đó, căn cứ vào chương trình giáo dục, yêu cầu dạy học cụ thể, giáo viên thảo luận trong tổ bộ môn để đề xuất danh sách sách tham khảo với hiệu trưởng nhà trường. Các nhà trường chủ động mua sách tham khảo theo danh mục đã được đề xuất của các tổ bộ môn để đưa vào thư viện, tủ sách dùng chung cho giáo viên, học sinh sử dụng tham khảo.
Bộ GD-ĐT cho phép giáo viên chủ động sử dụng các ngữ liệu, tài liệu đa dạng để thiết kế bài giảng, tổ chức dạy học trong khuôn khổ quy định của chương trình, yêu cầu cần đạt của môn học.
Nhưng theo ông Thành, giáo viên không được dạy kiến thức nâng cao từ sách tham khảo hoặc ra bài tập về nhà có trong sách tham khảo để yêu cầu phụ huynh mua sách. Giáo viên cũng không được sử dụng nội dung sách tham khảo vượt quá yêu cầu của chương trình để đánh giá học sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, quy định đã có nên các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, cụ thể là sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT, phải cùng có trách nhiệm kiểm tra, quản lý, xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh: “Nhà trường và giáo viên tiểu học không được giới thiệu sách tham khảo cho phụ huynh. Sở sẽ có kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới”.
Sách giáo khoa là đủ
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng với học sinh tiểu học thì chỉ cần SGK là đủ, không nên bắt trẻ dùng thêm các loại sách tham khảo.
“Nếu nhà trường gợi ý, bắt buộc học sinh lớp 1 mua sách tham khảo là không thể được” – ông Nhĩ bày tỏ quan điểm. Còn theo GS Nguyễn Lân Dũng thì ở nước ngoài, sách tham khảo cũng có nhiều nhưng thường để cho giáo viên dùng nhằm thiết kế nội dung dạy học phong phú chứ không gợi ý học sinh phải mua.
Hoa mắt với sách tham khảo, sách bài tập
Nhiều phụ huynh đang khổ sở với các loại sách tham khảo, sách bài tập khi phải chi thêm tiền mua sách cho con nhưng có khi lại... không dùng đến.
Quá nhiều sách tham khảo trên thị trường khiến phụ huynh hoa mắt - Ảnh: MAI THƯƠNG
Theo chân chị Ngân - phụ huynh có con học lớp 1 ở TP.HCM - đi tìm mua sách cho con, chúng tôi đến một nhà sách trên đường Hai Bà Trưng, Q.1. Tại đây, chúng tôi thực sự hoa mắt với các đầu sách tham khảo dành cho phụ huynh và học sinh lớp 1.
Rất nhiều sách bài tập mà các trường tiểu học bán kèm theo SGK, học sinh cũng không dùng tới.
Chị Quyên (phụ huynh ở Q.7, TP.HCM)
26 đầu sách/môn học
Chỉ riêng môn tiếng Việt lớp 1, chị Ngân đếm có... 26 đầu sách tham khảo với nhiều tên gọi khác nhau: Thực hành tiếng Việt 1, Em luyện viết đúng, Viết đẹp lớp 1, Em học tốt tiếng Việt 1, Vui học tiếng Việt 1, Bài tập bổ trợ và nâng cao tiếng Việt 1, Học và thực hành tốt tiếng Việt 1, Chắp cánh cùng bé tập đánh vần tiếng Việt, 60 đề kiểm tra và đề thi tiếng Việt 1...
Với môn toán lớp 1, tuy các đầu sách tham khảo có ít hơn nhưng chúng tôi đếm sơ sơ cũng có đến... 18 đầu sách với nhiều tên gọi khác nhau: Phát triển tư duy học toán 1, Tuyển chọn 400 bài tập toán 1, 500 bài toán cơ bản và nâng cao, Nâng cao và phát triển toán 1, Toán nâng cao lớp 1, Bồi dưỡng năng lực tự học toán 1, Bài tập phát triển năng lực học sinh môn toán lớp 1...
Chị Ngân chia sẻ: "Ở nhà tôi đã bối rối, đến đây tôi còn rối hơn vì không biết sách nào là chuẩn để dùng cho chương trình lớp 1 năm nay. Chỉ là sách dùng để cho học sinh lớp 1 luyện viết chữ thôi mà có đến mấy trường phái: cuốn thì yêu cầu học sinh phải tô chữ trước, cuốn thì chấm các chấm làm dấu cho học sinh nối các nét vào với nhau thành con chữ, cuốn thì chẳng thấy dấu chấm nào cả...".
Trong khi đó, chị H. - phụ huynh có con học lớp 1 ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) - cho biết với tình trạng con học lớp 1 năm nay thì trường, sở không ép cũng vẫn phải mua sách".
Theo chị H., trong những tháng đầu năm học, hầu hết các buổi tối đều phải đánh vật với con.
Ngoài các phiếu bài tập của giáo viên gửi về, bố mẹ vẫn phải mua thêm các sách tham khảo dạy học vần, dạy tập viết để luyện tập cho con. Vì nếu không luyện thì con học chữ mới sẽ quên ngay chữ đã học, trong khi tiết tiếng Việt nào cũng dạy 2-3 âm/vần mới.
Bối rối, chị H. lên các nhóm cha mẹ học sinh trên mạng nhờ tư vấn. Các bố mẹ chia sẻ với nhau nhiều đầu sách tham khảo để luyện, trong đó có cuốn Mẹ dạy con học tiếng Việt lớp 1 được nhiều người giới thiệu.
"Tôi hi vọng cuốn sách không chỉ ra bài tập tham khảo mà hướng dẫn phụ huynh dạy con. Tôi cũng như nhiều bố mẹ, stress vì không biết cách làm thế nào để con nhớ được mặt chữ. Tập đánh vần đã khổ, viết còn khổ hơn khi bố mẹ cũng phải tìm hiểu xem đặt bút từ đâu, đưa nét thế nào. Chưa kể còn nhiều quy định của cô giáo như khoảng cách giữa các chữ, cỡ chữ" - chị H. nói thêm.
Mua mà không sử dụng
Theo Bộ GD-ĐT, sách bài tập được xem là một dạng sách tham khảo có thể dùng song song với sách giáo khoa (SGK) nhưng các trường không bắt buộc phụ huynh phải mua.
Tuy nhiên, trên thực tế chị Quyên - phụ huynh ở Q.7, TP.HCM - thông tin: "Đầu tháng 8-2020, khi thấy con mình có tên trong danh sách học sinh lớp 1 ở trường tiểu học, chúng tôi vào trường mua đồng phục cho con em thì mua sách luôn. Nhà trường bán cả bộ SGK và sách bài tập chung. Chúng tôi cứ mua đủ bộ chứ không biết phân biệt cái nào là SGK, cái nào là sách tham khảo".
Theo chị Quyên: "Việc dùng sách của học sinh lớp 1 năm nay rất lãng phí. Cuốn SGK Giáo dục thể chất không cần thiết thì các phương tiện truyền thông đã phản ánh rồi. Nhưng rất nhiều sách bài tập mà các trường tiểu học bán kèm theo SGK học sinh cũng không dùng tới".
Chị Quyên kể thêm: "Con tôi năm nay phải mua gần 10 cuốn sách bài tập nhưng chỉ dùng hai cuốn bài tập toán và bài tập tiếng Việt. Hai cuốn này các con chỉ mang đi học một ngày trong tuần để cô giáo kiểm tra. Các ngày còn lại để ở nhà tự làm theo sự hướng dẫn của phụ huynh. Còn rất nhiều cuốn bài tập khác như vở bài tập Tự nhiên và xã hội, vở bài tập Đạo đức, vở bài tập Hoạt động trải nghiệm, vở bài tập Âm nhạc... từ đầu năm đến giờ gần như không dùng tới...".
Cô L. - giáo viên lớp 1 tại một quận trung tâm TP.HCM - kể: "Từ khi Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu giáo viên lớp 1 không giao bài tập về nhà cho học sinh là phụ huynh lớp tôi chủ nhiệm bàn tán xôn xao. Trong group Zalo của lớp, các ba mẹ nêu thắc mắc con đã học yếu mà không giao bài tập về nhà thì ôn tập kiểu gì? Rồi họ rủ nhau ra nhà sách để mua sách bổ trợ về cho con làm bài ở nhà. Đến khi ra nhà sách thì thấy nhiều loại quá, không biết chọn loại nào lại gọi điện cho giáo viên yêu cầu giới thiệu sách tham khảo".
Anh Khang, phụ huynh có con học Trường tiểu học Phương Mai (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho biết: "Quy định không ra bài tập về nhà nên cô giáo không dám phạm quy. Nhưng không có phiếu bài tập, bố mẹ cũng không biết cách nào để hỗ trợ con luyện tập ở nhà, nên giải pháp dễ nhất vẫn là mua sách tham khảo".
Anh Khang kể mình hoa mắt vì sách tham khảo tiếng Việt 1. "Hầu hết các sách tham khảo đều dựa theo các chủ đề của SGK, có các bài tập để học sinh luyện. Một số sách có phần dành cho phụ huynh hướng dẫn con. Tôi đã chọn mua 5 cuốn để dựa vào đó rèn thêm cho con vào các buổi tối" - anh Khang nói.
Giáo viên gợi ý mua
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội, với tốc độ dạy học nhanh mới hết bài như thời gian qua, nhiều giáo viên buộc phải "phạm quy". Đó là họ tư vấn, gợi ý phụ huynh mua thêm các vở tập viết, sách tham khảo có ngữ liệu tương ứng với sách giáo khoa để trẻ tập đọc thì mới khắc phục được tình trạng trẻ không tiếp thu được bài học.
Cặp nặng 5-6kg
Một phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Đại Từ (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mỗi ngày xách cặp sách của con thường nặng 5-6kg. Trẻ lớp 1 năm nay không chỉ "nặng chữ" mà nặng cả sách. Chín môn học có SGK, bao gồm cả thể dục, kèm theo đó là vở bài tập in, vẫn còn phải có thêm các sách như toán, tiếng Anh, sách tiếng Anh liên kết. Trong khi quy định của Bộ GD-ĐT chỉ cần 9 cuốn SGK bắt buộc.
Tài liệu bổ trợ bán kèm sách giáo khoa: Phụ huynh có quyền từ chối Dù Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở GD để xảy ra tình trạng bán tài liệu bổ trợ kèm sách giáo khoa (SGK), tuy nhiên, tình trạng bán sách kiểu "combo" vẫn diễn ra. Theo các chuyên gia, nhà trường cần rạch ròi, minh bạch không bán sách kiểu "nhập nhèm"; phụ huynh cần...