Lời ru buồn nơi xóm ‘vô địch…đẻ’
Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên không xa, xóm nghèo Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ được nhiều người biết tới bởi danh hiệu xóm “vô địch đẻ”.
Nhà đông nhất đẻ 20 người con
Xóm nghèo Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ nằm lọt thỏm trong lòng núi. Gần Tết đứng trên cao nhìn về phía xa, từng đoàn người vẫn phành phạch xe máy chở những lát gỗ lim, nghiến mót được từ rừng già đã bị khai thác kiệt quệ ra ngoài bản.
Xóm Mỏ Ba nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng.
Đường lên với xóm quanh co, uốn lượn quanh sườn núi. Những con dốc thẳng đứng, những đoạn cua gấp và mặt đường lổn nhổn đất đá, lầy lội, trơn như bôi mỡ mỗi trận mưa qua. Bản làng chiều nay mây giăng và mịt mờ trong khói bếp.
Chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên không xa, xóm nghèo Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ được nhiều người biết tới bởi “danh hiệu”…”xóm vô địch đẻ”.
Xóm với 6 dân tộc gồm Dao, Mông, Nùng, Kinh, Cao Lan sinh sống, chỉ 132 hộ nhưng tổng nhân khẩu đã xấp xỉ 1000. Góp phần làm nên “bảng thành tích” này theo phó thôn Triệu Phúc Bình “chủ yếu là người Mông” (chiếm 65% dân số).
Xòe bàn tay ra, vị phó xóm trẻ tuổi Triệu Phúc Bình bắt đầu nhẩm tính. “Ôi, thôi nhiều lắm! Nhà ít thì 7 người con, đông thì 8-9 (như cặp vợ chồng Hồng Văn Nó (1967) – Vương Thị Dàng (1968) đã có 9 con, Hoàng Đức Quân (1961) – La Thị Hoa (1966) cũng 9 con, Vương Văn Khìn (1965)- Trương Thị Lý (1965): 9 con).
Nhiều hơn nữa thì từ 11-13 như ông Đào Văn Tư (13 con), ông Hồng Văn Páo (11 con), Lý Văn Día (11 con). Nhưng đông nhất vẫn là nhà ông Ngô Văn Sùng (20 người con)”.
Mới 54 tuổi mà Vương Văn (người Mông) trông như cụ ông đã gần thất tuần với một nách 7 đứa con nheo nhóc. Lý giải lý do vì sao người dân ở đây lại đẻ sòn sòn đến thế, lão cười móm mém (răng đã bị gãy mấy cái), phân bua:
“Đặt vòng ảnh hưởng sức khỏe lắm bởi nhà nào cũng có ruộng, có nương, dùng bao-cao-su không chịu được. Nhà nào đã có thai thì phải sinh, bỏ đứa bé trong bụng là trái với Chúa, là có tội, không ai dám làm đâu”.
Video đang HOT
Hai vị trưởng, phó xóm Mỏ Ba ngồi cạnh bên cũng ậm ừ, mắt buồn xa xăm gật đầu khẳng định những lời Vương Văn vừa nói.
Sinh đẻ là trời cho
Theo chân trưởng thôn Vương Văn Lầu, chúng tôi vào thăm nhà chị La Thị Hoa. Đi qua căn nhà chính bằng gỗ, sàn đất lỗ chỗ những hang hố xuống tới căn bếp nhỏ vốn là nơi sinh hoạt chính của gia đình, lửa từ những cành củi khô đang bập bùng cháy
Xung quanh là những bàn tay nhỏ lấm lem và gương mặt đỏ bừng vì ngồi cạnh lửa. Người anh cả Hoàng Kim Đông (sinh năm 1986) lúi húi dọn dẹp đống bát đũa vừa ăn xong còn nằm chỏng chơ trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ.
Chị Hoa và cô con gái đang cặm cụi thái rau, chuẩn bị nồi cám cho mấy con lợn phía sau nhà. Người mẹ cười nhăn nhó: “Cũng thấm thía rồi, sinh nhiều là vất vả lắm, không chăm lo được nhiều cho đàn con”.
Chị bảo “sinh đến thằng thứ 6, đã kế hoạch rồi mà “lỡ” bị bệnh nên phải tháo vòng”. Rồi đứa thứ 7, 8 và thằng út Hoàng Văn Ly (sinh năm 2006, kém anh cả tròn 20 tuổi) đã chào đời.
Cách nhà chị Hoa một thửa ruộng là gia đình Vương Văn Páo – Lý Thị Sào. Mới 33 tuổi, Páo đã là bố của 13 đứa trẻ (2 đứa đã mất vì bệnh tật). Ngôi nhà chiều nay chống hoác, chỉ có cậu anh cả Vương Văn Dí với 2 người em ở nhà. Mẹ Dí đi làm đồng, còn Páo đã trở dậy từ sáng, vào rừng săn thú.
Tiếng là anh cả nhưng Dí chỉ sinh năm 1996. Vậy là suốt mười mấy năm từ khi Dí chào đời, mỗi năm vợ chồng Páo – Sào sinh một đứa.
Nhưng, mọi con số trên đều bị xô đổ trước “kỳ tích” 20 người con của Ngô Văn Sùng (dân tộc Mông). Mới 56 tuổi, Sùng đã lên chức cụ. Con của Sùng 5 đứa đã dựng vợ, gả chồng. Rồi con của những người con ấy đã lại lên vợ chồng và có con.
Vào nhà đến lần thứ 3 mới gặp được Sùng vì hôm nay lão bận có việc ở nhà người con cả (đã đi làm ăn xa, lão ra trông coi hộ). Tiếng là lên chức cụ nhưng lão vẫn cơ bắp, khỏe như thân cây lim, cây nghiến trên rừng, xe máy vẫn lao như băng trên đoạn đường gồ ghề toàn dốc với đèo.
Mới 21 tuổi, Trần Thị Cu (vợ của Hoàng Kim Chu) đã một nách hai con.
Những đứa con, cháu vây quanh ngôi nhà Sùng nô đùa, nghịch ngợm. Tất cả sàn sàn như nhau, mặt mày lấm lem. Cậu bé út mới lên 5-6 của Sùng tay cầm dao dựa đang lũn cũn chơi dưới bìa ruộng lúa đã thu hoạch còn chơ gốc rạ. Thoáng thấy người lạ, những đứa trẻ mắt ngơ ngác, có đứa khóc thét lên chẳng hiểu vì đói hay rét hay thấy chúng tôi, rồi chạy vòng ra phía sau hiên nhà, mắt tò mò hấp hé nhìn ra.
Cháu con nhiều quá, Sùng cũng chẳng đủ trí nhớ để ghi tên tất cả chúng vào đầu. Lão bảo chỉ nhớ mặt thôi. Từ đứa thứ nhất sinh năm 1978, Sùng cứ theo “định kỳ” hàng năm cho ra những người con với hai bà vợ. (Cũng thật lạ là hai bà vợ bao nhiêu năm ở với lão đều rất hòa thuận, chẳng mấy khi lời qua tiếng lại với nhau).
Lão ậm ừ, pha trò: “Cũng chưa biết được. Cứ có thai thì sinh thôi. Tính cả con cháu gần 60 người thế là thành một xóm được rồi nhỉ?” Định mang máy ảnh ghi lại một vài bức ảnh thì Sùng gạt tay “không thích đâu”, nhất quyết là không.
Trưởng thôn Vương Văn Lầu (cũng là con rể của lão) mãi sau này mới thì thầm giải thích với chúng tôi: “Có nhà báo từng lên đây, viết nói bố vợ mình sinh con nhiều là xấu, lạc hậu. Ông không thích thế. Sinh đẻ là trời cho, sao bảo xấu?…”.
Theo VNN
Tàu hỏa đâm ô tô: Xót lòng cô nữ sinh 17
"Mới hôm thứ hai tuần trước thôi, em còn đến nhà Phương chơi. Phương còn nấu mỳ cho em ăn. Vậy mà, giờ Phương đã bỏ em đi rồi... Em chỉ muốn Phương sống lại thôi".
"Tất cả đều sốc"
Đã gần một tuần trôi qua sau vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại Thường Tín (Hà Nội) ngày 30/3 làm 9 người chết, nhưng cả xóm nghèo của phường Cam Giá (TP Thái Nguyên) vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Trong số các nạn nhân, có lẽ một trong những người được thương cảm, xót xa nhất là cô bé học trò tên Phương. Phương sinh ra trong một gia đình nghèo. Bố mắc chứng bệnh chân tay run nên em sớm phải cùng mẹ gánh vác việc gia đình. Cô học trò hiền hậu luôn được bạn bè yêu quý đã vĩnh viễn ra đi.
Mọi người còn nhớ mãi một cô bé lễ phép với thầy cô, hết lòng với bạn bè. Thế nhưng, sau ngày 30/3 định mệnh đó, ngôi trường nhỏ nơi xóm nghèo đã vắng bóng em. Chiếc ghế bàn thứ 3 của lớp 11A1 giờ để trống.
Bàn thờ của Phương cùng mẹ và chị được lập trong cùng 1 ngày
Em Hương (một bạn thân nhất với Phương) chia sẻ: "Mới chiều thứ 2 (28/3) chúng em còn gặp nhau. Chúng em thường đến nhà nhau chơi và nấu mỳ cho nhau ăn. Hôm đó Phương vẫn đang bị sốt phát ban. Bác sĩ vẫn vào cho thuốc và truyền dịch cho bạn ấy. Phương là người bạn rất tốt, luôn biết cách làm cho người khác cười và biết chiều theo ý người khác. Hơn nữa em và Phương lúc nào cũng có nhau. Vậy mà Phương đã bỏ em đi vĩnh viễn! " - Hương bùi ngùi.
Cô Nguyễn Thị Thu Hường, chủ nhiệm lớp 11A1 (THPT Gang Thép - Thái Nguyên) kể lại: "Tôi quá bàng hoàng và sốc trước hung tin này. Khi học sinh thông báo tôi không thể tin đó là sự thật. Các em có nói, đã gọi điện cho Phương nhưng không thể liên lạc được". Chưa dứt lời cô Hường nói tiếp: "Phương là một học sinh rất ngoan và lễ phép, luôn được bạn bè yêu thương. Em là học sinh khá hoàn cảnh, bố thì đau yếu, sớm phải cùng mẹ gánh vác việc gia đình".
Cùng chung một tâm trạng, cô Tâm (cô giáo chủ nhiệm cũ của em Phương) buồn buồn kể lại: "Em Phương là học sinh rất ngoan, em là học sinh để lại cho tôi những ấn tượng rất đặc biệt. Tôi còn rất nhớ hôm lớp đi thăm quan. Cả lớp lên tượng Thánh Gióng chơi. Tất cả học sinh đều chạy đi trước nhưng chỉ có Phương đi sau cùng. Em đã cố tình đi đằng sau tôi để tâm sự, quạt mát và dìu tôi lên".
Nhà có tới 3 người cùng mất một ngày nên chiếc bàn học nhỏ hàng ngày Phương vẫn ngồi đã được đem ra làm bàn thờ. Phương là người duy nhất trong gia đình còn đi học. Vậy là bao hy vọng giờ đã kết thúc. Căn phòng nhỏ giờ chỉ còn những đống sách vở bừa bộn!
"Cô cho em ngồi chỗ bạn Phương"
Tất cả những ai đến Cam Giá vào cái ngày đại tang đó đều không thể cầm được nước mắt. Chỉ vẻn vẹn trong một buổi sáng, gần chục thi thể già trẻ được tiễn đưa.
Trong cái buổi tiễn đưa vội vã, chẳng ai có thể quên hình ảnh nhóm học sinh thương bạn mà rơi nước mắt. Những tiếng khóc càng nấc nghẹn hơn khi một cô bé cố lao đến quan tài mong được nhìn bạn lần cuối: "Cháu chỉ muốn nhìn mặt Phương lần cuối...".
Khi nghe tin bạn mình gặp nạn, Hương đã không tin vào sự thật. Buổi chiều và đêm hôm đó dường như cả lớp 11A1 không thể chợp mắt. Mọi người như cố tin một điều vô vọng là Phương còn sống, họ đã nhắn tin cho nhau, hỏi lại nhau về tình hình của Phương.
"Đêm hôm đó chúng em không thể ngủ được, chẳng ai dám tin là Phương đã không còn trên đời này nữa" - Hương tâm sự.
Cô Hường nói: "Ngay sau khi Phương mất, em Hương đã xin tôi cho được ngồi chỗ của Phương. Em muốn lưu giữ cảm giác có bạn ở bên. Tôi chỉ còn biết động viên em tập trung vào việc học. Bớt đau thương để cho những kỳ thi trước mắt".
Cho dù Phương đã vĩnh viễn ra đi, nhưng bạn bè và thầy cô vẫn luôn giữ những ký ức thật đẹp về em. Nơi chín suối em vẫn sẽ mãi mỉm cười với đôi mắt trong veo của tuổi trăng tròn.
Theo Quang Anh - Hoàng Sang (Vietnamnet)
Bắt giam chủ hụi lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ Ngày 18/2, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, đã thực hiện lệnh bắt giam đối với Nguyễn Văn Kiệt (33 tuổi, ngụ ấp Cây Dương A, xã Long Điền, huyện Đông Hải) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thông qua hình thức chơi hụi, Kiệt cùng một số đối tượng làm hàng loạt nông dân mang...