‘Lời nguyền tuổi 35′ ở Trung Quốc
Bất cứ ai nghi ngờ về sức mạnh của “lời nguyền” chỉ cần nhìn vào vô số danh sách việc làm và trang tuyển dụng trực tuyến nêu rõ rằng ứng viên không được lớn hơn tuổi 35, độ tuổi chưa được coi là trung niên.
Quảng cáo việc làm tại một trạm xe buýt ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 9/8/2023. Ảnh: Bloomberg/Getty Images
Khi Han mất việc là nhân viên thiết kế giao diện ở Bắc Kinh hồi tháng 2, cô tin rằng với 10 năm kinh nghiệm, cô sẽ sớm tìm được công việc thay thế. Nhưng khi quá trình tìm việc kéo dài, Han bắt đầu lo lắng. Cô đã gửi hàng trăm đơn xin việc, nhưng chỉ được mời tham gia bốn cuộc phỏng vấn.
Không còn lựa chọn nào trong nghề đã chọn, Han chuyển sang làm việc bán thời gian để kiếm sống, làm tài xế giao đồ ăn – kiếm được 20 nhân dân tệ (2,8 USD) mỗi ngày – và làm hướng dẫn viên mua sắm, công việc mà cô phải bỏ sau khi bị viêm ruột thừa cấp tính “vì phải đứng quá nhiều”.
Han nói: “Tôi đã thử mọi việc có thể, nhưng chúng quá mệt nhọc hoặc lương quá thấp. Rất khó để duy trì mức sống cơ bản hàng ngày.”
Han tin rằng gốc rễ vấn đề của mình là cô đã trở nên quá già trong mắt nhiều nhà tuyển dụng. Cô đã 34 tuổi.
Han nằm trong số rất nhiều người lao động thuộc thế hệ Millennial (Thiên niên kỷ, những người sinh ra từ giữa thập niên 1990 đến đầu 2000) ở Trung Quốc lo sợ họ sẽ phải chịu “ lời nguyền tuổi 35″.
Sức mạnh của “lời nguyền”
Thuật ngữ này ban đầu lan truyền trên mạng xã hội để mô tả tin đồn về việc các công ty công nghệ lớn sa thải người lao động nhiều tuổi, nhưng sau đó nó đã trở nên phổ biến đến mức thậm chí còn được các cố vấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắc đến.
Bất cứ ai nghi ngờ về sức mạnh của “lời nguyền” chỉ cần nhìn vào vô số danh sách việc làm và trang tuyển dụng trực tuyến nêu rõ rằng ứng viên không được lớn hơn độ tuổi đó, độ tuổi mà nhiều chuyên gia thậm chí không coi là trung niên.
Hoặc hãy nhìn vào mạng xã hội: Vào tháng 6, lời phàn nàn của một du khách rằng các nhà trọ ở Bắc Kinh thường từ chối khách hàng trên 35 tuổi đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi. Tiếp đó, một đợt tuyển dụng của một ngôi đền Đạo giáo vào tháng 6 nói rằng các đạo sĩ mới phải “dưới 35 tuổi”.
Ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng loại trừ các ứng cử viên trên 35 tuổi cho nhiều vị trí công chức – một chính sách đã bị một nhà lập pháp chất vấn tại cuộc họp thường niên của quốc hội và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc vào năm ngoái.
Hội chợ việc làm ở Tòng Giang, Trung Quốc, vào ngày 20/8/2020. Ảnh: AFP/Getty Images
“Sự phân biệt đối xử vô hình về độ tuổi đối với những người trên 35 tuổi luôn tồn tại ở nơi làm việc”, đại biểu quốc hội Jiang Shengnan phát biểu trước cuộc họp, theo tờ China Youth Daily. “Việc từ chối những ứng viên ở độ tuổi này là một sự lãng phí tài năng rất lớn”, ông nói.
Ngay cả các học giả và quan chức hàng đầu cũng đã thừa nhận vấn đề này. Trong một báo cáo năm 2022 của tờ Nhân dân Nhật báo, một giáo sư tại Trường Đảng Trung ương đã gọi “lời nguyền tuổi 35″ là một “hiện tượng phổ biến trên thị trường lao động đại chúng” và cho rằng nó đang gây ra sự lo lắng rộng rãi trong công chúng.
Video đang HOT
Năm nay, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã đề xuất một giải pháp khả thi – các chính sách đặc biệt ưu tiên người lao động trên 35 tuổi, cùng với hỗ trợ tài chính và các quy định chống phân biệt tuổi tác.
Nhưng đối với nhiều người trong số hàng trăm triệu người trẻ thế hệ Thiên niên kỷ ở Trung Quốc, các giải pháp đó không thể phát huy hiệu quả đủ nhanh. Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang nỗ lực phục hồi sau những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tình trạng thất nghiệp đã trở thành mối lo ngại cấp bách đối với nhiều người. Trên toàn quốc, tỷ lệ thất nghiệp chính thức đã tăng lên mức cao gần kỷ lục 6,1% vào năm ngoái và mặc dù các lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ, tỷ lệ này vẫn đang ở mức 5,2%.
Ngưỡng 35 – thước đo năng lực?
Vấn đề ‘lời nguyền tuổi 35″ gây chú ý một phần do sự phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc và “văn hóa 996″ khét tiếng của nước này, tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng lao động trẻ được thuê trực tiếp từ trường học có xu hướng rẻ hơn. Ngoài ra, một báo cáo của Tân Hoa Xã năm 2021 cho rằng những nhân viên chưa được thăng chức lên cấp quản lý ở tuổi 35 có thể bị coi là kém thành công, do đó dễ bị sa thải hơn.
Vị Giáo sư Trường Đảng Trung ương đã nêu quan điểm này trong báo cáo năm ngoái: “Nói chung, hầu hết nhân viên có 10 năm kinh nghiệm sẽ trở thành lãnh đạo hoặc quản lý nhóm nếu khả năng của họ thực sự tốt. Nói cách khác, ‘ngưỡng 35 tuổi’ không phải là độ tuổi mà là một thước đo năng lực làm việc với người sử dụng lao động.”
Nhưng giới hạn này có nghĩa là nhiều người thấy mình giống Han: có trình độ cao, có học vấn, có kinh nghiệm, nhưng đang phải vật lộn để duy trì cuộc sống với công việc tự do.
Điều này đặc biệt đúng khi ngày càng có nhiều người theo đuổi bằng thạc sĩ và tiến sĩ với hy vọng giành được lợi thế trong thị trường việc làm đông đúc, do đó trớ trêu thay họ lại trì hoãn việc gia nhập thị trường việc làm cũ.
Một người sáng tạo nội dung, tên là Tao Chen, đã làm “dậy sóng” cộng đồng mạng Trung Quốc hồi tháng 3 sau khi đăng bài về trải nghiệm của mình lên mạng. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ triết học tại Đại học Tứ Xuyên danh tiếng, anh bị cho thôi việc ở ngành báo chí, sau đó dấn thân vào một chuỗi dự án kinh doanh thất bại. Ở tuổi 38, anh trở thành tài xế giao đồ ăn, và cuối cùng cũng từ bỏ công việc đó vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Tao Chen trong một video đăng trên mạng xã hội Trung Quốc, Douyin.
Tao Chen nói trong video đăng trên trang cá nhân Douyin của mình: “Mặc dù có kinh nghiệm làm việc thực sự tốt và có bằng thạc sĩ, nhưng tôi thực sự không có khả năng cạnh tranh sau 35 tuổi”. Hơn 98% đơn xin việc của Tao Chen không được trả lời, trong khi số còn lại cho rằng anh “không phù hợp”. “Tôi gần như bị suy sụp tinh thần”, Tao Chen nói.
Bước ngoặt mới trên câu chuyện cũ
Đối với nhiều phụ nữ Trung Quốc, “lời nguyền tuổi 35″ càng làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt giới tính đã ăn sâu bám rễ ở nơi làm việc.
Lao động nữ ở độ tuổi này thường cho biết họ phải đối mặt với áp lực từ phía người sử dụng lao động không muốn trả lương cho thời gian nghỉ thai sản. Họ nói rằng họ đã bị mất cơ hội thăng tiến vì người chủ sợ họ sẽ nghỉ việc lâu dài, hoặc tệ hơn: ngay từ đầu họ có thể không được tuyển dụng.
Cô Han, cư dân Bắc Kinh, cho biết: “Ở độ tuổi này, nhiều công ty không sẵn sàng tuyển dụng bạn. Họ thích những người trẻ tuổi hơn. Họ đánh giá tôi sẽ nhanh chóng kết hôn và có con. Cho dù tôi có nói rằng tôi không có ý định kết hôn thì họ cũng không tin”.
Khi Liu, 35 tuổi, cư dân Thâm Quyến, trở lại làm việc tại một công ty kỹ thuật sinh học sau thời gian nghỉ thai sản kéo dài 6 tháng, cô đã mong đợi được tham gia một dự án mới. Thay vào đó, cô đột ngột bị sa thải và vị trí của cô được giao cho một sinh viên mới tốt nghiệp.
Nhiều tháng sau, cô vẫn chưa tìm được việc làm khác. Liu tin rằng chính thời gian nghỉ thai sản đã khiến cô bị sa thải. “Họ rất thực dụng. ‘Khi tôi không cần bạn, tôi sẽ thay thế bạn bằng lao động rẻ hơn’”, cô nói.
Sinh viên tham gia một hội chợ việc làm và thực tập ở Suquian, Trung Quốc ngày 9/8/2023. Ảnh: NurPhoto/Getty Images
Đàn ông cũng có thể bị ảnh hưởng. Liu nhớ lại đã chứng kiến một đồng nghiệp nam vừa mới lên chức bố được giao những nhiệm vụ mà cô gọi là không phù hợp, chẳng hạn như được cử đi công tác ngay sau khi sinh.
Liu nghi ngờ động lực lớn nhất của người sử dụng lao động chỉ đơn giản là lợi nhuận của họ. “Nhiều công ty xem xét hiệu quả chi phí,” Liu nói. “Họ cho rằng lương của tôi cao hơn sinh viên mới ra trường nên họ thích chọn sinh viên mới tốt nghiệp hơn. Tôi có thể nhìn thấu thủ đoạn của họ”.
Giải pháp cải cách pháp lý
Các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để chống lại phân biệt tuổi tác và bất bình đẳng giới là thông qua cải cách pháp lý.
Yiran Zhang, trợ lý giáo sư tại Trường Luật Cornell, cho biết mặc dù luật lao động của Trung Quốc cấm phân biệt đối xử vì lý do sắc tộc, giới tính và tín ngưỡng tôn giáo nhưng lại không cấm phân biệt đối xử vì lý do tuổi tác.
Và ngay cả ở những khu vực được cung cấp một số biện pháp bảo vệ – chẳng hạn như đối với các bà mẹ đang nghỉ thai sản – việc thực thi luật còn yếu và tình trạng phân biệt đối xử về giới vẫn còn phổ biến, bà Zhang nói.
Những nhân viên khởi kiện thành công chủ lao động của họ có thể chỉ nhận được mức bồi thường thiệt hại thấp, khiến một số người không muốn theo đuổi hành động pháp lý.
Gần 1/5 người trẻ tuổi ở Trung Quốc thất nghiệp
Tháng 6 vừa qua, gần 1/5 người trẻ tuổi ở Trung Quốc đã không tìm được việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại là 19,3%.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin đây là mức tăng mạnh so với tỷ lệ 18,4% trong tháng 5 và đánh dấu mức tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc cạnh tranh tìm việc ngày càng gay gắt giữa những người từ 16-24 tuổi diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý 2 năm 2022.
Tình trạng trên phần lớn do chiến lược phòng chốn COVID-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh, vốn đã khiến Thượng Hải và các thành phố lớn khác phải phong toả diện rộng. Đó những yếu tố khiến môi trường tìm việc của đội ngũ sinh viên vừa ra trường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) trước đây từng lưu ý rằng sinh viên mới tốt nghiệp thường đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm, song tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nói chung đã tăng đều kể từ tháng 10 năm ngoái. Dữ liệu này đạt kỷ lục mới kể từ khi tăng lên 18,2% vào tháng 4/2022, trở thành con số cao nhất kể từ lần đầu Trung Quốc công bố dữ liệu hàng tháng vào năm 2018.
Việc có thêm 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường việc làm vốn hạn hẹp sẽ đẩy tỷ lệ này lên cao hơn nữa. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ những người trẻ tuổi Trung Quốc đang tham gia thị trường việc làm là thấp hơn so với những người đồng trang lứa ở các nền kinh tế lớn khác.
Vào tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cùng độ tuổi ở Mỹ là 8,1%. Vào tháng 5, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của thanh niên thuộc Liên minh châu Âu là 13,3%. Tỷ lệ này của Nhật Bản vào tháng 5 là 3,8%.
Phát ngôn viên Fu Linghui của NBS hôm 16/7 cho biết giới trẻ Trung Quốc thực sự phải đối mặt với nỗi áp lực tìm việc làm.
Ông Fu nói: "Bị ảnh hưởng bởi đại dịch, khả năng tiếp nhận việc làm của các công ty đã giảm và các kênh tìm kiếm việc làm của thanh niên cũng bị hạn chế. Ông cho biết chính phủ sẽ triển khai thêm các chính sách để cải thiện tình hình.
Nhưng một số nhà phân tích nghi ngờ rằng điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy đến đối với nhóm đối tượng là những người trẻ đang tìm việc làm, trong bối cảnh kinh tế đầy rẫy bất ổn và khó khăn như hiện nay.
Ông Tommy Wu, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại Oxford Economics, chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng các điều kiện thị trường lao động tổng thể sẽ vẫn giảm trong một thời gian. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có thể tăng cao hơn nữa vì những người trẻ tuổi sẽ rất khó kiếm được việc làm trong điều kiện thị trường lao động như vậy".
NBS cho biết thị trường việc làm nói chung đã thực sự cải thiện một chút trong tháng 6. Sau khi tăng lên mức cao nhất gần hai năm là 6,1% vào tháng 4, tỷ lệ này đã giảm xuống 5,9% vào tháng 5 và sau đó là 5,5% vào tháng trước.
Năm ngoái, hơn 2,12 triệu thí sinh đã đăng ký tham gia kỳ thi tuyển công chức Trung Quốc, cạnh tranh vào 31.200 vị trí tuyển dụng. Ảnh: Weibo
"Tỷ lệ thất nghiệp thành thị có thể được cải thiện phần nào trong nửa cuối năm, nhưng với tốc độ dần dần", ông Wu nói. Theo ông, những công việc liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng có thể sẽ tăng lên nhờ chính sách kích cầu trong lĩnh vực này. Nhưng các dịch vụ tiêu dùng và hoạt động của lĩnh vực tư nhân nói chung sẽ bị đình trệ, do đó, triển vọng việc làm tổng thể sẽ vẫn đáng lo ngại.
Cạnh tranh gay gắt hơn cùng vấn nạn sa thải hàng loạt tại các công ty tư nhân đã làm gia tăng thêm những biến động trên thị trường việc làm. Các ngành thường thu hút lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp - bao gồm các công ty internet, tài chính, lĩnh vực bất động sản và dạy thêm - đều đang đều chịu sức ép từ các biện pháp chống dịch.
Wang Yixin, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, còn lưu ý về thực trạng một số sinh viên mới tốt nghiệp "không muốn ổn định" trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Bà Wang cũng bày tỏ sự lạc quan đối với thị trường việc làm trong những tháng tới, với khả năng cải thiện khi tăng trưởng kinh tế phục hồi trong quý 3 và quý 4. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng cần các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ để giúp các sinh viên vừa ra trường tìm được chỗ đứng trên thị trường việc làm.
Ngay cả sau hai tháng ngừng phong toả, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của Thượng Hải 7% trong tháng 6 vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn quốc là 5,5%. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý hai của thành phố là 12,5%, tệ hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước là 5,8%.
Ông Tommy Wu nói với Oxford Economics: "Tôi nghĩ sẽ mất một thời gian để thị trường lao động của Thượng Hải trở lại đúng hướng sau khi bị phong toả trong quý thứ hai, đặc biệt là nỗi lo ngại về các đợt phong tỏa mới vẫn còn ám ảnh người dân và doanh nghiệp ở Thượng Hải".
Theo nhà kinh tế trưởng Louis Kuijs tại S&P Global Ratings, vào nửa cuối năm nay, hoạt động tiêu thụ nội địa và dịch vụ yếu trong bối cảnh chính sách phòng dịch bệnh vẫn được duy trì tiếp tục là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động Trung Quốc.
Ba giáo viên bị bắt vì trói tay trẻ mẫu giáo Sau khi video quay cảnh 2 trẻ mẫu giáo bị trói tay sau lưng lan truyền rộng rãi trên mạng, 3 giáo viên của 1 trung tâm chăm sóc trẻ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã bị bắt giữ ngay lập tức. Trong video, một trẻ bị trói vào tay nắm cửa và một trẻ khác nằm trên giường, 2 tay bị...