Lợi ích của việc tăng thời gian chờ giữa hai mũi tiêm cơ bản bằng vaccine mRNA ngừa COVID-19
Theo hướng dẫn hiện nay của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ về vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA, thời gian chờ giữa mũi tiêm thứ nhất và thứ hai của vaccine do Moderna sản xuất là 28 ngày và của Pfizer/BioNTech là 21 ngày.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi ở Hartford, Connecticut , Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đang đánh giá xem liệu việc kéo dài khoảng thời gian chờ giữa hai mũi tiêm này có giúp tăng hiệu quả miễn dịch cho những người đã tiêm phòng hay không. Nghiên cứu cho thấy thông qua việc tăng thời gian chờ giữa hai mũi tiêm cơ bản bằng vaccine bào chế theo công nghệ mRNA, nguy cơ nhiễm virus, triệu chứng diễn biến nặng và nhập viện có thể giảm nhiều hơn.
Các chuyên gia của CDC Mỹ hiện đang tranh luận về việc tăng thời gian chờ giữa hai mũi lên 8 tuần. Một trong số những nhân tố tác động đến quyết định của cơ quan này là bằng chứng cho thấy việc kéo dài thời gian chờ giữa hai mũi tiêm vaccine mRNA có thể làm giảm nguy cơ bị tác dụng phụ hiếm gặp là viêm cơ tim. Viêm cơ tim là tình trạng viêm các tế bào cơ tim khi cơ thể bị nhiễm virus, có thể dẫn đến tim đập nhanh. Theo NBC News, mặc dù đây được xem là tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine mRNA, song nam giới trong độ tuổi từ 18-29 khi tiêm vaccine của Moderna có tỷ lệ bị viêm cơ tim cao hơn.
Trong quá trình đánh giá nghiên cứu từ Canada và Anh vào thời điểm vaccine đang khan hiếm, các chuyên gia phát hiện ra rằng tỷ lệ viêm cơ tim trong số những người phải đợi từ 8 tuần trở lên mới có vaccine để tiêm mũi hai đã giảm. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của trường Đại học Case Western Reserve, Tiến sĩ Mark Cameron nhận định sau thời gian chờ 8 tuần giữa hai mũi tiêm, phản ứng kháng thể sẽ tăng lên, trong khi nguy cơ mắc bệnh, nhập viện và tỷ lệ bị viêm cơ tim sau tiêm ở nam thanh niên lại giảm đi.
Giải thích về ảnh hưởng của khoảng thời gian chờ 3-4 tuần giữa hai mũi tiêm đến cơ thể, nhà khoa học tại Trung tâm An ninh y tế của Đại học Johns Hopkins, Tiến sĩ Amesh Adalja cho biết khi tiêm hai mũi gần nhau, đáp ứng miễn dịch của liều thứ nhất vẫn chưa hoàn toàn giảm tác dụng thì người đó đã được tiêm mũi thứ hai, qua đó giúp tăng khả năng miễn dịch. Chính vì vậy, việc kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm sẽ giúp cơ thể có thêm thời gian để phục hồi từ phản ứng miễn dịch ban đầu do vaccine, từ đó làm giảm nguy cơ bị viêm cơ tim.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc thay đổi thời gian chờ giữa hai mũi tiêm cơ bản. Một số chuyên gia y tế đã bắt đầu lên tiếng ủng hộ điều chỉnh thời gian chờ. Tại phiên họp gần đây của ủy ban cố vấn CDC Mỹ, Giáo sư y khoa tại trường Đại học Vanderbilt, Tiến sĩ Helen Keipp Talbot khẳng định điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn và tăng khả năng miễn dịch ở người được tiêm vaccine.
Mũi tiêm tăng cường bằng vaccine công nghệ mRNA giúp cải thiện kháng thể ở người cao tuổi
Kết quả một nghiên cứu công bố ngày 11/1 trên trang medRxiv cho thấy tiêm mũi tăng cường (mũi 3) ngừa COVID-19 sử dụng vaccine công nghệ mRNA có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch ở người cao tuổi.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho người dân tại Hartford, bang Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu được tiến hành với những người từ 24-98 tuổi, được chia thành 2 nhóm gồm nhóm đã từng mắc COVID-19 và nhóm chưa từng mắc COVID-19. Những người tham gia nghiên cứu được đo nồng độ kháng thể sau 6 tháng kể từ lúc tiêm mũi thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 và sau 1 tháng kể từ mũi tiêm thứ 3. Kết quả cho thấy, ở người cao tuổi, mức độ đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm 2 mũi vaccine mRNA thấp hơn đáng kể so với những người trẻ tuổi hơn.
Kết quả nghiên cứu phù hợp với các khuyến nghị ưu tiên tiêm mũi thứ 3 cho người cao tuổi trong vòng 6 tháng kể từ khi hoàn thành liều vaccine cơ bản.
Hiện Mỹ đã cấp phép sử dụng 2 loại vaccine ngừa COVID-19 được phát triển theo công nghệ mRNA là vaccine Comirnaty của hãng Pfizer/BioNTech và vaccine Spikevax của hãng Moderna.
Công nghệ mRNA ra mắt lần đầu tiên với vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và được phê duyệt ở phương Tây vào cuối năm 2020. Với thành công trong phát triển vaccine phòng COVID-19, cả Pfizer/BioNTech và Moderna đều đang tiếp tục khai thác sử dụng công nghệ này để bào chế vaccine phòng ngừa và chữa trị các bệnh khác.
Vaccine công nghệ mRNA Triển vọng chống lại các căn bệnh nguy hiểm Một trong những thành tựu to lớn mà lĩnh vực y học đạt được trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành là sự hợp tác của các nhà khoa học trên khắp thế giới để tạo ra nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả trong vòng chưa đầy 1 năm. Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN Nổi bật trong...