Lợi dụng tự chủ để tăng học phí
Theo nhiều chuyên gia, thực tế cho thấy việc tự chủ ở các trường đại học mới được thực hiện ở góc độ các trường nỗ lực tăng nguồn thu từ việc tăng mức thu học phí.
Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường đại học – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Việc này cũng chủ yếu để tăng thu nhập cho giảng viên chứ chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo.
70% nguồn thu từ học phí và lệ phí
Theo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), hiện nay, do chưa thực hiện luật Giáo dục đại học (ĐH) (có hiệu lực từ 1.7.2019) nên cả nước vẫn mới chỉ có 23 trường ĐH được tự chủ dưới hình thức thí điểm.
So sánh số liệu 2 năm tài chính trước và sau tự chủ của 10 trường trong số trên, Vụ Kế hoạch tài chính nhận thấy cơ cấu khoản thu của các trường chưa có sự thay đổi. Thu từ học phí và lệ phí vẫn là nguồn thu chính (chiếm hơn 70% trong tổng thu của các trường). Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường ĐH tự chủ chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo. Các khoản thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ hay chuyển giao công nghệ, tư vấn doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm trong cơ cấu nguồn thu của các trường.
Vấn đề này hàm chứa rủi ro về tài chính bởi phụ thuộc chủ yếu vào quy mô đào tạo và mức thu học phí. Trong khi đó, cả hai yếu tố này nhà nước vẫn đang kiểm soát, chẳng hạn như nhà nước quy định về trần học phí và chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Ngoài ra, việc tuyển sinh của các trường tự chủ không những phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các trường khác chưa tự chủ về mức học phí. Việc nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào học phí còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro do phụ thuộc vào nhu cầu xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay xu hướng cho con du học của các gia đình có điều kiện kinh tế ngày càng tăng.
“Nếu nguồn thu chủ yếu không được tạo ra từ nội lực các trường mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan thì sẽ không bền vững và trong dài hạn sẽ gây bất lợi cho chất lượng đào tạo khi việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, hoặc nhà nước cắt giảm chi tiêu”, ông Trần Khánh Tú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cảnh báo.
Video đang HOT
Một số trường thu vượt, thu sai quy định
Tiến sĩ Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước, cũng nhận định ngay cả với các trường chưa tự chủ thì ngân sách nhà nước cấp cho chi hoạt động thường xuyên của các trường cũng giảm. Chẳng hạn năm học 2015 – 2016 nguồn thu này của các trường chiếm 7%, năm học 2016 – 2017 chỉ còn 4%. Còn các khoản học phí, thu sự nghiệp và thu khác thì tăng (năm học 2015 – 2016 thu học phí lệ phí và các khoản thu sự nghiệp chiếm 75%, năm học 2016 – 2017 là 80%).
Do kinh phí từ ngân sách nhà nước giảm nên một số trường ĐH công lập đã thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản ngoài quy định về thu học phí. Một số trường còn dựa vào lợi thế ngành học để tăng học phí, tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo, trong khi đáng lẽ đây mới là mục tiêu của tự chủ ĐH.
Tự chủ tài chính = tăng mức thu học phí
Cũng theo tiến sĩ Lê Đình Thăng, mặc dù cơ chế tự chủ mà các trường ĐH được hưởng là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, nhưng thực tế cho thấy việc tự chủ mới được thực hiện ở góc độ các trường nỗ lực tăng nguồn thu từ việc tăng mức thu học phí.
Từ đó tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng quy mô đào tạo bằng mọi cách, dẫn đến một số trường ĐH công lập chất lượng sinh viên đầu vào giảm sút. Trong khi đó, việc tăng thu học phí chủ yếu để tăng thu nhập cho giảng viên mà chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường học và ký túc xá. Hầu hết các trường chưa xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trung, dài hạn để có những bước phát triển đồng bộ.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do tư duy chưa đúng về tự chủ của cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian qua, điều kiện tự chủ chỉ mới tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính mà chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các trường. Trong khi đó các cơ quan chức năng thì chưa có văn bản hướng dẫn phân nhóm các trường ĐH công lập theo các tiêu chí phù hợp với năng lực tài chính, năng lực đào tạo… để có lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp.
PGS Nguyễn Phương Hoa, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, một trong 23 trường ĐH được thực hiện thí điểm tự chủ, cũng cho biết khi thực hiện cơ chế tự chủ, một trong những thách thức lớn mà các trường ĐH phải đối mặt là “cân đối tài chính”. Được tự chủ nghĩa là mức ngân sách nhà nước cấp sẽ giảm đi, nên làm sao có đủ thu để đáp ứng nhu cầu chi hợp lý là một bài toán khó với các trường theo cơ chế tự chủ. Trong khi đó, các trường ĐH không theo cơ chế tự chủ được ngân sách hỗ trợ nên có mức học phí thấp hơn. Còn các trường tự chủ thì phải thu mức học phí cao hơn.
Theo PGS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, vì nguồn thu của các trường tự chủ hiện nay chủ yếu dựa vào học phí nên trường khó có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo đội ngũ nhằm nâng cao đẳng cấp của trường. Trong khi đó, đa số trường ĐH được tự chủ hiện nay có cơ sở vật chất và trang thiết bị hạn chế. Vì thế, nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho các trường ĐH công lập tự chủ thay vì tự chủ là cắt nguồn ngân sách như hiện nay.
Theo Thanh niên
28% sinh viên có nguy cơ phải bỏ học khi tăng học phí?
Một khảo sát của tác giả với trên 1.000 hộ dân ở 11 tỉnh thành đầu năm 2017 cho thấy có tới 28% sinh viên có nguy cơ phải bỏ học nếu tăng học phí.
Chuyên gia phát biểu trong hội thảo sáng nay - HÀ ÁNH
Sáng 23.11, hội thảo khoa học quốc gia "Nhu cầu nhân lực cho phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những đáp ứng của giáo dục ĐH Việt Nam" do Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ GD-ĐT) phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức.
74% phụ huynh sẵn sàng vay tiền cho con học đại học
Trong bài tham luận của mình, PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân, khoa Kế hoạch và phát triển Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đã công bố kết quả khảo sát với trên 1.000 hộ dân ở 11 tỉnh thành đầu năm 2017. Theo đó 71% người dân đồng ý giáo dục ĐH là khoảng đầu tư cho tương lai và 74% sẵn sàng đi vay tiền cho con theo học ĐH.
Tuy nhiên, tác giả cũng công bố kết quả cuộc điều tra về tác động của việc tăng học phí với với người học. Cụ thể, có tới 28% sinh viên có nguy cơ phải bỏ học khi tăng học phí. Trên một nửa số hộ gia đình được hỏi cho biết họ phải cho con đi làm thêm do học phí cao, riêng nhóm nghèo nhất phải đi làm hêm nhiều nhất (79%).
Điều tra thực tế sinh viên đang học cũng cho thấy kết quả tương đồng với các phụ huynh : Hiện có 51% sinh viên đang phải đi làm thêm chỉ vì học phí cao (không tính số người làm thêm vì muốn có thêm kinh nghiệm).
Cũng theo điều tra này, có tới 33-41% sinh viên đang đi làm thêm phản ánh rằng việc đi làm ảnh hưởng nhiều và rất nhiều ở cả 4 khía cạnh: lên lớp, tiếp thu bài giảng, kết quả học tập và khả năng hoàn thành khóa học. Để đảm bảo khách quan, điều tra còn hỏi sinh viên không đi làm thêm nhận định của họ về ảnh hưởng của việc làm thêm tới bạn bè của mình, kết quả khá ngạc nhiên khi mức độ tương đồng có sự trùng khớp.
Rào cản với học sinh nghèo học giỏi?
Cuộc điều tra còn lấy ý kiến, phản ứng của phụ huynh có con đang học hoặc chuẩn bị thi ĐH về mức học phí hiện hành. Khi được hỏi về mức học phí mới (13-17 triệu đồng/ năm) thì có tới 85% nhóm nghèo nhất cho rằng đây là mức cao và rất cao.
Cũng với mức học phí này, gần 40% số người nhóm nghèo nhất và trên một nửa số người nhóm cao hơn không thể đảm bảo kinh phí cho con theo học.
Nếu tính tổng tất cả các nhóm, có tới 37% số hộ gia đình sẽ không thể đảm bảo kinh phí cho con đi học ĐH. Giải pháp với các gia đình này là chọn trường có mức học phí thấp hơn hoặc đi vay tiền cho con học, cho con đi làm thêm khi đi học.
Từ đó, tác giả cho rằng, học sinh các gia đình ở tất cả các nhóm thu nhập đều có thể bị tước đoạt quyền được theo học trường ĐH mà mình mong muốn vì lý do học phí. Tính tổng các nhóm, có tới 32% số học sinh sẽ không được học trường mà mình mong muốn vì lý do học phí.
Mức học phí mới khiến cho 100% hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất và 77% hộ gia đình nhóm kế tiếp có nguy cơ phải đi vay tiền cho con theo học ĐH. Kể cả 2 các nhóm còn lại thì con số thống kê cũng không hề thấp. Như vậy, nếu các gia đình không thể vay tiền cho con đi học thì có tới 58% số học sinh không thể đi học ĐH vì lý do tài chính.
Cần chính sách tài chính bổ trợ
Từ những số liệu trên, PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân cho rằng, nguồn thu học phí là điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của giáo dục ĐH khi nó góp phần nâng cao chất lượng từng bước. Tuy nhiên, chính sách này ảnh hưởng tới tính công bằng khi nó trực tiếp gạt đi những học sinh đủ khả năng học tập nhưng không đủ khả năng tài chính.
Vì vậy, theo PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân, bên cạnh thực thi chính học sinh học phí, cần có các chính sách tài chính khác bổ trợ để hạn chế sự bất công bằng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ giáo dục của người học do học phí gây ra. Đó có thể là học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách và đặc biệt là chính sách tín dụng sinh viên một cách hiệu quả.
Cũng theo tác giả, các trường ĐH được thực hiện tự chủ được phép thu học phí cao hơn so với đại trà gấp 2-3 lần. Nguồn thu này là cơ sở cho các khoản chi chuyên môn như nghiên cứu khoa học sinh viên, giảng viên, giáo trình và chi lương giảng viên. Đáng nói, trong 3 trường ĐH đang thực hiện chính sách tự chủ theo đề án của Chính phủ thì có 2 trường học phí chiếm tới 70% nguồn thu của trường, trường còn lại chiếm một nửa.
Theo thanhnien
ĐH Đồng Tháp: Hoàn trả học phí cho sinh viên sư phạm nếu ra trường thất nghiệp Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Trường Đại học Đồng Tháp sẽ thu học phí đối với sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh năm 2019. Tuy nhiên, Trường Đại học Đồng Tháp cam kết sẽ hoàn trả học phí cho các sinh viên sư phạm chuyên ngành Toán học, Hóa học, Tiểu...