Lỗi chính tả của học sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số cách khắc phục
Thực trạng viết sai chính tả đang là mối quan tâm của nhiều người, của cộng đồng xã hội trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người Việt Nam. Trong nhà trường, nơi đào tạo thế hệ tương lai – những người chủ của tương lai đất nước thì vấn đề này càng phải được quan tâm đúng mức.
Bởi tiếng nói (tiếng Việt) là “thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.[...]
Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện” (Hồ Chí minh – Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt – Nhà xuất bản Giáo dục, 1980).
Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất quan tâm đến vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt:
“Phải làm gì để giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta, giữ gìn hai đức tính rất quý của nó là giàu và đẹp; hơn thế nữa, làm sao cho nó càng thêm giàu và đẹp.
Và phải chủ động, tích cực, nhạy cảm, đồng thời phải kiên trì, phấn đấu lâu dài, một cách có tổ chức, kế hoạch, vững chắc.
Ở đây phải chú ý ba khâu:
Một là giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta (tôi không muốn dùng chữ “từ vựng”).
Hai là nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta (tôi muốn thay chữ “ngữ pháp”).
Ba là giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kỹ thuật).
Giáo viên cần phải chỉnh sửa cho học sinh để tránh những lỗi chính tả như thế này. (Ảnh minh họa: Kienthuc.net.vn)
Rõ ràng vấn đề giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt luôn được Đảng và Nhà nước, các vị lãnh đạo luôn trăn trở, quan tâm sâu sắc.
Thực trạng viết sai chính tả đang là mối quan tâm của nhiều người, của cộng đồng xã hội trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Trong nhà trường, từ trường vùng sâu vùng xa đến những trường nơi thành phố, thị xã – hầu như việc viết sai chính tả của học sinh là chuyện bình thường, chẳng có gì phải bận tâm (!).
Một bài văn của học sinh trung bình cũng như học sinh giỏi, không có lỗi chính tả mới là chuyện lạ. Có thể nói gần như 100% học sinh hiện nay, từ bậc Tiểu học đến Trung học, Đại học, ngay cả bậc Cao học cũng đều viết sai chính tả, tuỳ theo mức độ ít nhiều.
Thậm chí nhiều giáo viên cũng viết sai chính tả và học sinh cứ thế làm theo, viết theo, lâu ngày thành thói quen có hại, không sao sửa chữa được. Chỉ có môn Ngữ văn còn quan tâm phần nào đến sửa lỗi chính tả, còn các môn khác hầu như không mấy “để ý” tới.
Mặt khác, trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, đài Phát thanh – Truyền hình) cũng viết sai chính tả.
Ví dụ: Một đài truyền hình khu vực Nam bộ trong mục đưa tin giá cả, có hiện dòng chữ “Giá đậu que là 5000.đ/ký”.
Trong “Từ điển tiếng Việt”, ở mục “đậu” thì không có từ “Đậu que” này mà chỉ có “Đậu cô ve”: chỉ một loại đậu “quả dẹp, rộng bản, khi non có màu xanh lá mạ”(Từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học – 1997, trang 292).
Có thể do cách đọc theo phương ngữ Nam bộ nên “cô ve” thành “que” chăng ( trên báo in thì viết là “đậu ve”)? Thực chất đây đúng là đậu cô ve, hiện đang được nông dân trồng rộng rãi dùng làm thực phẩm hàng ngày và được một số vùng gọi là “đậu ve”..
Nhịp sống ngày càng nhanh nên chẳng mấy ai lưu ý đến việc sửa lỗi chính tả, lâu ngày trở thành bình thường “chẳng chết thằng Tây nào”!
Video đang HOT
Trong một bài văn của học sinh về cảm thụ bài thơ “Tâm tư trong tù”(Tố Hữu) đã viết : “Tuy bị giam cầm trong bốn bức tường nhà giam của thực dân Pháp nhưng Tố Hữu không những nghe âm thanh của sự sống bên ngoài bằng đôi tay mà còn nghe bằng cả tâm hồn nhại cảm…”.
Làm sao nghe âm thanh bằng “đôi tay” được? Và thế nào là tâm hồn “nhại cảm”? Sự nhầm lẫn giữa y (dài) và i (ngắn) đã dẫn đến sự sai nghĩa của câu văn.
Trong nhà trường, viết sai chính tả làm mất rất nhiều thời gian sửa lỗi cho các em.
Viết sai chính tả trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều khi dẫn tới những hiểu lầm không đáng có. Trong các kỳ thi (như thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi vào đại học …) lỗi chính tả luôn được chú trọng trong đáp án, nếu sai nhiều sẽ bị trừ điểm.
Thực trạng viết sai, hiểu sai như vậy là một thực trạng đáng lo ngại. Nó làm cho tiếng Việt vốn trong sáng, sâu sắc trở nên tối nghĩa, sai nghĩa khi sử dụng. Đồng thời việc viết sai chính tả đã làm nghèo sự phong phú, giàu có của vốn từ ngữ tiếng Việt.
Viết sai chính tả là một điều khó chấp nhận trong nhà trường, vì nhà trường là nơi đào tạo các thế hệ học sinh nối tiếp nhau.
Nếu dạy tốt, dạy đúng cách viết chính tả tiếng Việt thì nó có sự tác động to lớn trong việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc tốt đẹp của tiếng Việt và ngược lại.
Nguyên nhân có nhiều nhưng tập trung một số nguyên nhân cơ bản sau đây:
- Do cách phát âm theo phương ngữ: Thông thường, tiếng Việt phát âm thế nào thì viết chữ thế ấy. Do phương ngữ vùng Nam bộ phát âm khá “mềm” nên thường xảy ra tình trạng nhầm lẫn khi viết.
- Lẫn lộn giữa các chữ ghi âm đầu như: CH/TR, X/S, D/V/GI, OA/UA, AI/AY/ÂY, AU/AO, ĂM/ÂM, ĂP/ÂP, IU/IÊU, IM/IÊM/ÊM/EM …
Ví dụ: Từ ” Cầu tre” phát âm thành “ Cầu che” nên viết là “ Cầu che“. Hoặc “ Vội vàng” khi phát âm thành “ Dội dàng“; “ Trăng rằm” thành “ Trăng rầm” …
- Các âm cuối thường phát âm sai , nhầm lẫn như: AN/ANG, AT/AC, ĂN/ĂNG, ĂT/ĂC, ÂN/ÂNG, ÂT/ÂC/, EN/ENG, ET/EC, ÊN/ ÊNH, IÊN/ IÊNG, IÊT/ IÊC …
Ví dụ: Từ “ Miên man” thành “ Miên mang“, “ Cái lạt” thành “ Cái lạc“; “ Đường tắt” thành “đường tắc” …
- Do nhầm lẫn, không phân biệt rõ hai thanh hỏi, ngã:
Theo thống kê, tiếng Việt có khoảng 1900 từ mang thanh hỏi, 900 từ mang thanh ngã, tổng cộng có khoảng 2800 từ. Do đó, có sự nhầm lẫn qua lại giữa hai thanh này rất nhiều.
- Do không nắm được và không hiểu được nghĩa của từ ngữ sử dụng: Mỗi từ ngữ đều biểu đạt một khái niệm nào đó. Nếu không nắm được nghĩa của từ thì khi viết sẽ sai chính tả.
Ví dụ: Từ “Đội ngũ” nếu viết theo phát âm thì sẽ viết thành “Đội ngủ” hoặc “đường Phạm Ngũ Lão” viết thành “Phạm Ngủ Lảo”…
- Do ít khi đọc sách báo: Hiện nay, đa số học sinh (kể cả sinh viên đại học, người lớn) thường thích xem truyện tranh như Đô-rê-mon, Cô-nan …hơn là đọc sách, báo, tạp chí.
Việc không có thói quen ( mà có người gọi là “văn hóa đọc”), không có niềm đam mê đọc sách dẫn tới vốn từ ngữ nghèo nàn, ít ỏi nên khi gặp tình huống thì không có từ ngữ để biếu đạt nên thường viết sai. Người đọc sách nhiều, có vốn từ càng nhiều thì ít khi viết sai chính tả.
- Do không chú trọng sửa lỗi chính tả trong nhà trường: Thông thường, chỉ có bộ môn Văn có yêu cầu về viết đúng chính tả và trong đáp án bài kiểm tra luôn có yêu cầu này.
Nhưng còn lại các môn học khác, giáo viên hầu như bỏ qua, thậm chí chỉ yêu cầu học sinh tính toán đúng, không lưu tâm chính tả đúng hay không.
Hơn nữa, bài vở thì nhiều, thời gian hạn hẹp, áp lực công việc khá lớn nên giáo viên chưa quan tâm đúng mức nên việc sửa lỗi chính tả cũng chưa toàn tâm toàn ý, chưa có hiệu quả như mong muốn.
Mặt khác, một bộ phận không nhỏ học sinh còn lười học, không chịu suy nghĩ, tư duy trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. (vì có bài mẫu, sách mẫu, học thêm…).
Từ thực trạng và nguyên nhân trên, tôi xin đề xuất một số biện pháp khắc phục như sau:
- Luyện phát âm đúng: Như trên đã phân tích, lý giải, tiếng Việt phát âm thế nào thì viết như thế ấy.
Tuy nhiên, khi phát âm có thể theo phương ngữ ( vì theo thói quen, phong tục, tập quán) nhưng khi viết vẫn phải ý thức viết đúng chính tả. Trong những trường hợp này, người viết luôn hiểu nghĩa của từ và nắm được các dấu thanh (hỏi, ngã).
Ở đây, đòi hỏi người viết phải nắm chắc nghĩa của từ ngữ qua quá trình học tập, khảo cứu, đọc sách báo nhiều …
- Sử dụng các mẹo luật chính tả: Mẹo luật chính tả được đúc kết từ thực tiễn phong phú, sinh động; từ kinh nghiệm của bao thế hệ, lưu truyền từ đời này qua đời khác. Vấn đề đặt ra là cách vận dụng linh hoạt vào thực tế để viết đúng chính tả.
Các mẹo luật này dựa trên cơ sở quy luật của từ ngữ tiếng Việt, từ Hán Việt và nêu ra những quy tắc chung trong việc viết đúng chính tả.
- Rèn luyện thói quen, niềm say mê đọc sách: Rèn luyện thói quen tốt đọc sách, lòng say mê đọc sách. Cần xác định sách là người bạn đường của mỗi chúng ta. Sách là nguồn tri thức vô tận của nhân loại lưu truyền lại tới bây giờ và mãi mãi về sau.
Trong quá trình đọc, tìm hiểu, cảm thụ tác phẩm văn học, vốn từ ngữ sẽ không ngừng được tích lũy, nâng cao. Từ đó, khi cần viết, biểu đạt một vấn đề thì chúng ta luôn có vốn từ ngữ để sử dụng.
Có thói quen sử dụng các loại sách công cụ như “Từ điển tiếng Việt”, “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”, “Từ điển từ và ngữ tiếng Việt” (Tiếng Việt có hơn 70% từ Hán Việt).
Khi gặp từ khó, chưa xác định được rõ ràng thì nên tra từ điển để nắm thêm nghĩa của từ và hạn chế việc viết sai chính tả.
Bên cạnh đó, thầy cô giáo trong nhà trường cần sửa lỗi chính tả cho học sinh một cách nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao. Biểu dương những học sinh luôn viết đúng, viết tốt, không sai chính tả đồng thời nhắc nhở học sinh thường xuyên trau dồi chữ viết của mình.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất đầy tiềm năng về kinh tế, về mọi mặt. Công cuộc đổi mới của Đảng đã mang đến cho vùng đất này những thay đổi lớn lao.
Người dân Đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng ý thức cao trong việc đưa con em tới lớp tới trường.
Nhiệm vụ của ngành giáo dục hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang là góp phần to lớn trong quá trình nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Một trong những công việc đầy khó khăn, thử thách ấy là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong nhà trường.
Viết đúng chính tả thể hiện ý thức công dân trong việc giữ gìn sự trong sáng, giàu có của tiếng Việt. Cần rèn luyện ý thức viết đúng chính tả, khiêm tốn học hỏi, tìm tòi để bản thân mỗi người luôn viết đúng quy tắc chính tả.
Đúng như lời căn dặn quý báu của Bác Hồ: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết xong một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:
Viết cho ai xem?
Viết để làm gì?
Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?
Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.
(Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục, 1980).
Nét chữ là nết người! Viết đúng chính tả thể hiện ý thức của công dân đối với chữ viết dân tộc và đồng thời thể hiện lòng tự tôn dân tộc đối với Tiếng Việt – một thứ chữ có sức sống mãnh liệt tự ngàn xưa.
Tài liệu tham khảo :
- Từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học – 1997
- Từ điển từ và ngữ Hán Việt – Nguyễn Lân – Nhà xuất bản Từ điển bách khoa – 2002
- Từ điển vần – Hoàng Phê – Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học – 2002
- Lỗi chính tả và cách khắc phục – Lê Trung Hoa – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – 2005
- Ngữ văn 132, Tập Một – Nhà xuất bản Giáo dục, 2008.
Thạc sĩ Lê Đức Đồng
Theo giaoduc.net.vn
Bậc phổ thông không chú trọng dạy từ Hán Việt
Trong từ vựng tiếng Việt có quá một nửa số từ có nguồn gốc Hán, cho nên hiểu đúng nghĩa của từ Hán Việt nhằm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Thầy Phan Thế Hoài, thạc sĩ Ngôn ngữ học, giáo viên Văn trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM, chia sẻ góc nhìn về việc dạy từ Hán Việt.
Từ bậc THCS cho đến bậc THPT hiện có quá ít bài học về từ Hán Việt khiến học sinh gặp khó khăn. Ở bậc THCS, chương trình lớp 6 hiện nay hoàn toàn vắng bóng kiến thức từ Hán Việt. Lớp 7, học kỳ I có hai bài "Từ Hán Việt" và "Từ Hán Việt" (tiếp theo); học kỳ II không có.
Thế nhưng sách Ngữ văn 7 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) có nhiều tác phẩm văn học trung đại phiên âm từ chữ Hán được đưa vào giảng dạy như: "Nam quốc sơn hà" - Lý Thường Kiệt; "Tụng giá hoàn kinh sư" - Trần Quang Khải ; "Tức sự" - Trần Nhân Tông (đọc thêm), "Thiên trường vãn vọng" - Trần Nhân Tông.
Chương trình lớp 8 cũng không đề cập đến từ Hán Việt. Lớp 9 chỉ có một vài bài tập luyện tập có nhắc đến từ Hán Việt. Trong khi đó, học sinh lớp 9 phải học tác phẩm văn học trung đại liên quan đến từ Hán Việt như "Hoàng Lê nhất thống chí" - Ngô gia văn phái.
Riêng chương trình ở bậc THPT không có một bài học nào đề cập đến từ Hán Việt. Nhưng sách Ngữ văn lớp 10, 11 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), phần văn học trung đại đưa những tác phẩm viết bằng chữ Hán vào chương trình như: "Thuật hoài" - Phạm Ngũ Lão, "Độc Tiểu Thanh ký" - Nguyễn Du, "Bình Ngô đại cáo" - Nguyễn Trãi , "Sa hành đoản ca" - Cao Bá Quát...
Sách Ngữ văn lớp 7 có nhiều tác phẩm văn học trung đại phiên âm từ chữ Hán. Ảnh: H.P.
Nên dạy từ Hán Việt thế nào?
Theo chúng tôi, bậc THCS, học sinh phải hiểu nghĩa của những từ Hán Việt cơ bản, thường dùng trong đời sống và những từ có trong sách giáo khoa. Cụ thể, học sinh cần hiểu được từ Hán Việt là gì, đơn vị cấu tạo từ Hán Việt (yếu tố Hán Việt), từ ghép Hán Việt (từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ, cần lưu ý những hiện tượng liên quan đến trật tự từ vì cấu tạo từ của từ Hán Việt ngược với từ thuần Việt), thuật ngữ Hán Việt được sử dụng trong các môn học.
Trong đó, trật tự từ của từ Hán Việt cũng dễ gây nhầm lẫn, mơ hồ cho học sinh (kể cả người lớn) nên phải chú ý dạy kỹ. Ví dụ: "nhân văn"/"văn nhân"; "thân nhân"/"nhân thân"; "công nhân"/"nhân công"...
Học sinh biết cách sử dụng từ Hán Việt trong việc tạo sắc thái biểu cảm và không nên lạm dụng từ Hán Việt nếu có từ thuần Việt thay thế. Ví dụ, trong một số ngữ cảnh, chúng ta phải dùng từ Hán Việt mà không dùng từ thuần Việt có nghĩa tương tự như: "phụ nữ" (đàn bà), "từ trần" (chết), "mai táng" (chôn)... để tạo sắc thái trang trọng.
Và chúng ta thường nói "trẻ em" thay cho "nhi đồng", "mẹ" thay cho "thân mẫu", "vợ" thay cho "phu nhân"... trong những ngữ cảnh nhất định nhằm tạo sự gần gũi, thân tình.
Bên cạnh đó, học sinh phải hiểu rõ hiện tượng đồng âm giữa yếu tố Hán Việt và yếu tố thuần Việt. Ví dụ "hoa" (hoa quả, hoa mĩ); "phi" (phi công, phi pháp, vương phi), "gia" (gia chủ, gia vị)... Chính hiện tượng đồng âm này thường dẫn tới hiểu lầm nghĩa.
Ở bậc THPT, học sinh cần hiểu những thành ngữ, tục ngữ cơ bản gốc Hán, vì có quá nhiều người lơ mơ. Ví dụ "An nhiên tự tại" nghĩa là thư thái, không có điều gì lo phiền; "Bách niên giai lão" nghĩa là trăm tuổi đều già (chúc vợ chồng sống trọn đời bên nhau); "Ý tại ngôn ngoại" (lời bên ngoài còn ý ở bên trong).
Giáo viên chúng tôi mong muốn các tác giả biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn lưu ý hơn kiến thức về từ Hán Việt ở bậc phổ thông cho đợt thay sách sắp tới.
Phan Thế Hoài
Theo VNE
Văn hay chữ tốt: Không chỉ trách nhiệm của giáo viên Ngữ văn! Học sinh trung học viết chữ xấu và sai chính tả là một thực tế đáng lo ngại. Khắc phục tình trạng này như thế nào, dưới góc độ người dạy? Những bài thi Văn hay chữ tốt năm học 2018 - 2019 của HS Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Tân Bình, TPHCM) "Nét chữ nết người!". Thật vậy, nhìn vào chữ viết,...