Loạt tư lệnh quân đội Anh cách ly vì Covid-19
Bộ trưởng Quốc phòng Anh và nhiều tư lệnh quân chủng phải tự cách ly sau khi tổng tham mưu trưởng quân đội xét nghiệm dương tính với nCoV.
“Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Nick Carter có kết quả dương tính nCoV trong đợt xét nghiệm thường kỳ. Những đồng nghiệp tham gia cuộc họp cấp cao với ông hồi tuần trước đang tự cách ly theo hướng dẫn của chính phủ”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm nay.
Tướng Nick Carter, tổng tham mưu trưởng quân đội Anh. Ảnh: AP .
Những người tiếp xúc gần với tướng Carter phải cách ly trong 10 ngày gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, tư lệnh hải quân Tony Radakin, tư lệnh không quân Mike Wigston, tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Patrick Sanders. Tư lệnh lục quân Mark Carleton-Smith và cấp dưới của Carter giữ khoảng cách xa hơn, nhưng cũng phải tự cách ly tại nhà trong lúc chờ kết quả xét nghiệm.
Hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe của tướng Carter cũng như các quan chức quốc phòng đang tự cách ly. Giới chức y tế Anh khuyến cáo những người nhiễm nCoV cần cách ly ít nhất 10 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, thời gian này có thể kéo dài nếu xuất hiện triệu chứng trong lúc tự cách ly hoặc triệu chứng không biến mất.
Cuộc họp của ban lãnh đạo quân đội Anh diễn ra hôm 24/6, chỉ một ngày sau vụ tàu khu trục Anh HMS Defender tiến vào vùng biển 12 hải lý ngoài khơi bán đảo Crimea, khiến quân đội Nga triển khai nhiều tàu tuần tra và máy bay quân sự xua đuổi.
Anh hiện ghi nhận hơn 4,7 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 128.000 người đã chết. Biến chủng Delta lây lan nhanh chóng tại Anh khiến chính phủ nước này phải trì hoãn việc mở cửa trở lại hoàn toàn.
Nội bộ Anh có thể hục hặc vì chiến hạm áp sát Crimea
Bộ Quốc phòng Anh đề xuất điều tàu chiến áp sát Crimea, nhưng bị Bộ Ngoại giao phản đối, buộc Thủ tướng Johnson phải ra quyết định cuối cùng.
Tờ Telegraph của Anh hôm nay tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace là người đã đưa ra đề xuất triển khai một chiến hạm tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin về lộ trình của chiến hạm, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã phản đối, cảnh báo Nga có thể phản ứng với hải trình của tàu khu trục HMS Defender trên Biển Đen.
Nguồn tin quốc phòng cho biết đã xảy ra tranh cãi trong nội bộ chính phủ Anh sau khi Bộ Ngoại giao bày tỏ lo ngại về chuyến di chuyển của tàu khu trục vào vùng biển tranh chấp. Kế hoạch sau đó được chuyển tới Thủ tướng Anh Boris Johnson để ra quyết định cuối cùng.
Johnson bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của Bộ Quốc phòng và chỉ thị thực hiện nhiệm vụ được gửi đến khu trục hạm Anh hôm 21/6, hai ngày trước khi nó tiến vào vùng biển 12 hải lý ngoài khơi bán đảo Crimea.
Cuộc chạm trán giữa HMS Defender với lực lượng Nga hôm 23/6. Video: BBC .
Những cuộc thảo luận trong chính phủ Anh cho thấy các quan chức nước này đã lường trước rủi ro mà HMS Defender phải đối mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù tất cả các cơ quan chính phủ đều ủng hộ thực thi quyền di chuyển vô hại của chiến hạm Anh trên biển.
Thủ tướng Johnson hôm 24/6 từ chối xác nhận liệu ông có trực tiếp phê duyệt chuyến di chuyển của HMS Defender hay không. "Đó là vấn đề của Bộ Quốc phòng, nhưng tôi nghĩ sử dụng vùng biển quốc tế là điều hoàn toàn phù hợp. Chúng ta cần thể hiện luật pháp và theo đuổi quyền tự do hàng hải theo cách của mình, đó là chọn tuyến đường ngắn nhất giữa hai điểm", ông nói thêm.
Một số nguồn tin chính phủ Anh đã bác bỏ việc xuất hiện tranh cãi nội bộ vì nhiệm vụ này. "Chúng tôi là một đại gia đình hạnh phúc", quan chức quốc phòng giấu tên cho hay.
"Ông Raab ủng hộ quyền di chuyển vô hại của HMS Defender qua vùng biển Ukraine", một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Anh tiết lộ.
Vị trí chiến hạm Anh chạm trán tàu biên phòng, cường kích Nga ngoài khơi Crimea. Đồ họa: Salten News .
Sau khi tiến vào phạm vi 12 hải lý gần Crimea, HMS Defender đã bị hai tàu biên phòng Nga xua đuổi và bắn cảnh cáo, trong khi hàng chục tiêm kích, cường kích xuất hiện trên đầu. Nga tuyên bố đã thả một số quả bom trên tuyến đường đi của tàu chiến Anh để "dằn mặt".
Quân đội Nga cáo buộc HMS Defender tiến vào sâu 3 km trong lãnh hải nước này ở ngoài khơi Mũi Fiolent trên bán đảo Crimea. "Chúng tôi đã cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực nếu họ xâm phạm biên giới Nga, nhưng tàu Anh không phản ứng. Một tàu tuần tra Nga bắn cảnh cáo, sau đó cường kích Su-24 thả 4 quả bom trên đường đi của tàu khu trục. Chiến hạm này đã rời đi ngay sau những phát bắn cảnh cáo", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn.
Bộ Quốc phòng Anh bác thông tin, khẳng định không có phát súng cảnh cáo hay quả bom nào được ném gần chiến hạm của nước này.
Lính dù Anh tới Trung Đông 'dằn mặt' Nga Nhóm binh sĩ Anh nhảy dù xuống sa mạc ở Jordan, diễn tập tấn công một thị trấn, nhằm chứng minh năng lực tác chiến trước đối thủ như Nga. Khoảng 150 binh sĩ thuộc Lữ đoàn Tấn công Đường không số 16 của quân đội Anh rạng sáng 23/6 lên hai vận tải cơ C-130 tại căn cứ Akrotiri trên đảo Cyprus,...