Loạn đồng phục, bỏ quên quyền lợi học sinh
Không thể phủ nhận hình ảnh đẹp của hàng nghìn học sinh mặc đồng phục trong trường học.
Tuy nhiên, có trường mỗi năm thay đổi đồng phục một lần, chọn mẫu quá rườm rà phụ huynh khó tự may cho con, hoặc trường thu phí cao nhưng chất lượng vải xấu. Thậm chí, có trường quy định mỗi ngày, học sinh mặc một bộ đồng phục gây bức xúc cho phụ huynh và tâm lý học sinh.
Quy định một đằng, thực tế một nẻo
Bộ GD&ĐT quy định, đồng phục phải đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp lứa tuổi, tiết kiệm. Nhà trường căn cứ vào tình hình khí hậu, thời tiết, điều kiện nhà trường và đặc biệt là sự đồng thuận của cha mẹ học sinh để quy định về kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục/tuần. Trường muốn thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của hội đồng trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. Bộ GD&ĐT cũng quy định, phụ huynh học sinh hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục.
Trên thực tế hiện nay, đầu năm học đa số các trường đã phối hợp với đơn vị cung ứng đồng phục may sẵn với số lượng lớn để bán cho phụ huynh. Giá sản phẩm cũng rất đa dạng từ dưới 100.000 đồng/ bộ đến 500-700.000 đồng/ bộ. Điều đáng nói, những bộ đồng phục này đều in, thêu lô gô của trường, do đó phụ huynh không dễ tự mua hoặc may cho con.
“Việc may đồng phục phải thực hiện đúng quy định, phù hợp và được sự đồng thuận của phụ huynh. Trường nào lạm dụng để bớt xén, thu tiền cao, trục lợi là không chấp nhận được”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã quy định rõ, nhà trường chỉ quy định về mẫu, gia đình học sinh sẽ tự mua, may loại tốt hay bình thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng người.
“Trường nào cùng lúc may 5-6 bộ đồng phục để yêu cầu học sinh thay đổi thường xuyên gây tốn kém, khó khăn cho phụ huynh là không đúng, việc này phải được lên án”, ông Linh nói.
Cũng theo ông Linh, các trường không được thường xuyên thay đổi mẫu mã, khi thay đổi phải có sự đồng thuận của ban đại diện cha mẹ học sinh. Cấm các cơ sở lạm dụng việc mặc đồng phục của học sinh để tổ chức thu giá cao, gây lãng phí, tốn kém. Việc này, các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT có trách nhiệm giám sát.
Video đang HOT
Năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu hiệu trưởng các trường, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới.
Đủ loại đồng phục
Ngoài các loại đồng phục của trường, đồng phục lớp, đồng phục thể dục, giờ đây một số trường còn có đồng phục ngủ trưa cho học sinh. Nhiều phụ huynh cho biết, không được tham gia vào việc quyết định mua may các trang phục đồng phục cho các con.
Anh Đinh Viết Luân, từng tham gia Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh một trường THCS tại quận Hà Đông cho hay, anh chỉ nhận được thông báo về giá tiền đồng phục và đóng cho nhà trường như bao phụ huynh khác, chứ không được bàn bạc, quyết định theo quy định.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, gia đình chị Hoàng Thanh Phương, trú ở Thanh Trì (Hà Nội) phải thắt chặt chi tiêu, chuẩn bị kinh phí cho hai cậu con trai bước vào năm học mới. Hai vợ chồng làm công nhân, lương ít ỏi nên dịp đầu năm học đồng phục trở thành nỗi ám ảnh của gia đình 4 thành viên. Riêng cậu út vào lớp 1, nhà trường yêu cầu mua 3 bộ đồng phục với giá 250.000 đồng/bộ. Mức giá khá cao, nhưng vì kiểu dáng cầu kỳ, riêng biệt nên chị Phương không thể tìm thấy ở chợ hoặc siêu thị.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Thanh, trú ở quận Thanh Xuân nói: Bộ GD&ĐT quy định không bắt buộc học sinh ngày nào cũng phải mặc đồng phục, nhưng con chị phải mua đến 4 loại đồng phục gồm: Đồng phục đầu tuần, đồng phục mùa hè, đồng phục mùa đông và cả đồng phục… ngủ trưa. Tuy nhiên, ngại va chạm, chị Thanh không cho biết cụ thể trường con chị học.
Phải vì học sinh
Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, thông thường phải 10 năm trường này mới thay đồng phục một lần vì mẫu cũ, lạc hậu. Khi thay đổi, trường sẽ họp, lấy ý kiến ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, chọn ra mẫu phù hợp và lựa chọn đơn vị may đo. Trường cũng không yêu cầu học sinh toàn trường bỏ hết đồng phục cũ mà thực hiện cuốn chiếu từng năm, bắt đầu từ lớp 1, để tiết kiệm.
Về hình thức, sau khi chọn mẫu, nhà trường sẽ công khai để phụ huynh tự may hoặc đặt mua ở đơn vị phối hợp với nhà trường. “Cha mẹ học sinh mua bao nhiêu bộ đồng phục là tự nguyện”, bà Yến nói.
Học sinh mặc đồng phục thể hiện tính thẩm mỹ và văn minh
Cũng theo bà Yến, đồng phục thể hiện sự quy củ, nề nếp của học sinh, tuy nhiên, để thực hiện hiệu trưởng cũng phải có tâm, đơn giản hóa và không nên cứng nhắc. Ví dụ, học sinh ở thành phố, phụ huynh có điều kiện mua 3-5 bộ cho con thay đổi nhưng nếu là trường ở vùng nông thôn, vùng khó khăn trường chỉ nên quy định 1 bộ đồng phục trong ngày chào cờ. “Không nên vì một yếu tố nào đó mà quy định đủ loại đồng phục xuân, hè, thu đông, thể dục…hoặc lựa chọn chất vải kém chất lượng, trẻ mặc nóng”, bà Phạm Thị Yến cho hay.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, quy định học sinh mặc đồng phục trong trường học rất văn minh, nhà trường dễ quản lý và có ý nghĩa nhân văn. Bởi vì, ngoài yếu tố thẩm mỹ, mọi học sinh đến trường đều có hình thức giống nhau, không có chuyện con nhà giàu mặc đẹp, con nhà nghèo mặc xấu. “Tuy nhiên, việc may đồng phục phải thực hiện đúng quy định, phù hợp và được sự đồng thuận của phụ huynh. Trường nào lạm dụng để bớt xén, thu tiền cao, trục lợi là không chấp nhận được”, ông Lâm nói.
Quy định về đồng phục của Bộ GD&ĐT ra sao?
Ngày 30/9/2009, Bộ ban hành thông tư quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên (Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT). Thông tư 26 quy định, nhà trường quyết định về mẫu mã, phụ huynh học sinh hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục. Trong các văn bản hướng dẫn đầu năm học, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo.
Chẳng hạn, tại Công văn số 5453/BGDĐT-VP ngày 2/10/2014 về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT nghiêm cấm: Lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục trái quy định; xử lý kỷ luật hiệu trưởng của cơ sở giáo dục để xảy ra hiện tượng nêu trên.
Theo Tiền phong
Đồng phục học sinh trước năm học mới: Ngậm đắng!
Trong hơn 1 tháng PV Tiền Phong vào vai nhân sự của đơn vị đi bán đồng phục đã chứng kiến một thực tế mua bán đồng phục hoàn toàn khác xa so với những gì nhà trường và cha mẹ học sinh được phép làm...
Mỗi năm học mới, bộ đồng phục trở thành gánh nặng cho phụ huynh (ảnh minh họa) Ảnh: ĐA
Nhà cung cấp được chỉ định?
Sau nhiều ngày thuyết phục, chúng tôi được anh Nguyễn Văn K, chủ một cơ sở chuyên kinh doanh đồng phục lâu năm tại quận Long Biên (Hà Nội) đồng ý đồng hành. Mang theo một số mẫu đồng phục loại tốt, phóng viên cùng anh K bước vào chặng đường tìm kiếm thị trường tiêu thụ ngay khi năm học vừa kết thúc.
Ngày 10/7, chúng tôi đến Trường Tiểu học và THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) để gặp hiệu trưởng. Sau khi nói mục đích bán đồng phục, bảo vệ gọi điện cho ban giám hiệu một lát rồi thông báo, hiệu trưởng bận, không thể gặp. Tiếp tục di chuyển đến Trường THCS Yên Hòa (Cầu Giấy), tại cổng trường, bảo vệ nói hiệu trưởng đang ở trong phòng làm việc nhưng cũng không thể tiếp.
Hơn hai tuần cuối tháng 7/2019, nhóm PV và anh K đến nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, tiếp cận được với một vài hiệu trưởng. Không rời bàn làm việc, cô P.N, Hiệu trưởng Trường Tiểu học X của một quận trung tâm Hà Nội khuyên chúng tôi: "Cty mới muốn tiếp cận và nhận được đơn hàng thì phải có người quen, phải có mối quan hệ từ quận giới thiệu xuống, còn trực tiếp đến các trường thì rất khó.
Trước đây cứ bên nào cung cấp sản phẩm tốt là trường nhận, nhưng bây giờ không chỉ riêng đồng phục mà một số nhu cầu khác như suất ăn, trung tâm tiếng Anh... đều từ trên. Danh sách họ phân bổ mỗi trường một số đối tác, còn nhà trường không trực tiếp lựa chọn". Theo cô N, vì không muốn gặp rắc rối và được bảo lãnh nên các trường thường lựa chọn đối tác được phòng giáo dục quận giới thiệu.
Cô H.T, Hiệu trưởng Trường tiểu học GB, cũng của một quận trung tâm Hà Nội cho rằng, dù nhận được sự chỉ định từ cấp trên nhưng vì quyền lợi của học sinh và chất lượng sản phẩm nên cô nhất quyết giữ nguyên đối tác cũ. Theo cô này, vì mua của đối tác cũ nên mỗi bộ đồng phục của học sinh rẻ hơn 40.000-50.000 đồng so với giá bộ đồng phục các trường xung quanh mua.
Mang theo hồ sơ, đồng phục mẫu trực tiếp đến Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, Đống Đa để đặt vấn đề. Khác với chia sẻ của hiệu trưởng các trường, cán bộ văn phòng tại đây từ chối và cho rằng, không có việc Phòng GD&ĐT gửi danh sách nhà cung cấp xuống các trường.
"Phòng GD&ĐT chỉ thực hiện nhiệm vụ giáo dục, không can thiệp đến đồng phục học sinh. Hiệu trưởng và ban phụ huynh của trường sẽ trực tiếp gặp gỡ bên cung cấp. Họ muốn từ chối nhận mời nên tìm lý do để thoái thác", một cán bộ cho hay.
"Bây giờ không chỉ riêng đồng phục mà một số nhu cầu khác như suất ăn, trung tâm tiếng Anh... đều từ trên. Danh sách họ phân bổ mỗi trường một số đối tác, còn nhà trường không trực tiếp lựa chọn".
Cô P.N, Hiệu trưởng Trường tiểu học X.
Dù cán bộ văn phòng Phòng GD&ĐT Thanh Xuân, Đống Đa phủ nhận nhưng một nguyên cán bộ từng làm việc tại một phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, nếu chỉ trực tiếp mang hồ sơ đến các trường chào mời thì khó "có cửa". Muốn thành công, nhà cung cấp phải có mối quan hệ, người quen giới thiệu.
Phóng viên liên hệ với ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy để làm rõ thông tin cho rằng, đơn vị này có chỉ định, giới thiệu nhà cung cấp đồng phục cho các trường. Ông Ngọc Anh yêu cầu PV qua văn phòng đặt nội dung làm việc và sẽ sắp xếp phản hồi sau.
Bỏ nghề vì hoa hồng, cắt phế
Kinh doanh đồng phục học sinh mang lại lợi nhuận khá tốt, anh K, người đồng hành với chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu. Anh cho in số điện thoại của cơ sở sản xuất lên mác, để phía trong áo, quần để phụ huynh liên lạc, mua hàng. Sau một thời gian ngắn, anh nhận được rất nhiều cuộc gọi của phụ huynh than phiền, thậm chí quát mắng.
"Ban đầu tôi bị sốc, nhưng tìm hiểu ra mới hiểu, phụ huynh bỏ ra 300.000 đồng cho một bộ đồng phục tôi bán 170.000 đồng. Nhận quá nhiều cuộc gọi, tôi ám ảnh, chán nản nên quyết định thay đổi", anh K nói. Hiện anh K không còn dám bán đồng phục học sinh mà chuyển sang cung cấp đồng phục công sở, hội nhóm.
Anh Trần Thanh Phương, nhân viên kinh doanh một cơ sở bán đồng phục trú tại phường Phú La (Hà Đông) cho biết, ngoài mối quan hệ thân quen, để thuyết phục được các trường phải cắt phần trăm cho hiệu trưởng hoặc cán bộ phụ trách. Giá cả đồng phục phụ thuộc nhiều vào chất liệu, sơ mi hay thể thao, màu sắc..., nhưng theo anh Phương, cơ bản nằm trong khoảng 120.000 - 170.000 đồng.
"Cty tôi có nhà xưởng, trực tiếp may đồng phục cho rất nhiều trường tại Hà Nội nhưng chưa bao giờ được ký hợp đồng trực tiếp mà phải qua môi giới. Chỉ có đấu giá công khai mới tạo ra cạnh tranh công bằng. Không quen biết, không ai cho mình chào giá, bán hàng vào", anh Phương nói.
Theo Tiền Phong
Không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới Các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học. Đó là một trong...