Loại rau dân dã ở Việt Nam chứa chất ngừa ung thư
Rau lang có nhiều tác dụng cho sức khỏe như phòng bệnh tim mạch, ung thư. Loại rau này không tốn công chăm sóc, phát triển nhanh.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Văn Giang (Hưng Yên), rau lang có tính bình, vị ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều lần củ khoai, vitamin C cao gấp 5 lần, vitamin B6 gấp 3 lần, riboflavin gấp 10 lần.
Y học cổ truyền cho rằng, rau lang không độc, thích hợp cho mọi đối tượng. Các tác dụng bao gồm nhuận tràng, chống táo bón, thanh nhiệt, phòng chống béo phì, tăng cường thị lực, bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh vàng da, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ và di tinh ở nam giới… Đây được xem là loại rau phòng chống các bệnh viêm đường tiêu hóa, thậm chí ung thư.
Theo các bác sĩ tại Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K ( Hà Nội), rau lang chứa nhiều các chất dinh dưỡng như các loại vitamin B, C, E, -caroten, biotin và các khoáng chất như magie, phốt pho, canxi, natri, kali, mangan, kẽm, đồng, sắt. Gần đây, các hợp chất có hoạt tính sinh học trong rau lang rất được quan tâm nhờ tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư, bảo vệ gan, điều hòa đường huyết và lipid máu.
Rau lang là loại rau dân dã nhưng có nhiều tác dụng tốt. Ảnh: Rauxanh
Rau lang có đặc tính chống oxy hóa nhờ các dẫn xuất của axit caffeoylquinic, quercetin, anthocyanin…. Nghiên cứu ghi nhận, vận động viên dùng 200g rau lang mỗi ngày trong 1-2 tuần giảm quá trình oxy hóa lipid, tăng glutathione trong máu, cải thiện khả năng chống oxy hóa trong huyết tương.
Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ rau lang có tác dụng chống ung thư mạnh với các loại tế bào ung thư ruột kết, vú, tiền liệt tuyến, đại trực tràng và phổi. Các polyphenol và anthocyanin điều chỉnh chu kỳ tế bào, cảm ứng gây chết tế bào, giảm tăng sinh thành mạch. IbACP tách chiết từ rau lang có khả năng ức chế dòng ung thư tuyến tụy.
Tại châu Phi và Indonesia, rau lang còn được sử dụng làm bài thuốc điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Một số nghiên cứu mô hình trên chuột đã ghi nhận tác dụng làm giảm lipid máu và chống xơ vữa mạch máu của rau lang. Các chất xơ không hòa tan trong rau lang cản trở sự hấp thu lipid ở ruột non.
Các hợp chất flavonoid và quercetin trong rau lang làm giảm sự hấp thu axit béo trong ruột thông qua điều chỉnh các enzym khác nhau liên quan đến chuyển hóa lipid và biểu hiện của các yếu tố phiên mã liên quan đến tổng hợp chất béo trung tính và cholesterol. Quercetin còn giảm hoạt động của lipase tuyến tụy, ức chế sự hấp thu cholesterol và triglycerid thông qua chất vận chuyển cholesterol và axit béo ở biểu mô.
Đối với tình trạng đường huyết cao, các flavonoid trong rau lang có thể thúc đẩy sự hấp thụ glucose ở mô ngoại vi và tăng cường bài tiết insulin, giảm tình trạng tự hủy của tế bào tuyến tụy. Ngoài ra, quercetin kích hoạt tái tạo tế bào trong tuyến tụy, gây tăng tiết insulin. Kết quả là làm giảm khả năng kháng insulin, chống lại bệnh tiểu đường. Tác dụng này đã được chứng minh trong nhiều thí nghiệm trên động vật.
Video đang HOT
Mặc dù các nghiên cứu trên người khẳng định tác dụng của rau lang chưa nhiều để đưa ra khuyến cáo và liều lượng sử dụng an toàn, việc dùng rau lang vẫn được khuyến khích. Trong đó, hấp là phương pháp nấu hiệu quả nhất để duy trì mức polyphenol và hoạt động chống oxy hóa của loại rau này.
Bắp cải ngon nhưng những người này không nên ăn
Bắp cải là loại rau quen thuộc trong mùa đông, loại rau này cũng rất tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.
Bắp cải là loại rau có nhiều vào mùa đông. Bắp cải vừa bổ dưỡng lại tốt cho sức khoẻ, nhưng không phải ai cũng có thể ăn. Dưới đây là những tác dụng của bắp cải và những người được khuyến cáo không nên ăn bắp cải.
Tác dụng của bắp cải
Thành phần dinh dưỡng và lượng vitamin trong bắp cải nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt và 3,6 lần so với khoai tây. Ngoài ra, vitamin A và P trong cải bắp kết hợp với nhau làm cho thành mạch máu bền vững hơn. Trong cải bắp còn có các chất chống ung thư như sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol-33 carbinol.
Tuy nhiên, còn rất nhiều tác dụng của bắp cải khác mà chúng ta ít biết tới. Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn nguồn các trang Femme actuelle, Healthline, Health đã chỉ ra những tác dụng của bắp cải như sau:
Bắp cải giúp tăng cường miễn dịch
Đảm bảo bạn cung cấp đủ vitamin C mỗi ngày là rất quan trọng. Vì cơ thể chúng ta không tạo ra vitamin này một cách tự nhiên nên chúng ta phải lấy nó từ thực phẩm. Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tạo ra collagen giúp vết thương mau lành và tăng cường hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tật.
Bắp cải chứa nhiều vitamin C. Trung bình trong 100g cải bắp chứa 35mg vitamin C. Loại vitamin này tác dụng chống oxy hóa và chống lại sự lão hóa tế bào, giúp giảm mệt mỏi và giảm căng thẳng. Các loại rau thuộc họ cải trong đó có cải bắp đã được chứng minh là giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Cải bắp cũng chứa vitamin B9, góp phần hình thành các tế bào hồng cầu và hoạt động bình thường của hệ thống thần kinh và miễn dịch.
Bắp cải giúp cải thiện sức khỏe của xương
Bắp cải chứa chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của xương và các chức năng đông máu trong cơ thể: vitamin K.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), khoảng 68 microgram vitamin K trong một chén bắp cải nấu chín. Quá ít vitamin K có thể dẫn đến giảm sức mạnh của xương, tăng nguy cơ phát triển chứng loãng xương cũng như các vấn đề về bầm tím và chảy máu.
Bắp cải ngon nhưng không phải ai cũng có thể ăn được
Giống như tất cả các loại rau họ cải, bắp cải là nguồn khoáng chất tuyệt vời như canxi, magiê và kali. Ba khoáng chất thiết yếu này có thể không thể thiếu trong việc bảo vệ xương khỏi suy thoái và khởi phát các tình trạng như loãng xương và suy yếu xương nói chung.
Bắp cải tốt cho tim của bạn
Bắp cải là loại rau thuộc họ cải và được chứng minh là có lợi ích chống viêm, do đó được khuyến khích cho những người có nguy cơ mắc bệnh tim. Theo một nghiên cứu, bắp cải rất giàu polyphenol, có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bằng cách hỗ trợ giảm huyết áp và ngăn ngừa sự hình thành tiểu cầu. Ngoài ra, bằng cách liên kết các axit mật, nó có thể giúp hỗ trợ giảm mức cholesterol xấu của bạn.
Theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh, những phụ nữ ăn nhiều rau họ cải - như bắp cải, súp lơ và bông cải xanh - ít có khả năng mắc bệnh gọi là vôi hóa động mạch chủ bụng, có thể là một yếu tố dự báo các biến cố tim mạch trong tương lai. Nghiên cứu kết luận rằng ăn nhiều rau họ cải có thể bảo vệ chống lại sự tích tụ canxi và cuối cùng có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Hợp chất trong bắp cải có thể hỗ trợ phòng bệnh ung thư
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, các loại rau họ cải, như bắp cải, chứa các hợp chất gọi là glucosinolate, là hóa chất chứa lưu huỳnh (chúng gây ra vị đắng mà nhiều loại rau họ cải có).
Trong quá trình chuẩn bị, nhai và tiêu hóa thức ăn, những glucosinolate đó sau đó được chia thành các hợp chất nhất định đã được kiểm tra về lợi ích chống ung thư của chúng. Hàm lượng glucosinolate trong bắp cải khiến nó có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa về lợi ích chống ung thư của các loại rau họ cải. Dù vậy, chúng vẫn là bổ sung lành mạnh cho bất kỳ chế độ ăn kiêng nào, vì vậy kết hợp chúng vào bữa ăn của bạn không bao giờ là một ý tưởng tồi.
Các hợp chất glucosinolate này cũng hạn chế sự phát triển của Helicobacter pylori - vi khuẩn có liên quan đến loét dạ dày. Vì vậy ăn bắp cải có thể giúp cải thiện hệ tiêu hóa.
Những người không nên ăn bắp cải
Bắp cải tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn bắp cải.
Báo VietNamNet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 cho biết, người táo bón hay tiểu ít không được ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín. Loại rau này không dùng cho người tạng hàn, nếu muốn dùng phải phối hợp với gừng tươi.
Những người suy thận nặng, người rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ cũng không nên ăn bắp cải. Trong rau này chứa một hàm lượng nhỏ goitrin là chất có tác dụng chống oxy hóa nhưng có thể gây bướu cổ.
Trên đây là những thông tin giải đáp về tác dụng của bắp cải cũng như những người được khuyến cáo không nên ăn bắp cải. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy hạn chế ăn bắp cải nhé.
Loại rau số một giúp hạ đường trong máu, bán nhiều vào mùa đông Bông cải xanh chứa chất xơ và sulforaphane có thể giữ lượng đường trong máu của bạn ổn định. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận bông cải xanh (súp lơ xanh) có vô số lợi ích từ đặc tính chống ung thư đến các chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe tim và não. Các loại rau họ cải cũng chứa nhiều chất...