Lộ trình thực hiện chương trình mới giáo dục phổ thông mới của Đà Nẵng ra sao?
Đà Nẵng cũng đề nghị Đại học Đà Nẵng mở mã ngành đào tạo và đào tạo số giáo viên còn thiếu khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với tiến độ thực hiện từ nay đến tháng 6 năm 2024.
Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN
Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2019 đến tháng 6 năm 2020:
Tổ chức rà soát đánh giá thực trạng đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có, thực hiện bổ sung đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục.
Lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng giáo viên và triển khai chương trình giáo dục phổ thông để tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ.
Tổ chức biên soạn và lấy ý kiến thẩm định chương trình giáo dục địa phương tại thành phố Đà Nẵng đối với lớp 1 và trình Bộ Giáo dục xem xét thẩm định và phê duyệt chương trình và tài liệu.
Sở Giáo dục chủ trì phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán và triển khai tập huấn, bồi dưỡng đại trà tại địa phương theo hình thức tập trung kết hợp với hình thức trực tuyến cho 100% giáo viên lớp 1.
Giai đoạn 2 từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021:
Tổ chức rà soát đánh giá thực trạng đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có, thực hiện bổ sung đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6 theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ.
Biên soạn và lấy ý kiến, thẩm định chương trình giáo dục địa phương đối với lớp 2 và lớp 6 để trình Bộ giáo dục thẩm định và phê duyệt. Đồng thời, hoàn thành các khoa bồi dưỡng giáo viên lớp 2 và lớp 6.
Giai đoạn 3 từ tháng 6 năm 2021 đến tháng 6 năm 2022:
Tổ chức rà soát đánh giá thực trạng đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có, thực hiện bổ sung đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo lộ trình.
Tổ chức biên soạn và lấy ý kiến thẩm định chương trình giáo dục địa phương đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 để trình Bộ Giáo dục thẩm định và phê duyệt.
Hoàn thành các khoa bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 3, lớp 7 và lớp 6; đảm bảo về đội ngũ và cơ sở vật chất cho các bộ môn.
Giai đoạn 4 từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023:
Tổ chức rà soát đánh giá thực trạng đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có, thực hiện bổ sung đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 4, lớp 8, lớp 1 theo lộ trình.
Video đang HOT
Tổ chức biên soạn và lấy ý kiến thẩm định chương trình giáo dục địa phương đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để trình Bộ Giáo dục thẩm định và phê duyệt.
Hoàn thành các khoa bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 4, lớp 8 và lớp 11; đảm bảo về đội ngũ và cơ sở vật chất cho các bộ môn.
Giai đoạn 5 từ tháng 6 năm 2023 đến tháng 6 năm 2024:
Tổ chức rà soát đánh giá thực trạng đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có, thực hiện bổ sung đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 5, lớp 9, lớp 12 theo lộ trình.
Tổ chức biên soạn và lấy ý kiến thẩm định chương trình giáo dục địa phương đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12 để trình Bộ Giáo dục thẩm định và phê duyệt.
Hoàn thành các khoa bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 5, lớp 9 và lớp 12; đảm bảo về đội ngũ và cơ sở vật chất cho các bộ môn.
Theo kế hoạch này thì Ủy ban nhân thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Đại học Đà Nẵng mở mã ngành đào tạo và đào tạo số giáo viên còn thiếu khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thực hiện đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của thành phố.
Chỉ đạo Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng thực hiện tốt việc đao tạo bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình và kế hoạch quy định của Bộ Giáo dục.
Trong bản kế hoạch này, Đà Nẵng cũng yêu cầu các Sở ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận/huyện phối hợp triển khai thực hiện được hiệu quả.
AN NGUYÊN
Theo giaoduc.net.vn
Các điểm mới trong bồi dưỡng giáo viên triển khai chương trình phổ thông 2018
Theo đó, giáo viên sẽ không thụ động ngồi nghe mà làm việc chính, thực hiện các bài thực hành, kiểm tra... dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
Nhân tố được xem là quyết định thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới là đội ngũ giáo viên.
Chính vì vậy việc bồi dưỡng giáo viên luôn là vấn đề rất được quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Theo lộ trình, năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới hay còn gọi là chương trình 2018 sẽ bắt đầu triển khai đối với lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu đến năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn tất ở tất cả các khối lớp.
Để đảm bảo tiến độ này, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rốt ráo tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ nguồn, giảng viên Sư phạm chủ chốt để tới đây những người này tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông.
Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng để đội ngũ này nắm chắc chương trình, biết đổi mới tư duy dạy học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là đặc biệt quan trọng.
Bồi dưỡng giáo viên luôn được xem là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh minh họa - nguồn giaoduc.net).
Việc bồi dưỡng giáo viên không chỉ là bồi dưỡng để thay chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới mà còn kết hợp với bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực người thầy theo chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng mà Bộ đã ban hành.
Nội dung chương trình bồi dưỡng đối với giáo viên sẽ tập trung vào đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá;
Với Hiệu trưởng tập trung vào quản trị nhà trường; với cán bộ quản lý Sở/phòng tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo, quản lý giáo dục...
Trọng trách tập huấn, bồi dưỡng giáo viên phổ thông lần này được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho 8 trường Đại học Sư phạm trọng điểm và Học viện Quản lý giáo dục trực tiếp thực hiện, với sự phối hợp của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường phổ thông và dưới chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước đây, việc bồi dưỡng giáo viên do các Vụ chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.Đây là lần đầu tiên trường Sư phạm tham gia, chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác này.
Các trường đại học sư phạm được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên gồm: trường Đại học Sư phạm Hà Nội;
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên;
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế; Đại học Vinh; trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Học viện Quản lý giáo dục.
Các trường này tùy theo năng lực chuyên môn và phân vùng địa lý, sẽ phụ trách bồi dưỡng giáo viên cho một số tỉnh thành nhất định.
Gần 7.000 tổ trưởng chuyên môn, 28.000 giáo viên cốt cán các cấp học, 4.000 Hiệu trưởng trường phổ thông và hơn 1.000 cán bộ quản lý cấp Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ được giảng viên của các đại học trực tiếp tập huấn, bồi dưỡng.
Đội ngũ cốt cán này sau đó sẽ trở lại địa phương để bồi dưỡng tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên đại trà.
"Việc trường đại học sư phạm chịu trách nhiệm trực tiếp bồi dưỡng giáo viên là một thay đổi lớn, chưa có tiền lệ.
Phương án này và cơ chế kết hợp giữa trường sư phạm với Sở Giáo dục và Đào tạo, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tạo ra sự thống nhất, bài bản trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, khắc phục những hạn chế của cách làm trước đây", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Điểm mới khác trong cách thức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên chương trình 2018 là kết hợp bồi dưỡng trực tiếp và qua mạng.
Với các video trao đổi gốc, học liệu gốc về chương trình tổng thể, chương trình môn học, nguyên lý, mục tiêu, yêu cầu cần đạt... của chương trình giáo dục phổ thông mới, được đưa lên mạng, tất cả các giáo viên đều có thể tiếp cận để nghiên cứu, học tập.Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (ETEP), cách làm này nhằm khắc phục được nhược điểm "suy giảm chất lượng" sau mỗi đợt giáo viên F1 tập huấn cho F2 rồi F2 tập huấn lại cho F3 của mô hình bồi dưỡng trực tiếp vẫn áp dụng trước nay.
Trước khi tham dự bồi dưỡng trực tiếp, các giáo viên đều phải nghiên cứu trước các tài liệu này để nắm được các vấn đề cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Những học liệu trên sẽ tồn tại mãi trên hệ thống online, giúp thầy cô thoải mái đọc, học, nghiên cứu nhiều lần.
Trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến có diễn đàn để giáo viên khi thấy khúc mắc, khó khăn có thể trao đổi ngay và giảng viên chủ chốt, giáo viên cốt cán sẽ giải đáp lại.
Việc tập huấn qua mạng cho giáo viên phổ thông được thực hiện trước trong và sau khi bồi dưỡng tập trung, kéo dài suốt quá trình giáo viên tự bồi dưỡng sau đó.
Công tác này được thực hiện một cách có tổ chức, có quản lý, theo dõi giám sát, nhắc nhở những người không tham gia hoặc lên mạng nhưng không học.
Sau khi học online để nắm cơ bản các nội dung, nguyên lý, yêu cầu cần đạt của chương trình tổng thể, chương trình môn học, các giáo viên sẽ được tập huấn trực tiếp với cách thức và quan điểm làm việc mới.
Từng 10 năm bồi dưỡng giáo viên tiểu học cho chương trình hiện hành, tiến sĩ Nguyễn Minh Giang - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mô hình bồi dưỡng giáo viên trước nay là giảng viên đưa ra lý thuyết của những vấn đề cụ thể muốn bồi dưỡng trong sách giáo khoa rồi hướng dẫn giáo viên thực hành.
Giáo viên khi đó chỉ làm theo những gì được hướng dẫn rồi về áp dụng lại để giảng dạy cho học sinh.
Quá trình dạy học sau đó nếu gặp những vấn đề chưa được bồi dưỡng, giáo viên có thể bị khó khăn trong giải quyết.Cách bồi dưỡng kiểu "cầm tay chỉ việc" này dễ dàng cho người dạy và học nhưng có hạn chế lớn là khiến thầy cô thụ động, không tư duy tổng quan, ít sáng tạo.
Tiến sĩ Giang do đó đánh giá cao mô hình bồi dưỡng giáo viên của chương trình 2018 khi yêu cầu giáo viên phải tự chủ, tự học, phải tìm hiểu cặn kẽ tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt... của chương trình tổng thể, chương trình môn học để nắm bắt được từ gốc đến ngọn của chương trình.
Cách bồi dưỡng chỉ căn cứ vào sách giáo khoa trước đây chỉ giúp giáo viên nắm được phần ngọn của vấn đề. "Từ cơ sở lý thuyết vững chắc về chương trình giáo dục phổ thông mới, hiểu căn cơ các phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, việc thực hành và giải quyết các vấn đề trong quá trình giảng dạy của giáo viên chắc chắn sẽ hiệu quả hơn", tiến sĩ Nguyễn Minh Giang nói.
"Phải biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh trong nhiều lần trong các hội nghị về chuẩn bị triển khai tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được tổ chức gần đây.
Ông cho biết, phương thức bồi dưỡng theo kiểu giảng viên truyền thụ kiến thức với một số nội dung có sẵn và giáo viên cũng mang cái có sẵn đó về giảng dạy cho học sinh sẽ được thay đổi.
Theo đó, giáo viên sẽ không được thụ động ngồi nghe mà các thầy cô sẽ là người làm việc chính, thực hiện các bài thực hành, kiểm tra... dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
Nhận thức rằng, việc thay đổi nhận thức, thái độ, thói quen, cách làm... trong bồi dưỡng giáo viên là một thách thức lớn, cần sự đồng thuận, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ do đó đề nghị mỗi cá nhân, tập thể được phân công trách nhiệm phải nhận thức đầy đủ, quan tâm sát sao tới công việc quan trọng này và xây dựng kế hoạch làm việc khách quan, khoa học, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần báo cáo lên Bộ để có những tư vấn, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Trinh Phúc
Theo giaoduc.net
Giúp học sinh khuyết tật tiếp cận giáo dục toàn diện Xuất phát từ sự đồng cảm với học sinh khuyết tật, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã hoàn thành đề tài "Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh khuyết tật tại Đà Nẵng". Đề tài này vừa đạt giải nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học...